Sau hơn 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục, năm học này, cô giáo Lê Thị Thu Hà - giáo viên bộ môn Giáo dục công dân của Trường THPT Lê Viết Thuật là 1 trong 34 giáo viên của tỉnh được xét tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Sự tôn vinh của ngành, của những người đồng nghiệp cũng là phần thưởng xứng đáng dành cho chị sau nhiều năm nỗ lực, miệt mài vì sự nghiệp trồng người.
Mỗi ngày làm giáo viên là một ngày không ngừng cố gắng
PV: Xin chào chị, đến thời điểm này, chị là một trong rất ít giáo viên của Trường THPT Lê Viết Thuật được tập thể tôn vinh để xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa chị?
Cô giáo Lê Thị Thu Hà: Đến thời điểm này, tôi cảm thấy rất vinh dự vì là thế hệ kế tiếp của những thầy cô giáo ưu tú và việc được xét phong tặng cũng là niềm vinh dự với bản thân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy mình phải có trách nhiệm và phải tiếp tục nỗ lực.
Kết quả này cũng là ghi nhận quá trình gần 25 năm đứng trên bục giảng. Có thể, trong những người đồng nghiệp của tôi sẽ có nhiều người đủ điều kiện để được nhận danh hiệu này, nhưng tôi có lẽ là người may mắn hơn và được bạn bè, đồng nghiệp tin tưởng tôn vinh. Tôi thực sự cảm ơn vì điều đó!
PV: Trước đây, sư phạm là một trong những ngành rất khó khăn trong thi tuyển đầu vào. Vì sao chị lại chọn nghề sư phạm chứ không phải là một ngành, nghề nào khác?
Cô giáo Lê Thị Thu Hà: Gia đình tôi ở Anh Sơn, mẹ tôi làm nông, bố tôi làm bộ đội nên ngày ấy cũng không có ai định hướng cho mình theo ngành, nghề gì. Nhưng, trong gia đình tôi, chị tôi là giáo viên nên ngay từ khi còn đi học tôi cũng đã từng mơ ước mình được làm cô giáo.
Thời điểm những năm 90, nghề sư phạm cũng là nghề được rất nhiều học sinh lựa chọn và lớp tôi có gần một nửa đăng ký thi vào trường sư phạm. Thực tế, ban đầu, khi chọn nghề tôi cũng chưa hình dung đầy đủ công việc của mình. Nhưng quả thực, nghề giáo không đơn giản bởi có những giai đoạn gian nan, vất vả và có những lúc thăng trầm, đòi hỏi sự thử thách của người giáo viên. Nhưng khi đã xem nghề giáo là “nghiệp” của mình thì chúng tôi chỉ hướng về phía trước, vì học trò của mình.
PV: Nhưng nghề giáo hẳn cũng có nhiều giây phút hạnh phúc? Chị cảm nhận rõ điều này từ khi nào?
Cô giáo Lê Thị Thu Hà: Trước khi công tác tại Trường THPT Lê Viết Thuật, tôi đã có 20 năm công tác tại huyện Anh Sơn. Kỷ niệm nhớ nhất có lẽ là những ngày mới nhận công tác tại Trường THPT Anh Sơn 2. Lúc đó vừa qua một cơn lũ và dãy nhà nội trú của tôi và các anh chị đồng nghiệp ngập trong bùn đất và rất tan hoang. Nhưng thật ấm áp, bởi dù tôi chỉ là một giáo viên trẻ, mới vào trường nhưng đã được rất nhiều học trò đến giúp đỡ, chia sẻ. Ngày ấy, gọi là trường THPT Anh Sơn 2 nhưng lại đồng thời dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Chính vì thế, việc được dạy cùng một lúc dạy 2 cấp học khiến tôi được trải nghiệm rất nhiều và có cơ hội được gần gũi với nhiều lứa học trò khác nhau. Sự gần gũi của học trò trong những ngày phải sống xa gia đình khiến tôi ngày càng gắn bó với trường, với các em học sinh và tình yêu nghề được vun đắp lên mỗi ngày.
PV: Là một giáo viên thì việc khẳng định chuyên môn là điều hết sức cần thiết. Cá nhân chị đã nhiều năm liên tục có học sinh giỏi tỉnh và là một trong những người có sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao, tôi tin rằng chị là một người rất “tự trọng” với nghề nghiệp của mình!
