Nhiều doanh nghiệp vì hám lợi nên đã nhập hàng ngoài hệ thống, rồi bán cho người tiêu dùng xăng, dầu không đạt chất lượng theo quy định về quy chuẩn chất lượng. Có doanh nghiệp còn cải tạo bể chứa nhằm gian lận chủng loại để trục lợi về giá.
Một ngày cuối tháng 9/2019, vừa phát hiện đoàn thanh tra của Sở Khoa học và Công nghệ bước xuống xe, một người phụ nữ vội vàng chạy ra phía sau cửa hàng xăng dầu Toản Lợi (thuộc Doanh nghiệp tư nhân Toản Lợi, địa chỉ tại xóm Bình Thành, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn) với ý định mở nắp bồn chứa xăng. Một thành viên trong đoàn thanh tra đã kịp thời tiếp cận ngăn cản hành động của người phụ nữ này.
Tại hiện trường khu bồn chứa xăng dầu của doanh nghiệp, đoàn thanh tra phát hiện bể chứa xăng E5 RON 92 được cải tạo để có thể thông ra được cả 2 cột bán xăng E5 RON 92 và RON 95. Bể chứa xăng RON 95 chỉ thông ra được cột bán xăng RON 95 và có khóa đóng mở. Bên cạnh đó, cả 2 bể dầu của doanh nghiệp này cũng được nối thông ra 1 cột bán dầu.
“Với việc cải tạo hệ thống công nghệ như vậy, cho phép cơ sở có thể dùng bể chứa xăng E5 RON 92 bán ra cột xăng RON 95 để gian lận chủng loại (giá xăng E5 RON 92 thấp hơn xăng RON 95 – PV). Bên cạnh đó, tại cột bán dầu, cơ sở cũng có thể cùng một lúc sử dụng hàng chứa tại 2 bể dầu để bán. Chỉ chậm vài giây nữa thôi là chủ cơ sở có thể che giấu được hành vi vi phạm của mình”, tại “hiện trường”, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chánh Thanh tra Sở KH&CN nói và cho biết thêm, thời điểm này, van của bể chứa xăng RON 95 đang được khóa và chủ cơ sở đã dùng bể chứa xăng E5 RON 92 bán ra cho cả 2 cột xăng RON 95 và E5 RON 92.
Khi làm việc với đoàn, ông Nguyễn Xuân Toản, chủ Doanh nghiệp tư nhân Toản Lợi viết bản tường trình thừa nhận hành vi trên và cho biết, ngoài nhập xăng dầu của Công ty Xăng dầu Nghệ An theo hợp đồng đã ký kết, ông đã nhập xăng ngoài hệ thống để được chiết khấu nhiều hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà đoàn thanh tra chuyên ngành về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa của Sở KH&CN thanh tra đột xuất Doanh nghiệp tư nhân Toản lợi. Cũng theo Chánh Thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng đoàn thanh tra cho biết: “Qua công tác khảo sát bí mật của thanh tra Sở, chúng tôi đã phát hiện hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân Toản Lợi. Để có cơ sở xử lý hành vi vi phạm, đoàn thanh tra đã lấy 1 mẫu xăng RON 95 và 2 mẫu dầu gửi vào Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ – PV) để thử ng hiệm chất lượng”.
Tiếp sự việc trên, ngay sáng ngày hôm sau đó, đoàn thanh tra của Sở KH&CN thanh tra đột xuất Doanh nghiệp tư nhân Khánh Loan (địa chỉ tại xóm 2, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ). Tại thời điểm thanh tra, cơ sở này có 2 phương tiện bán xăng RON 95 và dầu Diezen 0,05S đang hoạt động bình thường. Đoàn đã tiến hành lấy 1 mẫu xăng RON 95 và 1 mẫu đầu để thử nghiệm chất lượng.
