Không chỉ uy tín trong cộng đồng, hòa giải viên cơ sở, nhất là các tổ trưởng tổ hòa giải là người am hiểu pháp luật, giỏi dân vận, lời nói luôn đi đôi với việc làm; từ đó, góp phần quan trọng hóa giải các mâu thuẫn, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.
Chúng tôi có dịp trở lại xóm Yên Thế, xã Thịnh Sơn (Đô Lương), không khỏi bất ngờ khi vùng đất công ích 5% trước kia canh tác, trồng trọt nhỏ lẻ, làm ao thả cá, nay được thay bằng những vườn chanh không hạt đang mơn mởn đâm chồi, những nhà kính nối nhau tăm tắp trồng nho, dưa lưới trĩu quả.
Cùng đi với chúng tôi, bà Thái Thị Thương – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thịnh Sơn chia sẻ: Đến thời điểm này, khu vực đất “năm phần trăm” sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đã trở thành trang trại hữu cơ Đồi Chồi rộng lớn. Không chỉ góp phần tạo nguồn cung cấp thực phẩm, hoa, quả sạch cho địa bàn mà còn giúp giải quyết việc làm cho một số bà con. Kết quả ấy có công lớn của “mẹ Lý”. Tò mò hỏi về “mẹ Lý”, chúng tôi được bà Thương dẫn đến gặp nữ Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng “miệng nói, tay làm” của xóm Yên Thế Hoàng Thị Lý.
“Mẹ Lý” đã 65 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn, phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát. Trò chuyện, bà vui vẻ cho biết, xóm Yên Thế ra đời trên cơ sở sáp nhập 3 xóm 11, 12, 13 cũ với 304 hộ, 1.103 khẩu. Diện tích rộng, người đông, với nhiều khó khăn phát sinh. Bản thân đảm nhận Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng, Tổ trưởng Tổ hòa giải, bà đã phải nỗ lực rất nhiều để cùng với chi bộ, ban quản lý, tổ hòa giải của xóm tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong dân. Chẳng hạn như việc vận động nhân dân tích tụ ruộng đất xây dựng mô hình kinh tế chất lượng cao theo Nghị Quyết Đảng ủy xã ở khu vực Đồi Chồi. Đây là khu vực đất công ích 5% do xã quản lý và giao cho 38 hộ dân canh tác. Ban đầu trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, sản lượng thấp nên bà con chuyển sang đào ao thả cá, trồng cỏ chăn nuôi. Tháng 10/2021, xã chủ trương vận động người dân trả đất, chuyển đổi sang xây dựng mô hình kinh tế chất lượng cao, người dân được hỗ trợ hoa màu trên đất, công đào ao…
Ban đầu mới chỉ khoảng một nửa số hộ đồng ý. Đối với các hộ còn lại, bà Lý đã cùng với cấp ủy, chi bộ, tổ hòa giải đến từng nhà nắm bắt tâm tư các hộ dân có đất để tuyên truyền, vận động, giúp bà con hiểu lợi ích của việc thay đổi hình thức sản xuất nông nghiệp. Song song với đó, yêu cầu gia đình cán bộ, đảng viên, thành viên tổ hòa giải gương mẫu thực hiện trước.
Chia sẻ với chúng tôi về khoảng thời gian “ngày họp, đêm đi vận động”, bà Lý cho hay: Sự thấu tình, đạt lý, kiên trì của đội ngũ cán bộ thôn, xóm rồi cũng được bà con lắng nghe, thấu hiểu. Có 37/38 hộ đã đồng ý trả lại đất cho xã giao cho doanh nghiệp xây dựng trang trại phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, vừa tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Như gia đình ông Nguyễn Thượng Hải và bà Thái Thị Hiệu có 4 – 5 sào ở khu vực Đồi Chồi, mới đầu làm lúa, sau đó đào ao thả cá. Khi được tuyên truyền, vận động thấy chủ trương tích tụ ruộng đất, chuyển đổi là đúng nên đã sớm đồng thuận, ủng hộ. “Hình thành được trang trại sản xuất nông nghiệp sạch hôm nay là nhờ công tác “dân vận khéo” của hệ thống chính trị cấp xã và xóm, trong đó có sự góp sức của bà Hoàng Thị Lý”, ông Hải chia sẻ.
