Ngót 40 năm đã trôi qua, những người lính trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc vẫn lưu giữ vẹn nguyên ký ức những ngày tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt và anh dũng. Với họ, đó là một trong những chặng đời rất đáng ghi nhớ để lưu lại cho thế hệ cháu con về một thời oanh liệt của “Những người đi giữ biên cương” (tên một cuốn sách vừa xuất bản do Ngô Văn Học chủ biên).
Ở xã Tào Sơn (Anh Sơn) có 4 cựu chiến binh (gồm Lê Ngọc Tụy, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Viết Bản và Nguyễn Văn Quế) từng là lính của Sư đoàn 356 (Quân khu 2). Đây là một trong những sư đoàn tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) gần như suốt thời gian diễn ra cuộc chiến (1979 – 1989). Giờ đây, sau mấy chục năm trở về với quê hương, người tham gia công tác xã hội, người tay cày, tay cuốc nhưng tất cả đều lưu giữ những dòng ký ức thiêng liêng. Mỗi khi gặp nhau, những kỷ niệm chiến trường lại ùa về, những người lính năm xưa như được sống lại trong không khí của chiến trận với bao nỗi vui, buồn.
“Năm ấy, tôi mới nhập ngũ, vừa huấn luyện xong thì nổ ra chiến sự ở biên giới phía Bắc, đơn vị được lệnh lên đường. Có mặt trong đội hình Sư đoàn 316B (Quân khu 4, về sau đổi thành Sư đoàn 356, thuộc Quân khu 2) hành quân từ Nghệ An ra Bắc, dọc đường hát vang khúc ca “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”. Lời ca và bước chân đưa tiễn của hậu phương đã thôi thúc chúng tôi tiến bước và quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biên cương” – ông Lê Ngọc Tụy nhớ lại.
Xuất phát cùng một thời điểm, 4 người con của quê hương Tào Sơn đều thuộc quân số của Sư đoàn 356, tiến thẳng lên Hà Giang chiến đấu với quân xâm lược Trung Quốc. Dọc đường hành quân, chứng kiến cảnh làng xóm, nhà cửa tan hoang, cây cối ngổn ngang, núi đồi trơ trụi – hậu quả của những trận pháo kích và tập kích của kẻ thù, nỗi căm thù dâng lên tột độ.
Ông Nguyễn Văn Chiến kể: “Tại đây, chiến sự diễn ra vô cùng khốc liệt, địch ỷ thế quân số đông tràn lên đánh chiếm, quân ta kiên quyết bám giữ từng tấc đất, cả hai bên phải gánh chịu nhiều thương vong, nhiều đồng đội đã hy sinh anh dũng. Địch thường dùng hỏa lực và pháo kích từ bên kia biên giới vào trận địa, biến những dãy núi đá thành “lò vôi thế kỷ”, gây cho ta nhiều thiệt hại. Đơn vị chúng tôi vẫn bám sát trận địa, đẩy lùi từng đợt tiến công của địch, giữ vững từng tấc đất biên cương”.
Đặc biệt, có những thời điểm giao tranh ác liệt, địch liên tục nã pháo vào trận địa, những người lính của Sư đoàn 356 phải vào hang đá canh giữ và trú ẩn, ăn uống hết sức kham khổ, ghẻ lở khắp người. Vậy nhưng, mỗi khi nhận được lệnh xuất kích, tất cả cùng xông lên chiến đấu, người trước ngã xuống, người sau vượt lên, từng bước đẩy quân thù về bên kia biên giới. “Hồi đó, chúng tôi ý thức được phía sau mình là đồng bào, là quê hương, đất nước nên không được phép lùi, phải khẳng định quyết tâm chiến đấu, buộc kẻ thù phải nhụt chí” – ông Nguyễn Văn Quế tâm sự. Sau 3 năm chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên ác liệt, 4 người lính ở xã Tào Sơn được xuất ngũ, những đồng đội thuộc thế hệ sau tiếp tục chiến đấu trên mảnh đất này.
