Ngồi thất thần trước căn nhà nhỏ ở giữa làng Mỏ Than (xã Tam Quang, huyện Tương Dương), ông Lê Văn Vỹ (57 tuổi) bày tỏ hối tiếc khi thời tuổi trẻ đã không cẩn thận bảo vệ bản thân, để rồi căn bệnh bụi phổi đã hành hạ ông suốt gần 30 năm qua.
Dù được phát hiện sớm, may mắn được đưa đi nước ngoài để rửa phổi, nhưng căn bệnh quái ác này vẫn khiến ông Vỹ không còn có thể làm được công việc nặng nhọc. Mỗi lần trái gió trở trời, ông lại tức ngực, ho, khó thở.
Ông Vỹ là một trong hàng chục người ở làng Mỏ Than đang mang trong mình căn bệnh bụi phổi silic. “Không có một thống kê chính thức nào, nhưng tính sơ qua cũng phải hơn 30 người ở cái làng này đang bị bụi phổi. Tất cả đều từng làm việc tại mỏ than Khe Bố”, ông Vỹ nói. Ông Vỹ hiện là Trưởng làng Mỏ Than. Chỉ mới năm ngoái, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An tổ chức giám định bệnh nghề nghiệp cho người làm việc tại Công ty cổ phần Than Khe Bố, kết quả cho thấy có 6 công nhân bị bụi phổi được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp. Trong số này, có 5 người là con em làng Mỏ Than.
Quê ở huyện Nam Đàn, năm 20 tuổi ông Vỹ ngược dòng sông Lam, xin vào làm công nhân của mỏ than Khe Bố. Ông Vỹ sau đó lấy vợ và lập nghiệp ngay tại đây. Ông Vỹ kể, những năm làm việc dưới hầm lò mỏ than, ông trải qua nhiều bộ phận. “Xuống hầm lò thì hầu như làm bộ phận nào cũng hứng nhiều bụi cả, không thể tránh khỏi. Công nhân cũng được phát khẩu trang vải để đeo nhưng do làm việc nặng nhọc, thở hồng hộc nên đeo khẩu trang rất khó thở. Chính vì thế, hầu hết anh em phải chấp nhận sống chung với bụi. Chỉ đeo khẩu trang dưới cằm, mỗi lần cán bộ vào kiểm tra lại kéo lên để đối phó thôi. Một phần vì bất tiện khi làm việc nhưng cũng một phần vì chủ quan”, ông Vỹ kể lại.
Làm việc liên tục dưới hầm lò suốt 8 năm, đến năm 1994, ông Vỹ được đưa đi giám định và phát hiện bị mắc bệnh bụi phổi silic. Kết quả giám định cho thấy, ông bị tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh nghề nghiệp là 31%. Tuy vậy, ông vẫn phải gắng gượng làm việc tại đây thêm 13 năm nữa. “Hồi phát hiện bị bụi phổi, chỉ mới làm việc được ít năm nên nếu nghỉ việc thì không có chế độ lương hưu. Vì thế, vẫn phải tiếp tục làm việc như bình thường, vì mưu sinh. Năm 2003, tôi may mắn được đưa qua Trung Quốc rửa phổi. Nhìn 20 lít nước đen sì sau khi rửa xong phổi mà tôi ám ảnh tận bây giờ… Chắc là được rửa phổi như thế nên tôi mới sống đến nay”, ông Vỹ kể và cho hay, đến năm 2007, khi mới 41 tuổi thì ông mới nghỉ hưu. Lúc này, ông cũng đã đủ thời gian đóng bảo hiểm và sức khỏe cũng không cho phép trụ thêm được nữa.
Cũng vì vất vả, nguy hiểm mà thế hệ thứ 2 ở làng Mỏ Than đã rất ít người nối gót bố mẹ. Vì hiểu công nhân mỏ vất vả, những cư dân ở Mỏ Than cố gắng đầu tư cho con em học hành và hầu hết, đi làm nghề giáo viên. Làng hiện có 180 hộ thì có đến 108 người làm giáo viên (chỉ mới tính những người hiện có hộ khẩu trong làng, chưa kể nhiều trường hợp con em trong làng đi dạy rồi lấy chồng nơi khác hoặc những người ra trường được phân đi dạy xa quê, hiện đã chuyển khẩu). Chính vì vậy, từ làng Mỏ Than, những năm gần đây người dân đã chuyển sang gọi ngôi làng này với cái tên “Làng giáo viên”.
