Hơn 10 năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc 5 xã ở Kỳ Sơn phải chịu cảnh khốn cùng vì nằm trong quy hoạch của 2 nhà máy thủy điện. Thủy điện thì không thấy triển khai xây dựng, trong khi người dân hoặc chính quyền địa phương muốn đầu tư đường sá, làm nhà… cũng không được phép. Ở một số bản, vì không chịu được cảnh này, lần lượt các hộ dân đành phải rời bỏ nơi “chôn rau cắt rốn”.
Kha Văn Long (33 tuổi), không nhớ nổi mình đã băng rừng, chạy bao nhiêu km để xách từng can nước trong đợt hạn hán vừa qua. Gần 2 tháng ở khu vực biên giới này không có mưa, nước khe, suối gần bản Xốp Dương (xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn), của anh Long cạn khô, chắt không ra một giọt. Để có nước nấu ăn, Long cũng như những hộ dân khác, phải băng rừng suốt nhiều giờ xách từng can nhựa về. Còn việc tắm giặt, người dân đành phải xuống dòng Nậm Nơn nước đục ngầu.
Nhưng không chỉ thiếu nước, từ lâu bản Xốp Dương của anh Long và bản Cha Nga cạnh đó đã được gọi với cái tên chẳng mấy tự hào: “Bản nhiều không”. Ở đây chẳng có điện, cũng không có sóng điện thoại, không đường bê tông, không trạm y tế… Còn trường học ở đây, chỉ là những căn nhà tạm, tồi tàn.
Cha Nga và Xốp Dương là 2 bản người Thái xa xôi và cũng nghèo đói nhất của xã Mỹ Lý. Từ bản Xốp Dương ra trung tâm khoảng 15 km, nhưng chúng tôi phải mất hơn 1 giờ chạy xe máy, men theo con đường đá lởm chởm mới có thể tới được. Cũng vì cuộc sống quá thiếu thốn, bản Xốp Dương vốn có hơn 60 hộ dân, nhưng 1/3 trong số đó đã lần lượt rời bản vào miền Nam làm thuê mưu sinh. Ở bản hiện nay phần lớn cư dân là người già và trẻ em. “Thật khó để sống ở đây”, anh Long lắc đầu ngao ngán, tay giơ lên chiếc smartphone vừa mua được từ tiền làm thuê ở miền Nam về. Chiếc điện thoại của anh Long cũng chỉ có dùng để nghe nhạc từ thẻ nhớ sau mỗi lần ra trung tâm xã để tải. “Ở đây điện thoại gọi cũng không được, huống gì nói lên mạng”, anh Long nói thêm.
Cuộc sống khốn khổ ở đây cũng chỉ vì bản này nằm trong vùng quy hoạch của Thủy điện Mỹ Lý. “Vừa rồi có chương trình kiên cố hóa trường học, chúng tôi định triển khai đưa vào 2 bản này nhưng cũng vì vướng quy hoạch dự án thủy điện nên không làm được. Người dân thiếu nước sinh hoạt, chính quyền nhiều lần muốn đầu tư nhưng cũng chịu”, ông Lô Văn Liệu – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý nói.
Theo lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, năm 2007, huyện này nhận được văn bản của UBND tỉnh đề nghị dừng đầu tư, xây dựng kiên cố ở hàng loạt bản thuộc 5 xã Mỹ Lý, Keng Đu, Tà Cạ, Mường Ải và Mường Típ để xây dựng Thủy điện Mỹ Lý và Thủy điện Nậm Mô 1. Từ đó đến nay, việc đầu tư hạ tầng vào các bản này đành phải dừng lại, trong khi những nhà máy thủy điện này vẫn chưa thấy xây dựng. “Người dân ở đây rất khốn khổ. Chính quyền biết điều đó nhưng cũng chịu vì nằm trong quy hoạch thủy điện. Chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị hủy các dự án này nhưng không được chấp thuận”, ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn bức xúc nói.
Không chỉ gia đình anh Long và cư dân bản Xốp Dương, chỉ vì nằm trong vùng quy hoạch của dự án thủy điện, hơn 600 hộ dân ở Kỳ Sơn đang phải sống trong cảnh khốn cùng. Nhiều hộ thậm chí không dám làm nhà dù con cái đã kết hôn nhiều năm nay vì sợ khi xây dựng thủy điện sẽ không được đền bù…
Theo quy hoạch, Dự án Thủy điện Mỹ Lý và Thủy điện Nậm Mô 1 nằm ở thượng nguồn sông Cả thuộc xã Mỹ Lý và Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Thủy điện Mỹ Lý có tổng vốn đầu tư 7.669,7 tỷ đồng với công suất lắp máy 250MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 914,2 triệu kWh. Như vậy, nếu được xây dựng, đây sẽ là thủy điện lớn thứ 2 ở Nghệ An, chỉ sau Thủy điện Bản Vẽ. Nhưng vì chậm triển khai, phía thượng nguồn bên kia biên giới đã được Lào xây dựng một thủy điện khác, khiến công suất thủy điện này đành phải điều chỉnh, giảm xuống còn 180 MW – bằng với Thủy điện Hủa Na.
