Những ngày này, cô giáo Trần Thị Mai – giáo viên Trường Cao đẳng Việt – Đức đang “cắm chốt” tại các trường THCS để cùng với Ban Giám hiệu các nhà trường thực hiện công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh. Địa bàn của trường hướng đến thường là những huyện miền núi cao, tập trung chính vào những học sinh không có mong muốn học lên THPT.
Cô Mai cho biết: Mỗi một vùng, miền có những đặc thù riêng. Phụ huynh và học sinh ở các huyện miền núi thì chỉ thích đi làm ngay vì “tiền tươi thóc thật”. Trong khi đó, ở các huyện đồng bằng hoặc vùng thuận lợi, tâm lý phụ huynh lại muốn con học lên lớp 10, học cho xong cái bằng cấp 3 rồi mới tính phương án khác. Vì thế, nhiều trường hợp, dù học sinh chia sẻ muốn được đi học nghề nhưng khi tiếp cận với phụ huynh chúng tôi lại gặp muôn vàn khó khăn. Để phụ huynh cho con đi học nghề và học văn hóa trong các trường nghề, ngoài việc cam kết về công việc sau khi ra trường chúng tôi còn phải đưa ra các phương án giải quyết việc làm khác như nhà trường có thể liên kết với các nghiệp đoàn ngoài nước để có hàng trăm suất về du học nghề và xuất khẩu lao động với mức lương cao; học sinh có thể được các tập đoàn lớn ở nước ngoài tuyển dụng sau khi đạt bậc nghề tại trường; học sinh đảm bảo có việc làm ở mức thu nhập từ 9 – 12 triệu đồng/tháng sau khi đầu quân cho các doanh nghiệp có đơn đặt hàng ở trường. “Thế nhưng, để thông tư tưởng cho phụ huynh có khi chúng tôi phải mất hàng tháng trời”, cô Mai nói.
Ở Trường Cao đẳng Việt – Đức, mỗi năm trường được giao gần 1.000 chỉ tiêu. Trong đó, có gần 300 chỉ tiêu cho đối tượng học sinh phân luồng bậc THCS. Dù đã có kinh nghiệm trong nhiều năm đào tạo, nhưng lãnh đạo nhà trường cũng cho biết, việc đào tạo nghề với đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT (lớp 12) và học sinh chỉ mới tốt nghiệp THCS (lớp 9) khá nhiều khác biệt. Nói thêm điều này, ông Nguyễn Hữu Hằng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt – Đức cho biết: Học sinh mới tốt nghiệp lớp 9 các em chỉ mới 15, 16 tuổi, nên các em còn yếu về thể chất, chưa trưởng thành, nhiều em phải xa bố mẹ sớm nên chưa có khả năng tự lập. Vì thế, muốn “giữ chân” đối tượng này, để các em không bỏ học giữa chừng chúng tôi phải vừa làm thầy, vừa làm bố mẹ, tạo mọi điều kiện để gia đình các em yên tâm khi gửi con về thành phố học. Ngoài ra, điều quan trọng nhất đó là phải đào tạo có chất lượng, cam kết có việc làm cho các em sau khi ra trường.
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An đóng chân tại huyện Con Cuông hiện đào tạo 8 mã ngành. Theo thống kê, những năm qua, có tới 6 mã ngành của trường đạt tỷ lệ có việc làm 100% sau tốt nghiệp. Các mã ngành hot như may, hàn, điện, công nghệ ô tô của trường hiện đang được tăng quy mô đầu tư. Trường cũng đang đặt mục tiêu lọt tốp các trường nghề có quy mô trường lớp và cơ sở vật chất theo chuẩn đào tạo nghề quốc gia. Thầy giáo Hiệu trưởng nhà trường Lê Anh Tuấn cho biết: “Lợi thế của trường là khu vực tuyển sinh rộng khắp khu vực miền Tây Nghệ An. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS phần nhiều đều mong muốn có việc làm sớm nên việc thông suốt tư tưởng cho các em cũng không quá khó khăn. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải có những phương án riêng để các em thấy được lợi thế nếu theo học tại trường. Khi triển khai công tác tuyển sinh, giáo viên tiếp cận với phụ huynh trước và cam kết với họ về cơ hội việc làm sau khi được đào tạo, vì thế, trong nhiều năm nhà trường luôn đạt 100% chỉ tiêu đề ra, mỗi năm tuyển sinh được 150 – 200 chỉ tiêu vào các lớp nghề là học sinh phân luồng”.
Cơ sở đào tạo Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic hiện đang làm công tác tuyển sinh cho năm học mới với chỉ tiêu 300 học sinh. Đối tượng học sinh của trường là những học sinh đã tốt nghiệp THCS có mức học lực từ trung bình đến khá giỏi. Qua 2 năm đầu tuyển sinh, điều bất ngờ của nhà trường đó là có khá nhiều em đã đỗ vào các trường công lập ở thành phố Vinh hoặc nhiều em chỉ thiếu từ 0,1 – 05 điểm vẫn đăng ký vào học.
Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic là một trong những trường nghề có mức học phí cao nhất ở Nghệ An hiện nay, với chi phí cho 3 năm học khoảng 120 triệu đồng. Học sinh ở đây được học các chuyên ngành “hot” như Thiết kế đồ họa, Digital Marketing, Ứng dụng phần mềm. Với triết lý “Học nhanh – Làm sớm”, học sinh ở đây chỉ phải học 4 môn văn hóa cơ bản. Song song với đó, các em được đào tạo nghề và được nhận bằng Cao đẳng chính quy sau khi tốt nghiệp. Ngoài khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông, kiến thức chuyên ngành, chương trình đào tạo của nhà trường hướng nhiều đến các hoạt động về kỹ năng và tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm nên được học sinh khá hứng thú.
Mặc dù mức học phí không thấp, nhưng theo ông Trần Mai Tú – Giám đốc phân hiệu Cao đẳng FPT tại Nghệ An sở dĩ vẫn có phụ huynh, học sinh sẵn sàng theo học vì nhận thức của phụ huynh về học nghề trong những năm gần đây đã có nhiều sự thay đổi: Trước đây chúng tôi nghĩ rằng chỉ học sinh có học lực yếu hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn mới đi học nghề. Nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều học sinh ở trường chúng tôi đã học trường chất lượng cao từ những năm tiểu học, THCS, bố mẹ làm công chức và gia đình khá giả. Tuy nhiên, họ tôn trọng quyết định và sự lựa chọn của các con. Thường khi tiếp cận với phụ huynh, chúng tôi hay nhận được câu hỏi, nếu học nghề, các em có được vào cao đẳng không, có được tiếp tục học đại học không. Môi trường học tập có gì tân tiến. Cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nếu thỏa mãn được các yêu cầu đó, phụ huynh sẵn sàng đồng hành để các con và chấp nhận vượt qua những định kiến thông thường.
Em Trần San San là cựu học sinh của Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng. Năm học vừa qua, em thi lớp 10 và đạt 24,1 điểm. Với điểm số này, San San hoàn toàn có thể đậu nguyện vọng các các trường công lập ở thành phố Vinh. Tuy nhiên, cuối cùng bạn bè và cả giáo viên đều rất bất ngờ khi San quyết định vào học tại Trường Cao đẳng FPT và chọn học Khoa CNTT – một nghề mà em đã yêu thích từ lâu.
Với nền tảng văn hóa vững từ bậc THCS và học tập chăm chỉ, vào học ở Trường Cao đẳng FPT 1 năm, San San đã trở thành 1 trong 100 học sinh có thành tích học tập tốt nhất của trường trong học kỳ I và được tuyên dương. Thành tích này của em cũng đang được nhiều học sinh trong trường hướng tới.
Nhiều năm nay, số lượng học sinh sau tốt nghiệp THCS ở tỉnh ta lựa chọn đi học nghề không nhiều. Nguyên nhân là bởi, một số phụ huynh vẫn có quan niệm chỉ học sinh học kém mới theo trường nghề; rất nhiều phụ huynh lại mong muốn con hoàn thành chương trình lớp12 rồi vào cao đẳng, đại học trong khi thực tế, nhiều học sinh phải mất 3 năm học tiếp THPT, thậm chí vào đại học, tốt nghiệp mà không có việc làm đành phải quay lại học nghề.
Ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết: “Để học sinh sớm nâng cao nhận thức, các nhà trường nên đổi mới bằng cách tổ chức nhiều hoạt động định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh lớp 8, lớp 9 như: đi tham quan trải nghiệm hướng nghiệp ở các trường dạy nghề; mời đại diện các trường cao đẳng, trung cấp nghề đến trường giới thiệu về nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những CEO ở các doanh nghiệp, phụ huynh thành công ở các lĩnh vực đến trường nói chuyện với học sinh giúp các em nhìn nhận tổng thể được bức tranh về nghề nghiệp, cơ hội việc làm, từ đó, có sự cân nhắc, quyết định lựa chọn. Chúng tôi cũng cho rằng, việc phân luồng, hướng nghiệp không thực hiện một cách máy móc, rập khuôn hay ép buộc mà nên theo nguyện vọng và năng lực, sở trường của các em. Thực tế, nếu các em yêu thích học nghề thì việc học nghề cũng rất tốt, rất hiệu quả. Thậm chí với chương trình đào tạo hiện nay, học sinh có thể vừa học nghề, vừa học văn hóa theo chương trình GDTX. Sau khi học xong các em vẫn được thi tốt nghiệp lớp 12, có bằng tốt nghiệp như học sinh ở hệ THPT. Song song với đó, các em còn có thêm bằng trung cấp nghề, có thể học liên thông lên cao đẳng. Thậm chí các em vẫn có thể đăng ký thi đại học như bình thường. Kinh phí học nghề được sự hỗ trợ của Nhà nước…