Chỉ gần 2 năm trở lại, với chúng tôi Hưng Yên Nam đổi khác đến bất ngờ. Trên những cung đường đất đầy bụi khi nắng lên và lầy lội khi mưa xuống trước đây, nay được mở rộng và bê tông hóa với tổng chiều dài hơn 48 km, gắn với đường điện, đường cờ, trồng cây xanh đẹp, khang trang. Trung tâm hành chính xã, từ duy nhất một dãy nhà 2 tầng trơ trọi giữa nắng – mưa, nay được chỉnh trang đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, 7/8 nhà văn hóa xóm xây mới và 1 nhà văn hóa được nâng cấp đều đảm bảo đồng bộ thống nhất cùng một mẫu về nhà, khuôn viên, thiết chế. Hệ thống trường học ở cả 3 cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được nâng cấp chỉn chu; trạm y tế đang hoàn thiện để sớm đưa vào sử dụng…
Nguồn lực nào, ở đâu để thực hiện được khối lượng công trình, phần việc lớn trong một thời gian ngắn như vậy? Thắc mắc của chúng tôi được đồng chí Phan Anh Nam – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam giải đáp bằng con số sức dân đóng góp, với những tấm gương tiêu biểu. Ở Hưng Yên Nam, ông Đinh Hữu Diệm – một trong những người con xa quê đã hỗ trợ địa phương hơn 10 tỷ đồng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, nghĩa trang, xây dựng hệ thống nước sạch cấp về tận các xóm. Hay cũng là người con xa quê, ông Đậu Văn Thực đã ủng hộ 1,5 tỷ đồng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa…
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phan Văn Cẩn sinh sống trên đồi vệ, tách biệt với khu dân cư. Ông Cẩn cho biết, đoạn đường tính từ cuối khu dân cư đến nhà ông dài gần 500m, vốn là đường đất nhỏ, mưa xuống đất đá trên đồi núi tràn xuống làm lầy lội. Được cán bộ xã, xóm tuyên truyền, vận động, cuối năm 2021, dù “bìa đất” đang thế chấp ở ngân hàng cho con đi lao động ở nước ngoài, nhưng với suy nghĩ, xây dựng nông thôn mới là cơ hội được Nhà nước hỗ trợ xi măng, vợ chồng ông quyết định vay mượn hơn 200 triệu đồng mua cát sỏi, thuê máy san ủi nền đường và đổ bê tông. “Hiện gia đình đang còn nợ vài chục triệu đồng rồi sẽ trả dần, không lo; có con đường đi lại sạch sẽ, ô tô chạy đến tận cổng là điều phấn khởi nhất” – ông Cẩn chia sẻ.
Bên cạnh khơi dậy tâm huyết chung tay xây dựng nông thôn mới của người dân và con em xa quê, thì cấp ủy, chính quyền xã Hưng Yên Nam đã thu hút, tranh thủ được một số chương trình, dự án lồng ghép từ tỉnh để hoàn thiện trụ sở, nâng cấp 3 trường học, trạm xá. Từ chưa có trường học đạt chuẩn (thời điểm đầu năm 2021), nay trường tiểu học đã đạt chuẩn mức 1 và hai trường mầm non, trung học cơ sở đang hoàn thiện các tiêu chuẩn. Nhiều công trình giao thông, nhà văn hóa xóm, đường cây xanh ở địa phương đều có dấu ấn, sự chung tay hỗ trợ, góp sức từ các phòng, ban, đơn vị cấp huyện.
