Vụ việc phá rừng xảy ra trên địa bàn xã Châu Phong (Quỳ Châu) được phát hiện hồi đầu tháng 3 năm nay đã phát sinh những diễn biến mới đáng phải băn khoăn, nghi ngại…
Vụ việc phá rừng trên địa bàn xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu được phát hiện ngày 3/3/2019. Cơ quan chức năng xác định, ông Vi Văn Thanh (SN 1983) là Phó Chủ tịch UBND xã và ông Lê Văn Nhị (SN 1969) cùng trú tại bản Mây, xã Châu Phong có hành vi tự ý chặt phá rừng tại lô 25, khoảnh 6, Tiểu khu 196.
Trong đó, ông Vi Văn Thanh có hành vi phá hoại 24.985m2 rừng (hơn 2,4 ha); ông Lê Văn Nhị phá 12.500 m2 (1,25 ha). Loại rừng ông Vi Văn Thanh và ông Lê Văn Nhị đã phá, được kiểm tra xác định là rừng sản xuất; trạng thái rừng hỗn giao HG2 (rừng hỗn giao tre, nứa, gỗ tự nhiên núi đất). Trữ lượng trên diện tích ông Vi Văn Thanh đã chặt phá là 11.280 cây tre, nứa và hơn 31 m2 gỗ; trữ lượng trên diện tích ông Lê Văn Nhị đã chặt phá là 4.650 cây tre nứa, 17,725 m2 gỗ.
Tưởng chừng đối tượng phá rừng, diện tích rừng bị chặt phá đã được xác định, vậy nhưng dịp cuối tháng 3, một sự việc kỳ lạ đã diễn ra. Đó là có khoảng 10 hộ dân sống tại bản May (xã Châu Phong) đến Trạm Quản lý và bảo vệ rừng xã Châu Phong nộp đơn trình báo nhận lỗi đã phá rừng tại khu vực lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản đối với ông Vi Văn Thanh. Quá bất ngờ trước sự việc này, Trạm bảo vệ rừng đã báo cáo Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, sau đó nhận được chỉ đạo trả lại đơn. Tuy nhiên, những người dân này không chịu nhận lại đơn. Vì vậy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu đã chuyển đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳ Châu.
Về nội dung của các lá đơn, đều cơ bản giống nhau ở chỗ người dân đều trình bày về hoàn cảnh khó khăn, ít đất sản xuất, nhận thức pháp luật hạn chế… nên đã có hành vi chặt phá trái phép cây rừng. Sau đó vì sợ bị phạt nên đã nhờ ông Vi Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong nhận thay. Nay thấy “làm vậy đã xảy ra chuyện to lớn” nên viết đơn nhận trách nhiệm phần đất đã phát (?).
Trước đó, ngày 7/3/2019, thông qua cuộc họp dân xã Châu Phong, cơ quan chức năng huyện Quỳ Châu cũng đã phát hiện thêm 6 trường hợp hộ dân lấn chiếm đất rừng thuộc khu vực Tiểu khu 196 với mục đích để xẻ phát trồng keo. Qua kiểm tra, diện tích 6 hộ dân lấn chiếm gần 6ha, thuộc loại đất rừng sản xuất, có trạng thái phần lớn là đất trống. Những khu vực đất rừng này, cũng đều thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu. Trước tính chất phức tạp của vụ việc, Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu đã báo cáo chi tiết gửi Chi cục Kiểm lâm; đồng thời yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an huyện để điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Băn khoăn về sự “tự giác” nhận lỗi của những người dân bản May, theo một cán bộ có trách nhiệm thì đây rất có thể là việc làm nhằm để giảm nhẹ hình phạt của pháp luật đối với Phó Chủ tịch UBND xã Vi Văn Thanh. Vì theo quy định, với hành vi phá rừng phòng hộ với diện tích 2,4 ha, ông Thanh có thể sẽ phải chịu hình phạt rất nặng. Còn nếu “xé nhỏ” diện tích rừng đã bị phá cho tất cả các cá nhân đã “tự giác”, thì họ cũng chỉ bị xử lý hành chính mà thôi. Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng khẳng định: “Hành vi phá rừng phòng hộ của ông Thanh bị phát hiện không chỉ một lần. Ông này cũng đã phải ký nhận vào các biên bản được lập tại hiện trường, có chứng kiến của đại diện các cơ quan chức năng. Dù vậy, cần chờ kết luận của cơ quan điều tra…”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không phải cho đến ngày 3/3/2019, mà từ trước đó hơn một tháng, vào hồi 16h ngày 25/1/2019, lực lượng chức năng từng đã phát hiện hành vi phá rừng của Phó Chủ tịch UBND xã Vi Văn Thanh. Điều này được thể hiện tại Biên bản kiểm tra “về việc phát rừng trái pháp luật” của Trạm quản lý và bảo vệ rừng Châu Phong lập ngày 25/1/2019. Tại biên bản nêu rõ ông Vi Văn Thanh đã phát 9.000 m2 rừng; Trạm quản lý và bảo vệ rừng Châu Phong đã “yêu cầu ông Thanh không được phát thêm hoặc sử dụng đất bất cứ mục đích gì trên diện tích đất rừng đã vi phạm. Cũng tại biên bản, ông Vi Văn Thanh đã ký nhận lỗi phạm.
Làm việc với Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, được biết tất cả hồ sơ của vụ phá rừng tại xã Châu Phong đều đã được bàn giao cho cơ quan điều tra; trong đó gồm cả tờ biên bản mà Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Châu Phong lập ngày 25/1/2019. Đặt ra câu hỏi, hành vi phá rừng của ông Vi Văn Thanh từ ngày 25/1 có được Trạm quản lý và bảo vệ rừng Châu Phong báo cáo Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu hoặc thông tin đến UBND xã Châu Phong hay không? Theo ông Trần Ngọc Kiên – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, thì không! Tuy nhiên, ông Kiên cũng khẳng định Trạm quản lý và bảo vệ rừng Châu Phong không liên đới hoặc có sự bao che cho sai phạm. Vì chính Trạm quản lý và bảo vệ rừng Châu Phong đã phát hiện và lập biên bản đối với ông Vi Văn Thanh trong ngày 3/3/2019.
“Ở thời điểm ngày 25/1/2019, có thể cán bộ Trạm đã có sự cả nể. Lý do bởi ông Thanh thường xuyên có phối hợp trong công tác; hơn nữa, nghĩ ông ta là cán bộ có trách nhiệm của xã, có hiểu biết pháp luật, bị nhắc nhở, lập biên bản rồi thì sẽ dừng hành vi vi phạm…” – ông Kiên trao đổi.
Trong buổi làm việc với PV Báo Nghệ An, Chủ tịch UBND xã Châu Phong, ông Lương Xuân Năm cho biết, quần chúng nhân dân trên địa bàn rất quan tâm, dõi theo việc xử lý vụ phá rừng có liên quan đến Phó Chủ tịch UBND xã. Ông trao đổi: “Hiện nay xã Châu Phong đang chờ kết luận của cơ quan điều tra. Văn bản của Huyện ủy cũng chỉ đạo xã như vậy. Khi có kết luận rõ ràng, thì sẽ xử lý nghiêm người có liên quan. Nếu vụ việc không được xử lý nghiêm, thì chính quyền và các lực lượng giữ rừng rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng…”.
Còn Trưởng ban Quản lý bảo vệ rừng Quỳ Châu, ông Trần Ngọc Kiên nói rằng: “Để xảy ra việc phá rừng trong khu vực thuộc Ban Quản lý bảo vệ rừng Quỳ Châu quản lý thì đương nhiên Ban phải có trách nhiệm. Chúng tôi chờ kết luận của cơ quan điều tra, nhưng sẽ xác định phần trách nhiệm của cán bộ ban để có hình thức xử lý. Quan điểm của Ban là đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Vì nếu có sự nương nhẹ, sẽ rất khó khăn trong quản lý bảo vệ rừng…”.
Nhiều năm trước, huyện Quỳ Châu từng là địa phương “nóng” chuyện đất rừng, đã xảy ra vụ việc người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Ở thời điểm hiện tại, khi đất lâm nghiệp đã có giá trị hơn thì việc “cán bộ làm sai nếu không xử lý nghiêm sẽ là hiệu ứng xấu”. Trao đổi về những điều này, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, ông Ngô Đức Thuận cho biết đã nhận được những thông tin về việc người dân bản May “tự giác” trình báo. Nhưng khẳng định huyện đã đề nghị cơ quan điều tra tập trung điều tra làm rõ đúng người đúng tội để xử lý nghiêm. Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu nói: “Quỳ Châu sẽ không bao che đối tượng sai phạm, dù đó có là cán bộ…”.