Những năm trước nơi đây ai có dịp đi qua Tỉnh lộ 534, qua giáo họ Cổ Lãm, xóm 10, xã Nghi Văn (Nghi Lộc), đều nhận thấy đây là vùng đất cằn sỏi đá, đường sá trong thôn thường xuyên bị xói lở do địa hình nằm chênh vênh ở sườn đồi, nhà văn hóa xuống cấp, khuôn viên sũng nước. Nhưng hôm nay, vùng đất này đã “thay da đổi thịt” đến bất ngờ. Chị Nguyễn Thị Hương – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nghi Văn, kiêm Bí thư Chi bộ xóm 10 dẫn chúng tôi tham quan những công trình mà xóm vừa xây dựng, cải tạo khang trang đẹp đẽ.
Đứng trong khuôn viên nhà văn hóa rộng rãi, có sân bóng chuyền, ghế ngồi được bố trí khang trang, chị Hương phấn khởi cho biết, đây là công trình đầu tiên triển khai và kêu gọi nhân dân thực hiện khi về đảm nhận cương vị Bí thư chi bộ. Lúc đó chi bộ còn ít đảng viên, nhiều người tuổi đã cao, nên không phát huy được vai trò, bà con trong xóm chủ yếu là người theo đạo. Với kinh nghiệm trước đó đã được tăng cường về sinh hoạt tại chi bộ vùng có đồng bào theo đạo 4 năm, cũng như từng trực tiếp đến làm việc với các chị em trong chi hội phụ nữ, nữ Bí thư chi bộ đến với bà con xóm đạo không đơn thuần chỉ bằng trách nhiệm của người đảng viên, mà còn cả tấm lòng chân thành, tâm huyết.
Chị Hương cho biết, những cuộc họp chi bộ, họp xóm ở vùng đặc thù cũng có những đặc thù. Ban ngày thì chị phải làm việc hành chính, người dân đi lao động; cuối tuần, kể cả buổi tối các ngày trong tuần bà con đi nhà thờ. Nên nhiều cuộc họp xóm có khi 9 giờ tối mới bắt đầu tiến hành và kéo dài đến 11, 12 giờ đêm mới hoàn thành.
Nói về nữ Bí thư Chi bộ xóm, cũng là người đồng hành, tâm đầu, ý hợp trong suốt 4 năm nay, bà Trương Thị Tâm, Xóm trưởng xóm 10 chân thành chia sẻ: Chị Hương về làm Bí thư Chi bộ phối hợp chặt chẽ với ban cán sự xóm trong mọi công việc. Dân thấy Bí thư Chi bộ khi mô cũng vui vẻ, năng nổ tham gia việc xóm nên ai cũng yêu mến, phong trào cũng sôi nổi lên. Xóm cũng thay đổi hẳn so với trước đây.
Để chỉnh trang lại nhà văn hóa, chị Hương đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, kêu gọi người dân đóng góp 70.000 đồng/khẩu để cải tạo nhà văn hóa, chị còn tự bỏ tiền túi 1 triệu đồng góp thêm vào với xóm. Bên cạnh đó, còn lập nhóm facebook của con em xóm 10 để huy động sự đóng góp của con em đi làm ăn xa. Kết quả, nhà văn hóa xóm 10 được cải tạo khang trang để bà con hội họp, khuôn viên trở thành điểm vui chơi của người già, trẻ em mỗi buổi chiều. Với sự năng nổ của Bí thư Chi bộ, sự nêu gương của các đảng viên, những con đường bê tông cũng theo đó mà hình thành trong niềm vui chung của xứ đạo.
Trước tết Nguyên đán 2021, xã Nghi Văn có chủ trương xây dựng đường cờ Tổ quốc ở mỗi xóm để thực hiện nông thôn mới nâng cao. Phát huy tính tiên phong của đảng viên, Chi bộ xóm 10 thống nhất “mỗi đảng viên đóng góp xây dựng một cột cờ”, chị Nguyễn Thị Hương còn ủng hộ thêm 4,5 triệu đồng. Cờ Tổ quốc do Mặt trận Tổ quốc ủng hộ; kết hợp với đó chị bàn với giáo họ để làm cột đèn chiếu sáng. Nhờ đó góp thêm cho người dân lương, giáo nơi đây được đón một cái Tết cổ truyền bừng sáng thêm niềm vui mới…
Việc nêu gương với hình ảnh “mỗi đảng viên là một cột cờ” cũng được Đảng ủy xã Nghi Văn quán triệt, đã phát huy vai trò chi bộ đảng ở cơ sở, tạo nền tảng vững chắc để xã vùng bán sơn địa, có diện tích lên đến 3,4km2, dân số 11.700 người, trong đó có 6.000 giáo dân, về đích nông thôn mới năm 2019 và hiện đang xây dựng nông thôn mới nâng cao.
