Tôi vẫn thường luyến nhớ những ngày tháng Ba không mùa đó. Cả những buổi trời quang nắng hay những ngày mưa bụi dầm dề, ngồi bên một quán nhỏ ven đê, chỉ ngong ngóng nhìn ra phía bờ sông rực màu hoa gạo. Hồi nhỏ không hiểu được vì sao cây gạo chỉ được trồng ở đầu làng hay cuối làng, lớn lên, đi xa, về làng trong mùa tháng Ba mới ngỡ ngàng nhận ra một ý nghĩa sâu sắc và thiết tha đến thế: Cây gạo, cây chứng nhân, cây chỉ đường đưa lối để con người ta còn nhớ chốn trở về.
Làng tôi bên sông có một cây gạo, không biết đã có tự bao đời, cành lá xù xì, u cục nổi gò, nổi đống trông u linh, kì quái và mê hoặc. Nó là nơi bao câu chuyện ấu thơ từ đó hình thành. Lũ trẻ con mỗi mùa hoa gạo lại chỉ tập trung ở bãi cỏ rộng ngay dưới gốc nhặt hoa gạo rụng chơi đồ hàng mải mê không biết chán.
Tôi, đứa trẻ ở phố về quê lúc ấy, chỉ biết ngại ngùng đón từ tay bạn những bông hoa lớn bằng bàn tay, cánh cứng nhị vàng xoay tròn như chóng chóng mỗi khi rơi xuống đất mà thích thú bồi hồi.
Sau này chưa lần nào về quê tôi gặp lại mùa hoa gạo nở. Cứ thấy luyến tiếc, nhớ nhung. Cảm giác đó hiện rõ trong tôi khi trên truyền ngược thượng nguồn sông Lam trong một ngày cuối xuân đầy nắng. Hai bên bờ sông, giữa những cánh rừng xanh tràn sức sống của ngô khoai biêng biếc, của đất váng mỡ màu là một vùng trời rực màu hoa gạo.
Dọc theo tuyến đường vào các xã Khai Sơn, Lĩnh Sơn, Tào Sơn, Tam Sơn, Cẩm Sơn… (huyện Anh Sơn) ta có thể bắt gặp những gốc gạo xù xì soi mình xuống dòng sông hiền hòa và hoa gạo như trăm ngàn ánh đèn rực sáng tạo ra bức tranh thiên nhiên mùa xuân vô cùng tươi đẹp. Cái thứ hoa rực rỡ, ánh lên một sức sống diệu kì để rồi ai cũng phải thốt lên “Ôi! Hoa gạo!” để rồi tự nhiên như thế, hình ảnh cây gạo đầu làng ở quê cứ tự nhiên ám ảnh hiện về.
Tôi nhớ bà cụ già bán nước dưới gốc gạo ở quê năm đó khi nhìn thấy tôi nâng niu trên tay một bông hoa gạo đỏ, ấm áp nhìn tôi cười: “Hoa gạo lạ lắm, hôm nào trời quang, hoa đỏ thắm, kiêu hãnh bung mình trong nắng cứ như muốn người ta ngắm nhìn nó mãi không thôi”. Ấy vậy mà, cứ hôm trời u ủ buồn, nhìn cây gạo lại cứ thấy nó cô đơn đến lạ. Hoa gạo là thế, chọn những ngày cuối xuân để nở, để hết mình. Hoa gạo không nuối tiếc nhưng lại gợi trong lòng người những nuối tiếc không nguôi để rồi mỗi khi nhìn thấy nó lại rưng rưng đọc những câu thơ như lạc vào một miền cổ tích:
Em như bông gạo trên cây
Anh như một đám cỏ may bên đường.
Buổi đó, tháng Ba thức giấc, hoa gạo thắp lửa rực trời, cái thứ ánh sáng đỏ rực đầy kiêu hãnh trên nền trời xanh đó làm cho cả cánh đồng như bừng tỉnh rồi lại lặng lẽ buông mình vào cỏ, nằm khuất trong cỏ.
Và tôi, nhờ có hoa gạo mà tan cả một buổi chiều hoang hoải buồn …