Qua 3 năm triển khai thực hiện chủ trương thúc đẩy chất lượng giáo dục “đi” từ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, kết thúc năm học 2018 – 2019, qua khảo sát, toàn huyện Kỳ Sơn chỉ còn 123/275 giáo viên tiểu học thuộc diện không dạy được toàn cấp, trong đó có 8 giáo viên không thể bố trí đứng lớp. Hiện cũng đã có 27 giáo viên xin nghỉ trước tuổi, 2 giáo viên tự giác xin chuyển sang phục vụ và 5 giáo viên xin chuyển xuống bậc mầm non. Ở bậc THCS, từ 119 giáo viên nay chỉ còn 19 giáo viên không đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn. Trong đó, đã có 5 giáo viên xin nghỉ trước tuổi, 2 giáo viên xin chuyển công việc sang làm phục vụ và 2 giáo viên có đơn xin đi học nghiệp vụ để chuyển xuống bậc mầm non.
Việc đánh giá đó đã làm thay đổi nhận thức của lãnh đạo, giáo viên các nhà trường. Thầy giáo Nguyễn Thế Vĩnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 nói: Lâu nay, chúng ta vẫn dễ dãi khi đánh giá giáo viên, nhưng chính điều đó lại tạo ra một tập thể không hoàn thiện và hệ lụy lớn nhất là ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ học trò, ảnh hưởng đến toàn xã hội. Tôi nghĩ, qua đánh giá này, giáo viên “được” nhiều hơn mất và nếu không thay đổi thì sẽ trở nên tụt hậu và không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Do số giáo viên chưa đạt yêu cầu vẫn còn khá nhiều, nên theo kế hoạch, trong năm học 2019 – 2020, việc đào tạo sẽ vẫn tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, càng về cuối, việc bồi dưỡng sẽ khó khăn gấp nhiều lần, vì đây đa phần đều là những người đã có tuổi, năng lực hạn chế và ngại thay đổi. Ở Trường Tiểu học Mỹ Lý 1, từ 8 giáo viên không đạt yêu cầu, hiện trường còn lại 4 giáo viên đang thuộc nhóm C (trong đó có 2 người chưa đạt cả 2 môn và 4 người chưa đạt 1 môn). Dù đang ở tốp cuối nhưng cô giáo Vi Thị Liên (45 tuổi) – 1 trong 2 người thuộc diện kém nhất cũng thừa nhận: Mấy năm qua tôi được bồi dưỡng, đồng nghiệp kèm cặp khá nhiều nhưng “già rồi không cố được nữa”. Vì thế, hiện tại “nhược điểm” vẫn nhiều hơn “ưu điểm”, nên mỗi khi làm bài kiểm tra đánh giá, giáo viên dự giờ là thường “run” và viết sai do chưa nắm chắc kiến thức. Trao đổi với thầy giáo Đặng Ngọc Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lý, được biết: Việc đào tạo lại gặp nhiều khó khăn vì các giáo viên trong diện phải đào tạo lại mới hoàn thành chương trình tiểu học, hoặc chủ yếu thuộc diện cử tuyển và thiếu kiến thức nền cơ bản.
Một điều đáng lo ngại, đó là dù vẫn đang còn hơn 100 giáo viên chưa đạt yêu cầu, nhưng vì thiếu giáo viên nên năm học 2019 – 2020 này đối với các giáo viên ấy vẫn phải giảng dạy công việc bình thường. Trong đó, có những người sẽ chuyển sang giáo viên bậc 2 (giáo viên dạy môn phụ ở bậc tiểu học), có những người xin chuyển công tác sang trường khác hoặc sang địa phương khác và rất nhiều giáo viên từ điểm chính sẽ được điều về dạy ở các điểm lẻ…
Với mục đích chính là bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên nên trong thời điểm này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn đang gặp khó khăn trong giải quyết những bất cập trong đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ. Ông Nguyễn Văn Thiết – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn thừa nhận: Nếu thực hiện một cách nghiêm túc, thì nếu giáo viên 2 năm liên tục bồi dưỡng không đạt yêu cầu, đồng nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ và có thể xem xét buộc thôi việc hoặc có thể tinh giản biên chế. Nhưng, như vậy rất khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. Ngay cả thời điểm này, dù một số giáo viên xin chuyển đổi công tác, nhưng chúng tôi cũng chỉ giải quyết được một số trường hợp.