Cô giáo Lê Thị Thu Hà: Nghề giáo không đơn điệu và đòi hỏi chuyên môn phải vững vàng và phải có sự đam mê, yêu thích và có cả kỹ năng đứng lớp. Vì thế, trong mỗi một buổi lên lớp, với từng đối tượng học sinh, giáo viên phải có giáo án riêng phải có một kỹ năng xử lý riêng để phù hợp.
Với riêng tôi, một giáo viên ngoài vững chuyên môn thì phải làm học sinh yêu thích môn học của mình. Nhiều người có thể cho rằng, dạy giỏi thì chỉ cần vững về kiến thức nhưng quan trọng hơn là phải khiến cho học sinh hứng thú với môn học. Riêng tôi, đến hôm nay tôi vẫn cố gắng từng ngày để học sinh không nhàm chán và các em hào hứng đến với mình. Thực ra, nhiều học sinh và cả phụ huynh vẫn cho rằng môn Giáo dục công dân là môn phụ nhưng tôi không bao giờ xem đó là môn phụ và không tự coi đó là môn phụ. Tôi luôn nghĩ rằng, môn học đó sẽ giúp cho nhiều học sinh và phải cố gắng để truyền thụ kiến thức, để các em vui vẻ khi đến với môn học của mình.
Cũng đã có người hỏi tôi “có cảm thấy thiệt thòi không khi mình chỉ là một giáo viên Giáo dục công dân”. Ngược lại, có những lúc tôi vẫn nói với bạn bè là cảm ơn vì mình chọn bộ môn Giáo dục công dân để cho bản lĩnh, đủ vững vàng để vượt qua nhiều khó khăn.
PV: Một giáo viên giỏi ngoài công tác chuyên môn ở trường thì còn phải được thể hiện qua các danh hiệu ở các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, bằng những sáng kiến kinh nghiệm. Nhưng, xung quanh những danh hiệu này đang còn có những ý kiến trái chiều như chạy theo thành tích. Cá nhân chị có đồng tình với ý kiến này không?
Cô giáo Lê Thị Thu Hà: Tôi đã tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi tỉnh 2 lần và tham gia chấm thi giáo viên dạy giỏi. Như bản thân tôi sự trưởng thành của ngày hôm nay là chính nhờ những cuộc thi đó bởi sau những cuộc thi thấy mình lớn hơn và tự tin hơn. Có tham gia các kỳ thi mới thấy được mình phải nỗ lực như thế nào để có thể dạy được một giờ dạy “chuẩn”.
Hay như viết sáng kiến kinh nghiệm cũng là để rèn luyện bản thân mình, để đúc rút những điều mình đã làm được. Việc viết sáng kiến sẽ dễ dàng hơn nếu đó là sản phẩm của chính cá nhân, được mình viết lên từ trải nghiệm thực tế và đã được học trò đón nhận.
Giá trị của nghề dạy học sẽ không bao giờ thay đổi
PV: Nhà giáo dục người Séc Comenxki từng nói: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Vậy, theo chị cuộc sống hiện đại liệu có làm thay đổi giá trị của nghề dạy học?
Cô giáo Lê Thị Thu Hà: Giá trị của nghề dạy học sẽ không thay đổi. Nhưng hiện nay, giáo viên chịu nhiều áp lực hơn từ chính nghề nghiệp, từ phụ huynh, học sinh. Có thể, có một số cá nhân nhỏ đã làm xấu đi hình ảnh của nghề dạy học và khiến xã hội hiểu sai về nghề.
Cá nhân tôi, khi nghe những ý kiến đó mình cũng rất buồn và chạnh lòng, nhất là khi nghe những hiện tượng không đúng của giáo viên đối xử với học sinh hoặc ngược lại. Nhưng không thể vì một vài cá nhân và một và sự việc nhỏ có thể quy kết cho cả ngành, cả nghề. Cái sai thì phải phê phán nhưng không quy chụp và khiến cho mọi người nhìn nhận về nghề giáo một cách méo mó.
Tôi nghĩ rằng, mỗi người khi đã chọn nghề giáo thì họ đã xác định được đây là một công việc đòi hỏi cả kiến thức, kỹ năng và cả cái tâm của mình. Chọn nghề giáo tức là đã chọn cho mình con đường đi đến chân lý, con đường đi đến sự hoàn thiện. Con đường này không dễ dàng cho những ai vốn không có cái “tâm”, không vững vàng trước nghịch cảnh, không chịu đựng được gian khổ, mềm lòng trước vật chất, tiền tài của xã hội phù hoa.
