Nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2019), Báo Nghệ An giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về công cuộc phòng chống tham nhũng và xây dựng Đảng hiện nay.
ừ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đó là nói về Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ và mong muốn trong tương lai. Những đứa con trung hiếu của dân, được nhân dân sinh ra, nuôi dưỡng và đùm bọc, đã tự nguyện lập ra Đảng để cùng nhau đi tiên phong chiến đấu vì độc lập dân tộc. “Dân tộc, dân chủ” là mục tiêu lớn nhất, bao trùm mà Đảng đã nêu ra khi thành lập. Với lý tưởng đó, hàng vạn chiến sỹ cộng sản đã chiến đấu kiên cường và hy sinh dũng cảm cho độc lập dân tộc và nền dân chủ của nước nhà.
Bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng lãnh đạo và cùng với nhân dân giành lại một đất nước đã mất, đem lại tự do cho một dân tộc bị nô lệ, xóa bỏ chế độ quân chủ, lập ra nhà nước dân chủ. Liền sau đó là cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, khắp năm châu đã biết đến một quốc gia Việt Nam độc lập kiên cường từ một xứ thuộc địa lạc hậu. Nối tiếp là cuộc trường chinh 21 năm ròng để thống nhất non sông.
Thắng lợi của sự nghiệp vĩ đại ấy là công lao to lớn của cả dân tộc, với sự lãnh đạo của Đảng, và có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Đó là một thực tế lịch sử không thể phủ nhận.
Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng đã chủ trương thực hiện công cuộc đổi mới hơn 30 năm nay và đang tiếp tục. Cuộc đổi mới này cũng là một cuộc trường chinh nữa. Thành tích và khuyết điểm, tiến bộ và lạc hậu, đổi mới và bảo thủ vẫn còn lẫn lộn, đan xen.
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã có nhiều công lao và cũng có không ít khuyết điểm, kể cả sai lầm. Trong các nghị quyết của Đảng đã nhìn thấy và chỉ ra phần lớn; có những việc đã sửa sai trên thực tế. Đảng là một cơ thể sống, có ưu và có khuyết, có đúng và có sai. Mà đảng nào, nhà nước nào cũng vậy, chỉ khác nhau về tỷ lệ nhiều ít, ở động cơ và tính chất, đặc biệt là nhìn thấy và sửa chữa nhanh hay chậm. Những người tâm huyết luôn mong muốn Đảng ta giữ được tính chất “vì nhân dân”, đó là tính chất quan trọng nhất, hết sức cầu thị, luôn lắng nghe những ý kiến của nhân dân, để sớm tiếp thu và nhanh chóng chỉnh sửa các chủ trương không phù hợp cũng như đổi mới bản thân Đảng. Tin rằng, khi Đảng làm như vậy thì nhân dân sẽ hết lòng ủng hộ. Được sự ủng hộ của nhân dân thì sẽ có tất cả, đó mới chính là sức mạnh vô địch của một đảng cầm quyền. Mất đi sự ủng hộ của nhân dân, Đảng sẽ không còn sức mạnh.
Một vài nhiệm kỳ trước, thấy tình trạng thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên có thời điểm gần như báo động đỏ, lòng tin trong dân chúng đã suy giảm, nhiều người tâm huyết buồn phiền. Một mặt thì lo Đảng đổ vỡ, những kẻ cơ hội chính trị sẽ tranh giành nhau quyền lực, đất nước bất ổn về chính trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phát triển; mặt khác thì cho rằng nếu khi Đảng hỏng quá nặng, không sửa được, thì trước sau gì cũng đổ vỡ, mà cũng chẳng cần phải giữ bởi vì Đảng chân chính đã không còn. Cả hai đều có những lý lẽ đáng suy ngẫm. Nhưng rồi Ban lãnh đạo Đảng ta và những đảng viên tâm huyết đã tìm ra hướng đi và quyết tâm thực hiện. Thủy chung là nhân cách đáng trân trọng. Những chiến binh quả cảm không thể rời bỏ con tàu khi nó gặp hiểm nguy, mà phải trụ lại và chiến đấu đến cùng để bảo vệ con tàu và cuộc hành trình theo hướng đúng.
