Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cấp ngành trung ương và tỉnh Nghệ An, Đảng bộ và nhân dân huyện Kỳ Sơn đã có nhiều cố gắng để xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng – an ninh vững mạnh, phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, đến nay, Kỳ Sơn vẫn đang là một trong số 62 huyện nghèo, khó khăn nhất của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện nay chiếm 50,9%… Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: Một là, cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư xây dựng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hai là, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu đất canh tác, trong khi trình độ dân trí thấp – người dân chưa tư duy làm kinh tế.
Về cơ sở hạ tầng giao thông, Kỳ Sơn có 52 km đường Quốc lộ 7A, gần 60 km đường Quôc lộ 16 chạy qua; có đường tuần tra biên giới Việt – Lào; 100% các xã đã có đường ô tô đi vào trung tâm. Tuy nhiên, những con đường này thường xuyên bị sụt lún, tắc nghẽn, cuốn trôi do thiên tai bão lũ, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên địa bàn. Hàng năm tỉnh và huyện phải huy động nhiều nguồn lực để củng cố, khơi thông mạng lưới giao thông này… Về hệ thống đường điện, tính đến tháng 12/2018, trên địa bàn Kỳ Sơn mới chỉ có 3/20 xã đạt tiêu chí điện lưới quốc gia, vẫn còn 89 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia.
Kỳ Sơn là huyện biên giới miền núi cao, nằm phía Tây Nam tỉnh Nghệ An. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn (20 xã được hưởng Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ), trong đó có 11 xã biên giới; với tổng diện tích tự nhiên 2.094,34 ha, chiếm 12,69% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh; đường biên giới dài 203,409 km, trong đó có cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, nhiều đường tiểu ngạch qua biên giới. Kỳ Sơn có tổng dân số là 78.860 người, trong đó: Dân tộc Khơ mú chiếm 36,4%; dân tộc Mông chiếm 33,4%; dân tộc Thái chiếm 26,1%; dân tộc Kinh và Hoa chiếm 4,1%… Huyện có tầm quan trọng chiến lược về quốc phòng – an ninh.
Về kinh tế, Kỳ Sơn có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp (trồng cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc) và lâm nghiệp. Tuy nhiên, người dân trong huyện vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách trợ cấp của Nhà nước; chưa chủ động áp dụng các mô hình nuôi trồng sản phẩm hàng hóa mà tỉnh, huyện triển khai. Các mô hình khi đưa về đây kém hiệu quả và khó nhân rộng. Ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cho rằng: Cái khó của Kỳ Sơn là thay đổi trong tư duy của đồng bào dân tộc trong canh tác để bà con tiếp cận với kinh tế thị trường, khoa học công nghệ.
Nhìn tổng thể, Kỳ Sơn vẫn chưa tạo lập được cơ sở nền tảng vững chắc và đà phát triển mạnh để vươn lên, tạo bứt phá phát triển. Đơn cử, trong lĩnh vực y tế, tính đến thời điểm này, toàn huyện Kỳ Sơn mới có 11/20 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (tỷ lệ hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về y tế năm 2018 của tỉnh là 89%). Điều này đồng nghĩa với việc còn có 9 xã thiếu bác sĩ công tác tại trạm y tế. Thông tin từ Trung tâm y tế huyện, địa phương không kêu gọi được bác sĩ mới ra trường về công tác và phần lớn bác sĩ hiện có là từ y sĩ học liên thông lên. Ngoài nhân lực, các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh cũng rất hạn chế. Trong khi đó, trên địa bàn huyện thường xuyên xuất hiện các bệnh truyền nhiễm phức tạp.
Tương tự, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại địa phương cũng chưa thật tốt. Tỷ lệ gia đình văn hóa ở Kỳ Sơn mới đạt 52,97% (bình quân chung của tỉnh là 80%). Một nguyên nhân lớn khiến tỷ lệ gia đình văn hóa đạt thấp là tình trạng người dân mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đặc biệt là ma túy, ngoài ra còn là tình trạng sinh con thứ 3 trở lên… Số hộ thoát nghèo hàng năm tuy có giảm nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đã được quan tâm đầu tư, hướng xuất khẩu lao động nước ngoài được đẩy mạnh bằng nhiều chính sách hỗ trợ tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Tình trạng khó khăn đó của địa phương đòi hỏi phải có một giải pháp căn cơ. Cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã từ thực tế đề ra định hướng, giải pháp cần thiết. Kỳ Sơn đã tìm ra giải pháp đó. Ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Để xóa đói giảm nghèo, đưa mọi mặt đời sống của huyện nhà đi lên, Kỳ Sơn đã xác định phải lấy giáo dục làm động lực, gốc rễ. Kỳ Sơn đã, đang và sẽ bám lấy định hướng này để nâng cao toàn diện chất lượng dạy học, dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Định hướng phát triển dựa vào nguồn lực con người mà huyện Kỳ Sơn xác định hoàn toàn đúng đắn. Nhưng để nâng cao một bước chất lượng giáo dục toàn diện của địa phương “tiệm cận” với một số huyện miền núi khác trong tỉnh cũng là rất khó khăn. Thông tin từ ngành giáo dục Nghệ An: Kết thúc năm học 2018-2019, Kỳ Sơn có 4/24 trường mầm non, 6/29 trường tiểu học, 3/19 trường trung học cơ sở và không có trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của huyện là 17,81% (thấp nhất của tỉnh). Trong khi đó tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của Nghệ An là 72,68%. Tỷ lệ trường chuẩn của các huyện miền núi có điều kiện gần tương đồng như Tương Dương là 48,28%, Quế Phong là 56,25% và Quỳ Châu là 89,19%.