PV: Vậy, nghề giáo đem đến cho chị điều gì?
Cô giáo Lê Thị Thu Hà: Với tôi “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; nghề giáo quả thực đã đem đến cho tôi niềm vui, niềm hạnh phúc. Hiện nay, mức thu nhập của nghề giáo không cao nhưng vẫn đảm bảo được cho cuộc sống và đem đến sự ổn định. Hơn thế, điều quý giá nhất là nghề giáo cho mình rất nhiều những thế hệ học sinh, thế hệ trước, thế hệ sau, lớp lớp học sinh ra trường, trưởng thành khiến mình thêm yêu nghề. Học sinh cũng là động lực để mình ngày càng yêu nghề hơn.
Tôi nhớ, khi tôi dạy ở Trường THPT Anh Sơn 1, tôi thường là giáo viên chủ nhiệm của những lớp gần như là lớp cuối của trường (ngày trước thường gọi là hệ bán công hoặc là những lớp có đặc thù riêng). Có những năm lớp tôi làm chủ nhiệm đa số học sinh là con trai và đã có những cô chủ nhiệm trước đó khóc vì học trò. Bản thân tôi ban đầu vào lớp thấy học trò cũng khá “choáng ngợp” bởi các em to cao và nghịch ngợm. Nhưng đến khi chia sẻ được với các em tôi thấy các em rất gần gũi.
Tất nhiên, không phải với trường hợp học trò cá biệt nào tôi cũng thành công nhưng khi đã quan tâm, thấu hiểu trò thì mình cũng có cách thuyết phục và để học trò tin mình. Đó cũng là một niềm vui của nghề dạy học.
PV: Vậy điều gì là điều mà chị đau đáu với học trò hiện nay?
Cô giáo Lê Thị Thu Hà: Hiện nay, cuộc sống chuyển động rất nhanh và rõ ràng học trò cũng sẽ cuốn theo vòng xoáy đó. Bối cảnh này cũng đòi hỏi thầy cô và phụ huynh cùng chuyển động để có sự thấu hiểu.
Với đặc thù của bộ môn GDCD, tôi cũng luôn xác định được nhiệm vụ của mình. Trong quá trình dạy học phải kết hợp giữa giáo dục và thực tiễn và đặc biệt những vấn đề liên quan đến cuộc sống thì phải có sự định hướng. Điều thuận lợi là ngày nay, đại đa số học sinh đều quan tâm đến cuộc sống và các em có rất nhiều nguồn thông tin. Vì thế, nếu giáo viên không đổi mới, không bổ sung nguồn vốn kiến thức của mình, không cập nhật hiểu biết của mình thì sẽ cạn kiệt năng lực và không đáp ứng được nhiệm vụ và yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục.
PV: Thưa chị, danh hiệu NGƯT là một cái đích được nhiều giáo viên hướng tới và điều đó cũng sẽ khẳng định được năng lực, phẩm chất, đạo đức của một người thầy giáo, cô giáo. Vậy, sau danh hiệu, chị có nghĩ mình sẽ có nhiều sự thay đổi?
Cô giáo Lê Thị Thu Hà: Tôi vẫn thường nói với học trò của mình “trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Đối với riêng tôi, muốn được học sinh yêu quý, đồng nghiệp tin tưởng thì trước tiên chúng ta phải tôn trọng chính mình, tôn trọng nghề nghiệp của mình.
Để có được danh hiệu Nhà giáo ưu tú là một quá trình nỗ lực của người giáo viên. Nhưng, sau những danh hiệu thì tôi vẫn phải xác định trước tiên mình phải là một giáo viên như mình đã từng và phải không ngừng phấn đấu, làm tốt chuyên môn, nhiệm vụ của mình. Danh hiệu cũng sẽ là động lực để chúng tôi vượt qua những thách thức, khó khăn trong cuộc sống và tiếp tục trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân để cống hiến cho sự nghiệp trồng người và xứng với sự tin yêu của tất cả mọi người.
PV: Xin cảm ơn chị và chúc chị sẽ có những ngày lễ thật nhiều niềm vui!