Cũng trở về từ chiến trường biên giới phía Bắc, cựu chiến binh Bùi Công Dung ở xóm 1, xã Tường Sơn (Anh Sơn) từng là lính đặc công thuộc Trung đoàn 779 (thuộc BTL Đặc công). Trung đoàn hoạt động chủ yếu ở địa bàn Quảng Ninh, nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp chiến đấu với các đơn vị bộ binh bảo vệ vành đai Móng Cái. Là đơn vị đặc công nên ông Dung và đồng đội thường được giao nhiệm vụ trinh sát, tổ chức luồn sâu vào lòng địch, nắm rõ địa điểm đóng quân, hệ thống cầu, cống, kho tàng và tìm cách phá hủy.
Có những lần, đơn vị đã tiến sâu vào đất địch khoảng 30 km, nắm được nhiều thông tin quan trọng, tạo thuận lợi cho quá trình phòng thủ của các đơn vị trên các cao điểm gần biên giới. “Không ít lần chúng tôi đã luồn sâu vào lòng địch để phục kích, đối mặt với quân địch có quân số đông hơn hàng chục lần. Nhờ được huấn luyện kỹ càng và tuân thủ phương án, kế hoạch tác chiến nên đã tiêu hao được lực lượng của địch, gây cho chúng hoảng loạn và buộc phải rút quân” – ông Dung kể lại.
Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, đơn vị của ông Bùi Công Dung còn được giao làm công tác dân vận. Bởi lẽ, cộng đồng người Mán (tên gọi khác của dân tộc Dao) ở vùng biên giới lúc ấy bị kẻ thù lôi kéo, thậm chí trang bị vũ khí để đánh lại bộ đội ta.
Những người lính của Trung đoàn 779 phải từng bước tiếp cận các bản làng và cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con người Mán để vận động. Ban đầu, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng rồi trước sự kiên trì, nhiệt tình và chân thành của các chiến sỹ, bà con đã không nghe theo lời xúi giục của kẻ thù. Ông Dung chia sẻ: “Làm công tác dân vận, “3 cùng” với bà con người Mán, càng hiểu rõ hơn sự thâm độc của kẻ thù. Rất may bà con đã nghe theo lời bộ đội, nếu không cuộc chiến đấu sẽ khó khăn hơn nhiều”.
Để lại một cánh tay ở Mặt trận Lạng Sơn, ông La Thái Bình – một cựu chiến binh người Đan Lai ở khu tái định cư bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) luôn tự hào vì được có mặt ở một trong những nơi chiến sự nóng bỏng nhất. Là một trong những người có mặt sớm tại chiến trường biên giới phía Bắc, ông Bình và đồng đội đã chiến đấu dũng cảm, không quản ngại hy sinh, liên tiếp chống cự và bẻ gãy những đợt phản công của quân bành trướng xâm lược đến từ bên kia biên giới.
Ông nhớ lại: “Suốt mấy tuần liền, chúng tôi chiến đấu không ngơi nghỉ, băng rừng tìm địch để đánh. Trong một lần hành quân, không may vấp phải mìn của địch, cánh tay trái bị thương nặng, tôi buộc phải chuyển về tuyến sau để phẫu thuật cắt bỏ. Lúc ấy, rất nhiều đồng đội hy sinh và bị thương nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục xông lên chiến đấu”.
Có thể nói, thời gian đã lùi xa nhưng những kỷ niệm về những tháng năm tham gia cuộc chiến biên giới phía Bắc luôn còn vẹn nguyên trong trí ức của các cựu binh. Đặc biệt là những người lính trực tiếp cầm súng và chiến đấu đánh đuổi quân thù, bảo vệ biên cương, Tổ quốc sẽ mãi khắc ghi những giây phút oanh liệt, hào hùng trong trang sử của dân tộc.