Năm 2007, qua công tác thanh, kiểm tra, UBND tỉnh đã làm rõ tại địa bàn xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu có 8 trường hợp được giao đất lâm nghiệp không đúng đối tượng, phải thực hiện thu hồi đưa vào quỹ đất lâm nghiệp để giao cho người dân. Vậy nhưng đã 11 năm trôi qua, vẫn còn diện tích đất đã giao cho 6 trường hợp chưa được thu hồi. Điều này đã gây nên những dị nghị, băn khoăn cho cán bộ và nhân dân địa phương.
Câu chuyện đắng đót của các hộ dân nghèo bản Lè, xã Châu Hội đến với chúng tôi tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Quỳ Châu của các đại biểu Quốc hội diễn ra trong ngày 23/6/2018. Như vị Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Hội đại diện cho cử tri phản ánh: “Các hộ dân được chính quyền giao đất lâm nghiệp, nhưng rồi không thể tiếp cận với đất để sản xuất. Đây là một vấn đề tồn đọng từ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm khiến cử tri rất băn khoăn…”.
Bản Lè có vị trí địa lý khá thuận lợi. Sát sông, sát Quốc lộ 48 và chỉ cách trung tâm xã Châu Hội chưa đầy 1km. Vậy nhưng, đây là một trong những bản nghèo nhất, với khoảng 40% hộ nghèo. Nhiều hộ nghèo là vậy, nhưng theo Bí thư chi bộ, anh Lương Quốc Tuấn, bản có 197 hộ, 882 khẩu, mà chỉ có hơn 50% hộ được giao đất lâm nghiệp. Hỏi về kiến nghị của vị Phó Chủ tịch HĐND xã trao gửi đến các đại biểu Quốc hội, anh Tuấn trầm ngâm rằng đây là một câu chuyện đáng buồn.
Chuyện bắt đầu từ đợt UBND huyện thu hồi đất lâm nghiệp của các đối tượng giao sai đối tượng, giao cho xã Châu Hội quản lý với diện tích khoảng trên 90 ha. Năm 2014, xã tổ chức bình xét đi đến quyết định giao cho 32 hộ nghèo của bản Lè. Xã sau đó đã tổ chức đưa dân đi giao đất tại thực địa. Tuy nhiên, do các đối tượng được huyện giao đất trước đây không chịu bàn giao đất, vẫn tiếp tục trồng cây trên đất nên cả 32 hộ dân bản Lè không thể tiếp cận được với quỹ đất đã được nhận. “Tiếng là người dân được giao đất, nhưng dân chỉ ký nhận đất trên giấy với xã chứ chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy dân không có đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu các đối tượng đang sử dụng đất bàn giao đất. Chi bộ và Ban cán sự bản Lè rất băn khoăn, vì việc này nên đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện, kiến nghị trong các lần tiếp xúc cử tri để mong được giải quyết. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện…” – anh Lương Quốc Tuấn trao đổi.
Ở bản Lè, gia đình chị Vi Thị Loan và anh Lương Văn Ngọc là 1 trong 32 hộ nghèo được Ủy ban nhân dân xã Châu Hội xét giao đất lâm nghiệp Khe Bấn, với diện tích 1,7 ha. Chị Loan buồn bã: “Khi biết gia đình được xét giao đất chúng tôi rất vui vì nghĩ sẽ có việc làm, có thu nhập. Nhưng ngày đưa đi nhận đất tại thực địa thì thấy trên đất đã có cây keo người ta trồng. Tìm hỏi chủ vườn cây thì họ không có mặt ở đó. Những người làm thuê cho họ thì nói chúng tôi không có quyền đòi đất. Chúng tôi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế nên chẳng biết làm sao…”.
Cũng tại nhà chị Vi Thị Loan, Trưởng bản Lè – anh Vi Văn Kiên khẳng định cả 32 hộ nghèo của bản được giao đất lâm nghiệp ở Khe Bấn đều chưa được nhận đất để sản xuất. Anh Kiên bức xúc: “Các đối tượng huyện giao sai đối tượng trước đây không tự giác giao trả đất. Cứ sau một đợt thu hoạch keo, ngay sau đó họ lại cho người trồng lên lớp cây mới, các hộ dân bản Lè chỉ biết nói ra sự thật thế thôi…”.