Nhiều nhà quản lý và khoa học đã gọi tham nhũng là “giặc nội xâm”, bởi hậu quả nghiêm trọng và tính chất phức tạp của vấn đề. Chống tham nhũng quả là một cuộc chiến gay go dù không có tiếng súng. Cuộc chiến ấy vô cùng phức tạp và khó khăn, không có chiến tuyến rõ ràng, “địch” nằm sâu trong hàng ngũ ta và không ít trường hợp còn là người chỉ huy ở các cấp, thậm chí rất cao, ta đã trao quyền lực cho “đối phương”. Thậm chí “địch” còn chui vào ẩn nấp trong bản thân mỗi người, kể cả những cán bộ chức to, và chiến thắng bản thân luôn là cuộc chiến khó khăn nhất trong thời bình, khi có trong tay quyền lực. Việc phòng, chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, liên tục trong các nhiệm kỳ. Không chỉ chủ trương mà nhiều lần đã tổ chức thực hiện khá nghiêm túc. Nhưng kết quả nhìn chung vẫn chưa tốt, chưa đạt yêu cầu, tình trạng tham nhũng vẫn có tăng kèm theo tính phổ biến và phức tạp tăng. Đến cuối nhiệm kỳ XI, tình hình tư tưởng trong Đảng và bộ máy Nhà nước nhiều biểu hiện phức tạp, niềm tin về cuộc chiến chống tham nhũng đã đáng báo động, nhiều người có cảm giác như lãnh đạo đất nước bất lực trước tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”.
Từ sau Đại hội XII của Đảng, cuộc chiến chống tham nhũng đã có những bước tiến mới, mạnh mẽ và đạt được một số kết quả rất quan trọng, đáng khích lệ, niềm tin được khôi phục dần, có người bảo “vẫn còn hồng phúc”, dù cuộc chiến đang còn nhiều gian nan chứ không phải đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Thế mới là đúng chứ! Một đảng dày dạn, bản lĩnh như vậy mà chẳng lẽ lại để cho đất nước bị tham nhũng hoành hành, “lợi ích nhóm” khuynh đảo. Sẽ là có tội với tiền nhân và hậu thế, với những chiến binh đã ngã xuống và với lớp trẻ đang có nhiều mơ ước. Nếu như các nhiệm kỳ trước đây cũng thực hiện như vậy thì có lẽ tình trạng tham nhũng ở nước ta không đến nỗi phức tạp như bây giờ. Ấy như là bệnh để lâu ngày dẫn đến lây lan, di căn, trở nên nghiêm trọng và khó chữa.
Tại sao các nhiệm kỳ trước không làm được như nhiệm kỳ XII? Nhất định có sự khác nhau ở mức độ sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm, sự gương mẫu và kiên quyết của cán bộ chủ chốt, trước nhất là ở cấp Trung ương. Không phải mấy nhiệm kỳ trước không thấy được tham nhũng có nguy hại như thế nào, nhưng điểm đáng lưu ý ở đây là xuất phát từ thực tế tình trạng suy thoái, tham nhũng đã đến mức “báo động đỏ”, nếu không khẩn cấp giải quyết thì trước sau gì cũng sẽ có đổ vỡ, mà chẳng lẽ lại bất lực đầu hàng. Thực tế của tình hình đã bức xúc hơn nhiều so với trước đây. Còn trách nhiệm của lãnh đạo? Không thể nói rằng lãnh đạo chủ chốt mấy nhiệm kỳ trước đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong cuộc chiến chống tham nhũng. Hầu hết các vụ tham nhũng lớn đang giải quyết hiện nay đã phát sinh từ mấy nhiệm kỳ qua, nhiều vụ cũng đã phát hiện từ trước nhưng không được giải quyết dứt điểm mà nể nang, hữu khuynh, né tránh, hoặc bị hối lộ mua chuộc, bảo kê, làm cho qua chuyện. Còn nữa là sự gương mẫu và kiên quyết của lãnh đạo. Một số người lãnh đạo các cấp cũng đã dính vào tham nhũng, “lợi ích nhóm”, bàn tay đã “nhúng chàm”, nói không đi đôi với làm, thực chất là không trung thực, làm mạnh thì sợ đụng đến “người nhà”. Do yếu kém, không gương mẫu về đạo đức và không đủ bản lĩnh vượt qua chính mình nên không thể kiên quyết. Những người lãnh đạo như vậy chẳng những không nêu gương tốt mà còn làm việc xấu gây suy đồi đạo đức. Thượng bất chính thì hạ tất loạn. Ở trên tham nhũng thì ở dưới tội gì mà không kiếm chác. Vậy là trong bộ máy có những bộ phận bị hỏng dây chuyền từ trên xuống dưới.