Không chỉ cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hưng Yên Nam cũng được nâng lên. Ngoài đẩy mạnh phong trào xuất khẩu lao động (khoảng 50% số hộ trong xã có con em xuất khẩu lao động); trên cơ sở định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn gắn với hỗ trợ các điều kiện từ cấp ủy, chính quyền, người dân nơi đây tích cực khai thác lợi thế vùng bán sơn địa để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế với sôi động các mô hình trồng đào cảnh, gà cỏ thả đồi, chanh Hưng Yên Nam (nay có thêm một số diện tích chanh không hạt), cam Xã Đoài, bưởi, ổi, táo, trồng nấm… Chỉ tính trong vòng 6 năm, thu nhập của người dân đã tăng lên hai lần, từ hơn 20 triệu đồng (năm 2016) lên hơn 43 triệu đồng (năm 2022). Điển hình mô hình trồng 3 ha cam Xã Đoài của gia đình ông Lưu Văn Chính, mỗi năm thu về khoảng 400 triệu đồng; mô hình trồng nấm rơm, nấm sò, linh chi của gia đình ông Võ Kim Hùng, mỗi năm trừ chi phí thu về hơn 120 triệu đồng.
Nhớ lại, kết thúc năm 2020, Hưng Yên Nam là xã cuối cùng chưa đạt chuẩn nông thôn mới ở huyện Hưng Nguyên. Với tinh thần dồn sức, dồn lực, quyết tâm đưa Hưng Yên Nam về đích trong năm 2022, Huyện ủy Hưng Nguyên đã điều động, tăng cường 2 cán bộ huyện có kinh nghiệm về đảm nhận cương vị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã. Huyện cũng có cơ chế đặc thù hỗ trợ xi măng làm đường, hỗ trợ kinh phí làm nhà văn hóa xóm riêng cho Hưng Yên Nam; gắn với giao các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể cấp huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thế mạnh của mình cùng vào cuộc với xã thực hiện từng tiêu chí.
Để đưa xã về đích nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hưng Yên Nam đã ban hành nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phấn đấu về đích vào năm 2022. Tuy nhiên, thời điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trùng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên nhiệm vụ khó khăn này càng khó khăn hơn, bởi cùng lúc địa phương phải thực hiện hai nhiệm vụ, vừa chống dịch, vừa huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Thực tiễn đó, theo đồng chí Hoàng Đức Ân – Bí thư Đảng ủy xã, thì cấp ủy, chính quyền đã nhuần nhuyễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt; mỗi cán bộ, công chức, người lao động thường xuyên bám sát cơ sở, sâu sát và làm cùng với Nhân dân với tinh thần cống hiến, phục vụ Nhân dân. Quá trình thực hiện, xác định khâu mấu chốt quan trọng là công tác tư tưởng; địa phương làm tốt công tác tôn giáo, phối hợp chặt chẽ với linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ các giáo xứ, giáo họ để vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân cùng hiệp thông, hiệp hành vì cuộc sống tốt đẹp; đồng thời khơi dậy lòng tự hào, quảng đại trong Nhân dân, tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương – giáo (xã có 80% người dân theo đạo Thiên chúa).
Phương pháp chỉ đạo, lựa chọn những nội dung thiết yếu và tác động trực tiếp đến người dân để làm trước theo hình thức “cuốn chiếu”, từ xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, đường cờ, đường cây xanh… Gắn với đầu tư xây dựng là phát huy giá trị sử dụng để người dân thấy rõ sự thiết thực, như nhà văn hóa các xóm, sau khi đầu tư xây dựng, địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao (năm 2022, lần đầu tiên xã Hưng Yên Nam tham gia Hội thi Tiếng hát Làng Sen cấp huyện đã đạt giải Nhất); nhà văn hóa không chỉ là nơi sinh hoạt dân cư mà còn là nơi sinh hoạt giáo lý của người dân.
Từ kết quả hơn 530 ngày cao điểm chỉ đạo xây dựng, đưa xã về đích nông thôn mới (tính từ mốc ngày 22/6/2021, Đảng ủy xã Hưng Yên Nam ban hành nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đến ngày thẩm định hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vào ngày 15/12/2022), Bí thư Đảng ủy xã – Hoàng Đức Ân nhấn mạnh: Niềm tin của Nhân dân vào cấp ủy, chính quyền được củng cố, nâng lên. Đó là cái được lớn nhất ở Hưng Yên Nam thông qua xây dựng nông thôn mới. Đây cũng sẽ là nền tảng quan trọng để địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.