Tôi đang ở Hoàng Mai, Nghệ An dự Lễ giỗ tổ họ Văn Việt Nam thì nhận tin nhắn của bạn: Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa mất.
Một trong những tài thơ Việt tôi yêu nhất, đã mất, một cách thanh thản. Tôi có nhắn hỏi lại thì biết anh đột tử trong nhà, khi trước đó có một cái hẹn làm việc mà đợi mãi không thấy anh tới.
Thế hệ chúng tôi, sau nữa, không ai không thuộc thơ, yêu thơ Hoàng Nhuận Cầm. Phó tổng biên tập một tờ báo nhắn tin: Nếu phải trả nhuận bút cho những bài thơ của anh Cầm, thì rất nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam phải trả nhiều nhất. Học sinh, sinh viên, giáo viên, cứ gọi là mê thơ anh Cầm như điếu đổ.
Tôi mê thơ anh Cầm từ tập “Những câu thơ viết đợi mặt trời”. Trời ơi, thơ gì mà hun hút, mà cuồn cuộn, mà da diết, mà bâng khuâng. Tập ấy, đa phần là thơ về chiến tranh, nhiều bài về Huế, chứ không nhiều chất học trò như các tập khác.
Là tôi trở ra Thanh Hóa sau nhiều năm về Huế học đại học, rồi ra trường lên Pleiku làm việc. Hồi ấy đi lại khó khăn. Cái hiệu sách nhân dân thần thánh của thị xã Thanh Hóa là nơi tôi đã tần ngần đứng mãi, trước đấy là tuổi học trò, bé tí, không có tiền, mua một cuốn thì đứng đọc mấy cuốn. Và hôm ấy, tôi quay lại như để gặm nhấm kỷ niệm, thì một cuốn sách mỏng, nếu tôi nhớ không nhầm, nó bìa nâu, hiện ra. Tác giả là Hoàng Nhuận Cầm, tên tập thơ là “Những câu thơ viết đợi mặt trời”. Và, như mười mấy năm trước, tôi đã nghiến ngấu đọc hết tập thơ ấy của Hoàng Nhuận Cầm ngay tại hiệu sách nhân dân thị xã Thanh Hóa. Và cũng rất nhanh, tôi thuộc.
Thơ anh Cầm trong tập này như hấp tấp, như vội, như cuồn cuộn đi, nhưng nó hết sức trữ tình, trong trẻo, cũng không phải trong trẻo, mà trong veo, một trái tim biết hát và biết khóc “Chân vấp ngã mấy lần bên Đập Đá/một câu hò ai đã đỡ tôi lên”. Viết về hò Huế mà như thế thì tài quá, thông thênh quá, mà nó cứ lặn vào tâm tưởng. Thì Huế, lâu nay trầm mặc thế, chậm rãi thế, Hoàng Nhuận Cầm nhìn nó từ một góc khác, đời hơn và cũng ngùn ngụt hơn: “Thượng Tứ kia rồi! Bóng mẹ nghèo thương/ Dáng mẹ đấy, chúng con thương mẹ lắm/ Mấy mùa chớp nổi áo em còn cứ trắng/ Tóc em thề giữa gió đợi chờ ta/ Mắt tôi nhòa giữa chợ Đông Ba/ Hôn một cái vội vàng lên Đập Đá…”. Cũng có thể tại tôi là người Huế, lại vừa từ Huế ra nên cái cảm tình với bài thơ về Huế của anh nó đậm thế, cứ thế nó vấn vít tôi, tới giờ.
Thời sinh viên, bài thơ hay được nhắc trong giáo trình của môn ngữ văn, phần văn học chống Mỹ là bài có những câu “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ ai dám bảo trong ba lô kia không có/ một hai ba giọng hát tiếng ve kim…”, nói thật, đọc cứ chờn chợn. Người lính vô tư quá, trong trẻo quá, mà cuộc chiến tranh hiện lên cũng đầy mỹ cảm, như không có máu chảy xương rơi, như không có chia ly chết chóc, như không có nỗi buồn, như không có thân phận… nên tôi không thích. Tôi thích những câu thơ trĩu nặng của anh, dù nó vẫn nặng kiểu Hoàng Nhuận Cầm, kể cả có hơi rộn rã một chút, kiểu như: “Phu Văn Lâu giờ phút ấy oai nghiêm/ Hồ Tĩnh Tâm ngàn sen hồi hộp thở/ Mắt rơm rớm bà con Huế ngó/ Ngôi sao vàng trong gió cuốn thiêng liêng.”.
Sau này quen anh, mỗi khi sướng, tôi vẫn nhắc cái kỷ niệm đầu tiên biết anh, đọc thơ anh, mê mẩn với cái tập “Những câu thơ viết đợi mặt trời” ở cái hiệu sách Thanh Hóa dạo nào. Lạ thế, chả cắt nghĩa được, dù mọi người rồ lên với những “Viên xúc xắc mùa Thu”, với những: “Chiếc lá đầu tiên”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”.., và bản thân tôi, mỗi khi cần đọc một bài thơ hay trong một dịp nào đấy, tôi hay đọc “Sông Thương tóc dài”:
“Mai đành xa sông Thương, thật thương
Vạn kiếp tình yêu anh gửi lại
Xuân ơi xuân lẽ nào im lặng mãi
Hạ chưa về, nhưng nắng đã Côn Sơn.
Mai đành xa sông Thương thật thương
Mắt nhớ một người, nước in một bóng
Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng
Anh một mình náo động, một mình anh.”
Những là Vạn Kiếp, những là Côn Sơn, những Hạ những Xuân, những xa, những nhớ, những thương những yêu… nó cứ ngọt lịm quyện vào nhau để rồi “Anh một mình náo động, một mình anh”.
Và nói tới anh không thể nói việc anh thôi miên độc giả, khán giả bằng tài đọc thơ của mình. Lúc ấy, trời đất chỉ còn như cái vung. Nếu nhà thơ quê xứ Nghệ Hoàng Trần Cương mỗi khi đọc thơ bạn bè hay nói anh “quát/ nạt” thơ, thì Hoàng Nhuận Cầm tan biến vào thơ. Chỉ còn cái bóng Hoàng Nhuận Cầm, như lên đồng, như lạc ở đâu đó, và thơ, cuồn cuộn du dương… chứ không cắt ra từng nhát như nhà thơ Hoàng Trần Cương.
Có viết tới mấy cũng không thể nói hết về anh, nhà thơ độc đáo của thi đàn Việt mấy chục năm qua, nhà thơ của tình yêu, nhưng cũng hết sức đau đáu thời cuộc. Cái facebook nick Hoàng Tử Bùn của anh, thi thoảng có những bài thơ xé ruột xé gan chứ không chỉ thơ tình mà hàng chục triệu lượt bạn trẻ rất thích, và xứng đáng được thích, được chép vào sổ tay, để đọc và để tặng nhau…
Thôi đành, vĩnh biệt anh. Và giờ thì chắc chắn, và chính xác là, “Anh một mình náo động, một mình anh” anh ạ!
Hoàng Mai, Nghệ An đêm 20/4/2021