Dù trong lòng các con khe, con suối, con sông nhỏ và vùng lòng hồ thủy điện có sẵn cát nhưng tương tự các huyện vùng núi cao của tỉnh, huyện Quế Phong vẫn khát... cát. Nghịch lý này bao giờ chấm dứt?
Câu chuyện “khát… cát” ở huyện Quế Phong đến với tôi, bắt đầu từ những tâm huyết đưa địa phương cơ sở về đích nông thôn mới năm 2025 của Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Lương Thái Quý. Nghe người cán bộ trẻ tâm tư, thực sự băn khoăn. Đồng Văn với tôi vốn không lạ lẫm. Vùng cao giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa này gồm những bản làng tái định cư của 2 nhà máy thủy điện Hủa Na, Cửa Đạt với đầy rẫy những khó khăn. Lộ trình 5 năm nhiệm kỳ Đại hội là dài. Nhưng dù vậy, liệu có đủ thời gian để thực hiện?
Lương Thái Quý cho biết, Đồng Văn cùng Mường Nọc và Châu Kim là ba xã được Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong quan tâm chỉ đạo về đích Nông thôn mới năm 2025. Nội dung được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22 để quyết tâm thực hiện.
Nhưng để về đích, bên cạnh những nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân Đồng Văn thì cần có sự hỗ trợ của các cấp các ngành về chủ trương, cơ chế, chính sách, nguồn vốn để đầu tư các cơ sở hạ tầng.
Đồng Văn xác định cơ sở hạ tầng tốt sẽ tạo sức bật phát triển kinh tế. Nhưng cơ sở hạ tầng của Đồng Văn còn nhiều yếu kém. Đường giao thông nông thôn các khu tái định cư đều chật hẹp, không đủ bề rộng đạt chuẩn, xuống cấp; bên cạnh đó, còn nhiều km đường đất, lối mòn và nhà ở dột nát tạm bợ,…
Rồi Quý trải lòng, triển khai thực hiện thì thấy nổi lên một số bất cập khó khăn cho xã, cho nhân dân. Trước đây, người dân tộc Thái sống trong các nếp nhà sàn làm bằng gỗ. Những năm qua thực hiện Chỉ thị 13, việc khai thác rừng tự nhiên bị nghiêm cấm triệt để. Vậy thì muốn xóa nhà dột nát tạm bợ, cần phải xây dựng, cần các vật liệu đá, sỏi, cát. Rồi đường giao thông nông thôn, trụ sở xã…, muốn xây dựng đạt chuẩn cũng cần đến cát sỏi.
Tuy nhiên trên địa bàn của huyện, của xã lại không có một đơn vị doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác cát sỏi. Đồng Văn có nguồn cát sỏi tại các con khe Nậm Hạt, Nậm Hinh. Dù trữ lượng ít nhưng cũng đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng tại chỗ nhưng xã không thể cho phép doanh nghiệp, hay người dân tổ chức khai thác, vì đó là quy định.
Thế nên muốn có cát sỏi xây dựng, phải mua với giá rất cao vì chi phí vận chuyển rất xa. Cụ thể, sẽ phải mua cát ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu) với giá dao động từ 220 – 230 nghìn đồng/m³. Cộng cả tiền chuyên chở về đến Đồng Văn là khoảng 1.700.000 đồng/xe/5m³. Còn nếu được khai thác tại địa phương, cả chi phí xúc cát và chuyên chở hết khoảng 700 – 900 nghìn đồng. Mỗi xe cát giảm được tối thiểu từ 600 – 900 nghìn đồng…
Lương Thái Quý nói: “Để bản Tục Pang về đích năm 2020, sẽ phải xóa nhà ở dột nát tạm bợ cho 8 hộ; bên cạnh đó, còn khoảng 1km đường giao thông nông thôn xuống cấp trầm trọng và không đủ diện tích bề rộng. Nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân Đồng Văn là muốn được tỉnh và huyện hỗ trợ xi măng; đồng thời có giải pháp cho khai thác cát sỏi tại chỗ để giúp dân xóa nhà ở dột nát tạm bợ và làm đường giao thông nông thôn được thuận lợi…”.
Sau câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, tôi đã có 2 ngày trên đất Quế Phong chỉ nhằm tìm, xem cát ở lòng những con khe, con suối, sông và lòng hồ thủy điện của địa phương này. Qua những sông Quàng, sông Nậm Giải, sông Nậm Việc, rồi các khe Nậm Hạt, Nậm Hinh…, khẳng định trên địa bàn Quế Phong có cát.
Cát nơi đây không có trữ lượng lớn như dọc bờ bãi sông Lam, sông Hiếu thuộc các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn…, mà rải rác ở nhiều nơi. Nhưng có những vị trí, có khá nhiều cát và chất lượng rất tốt. Có những khu vực, cát có màu vàng óng khiến lòng sông sánh như màu mật.