Đó cũng sẽ là thách thức cho huyện Kỳ Sơn trong thời gian tới, đặc biệt là khi toàn ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và từ năm học 2020 – 2021, học sinh lớp 1 sẽ tiến hành thay sách giáo khoa theo chương trình phổ thông tổng thể. Trong khi đó, giáo dục Kỳ Sơn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn như trường lớp chưa đảm bảo, tỷ lệ trường chuẩn rất thấp (mới đạt hơn 17%). Toàn ngành đang còn hơn 300 điểm trường, trong đó bậc tiểu học chiếm hơn một nửa với hơn 75 lớp ghép và hơn 160 phòng học tạm bợ. Ngoài ra, chưa đủ giáo viên để bố trí theo đúng quy định. Dù Tiếng Anh là môn bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 trở lên, nhưng hiện huyện Kỳ Sơn chỉ mới có 5/33 trường tổ chức dạy Tiếng Anh cho học sinh, thấp nhất trong toàn tỉnh.
Những khó khăn của huyện Kỳ Sơn đặt ra đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của chính quyền và các ban, ngành, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo, bởi Kỳ Sơn là vùng trọng yếu, có vị trí địa lý hết sức quan trọng. Hơn thế, việc hỗ trợ phải đi đúng vào những bất cập, tồn tại, phải vào đúng những vướng mắc đang cần tháo gỡ thì Kỳ Sơn mới có thể “đứng vững” trên đôi chân của mình. Kỳ Sơn cũng đang cần sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong việc xây dựng trường học, xóa phòng học tạm, phòng học dột nát và từng bước xóa bỏ các điểm trường lẻ. Hiện, tuy còn nhiều những vất vả nhưng đã có một tín hiệu vui khi trong vài năm trở lại đây, Kỳ Sơn đã thí điểm xây dựng mô hình trường bán trú cho học sinh tiểu học để từng bước đưa học sinh từ điểm trường lẻ về ăn, ở tập trung ở điểm trường chính. Điều này, không chỉ tạo cơ hội cho học sinh trong việc học tập mà còn giúp phụ huynh yên tâm khi con em đến trường, giúp các em đi học chuyên cần.
Việc kiểm tra, đánh giá rà soát lại đội ngũ cán bộ giáo viên ở huyện Kỳ Sơn dù chỉ làm nội bộ, nhưng cũng đã đánh động đến toàn ngành, đặc biệt là ở 6 huyện miền núi cao – nơi có những xuất phát điểm khá tương đồng với huyện Kỳ Sơn. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, đã ghi nhận sự “tiên phong” của huyện Kỳ Sơn. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Chúng tôi ủng hộ cách làm của huyện Kỳ Sơn và đây là một cơ sở quan trọng để đánh giá thực chất đội ngũ giáo viên của địa phương. Ngay trong năm học 2019 – 2020 này, ngành cũng chỉ đạo đây là năm học tập trung cho phát triển giáo dục miền núi với quan điểm lấy hiệu quả làm động lực phát triển giáo dục. Muốn vậy, các địa phương phải rà soát nâng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và phải lấy kết quả học tập của học sinh để đánh giá. Ngành cũng sẽ căn cứ vào đó để xây kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên miền núi nhằm nâng cao trình độ, trước mắt là để đáp ứng được việc thay sách giáo khoa trong năm học tới.
Hiện nay, ngành Giáo dục cũng đang thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và định hướng đối với ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An giai đoạn 2018 – 2021 và những năm tiếp theo” với mục tiêu giảm tối thiểu bình quân 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Rõ ràng, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn nói riêng và ngành Giáo dục Nghệ An nói chung cần phải quán triệt tinh thần Nghị quyết, Đề án nói trên để hành động, phấn đấu thiết thực hiệu quả. Mỗi giáo viên cần tự kiểm điểm đánh giá lại mình để rèn luyện, tích lũy kiến thức trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Cùng đó, ngành Giáo dục huyện nhà cần thực hiện đánh giá sát thực vị trí việc làm của từng cá nhân, nâng cao trách nhiệm tập thể, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cao với nhận thức đó là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Trao đổi về giải pháp sắp tới, ông Nguyễn Thanh Hoàng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Địa phương đã và đang tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại trà với 3 giải pháp mà huyện chú trọng; đó là: Nâng cao chất lượng giáo viên; huy động trẻ đến trường và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện dạy học. Trong nâng cao chất lượng giáo viên, huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc kiểm tra, rà soát để có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên. Tuy nhiên, huyện cũng kiến nghị tỉnh, ngành, Trung ương cần có chính sách thu hút giáo viên giỏi, tâm huyết, kinh nghiệm về dạy ở địa phương, ví dụ nam về dạy 5 năm, nữ về dạy 3 năm; sau thời gian này được địa phương đánh giá tốt thì chuyển về vùng thuận lợi, có vị trí công tác tốt. Về phía địa phương cũng sẽ đẩy mạnh việc phòng, chống bệnh thành tích trong giáo dục để có đánh giá đúng thực chất, từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, dân trí tốt hơn.