Cuộc chiến chống tham nhũng đang tiến hành cần lưu ý điều gì để nâng cao hiệu quả? Trước tiên nên khẳng định, làm được như vừa rồi là tốt, rất đáng hoan nghênh và khích lệ. Tất nhiên không thể dừng lại nửa chừng, không thể để cho dư luận hiểu nhầm hoặc có ai đó lấy cớ để xuyên tạc là vẫn còn “vùng cấm”, có “bao che” và “không công bằng”, có phân biệt “củi nhà” và “củi rừng”, mà phải tiếp tục một cách kiên quyết, công bằng và minh bạch, “công pháp bất vị thân”. Sự thoái hóa đạo đức nếu để đến mức “vượt ngưỡng” thì không thể quay trở lại, mà sẽ dẫn đến đổ vỡ. Đổ vỡ để làm lại từ đầu cũng là một tất yếu của lịch sử khi không thể khác và dù không ai muốn thế. Và khi đó sẽ tổn thất nhiều công sức, thậm chí không khéo còn đổ máu, bỏ lỡ cơ hội và bị hỏng môi trường phát triển của quốc gia và dân tộc, lại tiếp tục tụt hậu. Tốt nhất là phải chặn đứng cho được sự suy thoái, chặn đứng tình trạng tham nhũng. Các triều đại phong kiến thuở xưa cũng vậy, khi đất nước thái bình thì “Rùa Vàng” nổi lên đòi lại thanh kiếm để nhắc nhở các quân vương không cai trị quốc gia bằng vũ lực. Nhưng khi có giặc nội xâm làm loạn, đục khoét đất nước của tổ tiên để lại, thì các minh quân phải dùng đến thanh bảo kiếm để dẹp loạn. Đó là việc cần phải làm.
Tuy nhiên, chống tức là phải đi giải quyết một cách bị động những việc đã xảy ra, đã gây hậu quả rồi, dù có làm tốt đến bao nhiêu thì cũng đã tổn thất. Trong bối cảnh khi giải quyết được một vụ cũ thì có thể đã phát sinh mấy vụ mới, cứ thế “đầu vào” vẫn phát sinh, các vụ việc tồn đọng vẫn không giảm, chưa biết khi nào mới hết. Cho nên có nhiều người lo lắng rằng, khi một số đồng chí lãnh đạo tốt và kiên quyết chống tham nhũng nghỉ hưu thì ai sẽ tiếp tục chống, chưa biết khi đó tình hình sẽ ra sao, có trở lại như cũ không. Vậy nên, song song với cuộc chiến chống tham nhũng, cần thiết phải tiến hành tích cực một cuộc cải cách mạnh mẽ về cơ chế, thể chế quản trị quốc gia, trong đó đặc biệt là việc kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực bằng quyền lực Nhà nước và thực thi dân chủ, dựa vào nhân dân để làm trong sạch bộ máy, để ngăn ngừa, để chặn “đầu vào” của các vụ tiêu cực. Việc cải cách này thậm chí còn quan trọng và hiệu quả hơn, cơ bản và triệt để hơn, vì nó giải quyết từ nguyên nhân sâu xa của vấn đề.
