Để làm một cuộc “cách mạng” trong giáo dục quả thực không dễ dàng và 3 năm trước, thời điểm khi bắt đầu thực hiện, huyện Kỳ Sơn đã gặp phải những khó khăn, nhất là khi xác định phải “thay máu” trước tiên từ đội ngũ giáo viên.
Nhớ lại điều này, ông Nguyễn Văn Thiết – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Khi đưa ra chủ trương này, rất nhiều ý kiến phản đối bởi thực tế lúc đó đội ngũ giáo viên của Kỳ Sơn đều đã được công nhận đạt chuẩn và trên chuẩn về bằng cấp. Nhưng, thực tế chúng tôi biết vẫn có những giáo viên trình độ… chưa tương xứng với bằng cấp (!). Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, giáo viên nhận thức về công tác bồi dưỡng chuyên môn còn chưa đúng mức, chưa chịu khó suy nghĩ tìm tòi bởi tâm lý “đã vào biên chế”. Nhiều người dạy theo kiểu đối phó, chỉ chú trọng vào các tiết học được ban giám hiệu dự giờ, hoặc chỉ cần dạy hết thời gian trên lớp, và dạy “được chăng hay chớ” vì phụ huynh không biết, không quan tâm (?!). Trong khi đó, ngành cũng đã có những chủ quan khi cuối năm việc đánh giá học sinh chưa thực chất, chưa hoàn thành mục tiêu đề ra.
Quy trình đánh giá lại đội ngũ giáo viên được bắt đầu từ năm học 2016 – 2017. Ban đầu, để khách quan, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để các giáo viên viết đơn lựa chọn đăng ký dạy toàn cấp hoặc không dạy được toàn cấp dựa trên năng lực tự đánh giá bản thân. Và đã có 186 giáo viên tự nguyện viết đơn không dạy được toàn cấp vì không tự tin vào năng lực.
Sau tờ đơn tự đánh giá, huyện cũng đã tiến hành khảo sát chất lượng giáo viên của toàn ngành thông qua bài kiểm tra về trình độ năng lực. Nội dung bài kiểm tra này cũng được đánh giá là không quá khó, vì chủ yếu chỉ yêu cầu giáo viên giải những bài tập Toán và Tiếng Việt (tiểu học) và các bài tập thuộc từng bộ môn (THCS) thông thường trong sách giáo khoa và các kiến thức kỹ năng về sư phạm. Thế nhưng, kết quả lại khiến toàn ngành giật mình khi ở bậc tiểu học có 275/769 giáo viên không đáp ứng được dạy toàn cấp (chiếm tỷ lệ 35,8%), trong đó có 28 giáo viên không thể bố trí đứng lớp. Ở bậc THCS có 119/448 giáo viên khi làm bài khảo sát có điểm dưới trung bình (chiếm tỷ lệ 26,5%).
Kết quả bài kiểm tra khảo sát chất lượng cũng khiến toàn ngành đặt câu hỏi, đó là có hay không tình trạng giáo viên đứng nhầm lớp?. Bởi lẽ, đặc thù của huyện Kỳ Sơn là nhiều điểm lẻ, nên giáo viên thay vì chỉ dạy chuyên một cấp học thì họ dạy nhiều cấp và luân phiên theo từng năm khác nhau. Để xảy ra tình trạng này, lãnh đạo các nhà trường cũng thừa nhận còn nể nang, dễ dãi trong đánh giá xếp loại giáo viên hàng năm.
Thầy giáo Nguyễn Quang Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huồi Tụ 1 cho hay: Trong trường năng lực giáo viên như thế nào, hiệu quả dạy học ra sao, lãnh đạo nhà trường đều biết. Thế nhưng khi dự giờ, đánh giá cuối năm, bởi nhiều lý do nên chúng tôi đều “cho qua”. Trong khi đó, còn có không ít giáo viên không có ý thức tự học, tự nâng cao trình độ hoặc không muốn phấn đấu. Thay vào đó lại có tâm lý ỷ lại, chỉ cần được đi dạy, có lương là được.
Thầy Vừ Bá Xử, Trường Tiểu học Huồi Tụ 1, cũng thừa nhận: Tôi 10 tuổi mới vào học lớp 1 và đến 15 tuổi học xong lớp 5, sau đó được huyện chọn đi đào tạo thêm 3 năm ở trường sư phạm. Ban đầu, nhiệm vụ chính của chúng tôi là đi xóa mù chữ cho bà con trong bản theo mô hình các lớp bình dân học vụ “người biết chữ dạy người không biết chữ” nên không quá khó. Sau này, dù đã làm giáo viên hơn 20 năm nhưng tôi cũng chủ yếu chỉ dạy lớp 1. Do xuất phát điểm thấp nên tôi nhận thấy mình còn hạn chế về kiến thức phổ thông, chưa mạnh dạn trong dạy học 2 môn Toán và Tiếng Việt ở các lớp khối 4,5.
