Để phát hiện được hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu là rất khó khăn, phức tạp. Và thường khi đã xử lý rồi, thì hậu quả người tiêu dùng đã phải gánh chịu là không nhỏ.
Trong nhiều ngày theo chân Đoàn thanh tra của Sở KH&CN đi “bắt” xăng dầu kém chất lượng mới thấy, việc phát hiện và xử lý là không hề đơn giản. Theo Trưởng đoàn Nguyễn Mạnh Hà, trước khi đoàn đi thì các cán bộ của Thanh tra Sở KH&CN đã phải bí mật theo dõi, nắm quy luật và vạch rõ hành vi vi phạm của các doanh nghiệp. Thế nhưng, dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, bí mật vẫn không phải lúc nào cũng có kết quả như dự tính.
Có những doanh nghiệp, trong quá trình khảo sát thì về đo lường thiếu hụt rất nhiều, chất lượng cũng không đảm bảo; nhưng khi đoàn tiến hành đi thanh tra thì doanh nghiệp đã “hào phóng” bán thừa cho khách, kể cả thanh tra đã bí mật đi mua mẫu. Có doanh nghiệp ngày bình thường người chủ ít khi có mặt, thì ngày đoàn đi, người chủ doanh nghiệp này trực tiếp đứng bán.
Đó là về đo lường, còn thanh tra về chất lượng lại càng khó khăn hơn. Có những doanh nghiệp, tại thời điểm cán bộ bí mật đi khảo sát, lấy mẫu, trong bồn chứa của các cơ sở này có thể có khoảng 3-4m3 xăng. Nhưng khi đến thời điểm có kết quả thử nghiệm để triển khai thanh kiểm tra thì cơ sở đã bán hết số xăng dầu này rồi. Lúc đó, chủ cơ sở có thể sẽ nhập về một lượng hàng mới, và sẽ có 2 khả năng: Một là cơ sở này tiếp tục nhập hàng kém chất lượng, hai là nhập hàng đạt chất lượng. “Doanh nghiệp trong 1 tháng không thể nhập 100% lượng hàng kém chất lượng, mà chỉ có thể xen kẽ nhập hàng kém chất lượng và đạt chất lượng. Vì doanh nghiệp bắt buộc phải nhập một lượng hàng đạt chất lượng của một tổng đại lý trong hợp đồng để khai báo thuế, thực hiện cam kết trong hợp đồng. Thế nên chỉ khi phát hiện nhập hàng kém chất lượng thì mới xử phạt được”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Thực tế, khi đoàn thanh tra đi kiểm tra đúng thời điểm cơ sở nhập hàng đạt chất lượng thì không những không phát hiện ra vi phạm, mà còn chịu sức ép của quy định về thanh, kiểm tra. Vì trong 1 năm, cùng một nội dung thì cơ quan chức năng chỉ thanh kiểm tra được 1 lần. “Nếu như ở Nghệ An có phòng thử nghiệm chất lượng, ngày hôm nay gửi, mai có kết quả, thì tiến hành kiểm tra luôn, thì có thể bắt quả tang được”, ông Hà nói và dẫn chứng, có những cửa hàng, buổi tối đi khảo sát thì còn vi phạm, nhưng đến sáng mai, khi chính thức thanh, kiểm tra thì không phát hiện được vi phạm nữa.
Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thường có mối quan hệ làm ăn với nhau. Khi đoàn thanh tra đến một doanh nghiệp thì chỉ ít phút sau, các doanh nghiệp khác đã nắm được thông tin và tìm cách che dấu hành vi vi phạm của mình. Như trường hợp của Doanh nghiệp tư nhân Hòe Thanh, được xem là đơn vị cung cấp xăng dầu cho nhiều cửa hàng trong vùng và phụ cận TX. Thái Hòa.
Mặc dù 2 doanh nghiệp Toản Lợi và Khánh Phương đều khẳng định có mua xăng của Doanh nghiệp tư nhân Hòe Thanh và thực tế, mẫu xăng RON 95 của 2 doanh nghiệp này không đạt chất lượng. Thế nhưng, khi đoàn đến kiểm tra và lấy mẫu xăng RON 95 của Doanh nghiệp tư nhân Hòe Thanh thì kết quả là mẫu xăng lại đạt chất lượng. Tuy nhiên, đoàn phát hiện tại cơ sở này đang có một xe tẹc chứa 5m3 dầu diezen không đạt chất lượng và khả năng là mới được hút từ dưới bể lên mà chưa kịp đưa đi tiêu thụ hoặc cất giấu.