Thực tế chống tham nhũng mấy năm nay cho thấy một thực tế, cấp trên cao nhất thì tích cực, nhưng các cấp dưới tại địa phương và các ngành thì nhiều nơi vẫn chưa “động”, không tích cực, còn thụ động, né tránh, cứ như là chuyện ở đâu chứ chỗ mình không có, ấy là chưa kể trường hợp tìm cách che giấu, đối phó. Cần phải làm “chuyển động” cho được ở bên dưới, để toàn Đảng và bộ máy Nhà nước chủ động và tích cực chống tham nhũng. Ngoài chuyện đôn đốc bên dưới, rất cần phải có cải cách mạnh mẽ về thể chế để gắn trách nhiệm của cán bộ chủ chốt từng cấp, từng ngành nhằm tạo chuyển động chung một cách bền bỉ, thường xuyên, nâng cao sức đề kháng của cơ thể Đảng và Nhà nước. Mặt khác, cần có cơ chế để nhân dân tham gia chống tham nhũng với tư cách là những người làm chủ, phải dựa vào dân mà chiến đấu, tăng sức đề kháng của cơ thể xã hội. Khi người chủ không làm chủ hoặc không được làm chủ thì “đầy tớ” lộng hành là chuyện đương nhiên. Nếu để cho một đảng, một nhà nước và một cộng đồng xã hội mất sức đề kháng thì khác nào bệnh “liệt kháng”- căn bệnh thế kỷ mà cả loài người đang quan tâm. Để tạo ra một cộng đồng và một môi trường không còn nơi ẩn nấp cho tham nhũng, thì ngoài việc phát động tinh thần, tích cực xử lý kiên quyết các vụ tham nhũng, còn việc quan trọng nữa, quan trọng hơn, quan trọng nhất, cơ bản và hiệu quả bền vững, như đã nói, là cần tập trung công sức cho cuộc cải cách cơ chế, thể chế, kiểm soát quyền lực, đổi mới căn bản công tác cán bộ và công tác tư tưởng.
Khi quyền lực không được kiểm soát tốt thì thoái hóa là tất yếu. Muốn chiếm giữ nhiều quyền lực và của cải là hai trong số các bản năng vốn có của con người. Họ chỉ không làm khi không thể làm được. Còn nữa là sự cải cách công tác cán bộ, cần có tranh cử thực chất, bình đẳng thay cho sắp đặt theo ý chí chủ quan của lãnh đạo và cơ quan tổ chức để tránh “hôn nhân cận huyết” và xa rời quy luật “chọn lọc tự nhiên” mà tất yếu sẽ dẫn đến thoái hóa. Thêm nữa là đổi mới căn bản công tác tư tưởng, nhất là tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, mở rộng phản biện, để tăng sức đề kháng của cơ thể xã hội và tham gia trực tiếp vào công cuộc khai hóa văn minh, nhằm phát triển năng lực tư duy độc lập và bản lĩnh của một cộng đồng dân tộc, một tập thể đảng, không để cho các cộng đồng ấy bị thụ động và xơ cứng. Nói đến tự do tư tưởng, tự do ngôn luận thì thường vẫn có ý kiến lo ngại mất kỷ cương. Nỗi lo ấy dễ thông cảm, nhưng đồng thời cũng thể hiện chưa nhận thức đúng đắn vấn đề tự do và dân chủ theo nghĩa khoa học và chân chính. Không thể vì sợ người khác lợi dụng bởi động cơ xấu mà chúng ta từ bỏ những việc đúng cần làm, giống như ngại khó khăn mà từ bỏ lý tưởng.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng và mùa Xuân mới đang đến, chúng tôi mạnh dạn bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở, với niềm tin về kết quả năm qua và những kỳ vọng mới đối với Đảng tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng với kết quả ngày càng bền vững hơn, để cho hệ thống chính trị được trong sạch, xứng đáng là “con nòi” của dân tộc và đặc biệt là đẩy mạnh cải cách để sớm đưa nước ta lên ngang hàng các quốc gia phát triển. Phát triển, nhân văn, dân tộc và dân chủ là mục tiêu thiêng liêng và cũng là con đường để tiến tới chủ nghĩa xã hội chân chính và thực chất.