Hàng chục năm qua, nông nghiệp luôn là lĩnh vực được quan tâm nhiều về khoa học và công nghệ. Những thành tựu về nông nghiệp ở Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng có sự đóng góp to lớn của khoa học và công nghệ.
Riêng ở Nghệ An trong 10 năm gần đây đã tổ chức khoảng 350 đề tài, dự án (gọi tắt là nhiệm vụ) khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm nông nghiệp, thủy, hải sản và lâm nghiệp) chiếm gần 50% (170 nhiệm vụ), với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước trên 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông của tỉnh cũng đã xây dựng hàng trăm mô hình ứng dụng tiến bộ mới về KH&CN trong nông nghiệp, với số kinh phí đầu tư từ nhiều nguồn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình cũng đã đầu tư để nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN mới vào sản xuất, kinh doanh của mình.
Nhờ những cố gắng đó, nền nông nghiệp của Nghệ An đã có nhiều khởi sắc. Nhiều giống mới về lúa, ngô, rau, đậu, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, giống thủy sản, giống bò, lợn, gà đã được khảo nghiệm và từng bước đưa vào sản xuất, mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, các đơn vị khoa học và một số doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống, tạo nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, nhất là giống thủy, hải sản, giống lúa, giống cây ăn quả, giống cây lâm nghiệp.
Nhiều kỹ thuật mới cũng đã được nghiên cứu, ứng dụng và áp dụng rộng rãi trong sản xuất, như các kỹ thuật về giống, kỹ thuật tưới hiện đại, kỹ thuật nhà lưới, nhà màng; kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình sạch, an toàn…
Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN cũng đã quan tâm đến nghiên cứu cơ cấu lại mùa vụ, cây con, tạo nên những công thức xen canh, luân canh mới, mang lại hiệu quả cao hơn về kinh tế và môi trường. Một số hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh mới theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị cũng đã xuất hiện. Trong sản xuất nông nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, Nghệ An cũng là một trong những điểm sáng trên toàn quốc về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với sự tiên phong của Tập đoàn TH, Vinamilk và nhiều mô hình khác.
Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn lại, chúng ta thấy đầu tư của KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp ở Nghệ An vẫn còn có những yếu kém, thiếu sót và lệch lạc. Trước hết, về đối tượng lựa chọn để tác động, chúng ta đã quá say sưa với việc đưa giống mới vào sản xuất, mà chưa chú ý ứng dụng KH&CN để phát triển các cây, con đặc sản, các sản phẩm truyền thống của Nghệ An thành hàng hóa.
Ví dụ với con bò, chúng ta đã tìm mọi cách để đưa giống bò lai Sind lên miền núi, nhưng thất bại, hoặc hiệu quả thấp, trong lúc đó giống bò Mông với rất nhiều ưu thế lại không được quan tâm nghiên cứu, phát triển. Có thể nói hàng chục năm qua, đã có hàng nghìn đối tượng mới được các ngành khoa học, khuyến nông, các chương trình, dự án khác đưa vào trồng hoặc chăn nuôi, nhưng số đứng lại và phát triển được thành hàng hóa là không nhiều. Sự lãng phí về tiền bạc, công sức và thời gian là không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, KH&CN cũng chưa được chú trọng đầu tư theo chuỗi giá trị của sản phẩm. Chúng ta chủ yếu đang tập trung cho khâu nuôi, trồng (ứng dụng giống mới, kỹ thuật mới), mà rất xem nhẹ đầu tư cho khâu chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm, cũng như các yếu tố về tổ chức sản xuất và thị trường.
Trong hơn 170 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh 10 năm qua về nông nghiệp, và hàng trăm mô hình khuyến nông khác, chỉ có vài ba nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng về chế biến. Chúng ta cũng chưa quan tâm xây dựng thương hiệu cho nông sản Nghệ An.
Mặt khác, cũng như nhiều địa phương khác, ở Nghệ An kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án nói chung đều tốt, nhưng tỷ lệ ứng dụng và hiệu quả ứng dụng kết quả vào thực tiễn còn thấp. Mô hình ứng dụng KH&CN, mô hình khuyến nông được xây dựng rất nhiều, nhưng duy trì, phát triển thành sản phẩm hàng hóa không được bao nhiêu. Số lượng các sản phẩm, kết quả nghiên cứu KH&CN được thương mại hóa rất hạn chế.
Nguồn lực đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp tuy không nhỏ, nhưng phân tán ở nhiều chương trình, dự án, nhiệm vụ của các ngành, không được điều phối, lồng ghép tập trung cho các sản phẩm trọng điểm. Số lượng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh hàng năm quá nhiều, hậu quả là đầu tư manh mún, dàn trải, không đi đến tận cùng chuỗi giá trị sản phẩm.
