“Thằng Cần cũng chết rồi em! Giờ chỉ còn lại anh với 2 người nữa thôi”, đó là tin nhắn mà anh Trương Văn Tàu (trú ở bản Huống, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp), gửi cho tôi vào một ngày đầu tháng 7. Đoạn tin nhắn khiến tôi không khỏi bàng hoàng, bởi chỉ mới vài ngày trước, để thực hiện loạt bài này, Cần là một trong những nhân vật tôi đến thăm và trò chuyện.
Hà Văn Cần (33 tuổi), và anh Tàu, đều từng là công nhân của Công ty TNHH Hà An tại xã Châu Hồng, phát hiện bị mắc bệnh bụi phổi silic chỉ trong vài năm qua. Khi chúng tôi có mặt tại bản Huống, anh Cần vẫn còn khá tỉnh táo, dù đã không thể đi lại được. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải dựa vào người mẹ đã 64 tuổi. Từ chỗ là trụ cột gia đình, chỉ trong thoáng chốc, anh trở thành gánh nặng cho mẹ. Mọi của cải trong nhà cũng đã lần lượt ra đi sau những lần anh nhập viện.
“Hơn 1 tháng trở về trước thì vẫn còn đi lại trong nhà được, nhưng chỉ đi được khoảng 10 mét thôi. Bây giờ thì nằm một chỗ. Nhiều lúc thấy con kêu khó thở, ho quằn quại tôi cũng chỉ biết khóc, vì nhà cũng chẳng còn tiền để đưa đi viện. Chỉ biết chờ thôi”, mẹ Cần, bà Vi Thị Nguyệt nói trong tiếng nấc nghẹn khi chúng tôi đến nhà. Cũng vì gia cảnh khó khăn, nên dù đã lớn tuổi, Cần vẫn chưa kịp lấy vợ.
Bố mất sớm, chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau, từ nhỏ Cần đã phải ra ngoài mưu sinh. Cũng như hầu hết người dân khác ở bản Huống, Cần tìm lên núi để mót quặng thiếc bán kiếm tiền. Đến năm 2014, Cần xin vào làm công nhân của Công ty TNHH Hà An. Đây là công ty khai thác quặng thiếc trên núi gần bản Huống của Cần. Công việc của anh là khoan quặng thiếc. Dù suốt ngày lầm lũi trong mỏ thiếc nhưng cũng chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng/ngày. “Mỗi lần khoan như thế, bụi từ mũi khoan nó xộc thẳng vào mặt. Nhưng lúc đấy không nghĩ nó lại nghiêm trọng như thế này”, anh Cần nói trong lần chúng tôi đến gặp khi anh còn sống.
Làm công nhân khoan quặng thiếc suốt hơn 6 năm liền, đến năm 2020, Hà Văn Cần bắt đầu cảm thấy tức ngực, ho, khó thở liên tục. Sức khỏe sa sút nhanh chóng khiến Cần không còn có thể cầm vững mũi khoan, anh mới nhờ người nhà đưa xuống bệnh viện thăm khám. “Khi tới viện khám thì mới biết, cháu nó bị bụi phổi silic nặng, không còn có thể rửa phổi được nữa. Các bác sĩ bảo là bị bệnh này do nhiều năm làm công nhân khoan quặng, hít phải quá nhiều bụi”, bà Nguyệt nói thêm. Từ chàng thanh niên khỏe mạnh, nặng trên 70kg, sức khỏe của Cần dần xuống dốc, cân nặng chỉ còn chưa đầy 30kg.
Nhà của anh Trương Văn Tàu (40 tuổi), chỉ cách nhà Hà Văn Cần chừng vài chục mét. Tuy nhiên, vài tháng nay anh Tàu đã không thể đi bộ qua để thăm người đồng nghiệp cùng cảnh ngộ. Anh Tàu nói rằng, so với những người khác, anh khá may mắn khi phát hiện bệnh sớm, còn có thể rửa được phổi. Tuy nhiên, căn bệnh bụi phổi silic cũng đã khiến sức khỏe anh suy giảm nghiêm trọng, chỉ có thể đi bộ quanh quẩn trong nhà. “Cứ đi bộ trên 10 mét là đuối sức, khó thở. Từ khi phát hiện bệnh đến giờ đã sút hơn 20kg rồi”, anh Tàu nói.
