Từ một vụ việc học sinh THPT ở TP.Vinh tự tử vì nghi bị bạn bè cô lập, bị bạo lực về tinh thần, rồi một vài clip học sinh đánh nhau phát tán lên mạng xã hội đã gây ra sự hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh. Trước thực trạng đó, Kỳ họp thứ 14 (7/2023), HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 đã chọn vấn đề bạo lực học đường là một trong những nội dung để tiến hành chất vấn tại kỳ họp. Vấn đề này đã làm “nóng” phiên chất vấn với hàng loạt câu hỏi, thực trạng được các đại biểu nêu: “Bạo lực hiện nay không chỉ đánh nhau, chửi bới, công kích hay còn gọi là “bạo lực nóng” mà còn diễn ra “bạo lực trắng” với hành vi tẩy chay, gây áp lực trong môi trường thực và cả trên không gian mạng. Cần có giải pháp gì ngăn chặn vấn đề này?”.
Bạo lực học đường ảnh hưởng không chỉ thể xác mà còn ảnh hưởng đến tâm hồn, đạo đức, nhân cách lối sống, an ninh an toàn trong trường học, tạo không khí bất an cho gia đình cha mẹ học sinh và xã hội. “Bây giờ còn có tình trạng trên lớp trò không sợ thầy, không tin thầy. Ra đường người già sợ trẻ nhỏ. Về nhà cha mẹ nịnh con cái. Cần giải pháp nào để loại trừ hiện tượng này?”, đại biểu HĐND tỉnh đề xuất…
Trả lời các ý kiến chất vấn, GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhấn mạnh, giải pháp phòng ngừa chính là phải quan tâm giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, trong đó kỹ năng xử lý các tình huống; kỹ năng quản lý xúc cảm của bản thân; kỹ năng tự vệ trước những tác động có thể gây bạo lực cho học sinh…
Vị đứng đầu ngành Giáo dục Nghệ An cũng thừa nhận, hoạt động của các tổ tư vấn học đường đang gặp không ít khó khăn khi chưa có đội ngũ chuyên trách làm nhiệm vụ này mà do giáo viên chủ nhiệm, bí thư hoặc phó bí thư chi đoàn, phó hiệu trưởng trường kiêm nhiệm. Trong điều kiện vừa thực hiện hoạt động chuyên môn, vừa kiêm thêm nhiệm vụ tâm lý học đường mà số lượng học sinh ở mỗi trường lớn, có trường 1.500 – 2.000 học sinh; nên chưa đáp ứng được mong muốn trong các nhà trường, của phụ huynh học sinh và học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định, sẽ chỉ đạo các nhà trường tăng cường phối hợp, kết nối với các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để cùng với nhà trường trong hoạt động này, bởi nếu chỉ có giáo viên chủ nhiệm và một số bộ phận khác trong nhà trường chưa có kinh nghiệm, chuyên môn chuyên sâu về tư vấn thì không thể hiệu quả, nhất là khi học sinh bị khủng hoảng tâm lý vượt qua kiến thức của giáo viên.
Cũng tại kỳ họp này, một vấn đề cử tri hết sức quan tâm cũng được đưa vào nội dung chất vấn, đó là đầu ra cho các sản phẩm OCOP. Bởi Nghệ An hiện có hơn 400 sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt 3 sao trở lên, đứng thứ 2 cả nước về số lượng, chỉ sau Hà Nội. Tuy nhiên, đầu ra các sản phẩm OCOP chưa ổn định mang lại giá trị kinh tế chưa cao, chưa đồng đều giữa các địa phương.
Đăng đàn trả lời chất vấn, ông Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An thừa nhận, vấn đề đầu ra chưa ổn định xuất phát từ hạn chế là ở địa phương vẫn lúng túng để lựa chọn sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, xã để phát triển, nâng cao thương hiệu, chất lượng, kết nối với thị trường. Từ đó, vị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết, thời gian tới các sản phẩm OCOP dứt khoát phải đi theo hướng thương hiệu, chất lượng và phải liên kết cùng nhau để phát triển sản phẩm. Ngay chủ thể của các sản phẩm OCOP cũng phải chăm sóc sản phẩm của mình, cần quản lý được chất lượng, “không có nhanh, nhiều, tốt rẻ”.
Có thể nói, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh Nghệ An trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã có sự đổi mới về cách thức, nội dung tiến hành. Nội dung đưa ra chất vấn được lựa chọn kỹ trên cơ sở đề xuất của các đại biểu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh về các nhóm vấn đề mà cử tri, dư luận và Nhân dân quan tâm. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh sẽ lựa chọn các nhóm nội dung để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở 2 kỳ họp HĐND tỉnh thường lệ (vào giữa năm và cuối năm), nhằm làm rõ những kết quả đạt được trong thời gian qua; chỉ ra những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; đề ra các giải pháp để khắc phục tồn tại, tháo gỡ những vướng mắc.