Như chúng tôi đã đề cập ở phần trước (xem trên nhật báo Nghệ An số ra ngày 5/2), có 5 doanh nghiệp vi phạm chất lượng xăng dầu vừa bị Thanh tra Sở KH&CN phát hiện đều có hành vi nhập hàng của đối tượng ngoài hệ thống. Và theo như chia sẻ của một cán bộ có thẩm quyền, đây là lần đầu tiên Nghệ An xử phạt các cơ sở kinh doanh xăng dầu về hành mua xăng dầu của đối tượng ngoài hệ thống phân phối. Từ 5 cơ sở vi phạm trên, có thể thấy rằng, thực tế một cơ sở có thể bán đến 50m3/tháng, nhưng họ chỉ ký hợp đồng với đơn vị phân phối khoảng 20 – 30m3, còn lại họ lấy hàng ngoài, không đạt chất lượng.
Như ông Nguyễn Văn Khánh – chủ Doanh nghiệp tư nhân Khánh Phương chia sẻ, thì khi nhập hàng ngoài về bán, ông không hề biết được rằng xăng không đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Vì thế, ông cho rằng, mình bán sai thì mình phải chịu phạt, nhưng đơn vị bán xăng kém chất lượng cho gia đình ông cũng phải chịu trách nhiệm.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vi phạm đều đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, chính người tiêu dùng mới là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Như Doanh nghiệp tư nhân Toản Lợi, theo hợp đồng ký với Công ty Xăng dầu Nghệ An, mỗi tháng doanh nghiệp này nhập 7.000 lít xăng E5 RON 92 và RON 95. Thế nhưng, theo chỉ số đồng hồ thì chỉ trong 23 ngày (từ 29/9/2019 đến 23/10/2019), riêng xăng RON 95, doanh nghiệp này đã bán hơn 7.340 lít xăng, đó là chưa tính xăng E5 RON 92. Điều đó cho thấy, mỗi tháng doanh nghiệp này bán ra thị trường cho người tiêu dùng hàng nghìn lít xăng kém chất lượng mà không ai biết.
Hơn nữa, trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thì doanh nghiệp này vẫn bán xăng dầu kém chất lượng ra ngoài thị trường. Khi phát hiện ra sai phạm chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết, gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật vi phạm và như đã nói, đã ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Xăng dầu là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế – xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mỗi cá nhân. Các thủ đoạn gian lận lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp. Với các hành vi gian lận, các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể thu lợi bất chính một số tiền không nhỏ trong thời gian dài, ngoài gây thiệt hại về mặt kinh tế cho người tiêu dùng, kéo theo nhiều hậu quả nặng nề khác về sự an toàn của phương tiện, ô nhiễm môi trường…
Vì thế, ông Lê Văn Tính, trú TP Vinh băn khoăn: “Cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ nguồn hàng xăng dầu kém chất lượng mà các doanh nghiệp này bán thì được đưa về từ nguồn nào. Và như vậy, các cơ quan chức năng cũng mới chỉ xử lý được phần ngọn, mà chưa đi đến gốc rễ để xử lý triệt để. Cuối cùng, người dân như chúng tôi vẫn còn lo lắng, chưa thể yên tâm khi bỏ tiền ra đổ xăng được”.
Thực tế, kinh doanh xăng dầu được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và nước ta cũng đã có quy định chặt chẽ về nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng nhạy cảm này. Theo quy định việc nhập khẩu xăng dầu chính ngạch, xăng dầu sản xuất trong nước phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia mới được lưu thông trên thị trường. Quy định là thế, nhưng xăng dầu không đạt quy chuẩn chất lượng vẫn bán ngang nhiên tại nhiều cửa hàng trong suốt một thời gian dài.
Việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu, nhất là xăng kém chất lượng đã gây ra thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đối với người tiêu dùng, gây thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước và hủy hoại môi trường. Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa…