Họa sĩ Vũ Đình Tuấn sinh năm 1973 tại Thái Bình, hiện là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Vũ Đình Tuấn đã từng có 7 triển lãm cá nhân, có tranh trong các bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh được xếp vào Top 50 Nghệ sĩ tạo hình tiêu biểu Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới (1986-2016). Top 20 họa sĩ hàng đầu thị trường Mỹ thuật Việt Nam (2020). Dưới đây là cuộc trao đổi thú vị giữa nhà văn Đỗ Bích Thúy (ĐBT) và họa sĩ Vũ Đình Tuấn.
Dường như, các nghệ sĩ, trong đó có các họa sĩ, thường là “con nhà nòi”, sinh ra, lớn lên trong các gia đình có nhiều thế hệ tham gia hoạt động nghệ thuật. Anh thì sao?
– Tôi lại học chuyên Văn từ lớp 3 đến hết phổ thông cơ (cười). Chẳng biết tôi hí hoáy vẽ từ tuổi nào, chỉ nhớ cũng từ lớp 3, tôi vùi đầu vào đọc sách văn học, vẽ hoặc hát. Tôi nghĩ, cũng giống như bao đứa trẻ khác, tuổi nhỏ đều ham thích nghệ thuật. Nhưng tôi nhớ là tầm lớp 6 tôi đã vẽ sổ tay giúp các anh chị lớn hơn. Không ít lần mải mê vẽ trong giờ học trên lớp và xứng đáng “ăn” những cái bạt tai nhớ đời của thầy giáo dạy Toán. Tôi không thể nào quên được cảm giác nhìn thầy giáo giận dữ xé toang bức tranh trước mặt mình. Năm lớp 8 tôi từng vẽ truyền thần rất đẹp cho nhiều người quen trong làng (chân dung cha mẹ hoặc các liệt sỹ trong gia đình họ). Cũng thời điểm đó, tôi đã bán bức tranh đầu tiên vẽ về Kiều – Kim Trọng. Người đề nghị mua là một bệnh nhân của bố tôi, bác ấy rất thích bức tranh. Bác trả cho tôi 50 đồng, đồng tiền đỏ chót. Khi đó tôi được nhận khoản tiền bán tranh đầu tiên cũng vui lắm. Nhưng tôi cũng lại tiếc bức tranh.
Hội họa cứ ngấm dần vào con người tôi từng ngày, một cách đơn giản như vậy. Cuốn sách “gối đầu giường” duy nhất của tôi lúc đó là cuốn “Bước đầu học vẽ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi vào ngành Hội họa Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương với điểm đỗ Thủ khoa (1990-1993), rồi tiếp tục theo học ngành Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Hà Nội khóa 1995- 2000. Sau tốt nghiệp, tôi nhận được học bổng Indochine Art Panership, theo học kỳ mùa Thu tại Trường Mỹ thuật Maine tại Mỹ. Từ đó đến nay, tôi sáng tác mỹ thuật và giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Tôi cho rằng mình đến với hội họa hẳn là duyên trời định. Tôi hài lòng vì điều đó.
Nghe anh nói thì có vẻ đơn giản, nhưng tôi biết, để có được một vị trí đáng kể trong giới mỹ thuật đương đại như anh, nhất định phải có một nền móng vững chắc và sự nỗ lực không ngừng trong suốt những năm tháng lao động sáng tạo. Vậy, cho đến giờ, đối với anh hội họa có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời?
– Có thể nói rằng, ở thời đểm này, tôi không thể sống mà không được vẽ. Hội họa là thứ ngôn ngữ “thích nghi” nhất đối với bản thân tôi. Giả sử vì một lý do nào đó mà ông trời tước mất đi khả năng vẽ của tôi bây giờ thì chắc chắn tôi chỉ như cái xác không hồn.
Bằng ngôn ngữ hội họa tôi thấy mình, thấy người, thấy đời.
Hội họa cho tôi cảm xúc thăng hoa, tưởng như có thêm đời sống ở một chiều không gian khác, tựa hồ như một sự giải thoát. Tôi đã từng nói cách đây 10 năm rằng: tôi vẽ là để “giải thoát”, để cân bằng con người mình theo một cách tốt nhất.
Tôi thích khái niệm “giải thoát” của anh. Nó có lẽ là cách để nghệ sĩ rời khỏi thực tại, hoàn toàn được sống trong thế giới riêng của nghệ thuật. Anh này, nếu xét trong mặt bằng chung của các ngành nghệ thuật thì hội họa dường như là ngành mà nghệ sĩ dễ sống bằng nghề nhất, anh có cho là như vậy? Theo anh thì thị trường tranh ở Việt Nam hiện nay ra sao? Một thị trường tranh lành mạnh, với những giá trị về nghệ thuật đích thực được đánh giá bởi một lớp công chúng am hiểu nghệ thuật, trân trọng nghệ thuật… liệu có phải là điều mà chúng ta đang có/ sắp có?
– Tôi không nghĩ rằng Hội họa là ngành mà nghệ sĩ dễ sống bằng nghề nhất. Dễ hay khó phụ thuộc vào từng họa sĩ và thị trường nghệ thuật trong từng giai đoạn. Có chăng, ưu thế nằm ở đặc thù các tác phẩm của họa sĩ tạo ra mang tính độc lập từ đầu đến cuối, nên sự mua bán, trao đổi trên thị trường cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Hoặc là trong thời điểm này, hội họa được người trong nước quan tâm nhiều hơn trước đây, nên họa sĩ dễ sống bằng nghề hơn chăng?!
Thị trường tranh Việt Nam hiện nay xét về bầu không khí chung có thể nói là đang rất sôi động, có nhiều hứa hẹn. Nếu như thời gian trước đây, đa số các tác phẩm hội họa được bán ra thị trường nước ngoài qua hệ thống các gallery, thì hiện nay các tác phẩm lại được số đông các nhà sưu tập, người chơi tranh trong nước quan tâm, giao dịch qua các gallery uy tín, các dealer (người kinh doanh nghệ thuật – tạm dịch), hoặc trực tiếp qua tác giả tại các triển lãm.
Thị trường tranh ở ta đang hình thành từng bước. Thậm chí, có một số tác giả tạo được cho mình một thị trường riêng với lượng người sưu tập và fan hâm mộ nhất định. Tôi cho rằng, thị trường trong nước chính là gốc rễ bền chắc, tin cậy cho sự phát triển lâu dài của Mỹ thuật, là cơ sở vươn ra thế giới mạnh mẽ hơn. Về phía người sáng tác, số đông đang hướng tới giá trị lành mạnh, đích thực của một thị trường văn minh. Đó là những họa sĩ giỏi, có tâm với nghề; các nhà sưu tập và người chơi tranh có trình độ, có thẩm mỹ, có tiềm năng tài chính; các phòng tranh, Gallery chuyên nghiệp, uy tín; các sự kiện triển lãm có chất lượng chuyên môn tốt; các nguồn truyền thông chân thực và tin cậy… Chất lượng của đội ngũ đó quyết định chất lượng của thị trường. Tôi tin rằng một thị trường lành mạnh và những giá trị đích thực là điều chúng ta đang dần hình thành. Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn sôi động này lại xuất hiện nhiều “góc tối” tiêu cực của thị trường non trẻ. Ấy là hiện tượng “tát nước theo mưa” trăm hoa đua nở, nhà nhà vẽ tranh, nơi nơi bán tranh, người người chơi tranh, bất chấp giá trị và chất lượng nghệ thuật, thậm chí phản cảm, phản thẩm mỹ. Đồng thời, lại xuất hiện những đường dây sản xuất, triển lãm và tiêu thụ tranh giả, tranh nhái, làm mù mờ gian dối thị trường. Các chiêu bài đấu giá tranh giả, các phiên đấu giá “ảo” xuất hiện nhiều nơi. Nhiều chiêu trò quảng bá vô lối, kém chuyên môn, thiếu thực tế và sai thông tin trên mạng xã hội…
Tất cả những việc làm đó làm rối loạn, vấy bẩn thị trường, phá vỡ và hủy họai tính đích thực và lành mạnh của thị trường. Tất nhiên đã là một thị trường luôn có tính hai mặt! Nhưng để phát triển tốt, mặt tích cực phải chiếm đa số. Mặt tiêu cực phải dần dần giảm thiểu và xoá bỏ.
Còn có một điều hơi tế nhị thế này, người ta thường tạm chia ra hai dòng tranh thị trường và tranh nghệ thuật, tất nhiên nó cũng có phần phiến diện thôi, tương tự như phim hay nhiếp ảnh hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác. Theo anh thì ở Việt Nam sự phân chia đấy có rõ nét không?
– Tôi thì không có sự phân biệt 2 dòng tranh trên thị trường như thế. Có thể cách phân chia này ám chỉ cho một loại tranh có tính chất trang trí, thiên về giá trị decor, ít giá trị tác phẩm và một loại tranh được gọi là tác phẩm, có giá trị cao về ngôn ngữ tạo hình.