Đảm nhận vai trò người đứng mũi chịu sào ở xóm Yên Thế từ năm 2009, đồng thời là đại biểu HĐND xã nhiều nhiệm kỳ, bà Hoàng Thị Lý tâm niệm mọi việc cứ đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu thì sẽ được tin tưởng, ủng hộ. Riêng đối với công tác hòa giải cơ sở, phải tìm được “nút thắt” mới cởi được dây. Có những sự việc phải tham vấn ý kiến chuyên môn, như vấn đề liên quan đến đất đai, xóm đã phải mời địa chính của xã và các bên ra tại thực địa, vừa căn cứ vào các quy định của pháp luật, vừa kết hợp lý, tình nên đã hòa giải thành công, giữ được sợi dây liên kết tình làng, nghĩa xóm. “Chính niềm tin, sự tín nhiệm của nhân dân là động lực giúp tôi tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Lý khẳng định.
Ở thôn 2, xã Hoa Sơn (Anh Sơn), mọi người nhắc đến ông Nguyễn Văn Tình – Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải của thôn, là một tấm gương hòa giải viên tiêu biểu, nhiệt tình, trách nhiệm. Ông bà ta xưa thường nói “thấy ăn chạy lại, thấy cãi chạy đi”, nhưng với ông Nguyễn Văn Tình thì ngược lại, ở đâu có to tiếng, mâu thuẫn, xích mích là ông lập tức có mặt để hòa giải. Có những vụ việc chỉ mới manh nha, ông Tình cũng tìm đến, lắng nghe, nắm bắt tình hình rồi phối hợp với Chi bộ và Ban Quản lý thôn tìm cách tháo gỡ theo phương châm “việc lớn hóa nhỏ”.
Điển hình như câu chuyện tranh chấp đất giữa hai gia đình trong thôn xảy ra vào năm 2021. Gia đình bà M. tôn tạo khu mộ dòng họ trong nghĩa trang. Tuy nhiên, gia đình chị Th. lại nghĩ bà M. lấn chiếm đất nghĩa trang của gia đình mình nên đã cản trở việc xây dựng, tôn tạo. Nhận được tin báo, ông Tình đã cùng tổ hòa giải vào cuộc tìm hiểu, kiểm tra, sau đó mời cán bộ xã, đại diện hộ gia đình đến nhà văn hóa thôn để hòa giải. Sau khi được phân tích, gia đình chị Th. đã nhận sai, xin lỗi gia đình bà M. Mâu thuẫn từ đó được hóa giải, hai gia đình đoàn kết, giữ tình làng, nghĩa xóm.
Hay trong năm 2022, tổ hòa giải thôn 2 đã giải quyết khúc mắc liên quan đến mương thoát nước chung. Theo đó, có hai gia đình từ nơi khác đến mua đất liền kề của các hộ trong xóm, nhưng do không kiểm tra kỹ nên đều nói phần đất quy hoạch mương của xóm là đất nhà mình. Ông Tình cùng Tổ hòa giải và Ban Quản lý xóm đã mời địa chính về cùng kiểm tra thực địa, mời hai hộ mua đất đến hiện trường. Sau khi được tuyên truyền, giải thích các hộ nhất trí để xóm múc đất xây mương thoát nước. Dịp mưa bão lớn trong năm, đoạn đường trên không bị ngập lụt như những năm trước, người dân hết sức vui mừng, phấn khởi.
Vốn là Chủ nhiệm công binh Sư đoàn 324 (Quân khu 4) về hưu, có kinh nghiệm, bản lĩnh được rèn luyện trong quân đội, nhưng theo ông Tình thì “làm việc dân” phải xác định thiệt thòi, mà trước hết là hy sinh về mặt thời gian. Bởi có những sự việc không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai, mà phải đi lại nhiều lần để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu. Khi giải quyết công việc của dân phải công tâm, khách quan, không thiên vị, vì ai cũng là công dân của xóm. Quan trọng nhất là liên kết chặt chẽ với các tổ tự quản để khi có vấn đề phát sinh phối hợp giải quyết kịp thời. Đối tượng hòa giải liên quan đến chi hội, đoàn thể nào thì mời chi hội, đoàn thể đó cùng vào cuộc để giải quyết tận gốc, hàn gắn tình làng, nghĩa xóm.
Là Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải, ông Nguyễn Văn Tình đã cùng Tổ hòa giải thôn 2 hòa giải thành công nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn xóm giềng, xích mích trong gia đình (riêng trong năm 2021-2022, hòa giải thành 7 vụ, còn 1 vụ việc đang tiếp tục tháo gỡ). Trao đổi với chúng tôi, chị Đặng Thùy Vân – cán bộ Tư pháp xã Hoa Sơn cho hay “Thôn 2 được chọn xây dựng làm tổ hòa giải điểm, trong đó có đóng góp lớn của ông Nguyễn Văn Tình – vị Tổ trưởng Tổ hòa giải trách nhiệm, tận tâm…”.
Theo giới thiệu của anh Hồ Xuân Trực – cán bộ Tư pháp xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên), chúng tôi về xóm 2 gặp chị Đinh Thị Tâm – Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Tổ trưởng Tổ hòa giải của xóm.
Xóm 2, xã Hưng Phúc được thành lập trên cơ sở sáp nhập xóm Văn Lang và xóm Văn Mỹ. Từ năm 2019, chị Đinh Thị Tâm được bầu làm Tổ trưởng Tổ hòa giải của xóm, một nhiệm vụ thường dành cho cánh đàn ông (trong số các Tổ trưởng Tổ hòa giải của xã, chỉ có chị Tâm là nữ). Đối diện với nhiều khó khăn, áp lực, nhưng với sự tận tâm, mềm dẻo trong giải quyết công việc, chị Tâm được bà con tin yêu, mến phục.
Quá trình hòa giải mâu thuẫn ở cơ sở, chị Tâm nhận thấy nếu mọi việc được giải quyết kịp thời, từ gốc thì sẽ yên dân, yên thôn, xóm. Từ năm 2020-2022, Tổ hòa giải xóm 2 đã hòa giải thành công 9 vụ việc. Theo chị Tâm, muốn làm tốt công tác hòa giải cơ sở, phải giữ chữ “ tình” trong từng vụ việc, vậy mới giữ được tình làng, nghĩa xóm. Như chuyện hai gia đình trong xóm mâu thuẫn do tranh chấp mốc đất ở, dẫn đến gây gổ bất hòa. Theo đó, anh L. mua đất của hộ liền kề nhà anh C., do không kiểm tra kỹ nên xây bờ rào lấn sang nhà anh C.
Sau khi sự việc xảy ra, chị Tâm và Tổ hòa giải đã kiểm tra bìa đất và mời 3 hộ liên quan, trong đó có hộ bán đất cho nhà anh L. đến để hòa giải. Kết quả, các bên giảng hòa, gia đình anh L. trả lại phần đất đã lấn sang cho nhà anh C. Hay mâu thuẫn kéo dài nhiều năm giữa gia đình ông H. và ông T. Nguyên nhân do trước đây bờ rào phân chia ranh giới giữa hai hộ bằng cây cối, khi 1 trong 2 nhà muốn xây bờ rào xi măng thì xảy ra bất đồng. Ai cũng cho rằng, phía bên kia lấn sang phần đất nhà mình. Sau khi Tổ hòa giải vào cuộc, hai gia đình đã thống nhất xây bờ rào chung, giữ tình nghĩa xóm giềng.
Để có được sự tín nhiệm của người dân, bản thân những người “vác tù và” như chị Tâm còn phải nêu gương trong mọi khía cạnh. Bận rộn với 8 sào ruộng, 5 sào ao cá, lúc rảnh rỗi còn làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập, nhưng chị Tâm vẫn tận tụy với việc thôn, xóm. Nhờ vậy, được người dân tin tưởng, ủng hộ. Hai năm gần đây, bộ mặt của xóm 2 thay đổi hẳn, đường đi, lối lại được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, an ninh, trật tự được giữ vững, người dân yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới.