Xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) là một trong những địa phương được chọn thí điểm mô hình phân loại rác tại hộ gia đình do các cấp hội phụ nữ đảm nhận vai trò chính. Ở các hộ tham gia mô hình, bằng nguồn vốn tự có hoặc sự hỗ trợ của chi hội phụ nữ, các gia đình đều có 3 thùng đựng rác đặt cạnh nhau. Khi có rác thải sinh hoạt, các chị em phân loại bỏ vào từng thùng. Đã nhiều năm nay, với chị em ở xã bãi ngang này, rác không còn là thứ bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường, mà đã trở thành “nguồn” tạo kinh phí phục vụ các hoạt động hội.
Hằng tháng, đến ngày mở cửa “Ngôi nhà xanh”, chị em xóm Tân Hải, xã Quỳnh Bảng lại háo hức tụ họp với niềm vui “có thêm một khoản tiền nhập quỹ”. Chị Hồ Thị Hoa – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Tân Hải cho biết: “Ngôi nhà xanh” là địa điểm tập kết các loại rác thải rắn sinh hoạt không thể phân hủy nếu thải bỏ ra môi trường, sông, hồ, chủ yếu là các loại chai, lon, vỏ nhựa, bao bóng, giấy và bìa các-tông. Vừa thoăn thoắt phân loại các loại phế phẩm, chị Hồ Thị Phương – hội viên hội phụ nữ xóm Tân Hải cho biết, hàng ngày nếu rác thải có thể bán lấy tiền thì các chị đều mang đến bỏ vào “Ngôi nhà xanh”. Đến cuối tháng chị em lại cùng nhau phân loại và bán cho các đại lý thu mua phế liệu. Các loại lon bia bán với giá 450 đồng/lon, giấy loại bán được 1,5 ngàn đồng/kg, các loại đồ nhựa thì có giá 4,5 ngàn đồng/kg… Mỗi tháng gom góp bổ sung vào quỹ hội từ 450 – 500 ngàn đồng.
Nhờ nguồn tiền kiếm được từ các “Ngôi nhà xanh”, hàng năm nhiều hộ gia đình hội viên khó khăn được tặng con giống để phát triển kinh tế, được tặng Thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. “Năm 2020, tôi bị tai biến phải đi viện điều trị dài ngày, 5 đứa con nheo nhóc phải gửi ông, bà ngoại đã già yếu chăm sóc, nhiều lúc gia đình kiệt quệ. May sao trước đó được Chi hội Phụ nữ xóm tặng Thẻ bảo hiểm y tế nên chi phí chữa bệnh của tôi được hỗ trợ rất nhiều, nên hiện nay mới có thể khỏi bệnh về nhà cùng các con” – chị Hồ Thị Ngân ở xóm Tân Hải tâm sự.
Nói thêm về gia cảnh chị Ngân, Chi hội trưởng Hồ Thị Hoa cho hay, gia đình chị Ngân thuộc hộ cận nghèo, có 1 con gái bị tật nguyền, chồng cũng đau ốm thường xuyên nên việc có Thẻ bảo hiểm y tế sẽ giúp giảm nhiều chi phí khám, chữa bệnh. Cảm thông cho hoàn cảnh của gia đình chị Ngân, từ nguồn bán phế liệu, chi hội đã mua Thẻ bảo hiểm y tế tặng chị. Ngoài ra, ở xóm Tân Hải, chi hội phụ nữ đã tặng thêm Thẻ bảo hiểm y tế cho 2 gia đình khác và tặng 70 con gà giống cho các gia đình chị em có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế cũng từ nguồn thu của “Ngôi nhà xanh”.
Chị Lê Thị Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu cho biết, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động phụ nữ nông thôn chủ động tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2021”, triển khai nhiều mô hình nhằm bảo vệ môi trường… các cấp hội phụ nữ ở huyện Quỳnh Lưu đã ngày càng thu được nhiều nguồn lợi, hạn chế rác thải ra môi trường. Ngoài mô hình “Ngôi nhà xanh”, còn có mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” đã tạo nguồn quỹ mua 60 thùng đựng rác tặng các hộ khó khăn. Đặc biệt, năm 2022, kiếm tiền từ rác thải tặng 1.204 suất quà, 175 Thẻ bảo hiểm y tế, 3.984 con giống… trị giá gần 250 triệu đồng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên toàn huyện.
Chế biến than hoạt tính, bột giấy từ thân ngô đã có nhiều người làm, nhưng làm lẵng hoa từ nguyên liệu cây ngô chắc mới chỉ có ở huyện Hưng Nguyên. Các phế phẩm bỏ đi từ cây ngô sau thu hoạch được người dân nơi đây mang về, rửa sạch, phơi khô, xử lý chống mục… rồi kết thành những lẵng hoa có giá trị sử dụng cao.
Chị Lê Thị Thanh Nhung – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Nguyên cho biết: “Là sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường, giỏ hoa làm từ vỏ bắp ngô được các đơn vị phân phối ở nhiều tỉnh, thành quan tâm. Hợp tác xã cũng xem đây là sản phẩm chủ lực và tiếp tục cải tiến, nghiên cứu để sử dụng vỏ bắp ngô sản xuất thêm các sản phẩm thủ công khác. Giỏ đựng hoa làm từ vỏ bắp ngô của người dân xã Long Xá đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao”.
Sinh ra ở làng quê Hưng Nguyên, những cánh đồng ngô xanh ngút ngàn tầm mắt của bãi bồi sông Lam đã trở nên thân thuộc với người dân nơi đây. Và những vỏ bắp ngô già đến mùa thu hoạch có màu vàng tươi rực rỡ là ý tưởng để anh Hoàng Minh Khánh ở xóm Thành Sơn, xã Long Xá và người dân trong làng không bỏ lãng phí, sử dụng để kết thành lẵng hoa.