Để các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt được hiệu quả cao nhất, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An yêu cầu người chất vấn và người trả lời chất vấn thực hiện nghiêm nội quy phiên chất vấn: Câu hỏi và trả lời phải ngắn gọn (không quá 1 phút cho mỗi câu hỏi và 5 phút cho mỗi câu trả lời), rõ ràng, đúng trọng tâm, bám sát nhóm vấn đề; đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ thêm vấn đề; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm, cũng như đề xuất giải pháp, kế hoạch khắc phục; qua đó cũng là những gợi ý, bổ sung giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Nhằm đưa hoạt động của HĐND tỉnh đến gần hơn với cử tri, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đều được tường thuật theo hình thức tường thuật trên Báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội của Báo Nghệ An; và trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh.
Luôn quan tâm theo dõi các phiên chất vấn HĐND tỉnh, cử tri Bùi Công Minh (phường Lê Mao, TP. Vinh) đánh giá, nội dung các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được lựa chọn phù hợp, sát thực tiễn; cách thức điều hành chất vấn khoa học, đại biểu chất vấn và người trả lời chất vấn thẳng thắn. Điều đó thể hiện trách nhiệm của HĐND tỉnh trong việc theo dõi, giám sát đến cùng từ những vấn đề cụ thể mà cử tri và Nhân dân quan tâm cho đến những vấn đề quan trọng của tỉnh.
Theo dõi phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1, Truyền hình Quốc hội, Đài tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác, các cử tri Nghệ An rất phấn chấn khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời chất vấn đã khẳng định: Tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Hiện nay, Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm và hiện nay có khoảng 560.000 tỷ đồng để chi cải cách tiền lương từ 1/7/2023 đến hết năm 2026. Tiền lương khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước sẽ được cải cách tiệm cận với nhau theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Cử tri Hoàng Thị Lan (giáo viên TP. Vinh) bày tỏ phấn khởi khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên trả lời chất vấn đã cho biết, lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.
Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Với phạm vi rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, 10 Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực theo sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua các phiên chất vấn – hoạt động giám sát tối cao đặc biệt quan trọng này, cử tri Nghệ An đánh giá cao tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, chất vấn đúng trọng tâm vấn đề đang tồn tại, cấp bách của thực tiễn cuộc sống, tạo nên phiên chất vấn “thực chất, mang tính xây dựng cao”. Những vấn đề cấp thiết, cử tri cả nước đang quan tâm, đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn, được Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trả lời rõ ràng.
Có thể nói, thông qua hoạt động chất vấn, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội giải trình minh bạch các thể chế, chính sách, nhận diện rõ hơn những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật, không ngừng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc khắc phục hạn chế, tồn tại. Những kết quả này tiếp tục khẳng định chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và là một khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Ông Hoàng Minh Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đánh giá: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới trên nhiều mặt, đáp ứng được sự mong đợi của các cử tri. Trong đó, sự đổi mới được thể hiện rất rõ trong việc triển khai hoạt động chất vấn trong nhiệm kỳ này. Về mặt thể chế, nội quy kỳ họp Quốc hội vừa được sửa đổi, bổ sung đã có những quy định cụ thể để hoàn thiện trình tự, thủ tục tiến hành chất vấn tại phiên họp của Quốc hội. Chẳng hạn, nội quy đã quy định rõ các đại biểu Quốc hội chỉ tranh luận với người được chất vấn, không tranh luận với các đại biểu Quốc hội đã có tranh luận trước đó. Điều này giúp cho hoạt động chất vấn diễn ra thực chất hơn, bảo đảm đúng tính chất của hoạt động chất vấn.
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quốc hội đã tiến hành giám sát về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Đây là quy định đã được triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.
Tuy nhiên, cách thức tổ chức phiên chất vấn tại nhiệm kỳ này đã có sự đổi mới, sáng tạo, cụ thể là tổ chức theo hướng chất vấn lại theo 4 nhóm nội dung khác nhau gồm: Lĩnh vực kinh tế tổng hợp; lĩnh vực kinh tế ngành; lĩnh vực nội chính, tư pháp; lĩnh vực văn hoá, xã hội tại Kỳ họp thứ 6. Điều này giúp cho nội dung chất vấn được tập trung hơn, tạo thuận lợi hơn cho các đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc chất vấn và trả lời chất vấn. Mặc dù phạm vi chất vấn rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau nhưng với cách thức tổ chức sáng tạo, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.
Trên cơ sở kết quả chất vấn, Quốc hội đã chỉ rõ những nội dung nhiệm vụ còn bị triển khai chậm, những nội dung, chỉ tiêu chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới. Những đổi mới đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội, tạo cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội.