Về thôn 2/9, xã Châu Khê (Con Cuông) sau Rằm tháng Giêng, bên cạnh không khí ra quân lao động sản xuất đầu năm mới, là những nỗi niềm suy tư, trăn trở khi có 4 đảng viên thuộc chi bộ thôn vừa bị Huyện ủy Con Cuông khai trừ khỏi đảng. Theo các quyết định ban hành ngày 23/2/2021 của Huyện ủy Con Cuông: 4 đảng viên này đã giảm sút tinh thần đấu tranh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có hành vi lập khống hồ sơ chiếm đoạt tài sản trong đền bù GPMB Dự án Thủy điện cột nước thấp xã Chi Khê – bị TAND huyện Con Cuông đưa ra xét xử vào ngày 3/2/2021. Vi phạm nêu trên không chỉ làm mất uy tín của bản thân các đảng viên, tổ chức và chi bộ nơi các đảng viên đang sinh hoạt mà còn gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân.
Điều đáng buồn cả 4 đảng viên đều từng là cán bộ đứng đầu thôn, trong đó bà Nguyễn Thị Hoài nguyên là Bí thư Chi bộ, ông Trần Văn Hùng nguyên Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn; ông Nguyễn Văn Sáng nguyên Bí thư Chi đoàn kiêm Phó thôn kiêm công an viên, ông Nguyễn Hồng Phong nguyên Chi ủy viên Chi bộ, Chi hội trưởng Hội nông dân.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tâm – Bí thư Chi bộ thôn 2/9 hiện nay thừa nhận đó là “bài học xương máu cho chi bộ và các đảng viên”. “Thời điểm đó tôi cũng là đảng viên trong chi bộ, không nắm cụ thể nhưng có nghe dư luận nhân dân nên đã gọi riêng đồng chí Hoài – Bí thư Chi bộ đến để trao đổi, nhắc nhở chứ trong sinh hoạt chi bộ hoàn toàn không đề cập đến chuyện này. Đến khi mọi chuyện vỡ lở ra thì đã muộn rồi…”, ông Tâm bày tỏ.
Theo người đứng đầu Chi bộ thôn 2/9 hiện nay thì nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc trên là do lãnh đạo thôn thời điểm ấy đã thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh trước cám dỗ vật chất, không lắng nghe dân để kịp thời soi mình, sửa mình. Bên cạnh đó, chi bộ cũng không nắm bắt thông tin kịp thời để có những giải pháp hiệu quả trong phê bình và tự phê bình nhằm ngăn ngừa sai phạm.
Về phía xã Châu Khê, đồng chí Trần Thế Tài – Bí thư Đảng ủy xã cũng thừa nhận: Đây là bài học đắt giá đối với cấp ủy đảng trong việc quản lý, kiểm tra giám sát phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm như đền bù giải phóng mặt bằng. “Vì có đảng viên vi phạm nên chúng tôi đã mất danh hiệu 5 năm Đảng bộ trong sạch vững mạnh, quan trọng hơn là mất cán bộ, uy tín của tổ chức đảng và đảng viên bị giảm sút…”
Thực tiễn cho thấy, tại một số đơn vị, địa phương đã để xảy ra sai phạm, khuyết điểm liên quan đến cán bộ, đảng viên, nguyên nhân là do năng lực và sức chiến đấu của chi bộ đảng yếu kém, người đứng đầu thiếu gương mẫu, một bộ phận cán bộ đảng viên tha hóa, biến chất… Vụ việc xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành là một ví dụ điển hình. Chỉ vì lợi ích cá nhân, Phan Tiến Sỹ – lúc còn là Trưởng ban, Bí thư Chi bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ bồi thường 27/31 thửa đất, tương đương 639.745m2 của đơn vị thành hồ sơ bồi thường cho cá nhân ông và 3 người khác. Bốn thửa đất đứng tên các cán bộ quản lý rừng này sau đó được bồi thường hơn 5 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền không được hạch toán vào sổ kế toán, không báo cáo quyết toán nguồn thu của đơn vị mà chi cho các cá nhân. Khi vụ việc được phanh phui và đưa ra tòa xét xử vào ngày 2/6/2020, Phan Tiến Sỹ và các đồng phạm đều phải cúi đầu nhận tội với những mức án đích đáng. Ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật, Phan Tiến Sỹ và đồng phạm liên quan đều bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Sai phạm trên phản ánh một thực tế là Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành trong một thời gian dài hoạt động hình thức, mất sức chiến đấu, thậm chí là tê liệt, khi để đảng viên trong chi bộ, dưới sự chỉ đạo của Bí thư chi bộ cố tình “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để trục lợi cá nhân.
