Kết thúc THPT, không ít học sinh băn khoăn đứng trước nhiều lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp; trong đó có con đường du học. Dù hiện nay xuất ngoại học tập đã không còn là chuyện xa vời, nhưng du học thế nào để có được sự thành công, thì các em rất cần nhận được sự định hướng, hỗ trợ từ gia đình, thầy cô và những người có kinh nghiệm.
Báo Nghệ An có buổi trò chuyện với em Nguyễn Thiện Khiêm – học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu xung quanh vấn đề này.
P.V: Chào Thiện Khiêm! Em khá nổi tiếng trong giới học trò với thành tích Tiếng Anh xuất sắc, như 2 năm liên tiếp đạt Giải Nhất Olympic Tiếng Anh qua Internet (IOE) cấp Quốc gia; giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh (năm lớp 11) và đặc biệt là đạt điểm 8.0 tại Kỳ thi IELTS… Chắc hẳn những thành tích “khủng” này có được không dễ dàng?
Nguyễn Thiện Khiêm: Em làm quen với Tiếng Anh khá sớm vì gia đình có truyền thống về ngoại ngữ. Tuy vậy, thời gian đầu em chưa thực sự thích Tiếng Anh lắm và chỉ học vui là chính, nhưng rồi càng ngày em càng đam mê Tiếng Anh bởi bản thân em thường thích học những gì có tính sáng tạo, không hứng thú nhiều với các con số, với các môn tự nhiên.
Năm lớp 4 em được giải Nhất môn Tiếng Anh cấp trường ở Trường Tiểu học Quang Trung. Đó cũng là phần thưởng đầu tiên của em và khiến cho em ngày càng hứng thú với môn học này. Với em, Tiếng Anh không đơn thuần chỉ là một ngôn ngữ mới lạ mà nó luôn đòi hỏi mình phải tìm hiểu, cảm giác như sẽ không bao giờ biết hết được.
P.V: Tiếng Anh cũng là “cầu nối” để Thiện Khiêm giành được những khóa học bổng ngắn hạn sang Úc và Nhật Bản. Em có bất ngờ với những kết quả này hay không?
Nguyễn Thiện Khiêm: So với các bạn, em biết về các khóa học bổng này muộn hơn và đến lớp 11 mới tham dự lần đầu tiên, đó là cuộc thi Viết luận Trinity Essay Writing Competition 2017 do Trinity College, Melbourne University (Úc) tổ chức. Thời điểm em tham dự, đây là năm thứ 9 cuộc thi được triển khai và thu hút rất nhiều học sinh trong toàn quốc tham gia. Vì thế, ban đầu em cũng không kỳ vọng mình sẽ chiến thắng bởi số lượng học bổng rất ít.
Tuy nhiên, ở kỳ thi này, em đặc biệt rất thích chủ đề mà Ban tổ chức đã đưa ra khi yêu cầu thí sinh phải viết về một sự kiện lịch sử mà bạn thích nhất trong vòng 100 năm qua và lý giải vì sao lại quan trọng. Ở câu hỏi này, em viết về sự kiện bà Amelia Earhart là người phụ nữ đầu tiên bay một mình qua Đại Tây Dương. Từ vấn đề này, em viết đến vấn đề “trọng nam khinh nữ” ở Việt Nam và ở ngay trong gia đình em. Em cũng muốn nói rằng, so với nam giới, phụ nữ rất thiệt thòi và chưa được tôn trọng, phụ nữ luôn bị phân biệt trong cuộc sống, trong lao động. Trong khi thực chất, mỗi phụ nữ đều có sức mạnh từ bên trong và họ có thể tự “khai thác” ra chứ không phải để người đàn ông nào quyết định cuộc sống, không phải ràng buộc bởi định kiến xã hội nào…
Trước đó, em viết bài luận này trong một tâm trạng khá thoải mái nên khi biết tin mình là 1 trong 5 thí sinh đạt giải Nhất và giành học bổng sang Úc, em thực sự bất ngờ. Sau đó, đến cuộc thi thứ 2 thì em dễ dàng hơn và là 1 trong 20 người chiến thắng cuộc thi “Chắp cánh tương lai – Khám phá Nhật Bản 2018” do Campus Vietnam tổ chức. Em nghĩ rằng, để giành những học bổng này không quá khó và mọi học sinh có thể tìm hiểu trên mạng. Tuy nhiên, với những cuộc thi do nước ngoài tổ chức họ rất đề cao tính sáng tạo của cá nhân và mỗi người tham dự cần cố gắng thể hiện được điều này và hãy tự tin vào bản thân mình.