Đáng kể nhất là dọc sông Nậm Việc, đoạn lòng hồ thủy điện Sao Va (xã Hạnh Dịch) với chiều dài khoảng 3km, tính từ bản Pỏm Òm kéo xuống đến bờ đập; hoặc đoạn giao nhau giữa hai bản Phương Tiến 2 và Phương Tiến 1 (xã Tiền Phong) với chiều dài khoảng 2km…
Nhưng cũng trong hai ngày qua lại các xã của huyện Quế Phong, cũng nhận thấy còn có tình trạng lén lút khai thác thủ công, nhỏ lẻ cát sỏi trái phép. Như ở dọc khe Nậm Hạt (đoạn giáp ranh xã Tiền Phong và Đồng Văn), có trường hợp đối tượng đánh hẳn xe tải nhẹ xuống lòng khe xúc cát. Tương tự, ở gần cầu treo bản Phương Tiến 2 (xã Tiền Phong) cũng có tình trạng xe công nông chạy xuống bãi sông để xúc cát. Ở vị trí này, có hai vợ chồng thường xuyên túc trực xúc cát. Hỏi chuyện, họ nói rằng lấy cát để xây dựng các công trình trong gia đình. Nhưng cách họ sử dụng xe cút kít ra sông lấy cát đưa vào bờ đánh đống; đồng thời xúc cát lòng sông cho các xe công nông đã chứng mình với họ, khai thác cát thủ công là nghề mưu sinh…
Nói ra những chuyện này, cán bộ một số xã thẳng thắn xác nhận. Họ nói rằng chính quyền xã đã làm đủ cách, và làm hết sức. Từ tổ chức tuyên tuyền các quy định của pháp luật, quy định của tỉnh, của huyện rồi thành lập đoàn tổ chức kiểm tra phát hiện lập biên bản vi phạm, thậm chí thu giữ công cụ, xử phạt hành chính theo thẩm quyền…
Thế nhưng địa bàn rộng, nhiều đoạn sông, khe suối ở khu vực xa xôi hẻo lánh nên vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác cát nhỏ lẻ trái phép. Đối tượng có hành vi này hầu hết là nhân dân địa phương khai thác để xây dựng công trình phục vụ gia đình; tuy nhiên cũng còn có những người khai thác cát trái phép để có thêm thu nhập.
Như xã Quế Sơn thông tin, trong năm 2019 đã 11 lần tổ chức đoàn kiểm tra dọc sông Quàng thì 2 lần phát hiện, xử phạt đối tượng khai thác cát trái phép. Hay với xã Cắm Muộn, dù tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tổ chức 4 đợt kiểm tra. Từ thông tin phát giác của nhân dân, đã phát hiện 2 tổ máy khai thác cát, sỏi trái phép…
Theo thống kê của huyện Quế Phong, trong năm 2019, UBND huyện đã chủ trì phối hợp với UBND các xã Cắm Muộn, Châu Thôn, Mường Nọc, Quang Phong xử lý 5 vụ khai thác cát và thạch anh non trái phép, đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12.000.000 đồng và giao UBND xã thu giữ 4 máy hút cát. Công an huyện đã kiểm tra xử lý 4 vụ khai thác cát trái phép, thu giữ 4 máy hút cát và xử phạt hành chính với số tiền 9 triệu đồng. Còn các xã trên địa bàn huyện đã kiểm tra xử lý 7 vụ việc khai thác cát trái phép, đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 23.000.000 đồng.
Năm 2020, UBND huyện Quế Phong cũng khẳng định, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn có một số đối tượng lợi dụng lén lút khai thác cát trái phép. Điển hình là vụ việc khai thác cát trái phép của ông Vi Văn Phòng tại đập Kèm Ải, xã Tri Lễ. Chi nhánh thủy lợi Quế Phong sau một số lần nhắc nhở nhưng đối tượng này không chấp hành nên đã báo cáo lên UBND huyện. Nhận được thông tin, ngày 3/4/2020, UBND huyện đã phát văn bản số 473/UBND-TN yêu cầu UBND xã Tri Lễ tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Tôi đã đem những tâm tư của Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Lương Thái Quý, cùng những gì đã chứng kiến trên các khe suối, sông, lòng hồ trao đổi với anh Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong. Anh Hiền chuyển cho tôi tập văn bản, là báo cáo về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản của các xã trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020. Rồi nói: “Anh xem đi. Các xã trên địa bàn huyện Quế Phong đều có chung những tâm sự như vậy…”. Đúng là nội dung tập văn bản anh Hiền đưa cho, đều thể hiện những trăn trở về thực trạng như ở xã Đồng Văn. Đáng lưu ý văn bản của xã Mường Nọc, là địa phương cùng với Châu Kim, Đồng Văn được xác định sẽ cán đích nông thôn mới năm 2025.
Báo cáo của xã Mường Nọc có tiêu đề “Đề xuất về việc tận thu cát xây dựng trên địa bàn xã”. Trong đó trình bày: “Trải qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, Mường Nọc đã nỗ lực phấn đấu nhưng đến nay mới chỉ đạt 14/19 tiêu chí.
Về việc chưa đạt được chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do quá trình huy động sức đóng góp của người dân còn hạn chế, cộng thêm giá cả vật liệu xây dựng càng ngày càng cao trong đó có cát xây dựng là một nan giải (giá cát xây bình quân mỗi xe 5m³ khoảng 1,3 – 1,4 triệu đồng; cát da trong bình từ 1,7 – 1,8 triệu đồng).
Giá cao khiến đội giá công trình đầu tư, hạn chế về khối lượng, quá trình thi công chậm tiến độ do khó khăn trong quá trình mua bán vận chuyển. Công tác vận động xóa nhà dột nát tạm bợ cũng gặp nhiều khó khăn; có những căn nhà đại đoàn kết cũng không thể xây dựng khang trang hơn do chi phí vật liệu cao…”.
Và đề xuất: “Nếu được tận thu cát trên địa bàn chắc chắn giá cả sẽ giảm, người dân và đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dột nát tạm bợ sẽ bớt khó khăn trong xây dựng nhà cửa, tiến độ xây dựng sẽ được đẩy nhanh hơn… từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng thành công xóm bản nông thôn mới, xã nông thôn mới. Vậy thay mặt cho nhân dân Mường Nọc, xin được đề xuất UBND huyện, kiến nghị với cơ quan chức năng, UBND tỉnh cho phép các địa phương như Mường Nọc được tận thu cát trên địa bàn để giảm bớt khó khăn cho nhân dân cũng như thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Hỏi Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong: “Quan điểm của huyện Quế Phong như thế nào trước kiến nghị của các xã trên địa bàn?”. Anh Bùi Văn Hiền trao đổi: Huyện rất hiểu về những phức tạp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và chia sẻ những khó khăn mà cấp ủy, chính quyền các xã cùng nhân dân đang phải trải qua.
Nội dung này cũng đã được đề cập ở rất nhiều kỳ họp HĐND nhưng huyện không đủ thẩm quyền để giải quyết. Trước tình hình này, huyện yêu cầu chính quyền các xã, không vì thực trạng khó khăn mà buông lỏng vai trò trách nhiệm, phải thực hiện nghiêm quản lý nhà nước về khoáng sản, không để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép.
Mặt khác, cũng đã kiến nghị lên UBND tỉnh, các sở ngành liên quan nghiên cứu tính đặc thù của huyện biên giới còn nhiều khó khăn để có giải pháp tháo gỡ. “Chúng tôi rất biết là nếu trên địa bàn huyện được cấp mỏ, hoặc được tận thu cát sỏi thì công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của huyện, cơ quan chức năng và chính quyền các xã sẽ giảm được áp lực; sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước; các công trình xây dựng của nhân dân và nhà nước sẽ giảm được chi phí đầu tư… Nhưng đã là quy định thì phải thực hiện. Huyện Quế Phong đã có báo cáo lên cấp trên tình hình thực tế để được xem xét và có giải pháp tháo gỡ…”, anh Hiền trao đổi.
Theo Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT, ông Trần Văn Toản, huyện Quế Phong có 6 khu vực được quy hoạch mỏ cát. Tuy nhiên, các khu vực được quy hoạch đều có chung đặc điểm là trữ lượng cát không lớn. Hơn nữa, mức tiêu thụ cát trên địa bàn Quế Phong không cao như ở các huyện đồng bằng và thành phố Vinh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngoài huyện Quế Phong không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản cát sỏi; trong khi doanh nghiệp ở địa phương này ít và hạn chế về tiềm lực.
“Cái khó của địa bàn Quế Phong là vậy. Còn với Sở TN&MT, sẵn sàng tạo điều kiện, hướng dẫn thực hiện quy trình cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản cát nếu doanh nghiệp ở huyện Quế Phong đề xuất…”, ông Trần Văn Toản trao đổi.
Với trao đổi của Trưởng phòng Khoáng sản Sở TNMT, huyện Quế Phong nên xem đó là một hướng tháo gỡ khó khăn cát sỏi về lâu dài. Bởi vậy, cùng với những kiến nghị đã đề xuất lên UBND tỉnh và các sở ngành để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, rất nên động viên doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận để hướng đến một lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới. Đừng nên để tình trạng “khát… cát” kéo dài, để rồi, khó lại càng thêm khó!