2h chiều ngày 2/3/2021 mới bắt đầu sinh hoạt chi bộ, nhưng trước đó 30 phút Bí thư Chi bộ bản Trung tâm xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) Vừ Vả Chống đã đến để kiểm tra lại hệ thống loa máy chuẩn bị cho buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ. Ngay sau đó, các đảng viên Chi bộ bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ đã tập trung đông đủ để dự sinh hoạt. “Đã từ lâu không ai phải nhắc nhở lịch đi họp chi bộ nữa, mà đúng vào ngày đã được quy định hàng tháng, các đảng viên tự giác đến theo thói quen thôi”, ông Vừ Vả Chống cho biết. Địa điểm quen thuộc là nhà văn hóa cộng đồng của bản, nằm cạnh Trường Tiểu học Huồi Tụ 1.
Ông Vừ Vả Chống đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ đảng ở cơ sở đã ngót nghét hai chục năm, và cũng chừng ấy năm ông vừa làm tốt vai trò cán bộ cơ sở, vừa phát triển kinh tế gia đình, trở thành một hình mẫu để các đảng viên và người dân noi theo. Năm 2021, một trong những mục tiêu mà các đảng viên ở Chi bộ này quan tâm, trăn trở đó là hiện thực hóa Nghị quyết của Chi bộ về xây dựng bản nông thôn mới, một trong những nhiệm vụ khó của bản vùng cao xa xôi này.
Theo đó bài toán xóa đói giảm nghèo được Chi bộ bản đưa lên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tại buổi sinh hoạt, một số đảng viên bày tỏ, chỉ cần người khác và bà con học theo sự chăm chỉ, cách phát triển kinh tế bền vững của Bí thư Vừ Vả Chống là có thể thành công. Bởi hiện tại trên trang trại cách nhà không xa, ông Vừ Vả Chống đã trồng được hơn 7.000 cây pơ mu, sa mu tươi tốt, có nhiều cây thân đã to hơn vòng tay người ôm. Ngoài ra ông còn trồng chè shan tuyết, nuôi gà đen, bò Mông. Thậm chí, vị Bí thư chi bộ này đang ấp ủ triển khai kế hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng ngay tại khu gia trại, dưới tán cây pơ mu, sa mu…
Và hiện nay, theo Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ Vừ Bá Lỳ thì đã có hơn 100 hộ học theo cách làm của ông Vừ Vả Chống, trong đó bản Trung Tâm có hơn 30 hộ làm theo. Bí thư chi bộ “miệng nói tay làm” đã tạo được uy tín đối với đảng viên và quần chúng nhân dân, việc triển khai các nghị quyết cũng vì thế mà nhanh chóng có hiệu quả, nhiều hộ dân nhờ đó cũng khấm khá theo.
Cũng như ở Chi bộ bản Trung tâm xã Huồi Tụ, Chi bộ bản Khe Ló ở xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông) cũng là một chi bộ mạnh nhờ người đứng đầu “mạnh” và nội bộ đoàn kết. Chị Lương Thị Tâm – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Khe Ló tươi cười khi gặp lại chúng tôi, vừa lúc chi bộ đang triển khai chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp. Chi bộ Khe Ló có 20 đảng viên, chị Lương Thị Tâm vừa là Bí thư chi bộ, vừa là Trưởng bản, “một gánh hai vai” nên công việc, trách nhiệm càng nặng nề hơn. Bản Khe Ló vừa mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12/2020. Chị Tâm cho hay, trước khi hoàn thành đạt yêu cầu các tiêu chí thì bản Khe Ló còn 3 tiêu chí chưa đạt, cũng là 3 tiêu chí khó nhất, đó là tỷ lệ hộ nghèo, chỉ tiêu môi trường và đường giao thông nông thôn.
Để đưa bản Khe Ló trở thành bản nông thôn mới, Chi bộ bản đã họp nhiều cuộc để bàn bạc, tìm phương án chỉ đạo sát đúng, hiệu quả nhất. Về đường giao thông, ngoài tuyến đường vào khu nghĩa trang được bà con hưởng ứng tự nguyện hiến cây, hiến đất thì trục đường nội đồng cũng được thi công xong. Trong đó, các hộ đảng viên đóng góp, hiến cây, hiến đất nhiều nhất. Không chỉ đi đầu trong hiến cây, hiến đất, ngày công xây dựng đường giao thông, các đảng viên ở Khe Ló còn là những người xung phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Khi triển khai, nhiều người dân còn e ngại, nhưng khi thấy Bí thư kiêm Trưởng bản Lô Thị Tâm, trưởng các hội, đoàn thể, các đảng viên đều xung phong thực hiện trước, thấy cây bí lên xanh đồng, bà con ai cũng an tâm hưởng ứng.