Anh Hoàng Minh Khánh – Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ tổng hợp Khánh Quang cho biết: Là địa phương có diện tích bãi bồi ven sông rất lớn, người dân xã Long Xá chủ yếu trồng ngô lấy hạt. Trước đây cây ngô sau khi thu hoạch bà con vứt bỏ ngổn ngang trên đê, ngoài bãi, bốc mùi hôi thối, hoặc đốt gây khói bụi ô nhiễm môi trường. Sau nhiều lần trăn trở, thử nghiệm, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ tổng hợp Khánh Quang đã thành công trong việc sử dụng loại phế phẩm không xa lạ với người dân quê này thành những giỏ đựng hoa rất tinh xảo. “Cách đây tầm 4 năm, chúng tôi đã tận dụng vỏ bắp ngô để tết thành giỏ hoa. Mỗi năm có hơn 100.000 giỏ hoa đã được bà con HTX sản xuất cung ứng cho thị trường từ Thanh Hóa vào tận Đà Nẵng, mang lại doanh thu 250 triệu đồng. Hiện nay, HTX đang tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, 150 lao động thời vụ” – anh Khánh chia sẻ.
Ở huyện Hưng Nguyên, các cấp hội phụ nữ đã lan tỏa nhiều hoạt động với các cách làm linh hoạt, biến những vật phế phẩm trở thành đồ vật gần gũi, có ích vừa phục vụ học tập, sinh hoạt, vừa giảm chi phí chi tiêu. Như dịp Tết Trung thu năm 2022, cụ thể hóa việc hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, 18/18 chi hội phụ nữ ở huyện Hưng Nguyên hào hứng bắt tay thực hiện mô hình “Tái chế sao dễ và yêu đến thế”. Chị em hội viên phụ nữ tự tay gom rác thải sinh hoạt trong chính gia đình mình (vỏ lon, vỏ nhựa, bìa, giấy màu) và tự tay biến những phế phẩm ấy thành 420 chiếc đèn lồng và các loại đồ chơi dễ thương để tặng cho các cháu thiếu nhi đón Trung thu. Hoặc phát động phong trào “Hành trình yêu thương của lốp xe”, các chị em phụ nữ ở huyện Hưng Nguyên đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ 20 triệu đồng, các hội viên phụ nữ góp công sức cùng sự khéo tay để làm 3 xích đu tại các xã Hưng Tân, Hưng Đạo, Hưng Thông và 43 góc vui chơi cho trẻ tại các nhà văn hóa khối, xóm trên toàn huyện.
Ngoài ra, hàng ngày, những người “giữ lửa” gia đình ở huyện Hưng Nguyên còn kiên trì thực hiện mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại gia”. Mỗi gia đình tự phân loại rác theo các loại và thực hiện mỗi hộ có 1 hố rác mi ni. Theo đó, những loại xác súc vật có tính năng phân hủy nhanh sẽ được chôn lấp ở hố rác mi ni; tránh việc tập kết chung ở túi rác của hộ gia đình hoặc tập kết ở ga trung chuyển rác gây ô nhiễm môi trường. Những loại rác có khả năng ủ thành phân vô cơ được dùng để sử dụng trong sản xuất.
Đặc biệt, việc gom nhặt những loại rác có khả năng tái chế như nhựa, kim loại… để tận dụng kinh phí thu được vào việc triển khai thực hiện các hoạt động rất ý nghĩa. Điển hình như hoạt động “Biến rác thành hoa”, kinh phí thu được từ rác tái chế sẽ được sử dụng để mua giống hoa, rác có khả năng ủ phân vô cơ được sử dụng để chăm sóc hoa. Đến nay, trên địa bàn đã có nhiều đoạn đường hoa khá đẹp từ mô hình này, như ở các xã: Hưng Tân, Hưng Xá, Hưng Thắng, Hưng Tây… Với hoạt động “Biến rác thành Thẻ bảo hiểm y tế”, sau 3 tháng triển khai, toàn huyện đã trao 96 Thẻ bảo hiểm y tế, tiêu biểu như các xã: Hưng Thông, Hưng Tây, Hưng Phúc, Hưng Thịnh,… Hay với hoạt động “Biến rác thành con giống”, toàn huyện đã có 4.300 con gà giống được tặng cho gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở các xã Hưng Lợi, Hưng Nhân…
Đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đang triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường với hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện của vùng, miền, góp phần giải quyết các vấn đề của địa phương; trong đó, chú trọng các mô hình “Phân loại rác tại nguồn”, biến rác thải thành các sản phẩm có ích như “Biến rác thành con giống”, “Biến rác thành Thẻ bảo hiểm y tế”, “Biến rác thành đường hoa”, “Biến rác thành khu vui chơi, giải trí cho trẻ em”, mô hình “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch môi trường”; mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp liền kề”, “Nhà sạch, vườn mẫu liền kề”;…
Chị Phan Thị Anh Tâm – Trưởng ban Gia đình – Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã có gần 400 mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn và 700 mô hình biến rác thải thành việc có ích, giúp đỡ cho gần 6.900 hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều địa bàn toàn tỉnh với nhiều “sứ mệnh” khác nhau của rác thải đã được các cấp hội tại nhiều địa phương sáng tạo, sử dụng phù hợp, thông qua các hoạt động, phong trào tại địa phương và theo từng thời điểm.