Theo Chiến lược phát triển KH&CN nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, giai đoạn 2011-2020, Bộ NN&PTNT đã xác định mục tiêu đến năm 2015 thành tựu KH&CN đóng góp 40% GDP ngành nông nghiệp và 50% đến năm 2020. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 30% giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 và 50% vào năm 2020. Ở Nghệ An chưa có một tính toán nào để xem các mục tiêu đó đã và đang được thực hiện ra sao, nhưng với việc Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về KH&CN xác định mục tiêu đến năm 2020 đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp (trong đó có KH&CN) chiếm 35% GDP cho thấy các mục tiêu trên vẫn đang là… mục tiêu.
Theo đuổi những mục tiêu trên là cần thiết, nhưng quan trọng hơn theo tôi là chúng ta cần điều chỉnh hướng tác động và cách tác động của KH&CN vào nông nghiệp như thế nào?
Theo tôi, tái cơ cấu nông nghiệp ở Nghệ An chính là xác định lại các sản phẩm chủ lực của tỉnh về nông nghiệp, trên cơ sở đó bố trí đầu tư các nguồn lực đồng bộ và tập trung theo chuỗi sản phẩm. Theo hướng đó, KH&CN cũng phải đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi sản phẩm. Cần rà soát lại trên từng địa bàn để lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng hàng hóa mà đầu tư hợp lý. Một mặt, tiếp tục lựa chọn đầu tư phát triển những đối tượng mới du nhập, sau khi đã khảo nghiệm tính phù hợp một cách chắc chắn; mặt khác phải chuyển hướng đầu tư nghiên cứu, phát triển các giống cây, con bản địa có nhiều ưu thế vượt trội, theo phương châm “biến đặc sản thành hàng hóa”.
Cũng theo hướng tiếp cận từ chuỗi giá trị sản phẩm, cần đầu tư KH&CN đồng bộ tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hoặc gia cố những khâu mà sản phẩm đó còn yếu hoặc thiếu. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn lực để đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới trong các khâu chế biến và bảo quản nông sản, thay vì hầu như chỉ đầu tư cho nuôi và trồng như từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý hơn để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình thực hiện nghiêm túc khâu quản lý chất lượng sản phẩm, đặc biệt là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Áp dụng các giải pháp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, như mã vạch, tem điện tử. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích việc đăng ký, xác lập nhãn hiệu, đặc biệt là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm mang địa danh.
Một cản trở lớn nhất hiện nay cho sản xuất và kinh doanh nông nghiệp chính là hình thức tổ chức sản xuất. Tuyệt đại bộ phận các sản phẩm nông nghiệp hiện nay của Nghệ An đang là sản phẩm của kinh tế hộ, thậm chí là của những hình thức tổ chức sản xuất hết sức sơ khai, lạc hậu và cực kỳ manh mún, kể cả du canh du cư.
Bởi vậy, cần phải nghiên cứu, ứng dụng các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, nhất là phát triển liên minh sản xuất, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, với vai trò nòng cốt, dẫn dắt của doanh nghiệp. Họ vừa là người xây dựng các cơ sở chế biến, vừa tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua sản phẩm cho người nông dân.
>> Logistics – điểm yếu của nông sản Việt Nam
>> Kết nối cung cầu, hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa kép kín
Theo đó, đầu tư cho KH&CN, kể cả đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng chủ yếu là đầu tư qua doanh nghiệp. Chỉ nên đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN trong nông nghiệp chừng nào có doanh nghiệp, hoặc hợp tác xã đứng ra làm đối tác, vừa đối ứng kinh phí, vừa tiếp thu công nghệ và tổ chức sản xuất thử nghiệm, cũng như thương mại hóa kết quả của nhiệm vụ KH&CN sau khi kết thúc đề tài, dự án. Hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng nguồn kinh phí đã ít lại “rải mành mành” cho hàng chục, hàng trăm hộ gia đình xây dựng mô hình. Kết quả là hết dự án, hết tiền của Nhà nước thì mô hình cũng chết.
Hiện nay, người ta đang nói nhiều, thậm chí thành “mốt” về “cách mạng 4.0”, “nông nghiệp công nghệ cao”. Với hiện trạng nông nghiệp Nghệ An, không nhất thiết cứ phải công nghệ cao bằng mọi giá, mà nên xác định công nghệ phù hợp, sao cho KH&CN có thể tác động một cách đồng bộ, chính xác đến các khâu thiết yếu của sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu tạo ra những sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, chất lượng cao và thương hiệu mạnh.