Tỷ lệ trường chuẩn thấp thể hiện rõ những khó khăn về cơ sở vật chất dạy và học của địa phương. Và bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất thì chất lượng giáo dục là điều đáng lo. Đơn cử tại trường THPT huyện Kỳ Sơn, đến thời điểm này, trường vẫn chưa hoàn thành công tác tuyển sinh khi mới chỉ có 581 học sinh nhập học (thiếu 9 học sinh so với chỉ tiêu). Nguyên nhân thiếu là do có những thí sinh bỏ thi, nhiều học sinh chuyển xuống học tại Trường PTDTNT tỉnh nên thiếu nguồn tuyển sinh. Để có được 581 học sinh này, nhà trường cũng đã phải “vét” đến thí sinh cuối cùng, miễn là thí sinh đó không có môn nào bị điểm 0.
Theo mức điểm công bố của Trường THPT Kỳ Sơn thì thí sinh chỉ cần đạt 4,9 điểm/5 môn là trúng tuyển, tức là thí sinh chỉ cần đạt 1 điểm/môn là có thể đậu. Đây là mức điểm sàn thấp nhất trong tất cả các trường THPT ở tỉnh. Qua phân tích các dữ liệu về kết quả thi vào trường THPT Kỳ Sơn cho thấy: Trong số gần 600 thí sinh đăng ký dự thi vào trường năm nay, thí sinh có điểm thi cao nhất là 34,1 điểm. Tuy nhiên, số thí sinh có điểm thấp là không ít. Cụ thể nếu tính điểm bài thi dưới 3 điểm thì có 211 thí sinh. Điểm trung bình chung của các thí sinh chỉ đạt 2,42/môn.
Thầy giáo Lê Đức Cát – Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn cho biết: So với các địa phương khác, chất lượng đầu vào của huyện Kỳ Sơn khá thấp do học sinh ở đây là người dân tộc thiểu số, điều kiện được chăm lo học hành cho các em không được như ở các vùng thuận lợi. Đây cũng là khó khăn của nhà trường vào năm học mới. Năm nào sau khi nhập học nhà trường đều phải mở một lớp riêng để phụ đạo miễn phí cho các học sinh yếu kém để các em có thể theo kịp chương trình THPT.
Chất lượng học sinh kém phần nào do chất lượng giáo viên. Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Sơn: Đội ngũ giáo viên tuy đạt chuẩn và trên chuẩn về bằng cấp nhưng chưa tương xứng với bằng cấp đào tạo… 3 năm trước, tình trạng giáo viên đứng “nhầm lớp” còn phổ biến. Chính sự nhầm lớp này đã kéo chất lượng giáo dục Kỳ Sơn ngày càng đi xuống, gây hệ lụy nhiều thế hệ học trò. Hiện nay, tình trạng đứng “nhầm lớp” của giáo viên đã cải thiện nhiều, song vẫn tồn tại.
Rất đáng lo ngại, khi phóng viên được chứng kiến một tiết dạy môn Khoa học tự nhiên dành cho học sinh lớp 5 của một cô giáo ở Trường Tiểu học Mỹ Lý 1 trong những ngày đầu năm học này. Cô giáo ấy đã phải rất khó khăn mới hoàn thành xong bài đọc trong sách giáo khoa với giọng đọc ấp úng, không rõ ràng. Trong khi đó, một học sinh trong lớp, khi được chỉ định lên đọc bài lại trình bày khá mạch lạc, trơn tru.
Bức tranh buồn của giáo dục Kỳ Sơn không đơn thuần là câu chuyện chất lượng giáo viên, học sinh. Đó còn là câu chuyện của bệnh thành tích khi mà năm nào cũng vậy, những báo cáo kết quả xếp loại chất lượng học sinh của các trường, ngành giáo dục địa phương đều rất “đẹp”. Đồng thời với đó là một sự “bất công” như ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học – Sở Giáo dục và Đào tạo (nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn) chia sẻ: “Bất hợp lý và thiếu công bằng ở chỗ giáo viên trên này công việc khá nhẹ (lớp học sĩ số thấp, chất lượng chuyên môn không đòi hỏi cao) nhưng lương lại rất cao”.
Để bức tranh giáo dục địa phương ngày một thêm gam màu tươi sáng, trong 3 năm qua, huyện Kỳ Sơn đã ý thức rõ những yếu kém và đã không ngừng nỗ lực làm cuộc “cách mạng” để nâng cao chất lượng giáo viên và học trò mà bắt đầu từ cuộc “thay máu” đội ngũ những người thầy. Ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nêu rõ: 3 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tích cực chỉ đạo UBND huyện tích cực nâng chất lượng giáo dục đào tạo bằng việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, thực hiện tốt các chính sách cho học sinh và giáo viên. Đặc biệt là chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá giáo viên theo định kỳ từ đó thực hiện việc bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ giáo viên. So với 3 năm trước, Kỳ Sơn đã tiến bộ nhiều và được ngành giáo dục Nghệ An đánh giá cao. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ. Kỳ Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới giáo dục toàn diện.
(Còn nữa)