Ông Vi Văn Tụ – Phó Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho biết, Khe Ló là ví dụ sinh động cho việc muốn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì Đảng phải lãnh đạo toàn diện. Trong đó đảng viên phải tiên phong đi trước, nhất là phát triển kinh tế. Chỉ khi thấy người thật việc thật, hiệu quả thì bà con sẽ nghe theo.
Về với thôn Đức Xuân, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu), chúng tôi được chứng kiến cách làm hay ở một chi bộ vùng biển. Sống bên chân sóng, người dân thôn chủ yếu dựa vào biển. Đặc thù trên đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ có những nét khác. Ông Nguyễn Văn Thanh, hơn 10 năm nay làm Bí thư Chi bộ cho biết: “Chúng tôi có 12 đảng viên, mấy năm trước có 3 đảng viên làm nghề đi biển, đến năm nay còn 1 đảng viên làm nghề đi biển. Vì đặc thù trên nên Chi bộ báo cáo với Thường trực Đảng ủy xã để xin phép thời gian sinh hoạt vào đúng ngày trăng trong tháng nhằm tạo điều kiện cho đảng viên ra khơi, bám biển. Với lịch sinh hoạt này cũng gặp khó khăn khi triển khai công việc. Tuy nhiên, Chi bộ cố gắng khắc phục bằng nhiều giải pháp như giao nhiệm vụ kịp thời cho từng đảng viên. Ngược lại, quá trình lao động trên biển, đảng viên cũng nắm bắt được nhiều nội dung, thông tin để báo cáo về chi bộ như: tình hình thiếu lao động nghề biển, hay những vấn đề trên biển… để báo cáo lại kịp thời với Đảng ủy xã”.
Ở miền biển vốn đất chật, người đông nên sân chơi cộng đồng rất khó khăn, vậy mà ở Đức Xuân vẫn xây dựng được sân chơi bóng chuyền rộng rãi trị giá hàng trăm triệu đồng, nhà văn hóa khang trang. Rồi còn lập được cả quỹ hỗ trợ cho các hộ khó khăn ở trong thôn. Khi được hỏi bí quyết nào mà Đức Xuân lại xây dựng được cơ sở hạ tầng tốt như vậy, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Thanh vui vẻ cho biết: Cái chính là mọi việc mình làm đều phải thống nhất trong chi ủy, chi bộ và đưa ra bàn với Ban Cán sự xóm, Ban Công tác Mặt trận và thống nhất trong nhân dân. Mọi việc được thực hiện rất công khai, minh bạch, vì lợi ích chung cộng đồng. Vì vậy, có khi chúng tôi chưa kịp vận động, người dân đã tự nguyện ủng hộ.
Có thể thấy ở Đức Xuân, dù có những khó khăn đặc thù của một địa phương miền biển, nhưng chính tổ chức cơ sở đảng nơi đây thông qua tấm gương, cách làm của từng đảng viên, chi ủy đã trở thành ngọn cờ trung tâm đoàn kết, để phát huy sức mạnh và những giá trị cao đẹp của cộng đồng.
Hoặc như ở Chi bộ thôn 2/9 ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, để đưa thôn hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới vào năm 2018, hiện đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, là nhờ Chi bộ có những nghị quyết chỉ đạo sát đúng. Có như vậy mới có thể huy động kinh phí xây dựng, tu sửa nhà văn hóa hơn 1 tỷ đồng; bê tông hóa 3,5km đường nội thôn; xây dựng sân bóng và các cổng chào hơn 240 triệu đồng cùng 160 bồn hoa; xây dựng các vườn mẫu và hàng chục trang trại trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm như chè, cam, bưởi.
Theo Bí thư Chi bộ thôn 2/9 – ông Trần Xuân Định, thì “Mỗi việc triển khai xuống dân đều phải gắn với một nghị quyết của chi bộ. Quan trọng là trước khi ra nghị quyết thì chúng tôi đều nghiên cứu tình hình thực tiễn, chọn cách làm và thăm dò ý kiến nhân dân rồi mới họp bàn, thống nhất nội dung triển khai để đảm bảo nghị quyết luôn sát đúng, hiệu quả cao và phù hợp với lòng dân”. Vị Bí thư chi bộ này cũng cho rằng, cách nhanh nhất để đưa nghị quyết của chi bộ vào cuộc sống là “Cán bộ, đảng viên cứ thực hiện đúng “nói đi đôi với làm” thì bà con sẽ nghe, tin và làm theo”…
(Còn nữa)