Doanh nghiệp cũng khai báo đang còn 2.000 lít xăng RON 95 và 2.000 lít dầu trong bể chứa. Sau khi được đoàn phân tích, ông Nguyễn Văn Khánh – chủ Doanh nghiệp tư nhân Khánh Loan phải thừa nhận rằng, trong quá trình buôn bán xăng dầu, ngoài việc nhập hàng từ đơn vị phân phối là Công ty Xăng dầu Nghệ An theo hợp đồng, thì doanh nghiệp của ông còn nhập xăng dầu ngoài luồng nhằm kiếm thêm lợi nhuận.
Đoàn thanh tra của Sở KH&CN đã tiếp tục thanh tra đột xuất thêm 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại 2 huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp. Sau khi lấy mẫu để thử nghiệm, đoàn xác định có 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng, cụ thể là chỉ số Octan thấp hơn Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Các doanh nghiệp này gồm: Doanh nghiệp tư nhân Toản Lợi (địa chỉ tại xóm Bình Thành, xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn); Doanh nghiệp tư nhân Khánh Loan (địa chỉ xóm 2, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ); Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Hòe Thanh (địa chỉ khối Kim Tân, thị xã Thái Hòa); Doanh nghiệp tư nhân Mai Lương (địa chỉ xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ); Doanh nghiệp tư nhân Hiếu Thắng (địa chỉ xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ).
Với hành vi vi phạm nói trên, Chánh Thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là Hòe Thanh, Mai Lương và Hiếu Thắng vì có hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tổng số tiền phạt của 3 doanh nghiệp là hơn 115 triệu đồng. Riêng Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Hòe Thanh còn bị Cục Quản lý thị trường ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng vì có hành vi bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối.
Đối với Doanh nghiệp tư nhân Toản Lợi đã bị UBND tỉnh ra quyết định bị xử phạt 82,160 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu với thời hạn 2 tháng; phạt thêm 50 triệu đồng vì có hành vi mua xăng dầu của đối tượng ngoài hệ thống phân phối. Doanh nghiệp tư nhân Khánh Loan cũng bị UBND tỉnh xử phạt 123,240 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu với thời hạn 1 tháng; phạt thêm 40 triệu đồng vì có hành vi mua xăng dầu của đối tượng ngoài hệ thống phân phối…
Qua thanh tra, cho thấy lý do chính khiến các doanh nghiệp này bị xử phạt về hành vi bán xăng không đạt chất lượng là do nhập xăng dầu ngoài hệ thống về bán. “Các cơ sở này hám lợi nên lấy hàng không chính thống, dẫn đến việc xăng dầu không đạt chất lượng theo quy chuẩn. Về mặt chủ quan, có thể các cơ sở này không muốn gây thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng vì hám lợi, vì được chiết khấu cao hơn nên họ sẵn sàng vi phạm”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói và cho rằng, đối với các doanh nghiệp vừa phát hiện vi phạm chất lượng thì mức độ vi phạm nhỏ, không phải như vi phạm năm 2017 là pha dung môi vào xăng dầu. Thế nhưng, chỉ cần không đủ chỉ số Octan theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia thì đều là vi phạm và phải bị xử lý nghiêm.
Nghệ An là địa phương có số lượng xăng dầu lớn trên cả nước, với khoảng 700 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó Công ty Xăng dầu Nghệ An chỉ chiếm khoảng 10%. Với một địa phương có diện tích rộng, lượng phương tiện giao thông, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhiều, nên lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Kèm theo sự biến động giá cả xăng dầu liên tục của thị trường thì thì các thủ đoạn gian lận trong kinh doanh nhằm kiếm lợi bất chính sẽ càng tinh vi và phổ biến.
Việc Thanh tra Sở KH&CN phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kém chất lượng không có nghĩa những doanh nghiệp còn lại là kinh doanh xăng đạt chất lượng. Như Chánh thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà khẳng định: Trong một đợt thanh kiểm tra không phát hiện cơ sở nào vi phạm thì chưa hẳn là bình ổn thật sự. Mà có thể chưa phát hiện ra, vì các hành vi gian lận đo lường, chất lượng xăng dầu rất tinh vi và luôn tồn tại.