Tôi cho rằng thị trường nghệ thuật hội họa hiện nay song hành 2 loại tranh: Một là những tác phẩm tạo hình có giá trị nghệ thuật ở các mức độ khác nhau. Hai là những “bức vẽ” được gọi là tranh mà hoàn toàn không có giá trị nghệ thuật.
Tôi cũng muốn nói thêm, có một số ít các họa sĩ sáng tác các tác phẩm không có mục đích tham gia vào thị trường, chỉ để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo cá nhân, tham dự các hoạt động nghệ thuật… thì với họ không có khái niệm thị trường.
Anh cho rằng mình có sở trường nhất ở lĩnh vực nào? Lụa, khắc gỗ, sơn mài, sơn dầu…
– Cái tạng của tôi rất “nhạy cảm” và “thích nghi” với tranh lụa, tranh khắc gỗ, tranh minh họa. Đấy là sở trường của tôi.
Tôi dành nhiều tâm huyết cho lụa và khắc gỗ. Tôi có nhiều kinh nghiệm trên hai chất liệu này và ông trời đã ưu ái tặng cho tôi những thành công.
Anh là một trong những họa sĩ có tiếng tăm, đang độ tuổi sung sức, để có một chỗ đứng nhất định trong giới hội họa, trong lòng công chúng, theo anh điều quan trọng nhất với một họa sĩ là gì?
– Tôi quan trọng 3 điều: Tự do – sáng tạo – khác biệt. Tự do để giải phóng hoàn toàn thể xác và tinh thần để làm điều mình muốn; Sáng tạo để nghệ thuật đạt được đến tính trí tuệ của ngôn ngữ; Khác biệt để được là chính mình, kiêu hãnh đứng giữa mọi người.
Nhiều quan niệm cho rằng nghệ thuật là thánh đường. Tôi tin là như vậy.
Đã là thánh đường, thì tôi không coi nghệ thuật là cuộc chơi. Đứng giữa thánh đường đó phải nhất tâm kính cẩn, trong trạng thái ngoan đạo và có tinh thần cống hiến.
Tôi nghĩ từ những quan niệm đó cho tôi sự nỗ lực trong lao động nghệ thuật, dám nghĩ, dám làm để ra được chính mình, trả ân nghĩa cho ngôn ngữ nghệ thuật đã nuôi dưỡng tâm hồn mình mà không mưu cầu hay đổi chác với bất kỳ một thứ danh vọng nào. Với tôi, ham danh vọng rất hại cho sáng tạo nghệ thuật. Còn thành công là món quà ông trời ban tặng cho tôi.
Vì vậy, trong sáng tạo tôi luôn tự do và rất bình an.
Anh không chỉ sáng tác, anh còn lên giảng đường với tư cách là giảng viên nữa. Theo quan sát của anh thì thế hệ những họa sĩ trẻ sau này, sau anh, họ có gì khác biệt so với nhứng người đi trước không, trong tư duy về nghề nghiệp, hay xu hướng sáng tạo?
– Nếu vẽ là “duyên nghề” thì dạy học với tôi là “duyên nghiệp”.
Tôi nghĩ mình cũng có sở trường giảng dạy Mỹ thuật, bởi mỗi khi truyền đạt kiến thức nghề nghiệp, nhiều lúc tôi có cảm giác như bị nhập đồng.
Tôi luôn kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Đây là thời điểm tốt nhất, thuận lợi về mọi mặt để tiếp sức người trẻ phát huy tài năng và sức sáng tạo. Các họa sĩ trẻ có sức trẻ, có môi trường nghệ thuật, có thông tin, có kiến thức, có sự tự do, có cá tính mạnh mẽ, có cái “ngông thị giác”, có cơ hội giao lưu rộng rãi trong nước cũng như quốc tế…
Trẻ thường thì ngông. Tôi thích cái “ngông thị giác “của người trẻ, nó kích hoạt ngòi nổ sáng tạo một cách đường đột và bất thường và rất đặc biệt. Tôi tin người trẻ trong tương lai gần sẽ thay đổi tích cực diện mạo Mỹ thuật trong nước.
Phải nói rằng, nếu có cơ hội hợp tác cùng với các họa sĩ trẻ trong các sự kiện nghệ thuật, hoặc đơn giản chỉ là được ngắm nhìn, thưởng thức các tác phẩm hay của họ, tôi như được tiếp thêm nhiều năng lượng sáng tạo và thấy tinh thần mình thực sự trẻ lại, vượt qua mọi tuổi tác.
– Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh sẽ có nhiều hơn nữa những tác phẩm được công chúng yêu mến!