Theo các hồ sơ tài liệu có liên quan mà UBND xã Châu Hội lưu trữ, vào năm 2006, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thanh, kiểm tra việc giao đất, giao rừng tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu. Qua kiểm tra, đã phát hiện ở huyện Quỳ Châu có 18 hộ gia đình được giao đất tại địa bàn các xã Châu Hạnh, Châu Hội nhưng không đúng đối tượng theo quy định tại Nghị định 02 và Nghị định 163. Ngày 23/3/2007, tại Kết luận thanh tra số 87/KL.UBND.KT, UBND tỉnh giao UBND huyện Quỳ Châu thực hiện thu hồi 18 lô đất đã giao cho 18 hộ gia đình, cá nhân không đảm bảo đúng đối tượng và đưa vào quỹ đất lâm nghiệp để giao cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu hoặc cho thuê, đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Năm 2007, UBND huyện Quỳ Châu đã thực hiện việc thu hồi đất và hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các đối tượng được giao đất lâm nghiệp sai đối tượng tại các Quyết định 597/QĐ-UBND và 598/QĐ-UBND. 7 năm sau, vào ngày 30/6/2014, UBND huyện Quỳ Châu có Thông báo số 39/TB-UBND về việc bàn giao diện tích đất đã thu hồi do giao sai đối tượng và thu hoạch toàn bộ rừng trồng đã thu hồi tại khu vực Khe Bấn để UBND xã Châu Hội giao cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng giao đất nhưng chưa có đất sản xuất.
Sau khi tiếp nhận Thông báo số 39, UBND xã Châu Hội đã rà soát, lập danh sách các hộ gia đình chưa có đất lâm nghiệp tại bản Lè; thực hiện quy trình bình xét giao đất cho 32 hộ dân bản Lè có đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, cũng trong thời gian này, UBND xã Châu Hội ra thông báo về việc trả đất tại khu vực Khe Bấn gửi đến các hộ gia đình, cá nhân được giao đất lâm nghiệp sai đối tượng. Tại thông báo, UBND xã Châu Hội yêu cầu: “Hộ nào đang có tài sản trên đất mà đã đến kỳ thu hoạch thì phải tiến hành thu hoạch. Sau khi thu hoạch xong thì phải trả lại toàn bộ diện tích đất, không được tổ chức trồng mới để trả lại đất cho các hộ dân được nhận đất. Những hộ nào trồng từ 2 – 3 năm thì tiến hành cùng thỏa thuận với các hộ được nhận đất (thuê lại diện tích đó để đến thời kỳ thu hoạch) và sau khi thu hoạch xong phải trả lại diện tích đất đó cho các hộ…”.
Tuy nhiên, theo anh Lữ Văn Lâm, cán bộ địa chính xã Châu Hội, các hộ gia đình được giao đất sai đối tượng không phải là người trên địa bàn, không tự giác phối hợp với UBND xã, không chấp hành nội dung UBND xã yêu cầu, không thực hiện giao trả đất và ngay sau khi thu hoạch cây thì thuê người trồng mới. Khi UBND xã Châu Hội phát hiện việc tái trồng cây thì gặp khó khăn trong xử lý vì các đối tượng vi phạm đều là người làm thuê… Anh Lữ Văn Lâm khẳng định: “Xã gặp rất nhiều khó khăn. Như việc xử lý vi phạm, cũng mới chỉ dừng lại ở mức lập biên bản kiểm tra, đình chỉ trồng mới và yêu cầu họ giao trả đất… Hiện nay, xã đang đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, trong đó sẽ cấp quyền sử dụng đất cho 32 hộ dân được giao đất ở Khe Bấn để họ có được cơ sở pháp lý…”.
Với Chủ tịch UBND xã Châu Hội, ông Lang Anh Tý, bởi gặp khó khăn trong việc thực hiện thu hồi đất lâm nghiệp Khe Bấn để giao cho nhân dân nên HĐND xã xác định đây là một trong những nội dung kiến nghị gửi đến đại biểu Quốc hội trong ngày 23/6/2018, qua đó, mong được cấp thẩm quyền quan tâm giúp xã giải quyết dứt điểm…
Đặt ra vấn đề, năm 2007, huyện Quỳ Châu đã ban hành ngay quyết định thu hồi đất, tại sao đến năm 2014, bàn giao diện tích đất đã thu hồi cho UBND xã Châu Hội?
Câu trả lời được “hé mở” ngay tại bản tổng hợp danh sách 8 hộ gia đình cá nhân được giao đất ở Khe Bấn, xã Châu Hội, đính kèm Kết luận thanh tra số 87/KL.UBND.KT của UBND tỉnh. Theo đó, người đại diện của 8 hộ gia đình, cá nhân này đều không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, mà là cán bộ nhà nước, thậm chí giữ chức vụ cao của huyện Quỳ Châu.