Anh Tàu xin vào làm công nhân của Công ty TNHH Hà An từ năm 2017. Cũng như anh Cần, công việc của anh Tàu là khoan quặng thiếc trong hầm lò sâu dưới lòng núi. “Bình thường trong hầm lò đã nhiều bụi rồi. Còn mỗi lần khoan quặng thì kinh khủng lắm, bụi bay mịt mù. Hai công nhân khoan cạnh nhau nhưng bụi khiến không thể nhìn thấy mặt nhau”, anh Tàu kể. Đến đầu năm 2021, anh Tàu phát hiện bị nhiễm Covid-19. Khi xuống bệnh viện điều trị, sau khi thăm khám thì mới phát hiện anh còn bị bụi phổi silic. Sau đó, anh Tàu xin nghỉ việc.
“Cũng may là dính Covid-19 nên mới phát hiện bụi phổi sớm hơn. Còn những người khác thì khi phát hiện đều đã quá nặng. Bây giờ nghĩ lại mà hối hận, ngày trước chủ quan quá”, anh Tàu nói và cho hay, trong quá trình làm việc, công ty cũng có phát mặt nạ để phòng bụi nhưng hầu hết công nhân đều không mang, thậm chí khẩu trang vải cũng không. “Thật ra một phần vì chủ quan, không nghĩ bụi lại nguy hiểm như thế này. Một phần vì làm việc trong hầm lò rất nặng nhọc, đeo khẩu trang hay mặt nạ vào là rất khó thở, chỉ làm được một lúc phải tháo ra”, anh Tàu nói thêm.
Dù làm việc tại đây suốt nhiều năm, nhưng cả anh Cần lẫn anh Tàu và nhiều người khác đều không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm. Chính vì thế, sau khi bị bệnh họ đều không được công ty hỗ trợ gì hay được hưởng chế độ dù bệnh bụi phổi thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp. Trong quá trình làm việc, họ cũng không được công ty tổ chức đưa đi khám sức khỏe định kỳ, nên không thể phát hiện bệnh kịp thời.
Cũng theo anh Trương Văn Tàu, chỉ tính riêng Công ty TNHH Hà An mà anh biết, trong vài năm qua đã có đến 7 người phát hiện bệnh bụi phổi, trong đó 4 người đã tử vong. “Tất cả 7 người đều làm công nhân khoan quặng thiếc, đây là bộ phận hứng bụi nhiều nhất. Tuy nhiên, con số 7 người là chỉ những trường hợp ở xã Châu Hồng mà chúng tôi quen biết. Có thể còn rất nhiều người khác cũng bị, nhưng họ ở địa phương khác nên không nắm được”, anh Tàu nói.
Trong số 7 người mà anh Tàu liệt kê, còn có anh Vi Chiến (38 tuổi). Anh Chiến cũng ở bản Huống, làm công nhân khoan tại Công ty TNHH Hà An từ năm 2013. Đến cuối năm 2019, do công việc vất vả, mức lương lại bèo bọt, anh Chiến xin nghỉ việc để làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. “Khi đi khám sức khỏe làm hồ sơ đi nước ngoài thì tôi mới biết mình mắc bụi phổi silic. Lúc này thì bệnh đã quá nặng, không thể rửa phổi được nữa” anh Chiến kể và cho hay, kể từ đó đến nay, hầu như tháng nào anh cũng phải nhập viện. Những lần như thế, đều có triệu chứng khó thở, tay chân khó cử động, phải nhờ người thân khiêng lên xe đưa tới bệnh viện.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, một lãnh đạo Công ty TNHH Hà An xác nhận, có một số công nhân từng làm việc tại mỏ quặng thiếc bị bệnh bụi phổi. “Đó là do trước đây khai thác theo kiểu thủ công nên bụi nhiều. Khoảng 1 năm trở lại đây, chúng tôi đầu tư máy móc hiện đại nên đã hạn chế phần nào được tình trạng này”, vị này nói.
Còn ông Trương Văn Hóa – Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, trên địa bàn xã hiện có đến 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. “Về vấn đề công nhân bị bệnh bụi phổi, chúng tôi cũng có biết được một số trường hợp, nhưng về cụ thể thì chính quyền cũng không thể nắm được và cũng không thống kê. Vì các công nhân hầu hết làm việc không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm”, ông Hóa nói.
Chỉ mới tính riêng trong một dây chuyền làm việc của một công ty, và cũng chỉ tính những công nhân sống trên địa bàn xã Châu Hồng nhưng đã có tới 7 người mắc bệnh bụi phổi nặng trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, tại huyện Quỳ Hợp đang có 80 mỏ đang khai thác khoáng sản cùng hàng loạt công ty chế biến bột đá với hàng chục nghìn lao động. Chúng tôi đã liên hệ với nhiều cơ quan, đơn vị tại huyện Quỳ Hợp, nhưng không một đơn vị nào nắm được số liệu công nhân bị bụi phổi sau khi làm việc tại những môi trường nguy cơ cao như thế này.