Trong khi đó, Dự án Thủy điện Nậm Mô 1 với công suất lắp máy là 90 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 326,8 kWh. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.745,3 tỷ đồng. Theo quy hoạch điện VII bổ sung trước đây, các dự án này sẽ phát điện thương mại lên điện lưới điện Quốc gia vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai một hạng mục nào.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An vào năm 2016, để xây dựng Thủy điện Mỹ Lý sẽ phải di dời ít nhất 199 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu thuộc 2 xã Keng Đu và Mỹ Lý. Trong đó, toàn bộ bản Cha Nga với 97 hộ và bản Xốp Dương với 51 hộ sẽ phải đến khu tái định cư, nhường đất cho thủy điện. Ngoài ra, còn có 2 hộ ở bản Xằng Trên (xã Mỹ Lý) và 49 hộ bản Keng Đu (xã Keng Đu), cũng nằm trong vùng quy hoạch này. Còn với Thủy điện Nậm Mô 1, dự kiến có 432 hộ với 2.330 nhân khẩu ở 3 xã Tà Cạ, Mường Ải, Mường Típ phải di dời. Tuy nhiên, đây chỉ là thống kê của vài năm trước. Số hộ phải di dời tính đến hiện tại đã có nhiều thay đổi.
“Nguyện vọng của chính quyền và người dân địa phương là không nên xây dựng các nhà máy thủy điện này. Theo tôi 2 dự án này cũng không khả thi”, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nói. Nguyên nhân mà lãnh đạo huyện này đưa ra là việc tái định cư cho hơn 600 hộ dân này rất khó. Bởi Kỳ Sơn là một huyện vùng cao, mặt bằng ít. Để tiến hành một cuộc “đại di dân” như vậy không phải chuyện dễ, trong khi bài toán tái định cư của một số thủy điện khác đến nay vẫn chưa tìm được lời giải phù hợp.
“Nguyện vọng của chính quyền và người dân địa phương là không nên xây dựng các nhà máy thủy điện này. Theo tôi 2 dự án này cũng không khả thi”, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nói. Nguyên nhân mà lãnh đạo huyện này đưa ra là việc tái định cư cho hơn 600 hộ dân này rất khó. Bởi Kỳ Sơn là một huyện vùng cao, mặt bằng ít. Để tiến hành một cuộc “đại di dân” như vậy không phải chuyện dễ, trong khi bài toán tái định cư của một số thủy điện khác đến nay vẫn chưa tìm được lời giải phù hợp.
“Chúng tôi đã đi khảo sát và không có mặt bằng nào phù hợp để di dời cả 2 bản. Trong khi nếu xây dựng thủy điện, hàng trăm hộ còn mất đất sản xuất, không biết trông cậy vào cái gì để sống”, ông Lô Văn Liệu – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý nói và bày tỏ nguyện vọng cần sớm dừng Dự án Thủy điện Mỹ Lý.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh cũng đề nghị huyện Kỳ Sơn kiên quyết gửi văn bản tới các cơ quan có trách nhiệm để trình bày, sớm dừng 2 dự án thủy điện này.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Tám – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, 2 dự án thủy điện này được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án do Công ty cổ phần Thủy điện Mỹ Lý – Nậm Mô làm chủ đầu tư. Đến nay các văn bản pháp lý về chuẩn bị đầu tư cơ bản hoàn thành. Nhưng phải chờ bên phía Lào ký kết Hiệp định sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án.
“Để đôn đốc triển khai việc ký kết Hiệp định, ngày 22/1/2019, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 617/VPCP-QHQT giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy phía Lào, nhằm hoàn tất các thủ tục cần thiết để có thể ký kết Hiệp định trong năm 2019. Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự kiến vào quý 4/2019 Hiệp định sẽ được Chính phủ Lào ký kết. Ngay sau khi 2 Chính phủ Việt Nam và Lào ký Hiệp định, Công ty cổ phần Thủy điện Mỹ Lý – Nậm Mô sẽ triển khai thực hiện dự án”, ông Tám nói.