Và câu trả lời thể hiện rõ ràng hơn hơn tại bản Thông báo ý kiến kết luận của bà Lang Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp bàn biện pháp giải quyết các trường hợp được giao đất theo Nghị định 163/CP sai đối tượng. Đó là: “Nếu các hộ có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất đã được thu hồi trên thì trực tiếp đến tại UBND xã nơi có đất để đăng ký, làm thủ tục thuê đất theo quy định, các phòng liên quan phối hợp UBND 2 xã hướng dẫn các thủ tục thuê đất cho các gia đình cá nhân có nhu cầu” (Thông báo số 39/TB-UBND ngày 21/6/2007 của UBND huyện Quỳ Châu).
Bởi sau khi được giao đất, các hộ gia đình này đều đã đầu tư trồng cây trên đất. Nên nội dung nêu trên tại bản Thông báo số 39/TB-UBND này thực sự là “lối mở” ngoạn mục để các hộ gia đình “có vị thế” này không bàn giao đất, kéo rê việc thực hiện “các thủ tục thuê đất” và sau khi thu hoạch rừng trồng lại tái trồng cây trên đất.
Theo ông Lô Thanh Sơn – Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Châu lý giải, giai đoạn Nghị định 02 và Nghị định 163 mới có hiệu lực thi hành, người dân chưa quan tâm đến đất lâm nghiệp. Vì vậy, khi các nông, lâm trường trả đất cho địa phương, có một số cán bộ của huyện được giao đất lâm nghiệp. Ở thời điểm UBND tỉnh ban hành Kết luận thanh tra số 87, trên các diện tích đất lâm nghiệp tại Khe Bấn, các hộ gia đình được giao đất sai đối tượng đã đầu tư trồng rừng, dẫn đến việc chính quyền huyện các thời kỳ gặp nhiều khó khăn để giải quyết dứt điểm. Dù vậy, ông Sơn cũng công nhận rằng: “Các hộ gia đình khi được mời đến làm việc thì đều hứa sẽ giao trả đất sau khi thu hoạch, nhưng sau đó không thực hiện. Thu hoạch xong thì tái trồng cây trên đất. Chính quyền xã Châu Hội dù được huyện giao quản lý nhưng vì cả nể nên thiếu kiên quyết…”.
Ở xã Châu Hội, lần theo danh sách các hộ gia đình được giao đất lâm nghiệp sai đối tượng và trích lục bản đồ khu đất lâm nghiệp mà UBND huyện Quỳ Châu cấp cho họ, chúng tôi đã “chạm mặt” được những vùng rừng trồng ở Khe Bấn.
Tiếng là đất lâm nghiệp ở miền núi, nhưng những vùng đất này có vị trí hết sức thuận lợi, giao thoa giữa xã Châu Hội và Châu Hạnh, ngay sát Quốc lộ 48 và cách thị trấn Tân Lạc của huyện Quỳ Châu chỉ chừng hơn 10km. Luồn sâu vào các thửa đất, hầu hết là rừng cây keo với nhiều độ tuổi khác nhau.
Như tại thửa đất 715, có diện tích gần 15 ha, chiều dài bám Quốc lộ 48 đến dăm bảy trăm mét, cây keo được trồng san sát, có đường kính trung bình từ 20 – 30 cm. Phía đối diện, là thửa đất 177, có diện tích trên 22 ha, chiều dài bám Quốc lộ cũng dăm trăm mét là rừng keo khoảng 1,5 – 2 năm tuổi, có đường kính gốc từ 5 – 8 cm. Theo tính toán của một người chuyên về lâm nghiệp, với phương pháp trồng rừng của các hộ gia đình này, và với vị trí địa lý thuận lợi như vậy, giá trị kinh tế thu được khi rừng keo đủ độ tuổi khai thác sẽ giao động từ 120 – 150 triệu đồng/ha.
Từ cận cảnh rừng trồng trên đất lâm nghiệp ở Khe Bấn, hiểu hơn vì sao các hộ gia đình được giao đất sai đối tượng dù đã bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại chây ỳ việc giao trả đất, tái diễn việc trồng rừng. Vì vậy, thật sự băn khoăn liệu khi 32 hộ dân bản Lè được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, họ có thể tiếp cận đất đai để sản xuất hay không. Hay các hộ gia đình được giao đất sai đối tượng sau khi thu hoạch lại tiếp diễn việc trồng rừng?
Nghĩ rằng, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để 32 hộ dân bản Lè có đầy đủ căn cứ pháp lý là việc làm cần thiết. Nhưng chính quyền huyện Quỳ Châu và xã Châu Hội cần rút kinh nghiệm những năm trước đây. Phải kiên quyết, có giải pháp mạnh theo quy định của pháp luật, buộc các hộ gia đình được giao đất sai đối tượng giao trả đất cho huyện, cho xã. Từ đó, thực hiện giao đất cho các hộ dân bản Lè. Có được như vậy, các hộ dân nghèo bản Lè mới thực sự có được quyền sử dụng đất để sản xuất; tránh được những hệ lụy có thể xảy ra./.