Những ngày cuối tháng 4, vùng biên giới xã Tam Hợp huyện Tương Dương nóng như “chảo lửa”, tới bản Phồng cách trung tâm xã chừng 20 phút đi xe máy, chúng tôi gặp chị Vi Thị Ánh đang tất tả đi bộ giữa cái nắng như rang.
Chị Ánh là người dân tộc Tày Poọng, sinh năm 1986, đảm nhận một lúc khá nhiều vai: Bí thư Chi bộ bản Phồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Hợp, đại biểu HĐND xã Tam Hợp và huyện Tương Dương. Gạt những giọt mồ hôi còn vương trên trán do vừa đi thực địa kiểm tra một số công trình nước tưới tiêu trên địa bàn về, chị Ánh cho biết: “Đi kiểm tra để yên tâm hơn. Hiện nay nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt của người dân cơ bản ổn định, không như hai năm trước người dân phản ánh nhiều về đập nước ở Na Poóng”.
Nói thêm về vấn đề của đập nước Na Poóng, chị Ánh cho hay, năm 2021 đập nước nằm ở đầu nguồn khe suối chảy qua bản Phồng và các bản của Tam Hợp bị hư hỏng, sạt lở bờ ngăn khiến lượng nước không tích trữ được nhiều. Vì vậy gây ra tình trạng thiếu nước tưới cục bộ phục vụ sản xuất cho 24ha ruộng nước của bản Phồng, người dân phản ánh đến cán bộ thôn bản. Chị Ánh và cán bộ bản đã đi kiểm tra, sau đó phản ánh lên các cấp có thẩm quyền nhiều lần, đặc biệt là tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện Tương Dương. Nhờ đó, đập nước đã được huyện bố trí kinh phí sửa chữa kịp thời. Tương tự, tuyến đường 9km từ bản Xốp Nậm đi bản Phồng bị sạt lở nhiều đoạn, nhờ vai trò “cầu nối” của đại biểu Vi Thị Ánh, kiến nghị của người dân đã được phản ánh đến cấp trên, những điểm hư hỏng, gây mất an toàn giao thông của tuyến đường đã được tu sửa kịp thời.
Bản Phồng có 167 hộ, 696 khẩu người Tày Poọng trong đó có 117 hộ nghèo, đời sống vất vả, nên con gái tốt nghiệp cao đẳng sư phạm như chị Ánh là “của hiếm” của bản. Là phụ nữ lại kiêm nhiệm nhiều chức danh, chị Ánh luôn cố gắng sắp xếp ổn thỏa việc gia đình, việc xã hội. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền cho người dân nắm bắt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, nếp làm để phát triển kinh tế.
Chị Ánh cũng quan tâm nắm bắt kịp thời những vấn đề liên quan đến dân sinh để làm “cầu nối” với cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng. Gần đây nhất, cử tri bày tỏ mong muốn được quan tâm làm cầu dân sinh đi vào khu sản xuất ở khe Bủn vì vào mùa mưa lũ đi lại khó khăn, xã đã thành lập đoàn vào khảo sát, kiểm tra thực địa để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Nói về tinh thần, trách nhiệm, sâu sát trong nắm bắt tình hình cơ sở của nữ đại biểu dân cử Vi Thị Ánh, ông Lê Hồng Thái – Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp cho biết: Mặc dù đảm nhận nhiều vai, nhưng chị Ánh luôn nỗ lực, cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức, trình độ, năng lực, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác; nghiêm túc lắng nghe ý kiến cử tri, sâu sát cơ sở để giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những vấn đề chị Ánh nắm bắt, chuyển tải như việc thực hiện chế độ, chính sách cho người cao tuổi, chính sách vay vốn phát triển kinh tế của chi hội phụ nữ, hỗ trợ cây con giống trong sản xuất nông nghiệp… đều được giải thích, tháo gỡ kịp thời, góp phần tạo niềm tin của người dân vào cấp ủy chính quyền.
Ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, chị Lô Thị Thủy (dân tộc Thái) luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử đồng thời là người đứng đầu ở địa phương để kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Không chỉ là đại biểu HĐND huyện khóa thứ 3, chị Lô Thị Thủy còn kinh qua các vai trò: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã và hiện nay là Chủ tịch UBND xã Lạng Khê. Chị Thủy chia sẻ: “Là lãnh đạo UBND xã, việc tiếp nhận, giải quyết những kiến nghị của người dân cũng thuận lợi hơn. Bởi qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, các cuộc giám sát của HĐND, người đại biểu HĐND đồng thời là lãnh đạo sẽ nắm bắt thực tế và có những chỉ đạo kịp thời hơn đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương”.
Ví như những khó khăn, cách trở về đường giao thông giữa các tuyến thôn bản của Lạng Khê những năm trước luôn là vấn đề được người dân quan tâm, phản ánh tại các kỳ họp và qua hoạt động tiếp xúc cử tri. Điển hình như tuyến đường nối bản Yên Hòa đi bản Đồng Tiến, đường bản Chôm Lôm đến bản Yên Hòa lầy sục, mùa mưa nhiều đoạn bị chia cắt. Trong các cuộc làm việc với thôn bản, tiếp nhận phản ánh, chị Lô Thị Thủy đã tích cực phản ánh vừa trực tiếp tại các kỳ họp HĐND huyện, vừa bằng văn bản đến các ban, ngành cấp trên đề nghị bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Và đến cuối năm 2022 cả 2 tuyến đường này đã được UBND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị khởi công.
Nói thêm về những đề xuất, phản ánh kịp thời của các đại biểu HĐND xã, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch UBND xã Lô Thị Thủy, ông Lộc Vĩnh Thêu – Phó Chủ tịch HĐND xã Lạng Khê nêu ví dụ, năm 2021, nắm bắt phản ánh của nhân dân về một số cây trồng kém hiệu quả, chị Lô Thị Thủy đã đi thực tế, chỉ đạo đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số địa bàn của xã Lạng Khê. Đồng thời lãnh đạo xã cũng liên hệ với Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát liên kết cùng người dân trồng và bao tiêu sản phẩm cây dược liệu. Qua 2 năm thực hiện, đến nay việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã cho hiệu quả kinh tế cao cho gần 1,4ha cây dược liệu ở các bản của Lạng Khê. Trước đó, chị Lô Thị Thủy cũng cùng với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực kết nối liên hệ với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nhân dân, ví như liên kết với Công ty Mía đường Sông Lam bao tiêu thu mua mía, Nhà máy sắn Hoa Sơn (Anh Sơn) thu mua sắn… giúp người dân địa phương yên tâm sản xuất.
Vốn trưởng thành từ cơ sở, chị Lô Thị Thủy luôn đi sâu, đi sát, nắm vững tình hình địa phương và chứng minh “lời hứa” của mình trước cử tri bằng những hành động cụ thể. Điều mà chị quan tâm nhất trong hoạt động của cơ quan dân cử chính là tâm tư, nguyện vọng của cử tri được giải quyết thấu đáo, không chỉ ở cấp xã mà còn ở cấp trên. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, sau khi tiếp thu ý kiến của cử tri, chị Lô Thị Thủy sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan tập trung giải quyết, ưu tiên những nội dung liên quan đến quyền lợi sát sườn của người dân như tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng.
Đối với những nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, hoặc các vấn đề về sản xuất nông nghiệp mang tính dài hạn thì chỉ đạo các tập thể, cá nhân liên quan khảo sát xây dựng đề án triển khai thực hiện từng bước. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, nữ đại biểu dân cử Lô Thị Thủy sẽ khảo sát, nghiên cứu kỹ luật, các văn bản liên quan, tranh thủ ý kiến các cấp, các ngành để chuyển tải đúng nội dung, trúng địa chỉ tại các kỳ họp HĐND huyện; đồng thời giám sát, theo dõi kết quả giải quyết từng vụ, việc cụ thể để phản hồi với cử tri.