Đúng như lời ông Vỹ kể, có mặt tại mỏ than Khe Bố, chúng tôi chứng kiến cảnh bụi bay mù mịt. Mỗi lần công nhân bước ra từ hầm lò, áo quần thấm đẫm mồ hôi, bụi ướt dính từng lớp trên khuôn mặt nhem nhuốc. Mỗi lần xong ca làm, các công nhân phải lập tức vào phòng tắm nước nóng, mất gần nửa tiếng mới làm sạch bụi bám trên cơ thể. “Dù thời tiết như thế nào thì cũng phải tắm nước nóng, vì chỉ có nước nóng thì bụi mới ra được. Mỗi lần làm việc trong hầm lò ra là bụi dính đầy người, đặc biệt là lỗ mũi, tai và mí mắt. Chúng tôi quen rồi”, một công nhân mắc bệnh bụi phổi nhưng vẫn đang làm việc dưới hầm lò nói.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mỏ than, ông Hồ Tiến Bình – Giám đốc Công ty cổ phần Than Khe Bố không ngần ngại chia sẻ, bản thân ông cũng bị hành hạ bởi bệnh bụi phổi suốt gần 20 năm qua. “Chắc vài ngày nữa tôi lại phải đi khám, chứ gần đây ho sặc sụa cả đêm. Phổi ngày càng xấu rồi”, ông Bình nói. Trước khi lên làm quản lý, ông Bình cũng có 15 năm liên tục làm việc trực tiếp dưới hầm lò mỏ than.
Công ty cổ phần Than Khe Bố hiện khai thác khoảng 20 vạn tấn than mỗi năm. Công ty có 128 lao động, trong đó có 71 người đang trực tiếp làm việc dưới hầm lò. Tuy nhiên, trong số đó có đến 11 người mắc bệnh bụi phổi, đã được giám định và hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn phải làm việc. Đặc biệt, có 4 bệnh nhân vẫn tiếp tục sống chung với bụi khi vẫn phải làm việc trong hầm lò – nơi được đánh giá là môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Còn số công nhân mắc bụi phổi hiện đã nghỉ việc thì không ai thống kê được. “Từ khi mắc bụi phổi, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Nhiều lúc đang làm việc thì tức ngực, khó thở. Về nhà thì ho dai dẳng cả đêm. Nhưng vì đồng tiền vẫn phải cố gắng bám trụ thêm ít năm, vì bây giờ chưa đủ năm đóng bảo hiểm”, một công nhân đang làm việc dưới hầm lò nói.
Ông Hồ Tiến Bình cho hay, mỏ than chính là môi trường làm việc tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn lao động và bụi phổi. Đặc biệt, tại mỏ than Khe Bố đến nay vẫn chủ yếu là khai thác thủ công, nên có rất nhiều bụi. “Điều đó là không tránh khỏi được. Hầu như lần nào đi khám sức khỏe cũng phát hiện có công nhân bị mắc bệnh bụi phổi. Như năm ngoái, có 6 người được giám định bụi phổi. Công ty phải bỏ ra gần 600 triệu đồng để bồi thường cho họ. Ngoài ra, họ còn được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng. Do công ty cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo quy định, nên giúp công nhân phát hiện bệnh sớm hơn”, ông Bình nói.
Cũng theo vị giám đốc này, thời gian gần đây, những vị trí phát sinh nhiều bụi đã được công ty lắp hệ thống phun sương, để hạn chế bụi nhưng vẫn không dập được hết. Chính vì thế, điều quan trọng nhất vẫn là trang bị cho người lao động đồ bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang N95, mặt nạ. Trước khi vào hầm lò làm việc, cán bộ quản lý đều kiểm tra có mang đồ bảo hộ không, nếu thiếu phải vào nhà kho lấy. Nhưng khẩu trang cũng không thể ngăn cản được hết. Chưa kể, nhiều người lao động cũng vì bất tiện nên không chịu đeo khẩu trang. Chính vì thế, lãnh đạo công ty phải thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở.
Đối với 4 công nhân mắc bệnh bụi phổi nhưng vẫn đang phải làm việc dưới hầm lò, ông Hồ Tiến Bình cho biết, Công ty chưa thể sắp xếp công việc phù hợp cho họ được. “Chúng tôi cũng muốn để 4 công nhân này làm việc khác, nhưng vì nhiều nguyên nhân như trình độ, cơ cấu việc làm tại Công ty không cho phép. Thông thường thì những công nhân trong hầm lò nếu mắc bụi phổi thì được sắp xếp làm những bộ phận ít bụi hơn như giặt đồ, nấu ăn. Nhưng vì nhiều người bị bụi phổi, không đủ vị trí để sắp xếp”, ông Bình nói và cho hay, để hỗ trợ cho các công nhân, sắp tới Công ty sẽ đưa một số người đi bệnh viện tiến hành rửa phổi.