Dù đã “bắt” được bệnh, nhưng với hơn 30% giáo viên của hai bậc tiểu học và THCS không đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn thì việc “chữa bệnh” cũng đòi hỏi phải một quá trình. Nói về quá trình triển khai, ông Nguyễn Văn Thiết – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Khi đã phân loại được giáo viên, chúng tôi phân nhóm theo từng mức độ khác nhau từ khá, giỏi, trung bình, chưa đạt yêu cầu và tiến hành bồi dưỡng ở cả ba nhóm. Riêng ở nhóm cuối cùng, hàng năm chúng tôi bồi dưỡng tập trung 1 tháng tại huyện (trong thời gian hè) và một tuần 4 ngày (trong năm học). Chương trình bồi dưỡng do đội ngũ cốt cán của huyện lên kế hoạch, xây dựng nội dung và trực tiếp đến lớp, kinh phí do phòng trả. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các trường phải phân công giáo viên cốt cán kèm cặp, bồi dưỡng thêm ở trường và khuyến khích giáo viên tự học, tự nâng cao trình độ. Trung bình mỗi tháng giáo viên làm một bài thu hoạch theo các nội dung trong chuyên đề giáo viên đã được bồi dưỡng. Kết quả, phòng sẽ gửi cho từng giáo viên để giáo viên tự đánh giá và có biện pháp bồi dưỡng phù hợp.
Cũng cần phải thấy rằng, từ khi chủ trương được đưa ra đến khi đi vào thực hiện, không phải khi nào việc làm này cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của giáo viên. Thậm chí không ít giáo viên nhân sự việc này đã lên các diễn đàn, trang cá nhân để nói sai lệch chủ trương. Qua quá trình triển khai, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cũng đã thấy những bất cập khó khăn, nhất là với những giáo viên ở xa phải về trung tâm bồi dưỡng hay một số giáo viên công việc quá nhiều khi phải vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn trên trường, vừa phải học thêm vào buổi tối. Dẫu vậy, không thể phủ nhận, nhờ chủ trương này mà công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, công tác tự học, tự bồi dưỡng ở các nhà trường có sự chuyển biến rõ rệt.
Đến Trường PT DTBT THCS Keng Đu, gặp thầy giáo Lầu Bá Năng (41 tuổi), thầy cho biết: Trước đây, tôi là sinh viên thuộc diện cử tuyển nên không chỉ đầu vào mà đầu ra của tôi cũng không tốt như các đồng nghiệp cùng lứa. Thế nên, ban đầu khi biết mình phải đi bồi dưỡng lại tôi ngại lắm. Nhưng vì muốn gắn bó lâu dài với công việc tôi phải vượt qua xấu hổ, không ngại khó, ngại dốt để học hỏi thêm bạn bè, đồng nghiệp….
Việc tăng cường công tác bồi dưỡng cũng xích các giáo viên lại gần nhau hơn. Ở Trường Tiểu học Bắc Lý, cô giáo Trần Thị Nguyệt chia sẻ: Nhiều giáo viên yếu kém họ luôn muốn tiến bộ hơn. Vì thế, khi đã được phân công nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp mình phải nhẫn nại, kiên trì và thường xuyên động viên để làm sao các giáo viên phát huy được tinh thần tự học.
Sau 3 năm triển khai chủ trương nói trên, cũng đã xuất hiện được những tấm gương nỗ lực, vượt lên hoàn cảnh như trường hợp cô giáo Lỳ Y Mãi – giáo viên Trường PT DTBT THCS Huồi Tụ. Trước đó, trong đợt rà soát đầu tiên của huyện, chị được đánh giá thuộc diện yếu kém với số điểm rất thấp bởi “đọc đề xong không có câu nào giải được hoàn chỉnh” hoặc “hiểu nội dung đề nhưng giải không ra” mặc dù chị đăng ký học một khóa học đại học tại chức ở Trường Đại học Vinh, với ý nghĩ đơn giản đó là “nâng chuẩn”. Kết quả khảo sát thấp, buộc chị phải nghĩ lại và tự thay đổi chính mình và việc đầu tiên đó là “học đại học thật nghiêm túc”. Liên tục 2 năm sau đó, dù bận con nhỏ, dù thời gian đi học tại chức chủ yếu vào những dịp hè và ngày cuối tuần nhưng chị thực sự chuyên cần, không bỏ học buổi nào. Bài nào khó, bài nào không hiểu lại hỏi thầy, hỏi bạn. Hai năm qua, chị dường như cũng không có thời gian cho riêng bản thân bởi sau giờ học, sau những giờ bồi dưỡng ở trường, chị dành hết thời gian rỗi ở nhà để giải hết các bài tập trong sách giáo khoa từ lớp 6 – lớp 9 một cách nhuần nhuyễn. Khi đã thành thạo, chị lại làm thêm các bài tập nâng cao để tự nâng cao trình độ.
Qua một thời gian kiên trì, những nỗ lực cố gắng của cô giáo Lỳ Y Mãi cuối cùng đã có kết quả tốt khi sau đó, không chỉ các bài kiểm tra do phòng tổ chức mà các bài kiểm tra ở trường chị cũng đã hoàn thành một cách xuất sắc. Lần cao nhất là năm học 2018 – 2019, bài kiểm tra Toán của chị được 9,75 điểm, nằm trong tốp đầu của huyện. Sự nỗ lực của chị cũng đã được ban giám hiệu ghi nhận khi năm học này lần đầu tiên trong chị được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ nhiệm và là giáo viên Toán duy nhất phụ trách khối 8. Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Lỳ Y Mãi nói: Tôi đã qua được một chặng đường khó khăn nhất của mình trong hơn mười năm đi dạy. Nhưng tự trong bản thân tôi, thấy cảm ơn vì những điều này. Bởi lẽ, nếu không có việc đánh giá thì tôi sẽ không dám nhìn thẳng vào những yếu kém của bản thân để vươn lên. Và nếu không có khó khăn thì tôi cũng không biết được mình có thể nỗ lực, cố gắng để có thể đạt được kết quả như ngày hôm nay…
(Còn nữa)