Trong số các đại biểu HĐND huyện Quế Phong khóa 2021-2026, nữ đại biểu người dân tộc Mông Lầu Y Pay được nhiều người dân nhắc đến với sự tin yêu, nể phục. Chị Lầu Y Pay vốn là cô giáo cắm bản xa, giao thông trắc trở, đường sá khó khăn nhưng hàng chục năm qua, ngày nào chị cũng đi sớm, về muộn, sát cánh cùng bà con dân bản nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em.
Chị Sầm Thị Thanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quế Phong cho biết: Lầu Y Pay là điển hình của phụ nữ dân tộc Mông vượt lên chính mình, vượt lên rào cản khó khăn để trở thành giáo viên, đại biểu hội đồng nhân dân huyện, chi hội trưởng phụ nữ mẫu mực, là tấm gương sáng truyền cảm hứng cho phụ nữ dân tộc Mông học tập, noi theo.
Tìm hiểu được biết, Lầu Y Pay sinh ra và lớn lên ở huyện Kỳ Sơn trong một gia đình đông con. Khó khăn, đói nghèo bủa vây, tư tưởng trọng nam khinh nữ trong cộng đồng không dập tắt được khát khao con chữ của cô gái trẻ. Kết quả là Y Pay đã thi đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, Lầu Y Pay lấy chồng, trở thành cô giáo dạy ở điểm trường Mầm non Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Huồi Mới là bản sát biên giới Việt – Lào với hơn 800 nhân khẩu. Bản có 5 lớp học, trong đó có 1 lớp mầm non và mẫu giáo với 35 em do cô giáo Y Pay và 1 cô giáo nữa phụ trách. Là người Mông, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, nên ngoài những buổi dạy ở lớp, tranh thủ các buổi tối, cô giáo Lầu Y Pay đã đến nhà từng học sinh để trò chuyện, giúp người dân biết cái hay, cái thiệt của việc không biết chữ, vận động phụ huynh tiếp tục cho con cái học hành. Sự cố gắng của cô giáo Y Pay đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế nhiều năm liền cô Y Pay là giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong đợt tuyên dương giáo viên cắm bản do huyện Quế Phong tổ chức, cùng với 6 giáo viên khác, cô giáo Lầu Y Pay vinh dự được UBND huyện Quế Phong tặng Giấy khen.
Không chỉ làm tốt vai trò người gieo niềm tin, gieo chữ nơi bản xa, cô giáo Lầu Y Pay còn được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND huyện khóa 2021-2026. Ông Vi Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Chị Lầu Y Pay không chỉ tâm huyết, gắn bó với công tác dạy học, mà trên cương vị là đại biểu HĐND huyện, chị cũng mạnh dạn chuyển tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào đến với chính quyền các cấp. Nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực trạng khó khăn trong dạy và học ở thôn bản vùng sâu, vùng xa; đề xuất với các cấp, ngành kêu gọi, hỗ trợ xây dựng trường lớp, ủng hộ, tiếp sức học sinh khó khăn đến trường. Hiện nay Đảng ủy xã Tri Lễ đang hoàn tất hồ sơ để đề nghị công nhận đảng viên chính thức cho cô giáo Lầu Y Pay”.
Về phía mình, cô Y Pay tâm sự được trở thành đại biểu HĐND huyện giúp chị trưởng thành hơn trong công việc và cuộc sống. Nhưng vui hơn cả là nỗ lực vượt núi gieo chữ của chị đã “truyền lửa” để thế hệ trẻ vùng cao nói chung, phụ nữ Mông nói riêng tích cực học tập, phấn đấu, vươn tới những ước mơ.
Theo lãnh đạo các địa phương, thực tiễn minh chứng không chỉ hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân mà nhiều nữ đại biểu người dân tộc thiểu số còn trở thành những cán bộ chuyên môn hoặc cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; có nhiều ý kiến tâm huyết góp phần giúp HĐND và cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời ban hành những chính sách thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri; tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.