“Quân pháp bất vị thân” là nguyên tắc được đề cao. Mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và quy định của pháp luật. Để xảy ra sai phạm, xử lý cán bộ là điều đau xót nhưng phải thực hiện để răn đe, cảnh tỉnh những người khác và cũng là bài học sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cấp ủy.
Thực hiện các đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy, thời gian qua các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng loại hình chi bộ đảng. Đến thời điểm này, trên toàn tỉnh chỉ còn duy nhất một khối xóm thuộc vùng đồng bào có đạo ở thành phố Vinh chưa có chi bộ. Đây là kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì ở một số nơi chi bộ chưa thực sự mạnh, dẫn đến các phong trào chung còn trì trệ.
Tại huyện biên giới Kỳ Sơn – một trong 62 huyện nghèo của cả nước với 203,409 km đường biên tiếp giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của nước bạn Lào. Toàn huyện có 20 xã, thị trấn với 191 bản (trong đó có 10 xã biên giới với 45 bản tiếp giáp biên giới) với nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Mặc dù đến nay 100% thôn bản không còn chi bộ nào thuộc diện nguy cơ tái trắng. Tuy nhiên, theo đánh giá của BTV huyện ủy: khó khăn hiện nay là tình trạng đảng viên đi làm ăn xa ngày càng gia tăng, thiếu nguồn phát triển đảng. Một số chi bộ ít đảng viên, hạn chế về năng lực lãnh đạo, điều hành phải tăng cường đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã và đảng viên các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn về sinh hoạt nhằm giúp đỡ chi ủy chi bộ trong công tác triển khai các nhiệm vụ tại địa phương.
Điều này được minh chứng khi chúng tôi đến Huồi Thăng- một bản nhỏ thuộc xã Huồi Tụ với 23 hộ, 105 khẩu Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống, chi bộ có 8 đảng viên. Trò chuyện với Bí thư Chi bộ Lầu Gà Hùa, SN 1976, ông thật thà thừa nhận mặc dù thoát diện nguy cơ tái trắng nhưng “vẫn là chi bộ còn yếu”. Nguyên nhân là bởi “Đảng viên thường đi làm ăn xa, mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ chỉ có từ 3-4 đảng viên, trong đó chỉ có Bí thư chi bộ và cán bộ địa chính xã sinh hoạt thường xuyên còn nữa luân phiên nhau vắng. Bên cạnh đó mặc dù bản được thành lập từ năm 1981 nhưng vẫn chưa có nhà văn hóa cộng đồng “mọi sinh hoạt đều tập trung ở nhà Bí thư chi bộ, khó khăn lắm…” – Bí thư Lầu Gà Hùa bày tỏ.
Bên bếp lửa bập bùng trong một ngày sương mù dày đặc, Bí thư Chi bộ người Mông cho biết: Hàng chục năm nay, do người trong bản thường đi làm ăn xa nên việc tạo nguồn kết nạp đảng viên khá khó khăn, năm 2018 có 2 đảng viên dự bị nhưng sau đó không kết nạp được vì đi làm ăn xa. Đến năm 2020 chi bộ mới kết nạp được 1 đảng viên là Kha Văn Ỏn – Bí thư Chi đoàn.
Thế trưởng bản có hỗ trợ cho Bí thư chi bộ nhiều không? Nghe chúng tôi hỏi, khuôn mặt Lầu Gà Hùa trở nên đăm chiêu: “Trưởng bản trước đây bị bắt vì tham gia buôn bán ma túy với người Lào, từ tháng 4 năm 2019 được bổ sung trưởng bản mới nhưng chưa phải đảng viên mà cũng chưa có kinh nghiệm lắm. Trong bản có đầy đủ chi đoàn, chi hội nhưng để duy trì hoạt động khá khó khăn”.
Bản Huồi Thăng hiện có 18/23 hộ nghèo; 6/7 đảng viên tại chỗ cũng thuộc diện hộ nghèo, trừ Lầu Gà Hùa vì có mô hình trang trại chăn nuôi với vài chục con lợn, 10 con trâu bò. Sao Bí thư chăn nuôi giỏi thế mà không hướng dẫn cho đảng viên và người dân làm theo với?- “Có chứ, trong các cuộc họp đều có tuyên truyền vận động người dân phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo nhưng họ nhác không làm đành chịu thôi…”, Lầu Gà Hùa trả lời. Trước thực tế tại Chi bộ bản Huồi Thăng, mới đây, Đảng bộ xã Huồi Tụ đã phân công đồng chí Trưởng Công an xã về chỉ đạo phong trào chung tại bản này.
