Hưng Nguyên là một trong những địa phương được đánh giá là có sự phối hợp tốt giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với 4 tổ chức chính trị – xã hội. Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện – ông Lê Thanh Bình, thì đến nay, dư nợ thông qua uỷ thác đạt hơn 313 tỷ đồng, chiếm gần 99% tổng dư nợ. Trong đó, Hội LHPN chiếm tỷ trọng 27,7% tổng dư nợ uỷ thác; hội Nông dân chiếm 27,5%; Hội CCB chiếm 23,2% và Đoàn thanh niên chiếm 21,6%. Các tổ chức chính trị – xã hội tích cực phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương để giải ngân nhanh chóng, thuận lợi vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng, cũng như quản lý nợ vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, cho vay quay vòng kịp thời…
Theo đánh giá, ngoài huyện Hưng Nguyên, trên địa bàn Nghệ An có nhiều địa phương hoạt động ủy thác tốt như: Nam Đàn, Đô Lương, Con Cuông… Hoạt động ủy thác do NHCSXH và các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều chuyển biến quan trọng.
Cùng với việc tăng lên về quy mô mạng lưới và dư nợ, chất lượng hoạt động ủy thác tiếp tục được nâng lên rõ rệt. Tổng dư nợ tăng 35%, nợ quá hạn giảm gần 2,6 tỷ đồng so với năm 2014, chất lượng đánh giá hoạt động ủy thác của hội, đoàn thể các cấp và mạng lưới tổ TK&VV liên tục tăng lên hàng năm.
Nợ quá hạn liên tục giảm đều hàng năm, từ 0,19% năm 2014 xuống còn 0,10% năm 2020, 4/4 tổ chức đều giảm tỷ lệ nợ quá hạn; trong đó Hội Nông dân 0,12%, Hội Cựu Chiến binh giảm 0,10%, Hội LHPN giảm 0,08%, Đoàn Thanh niên giảm 0,05%.
NHCSXH và các tổ chức nhận ủy thác có sự quan tâm đặc biệt đối với chất lượng tín dụng, các cơ quan thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đồng thời đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho cơ sở. Các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác nhận và thông báo kết quả phê duyệt danh sách hộ gia đình được vay vốn Tổ để thông báo đến hộ vay; chứng kiến NHCSXH giải ngân cho khách hàng; phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ chây ì, nợ quá hạn, người vay bỏ đi khỏi nơi cư trú, hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan; tham gia Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi cấp xã; Phối hợp với NHCSXH đánh giá phân loại chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV để thực hiện củng cố, kiện toàn hoạt động tổ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.705 hội cấp xã nhận ủy thác; 83/84 hội cấp huyện nhận ủy thác. Mạng lưới ủy thác được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, trọng tâm là đối với cấp xã. Giai đoạn 2015 – 2020, cấp tỉnh tập trung chỉ đạo cấp huyện ưu tiên hỗ trợ, giải quyết xử lý các tồn tại đối với hội xã tại những nơi có nợ quá hạn cao, bị giảm trừ hoặc không được nhận phí dịch vụ ủy thác. Chất lượng hoạt động của hội các cấp tăng lên rõ rệt.
Đến nay, toàn Chi nhánh có 6.499 tổ TK&VV, giảm 1.612 tổ so với năm 2014. Số tổ loại tốt đạt 94,82%, loại yếu chỉ còn 9 tổ. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV tiếp tục được nâng cao. NHCSXH và hội cấp tỉnh cũng luôn quan tâm kiện toàn mạng lưới tổ theo hướng nâng cao quy mô bình quân tổ, đảm bảo mức chi hoa hồng cho ban quản lý tổ thông qua một số giải pháp chính đó là: cho vay để tăng dư nợ bình quân tổ, sáp nhập các tổ có dư nợ nhỏ và ít thành viên, giảm bớt số lượng tổ đối với những xóm, bản có nhiều hơn 1 tổ…
Về phía NHCSXH, hàng năm thực hiện tốt công tác huy động nguồn vốn, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm; tạo điều kiện cho các tổ chức CTXH thực hiện tốt nội dung nhận ủy thác đã ký kết. Nguồn vốn và dư nợ ủy thác tăng từ 6.187 tỷ đồng năm 2014 lên 8.908 tỷ đồng tại thời điểm 31/8/2020, bình quân tăng 7%/năm.
Giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo của Nghệ An giảm từ 10,28% xuống còn 4,11%, giảm hơn 40,3 ngàn hộ; hộ cận nghèo giảm từ 11,41% xuống còn 7,57% (giảm gần 15.000 hộ), công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt.
Điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, cấp điện, cấp nước, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa cộng đồng… có nhiều cải thiện so với trước. Đạt được kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của tín dụng chính sách do NHCSXH và các tổ chức CTXH nhận ủy thác phối hợp thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Việc NHCSXH ủy thác qua 4 tổ chức CTXH thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hiện nay là phù hợp với năng lực quản lý, phương thức và hoạt động của các tổ chức CTXH; phát huy những điểm mạnh của tổ chức CTXH có mạng lưới, cán bộ ở tất cả các xã, đặc biệt có chi hội hoạt động ở xóm, bản tham gia tuyên truyền, bình xét cho vay; giám sát sử dụng vốn vay; đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi. Đồng thời, vận động tổ viên thực hành tiết kiệm, tạo nguồn hỗ trợ cho việc trả lãi, trả nợ NHCSXH và tạo lập dần vốn tự có; hướng dẫn cách thức sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả; tham gia và giám sát việc thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đến 31/8/2020, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể ở Nghệ An đạt 8.908 tỷ đồng (chiếm 99,7% tổng dư nợ toàn chi nhánh), tăng 2.721 tỷ đồng so với cuối năm 2014, tăng gần 35%, bình quân tăng trưởng 7%/năm. Đoàn Thanh niên có mức tăng trưởng đột phá, đạt trên 119% so với năm 2014 (bình quân tăng 23,8%/năm), số tuyệt đối tăng 804 tỷ đồng, cao nhất trong 4 tổ chức nhận ủy thác.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH và 4 tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương thức ủy thác, góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Những nỗ lực của các tổ chức chính trị – xã hội cộng với sự tận tâm của cán bộ NHCSXH trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách và triển khai cho vay kịp thời đúng đối tượng đã tạo bước chuyển đột phá cho hoạt động tín dụng chính sách trong giai đoạn 2015 – 2020.