P.V: Khiêm đã hai lần được sang học tập tại nước ngoài và có rất nhiều cơ hội giành học bổng để đi du học sau khi đạt 8.0 tại kỳ thi IELTS. Tuy nhiên, tôi thực sự ngạc nhiên khi em quyết định học đại học trong nước?
Nguyễn Thiện Khiêm: Môi trường giáo dục, môi trường sống ở nước ngoài rất tốt và em đã học được nhiều điều thú vị sau những khóa học này. Chẳng hạn, khi ở Úc, em học về chuyên ngành tâm lý học và được đi thực nghiệm rất nhiều như đến thăm các trại tâm thần bỏ hoang để tìm hiểu về lịch sử, được tham gia thử thách leo núi, nhốt trong phòng kín để trải nghiệm nỗi sợ, hiểu cảm giác của người bệnh. Đây là những điều thú vị và khác hẳn với Việt Nam.
Trong tương lai, em cũng muốn được tìm hiểu về nhiều nền giáo dục khác. Nhưng, em lại không muốn ở quá lâu một nơi và em thích những công việc mang tính sáng tạo hơn. Vì thế, em chọn học đại học ở Việt Nam và sẽ tìm kiếm những cơ hội khác, có thể là những khóa học ngắn hạn.
P.V: Cách lựa chọn của Khiêm chắc chắn sẽ khiến nhiều người bất ngờ nhưng rõ ràng em đã có sự chuẩn bị và tự tin vào quyết định của mình. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay, không phải ai cũng sớm định hướng được công việc cho mình. Theo em, đâu là nguyên nhân?
Nguyễn Thiện Khiêm: Điều này là có thật. Ngay trong lớp em, rất nhiều bạn đến khi nộp hồ sơ mới cuống cuồng tìm hiểu mình học trường gì và chọn ngành nghề nào.
Đây là sự khác biệt giữa học sinh trong nước và học sinh nước ngoài. Ở các nước khác, học sinh được định hướng nghề nghiệp rất sớm. Còn tại Việt Nam, những hội thảo hướng nghiệp thường rất ít và chưa được đầu tư, nặng về lý thuyết. Giá như có những buổi học thử tại các trường đại học hoặc có các môi trường làm việc kiểu mẫu để học sinh được thử nghiệm công việc thì việc hướng nghiệp sẽ hiệu quả và thiết thực hơn.
Thực tế ngày này, học sinh không cần phải học nhiều về các kiến thức trong sách giáo khoa. Thay vào đó, chúng em cần được dạy nhiều hơn về các kỹ năng khác như cách kiểm soát cảm xúc, cách làm việc nhóm, cách giao tiếp với mọi người, cách cộng tác…
P.V: Tôi được biết, hiện nay Khiêm đang “khởi nghiệp” bằng cách phát huy lợi thế về sức trẻ của mình thông qua mạng xã hội để truyền cảm hứng đến cho những người trẻ. Em có tự tin về điều này hay chỉ là nhất thời?
Nguyễn Thiện Khiêm: Thế hệ 10X có nhiều lợi thế vì biết sử dụng công nghệ, mạnh dạn và dám đi theo lựa chọn của mình, không bị ảnh hưởng bởi các quan điểm cũ. Tuy nhiên, chúng em cũng cần phải học hỏi thế hệ đi trước ở kinh nghiệm, suy nghĩ và phải chấp nhận thất bại để có thể đi lên.
Hiện, em thích làm những thứ sáng tạo và dùng Tiếng Anh làm công cụ để viết vlog, làm video để chia sẻ với mọi người. Công việc thời điểm này cũng đã giúp em có được thu nhập nhất định. Chuyên ngành học của em ở đại học là marketing và trong tương lai em vẫn muốn phát triển công việc này và không lo ngại. Bởi lẽ, mình càng trưởng thành thì công việc sẽ phát triển hơn và mình sẽ có thêm nhiều cơ hội mới khi bước ra một môi trường rộng lớn hơn.
P.V: Cảm ơn Thiện Khiêm và chúc em sẽ thành công hơn nữa trên con đường mà mình đã chọn!