Tương tự, Chi bộ thôn Tân Hòa thuộc Đảng bộ xã Bồng Khê (Con Cuông), người dân chủ yếu là lao động tự do và đánh bắt cá ven sông Lam, đời sống gặp nhiều khó khăn nên không mặn mà với công tác đảng và sinh hoạt đoàn thể. Bí thư kiêm Trưởng thôn là thợ xây nên không ở nhà thường xuyên, từ năm 2020 trở về trước chi bộ đã có hơn 20 năm không kết nạp được đảng viên, vai trò người đứng đầu và chi ủy chi bộ hạn chế nên các phong trào chung chưa mạnh. Trước thực tế đó, Đảng ủy xã Bồng Khê tăng cường 5 cán bộ công chức xã về sinh hoạt cùng 4 đảng viên tại chỗ nhằm “cầm tay chỉ việc” giúp chi ủy chi bộ điều hành, lãnh đạo toàn diện trong thôn. Nhờ vậy, trong năm 2020 chi bộ kết nạp thêm được 3 đảng viên mới nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 12 người trong đó có 7 đảng viên tại chỗ. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phan Thanh Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Bồng Khê thì năng lực lãnh đạo của Chi bộ thôn Tân Hòa tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của cấp trên. Vừa rồi, thôn hoàn thành tuyến đường dài 800m trong đó nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây, lùi bờ rào trị giá hơn 500 triệu đồng nếu không có Đảng ủy xã thành lập tổ công tác về cùng với hệ thống chính trị xóm trực tiếp tuyên truyền vận động nhân dân thì cũng khó khăn trong công tác GPMB.
Thực tế cho thấy vai trò của chi bộ có tác động rất lớn đến sự phát triển chung của hệ thống chính trị cơ sở. Để có một chi bộ tốt phải có nền móng vững và người “đứng mũi chịu sào”. Trở lại câu chuyện xảy ra tại Chi bộ thôn 2/9, xã Châu Khê (Con Cuông). Khi hàng loạt cán bộ bị phát hiện có sai phạm trong bồi thường giải phóng mặt bằng, BCH đảng bộ xã Châu Khê đã kiện toàn cử ông Nguyễn Đình Tâm làm Bí thư Chi bộ thôn này. Với kinh nghiệm nhiều năm làm cán bộ thôn trước đó, ông Tâm và chi ủy mới quyết tâm lấy lại uy tín của chi bộ, bắt đầu bằng việc phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tuân thủ nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Mọi nghị quyết chi bộ ban hành đều bám thực tiễn và đặt lợi ích của người dân trong thôn lên cao nhất. Kết quả là chỉ một thời gian ngắn sau đó, thôn 2/9 đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7/140 hộ và đang phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao trong năm 2021.
Còn tại thôn Sơn Hải -xóm giáo toàn tòng của xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu). Nhiều năm nay, để duy trì chi bộ đảng, Đảng ủy đã tăng cường đảng viên về sinh hoạt tại Chi bộ. Tại thời điểm Đại hội chi bộ thôn nhiệm kỳ 2020 – 2022, đồng chí Nguyễn Thị Hoa Mai – Chủ tịch Hội LHPN xã được bầu làm Phó Bí thư chi bộ. Chị cùng Trưởng Công an xã, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phụ trách tôn giáo và Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã và 2 đảng viên là cán bộ hưu trí nguyên là cán bộ xã được tăng cường về sinh hoạt tại chi bộ. Chia sẻ về mô hình chi bộ tăng cường, chị Mai cho biết: “Để chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước xuống người dân một cách thuận tiện, chúng tôi tổ chức họp chi bộ mở rộng đến trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi đoàn, chi hội, các cá nhân có uy tín. Ngoài nội dung công tác Đảng còn lồng ghép thêm các vấn đề mà người dân quan tâm. Bên cạnh đó, chi bộ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các chi đoàn, chi hội để mở rộng việc tập hợp đoàn viên, hội viên. Đơn cử như Chi hội Phụ nữ thôn Sơn Hải có mô hình “1 + 5”, tức là một chị đi họp mời thêm 5 chị khác đi họp, triển khai các chương trình vay vốn để thu hút hội viên tham gia”.
Từ những giải pháp đó, vai trò lãnh đạo của chi bộ thôn dù còn rất nhiều khó khăn phía trước song cũng dần thể hiện rõ như, triển khai cho nhân dân làm được 3,1 km đường giao thông nông thôn, tôn tạo lại nhà văn hoá và hiện đang đề xuất với xã khảo sát lựa chọn địa điểm làm sân chơi cho nhân dân. Đồng chí Ngô Quang Nuôi – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Hải trao đổi: So với hệ thống chính trị ở các thôn khác thì thôn Sơn Hải chưa bằng, nhưng đặt vào trong bối cảnh cụ thể, có thể thấy thông qua vai trò của chi bộ, phong trào đã được nhen nhóm lên!
Thực tiễn trên đã minh chứng cho lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng trong quần chúng”, “gốc có vững thì cây mới bền”…
(Còn nữa)