Năm 2023, mảnh đất rẻo cao Kỳ Sơn có 1.087 hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở được thụ hưởng chương trình hỗ trợ nhà ở do Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát động kêu gọi, và được Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tích cực hỗ trợ. Với xuất phát điểm là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, huyện Kỳ Sơn xác định đây là cơ hội để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà tranh tre trong tiêu chí giảm nghèo hàng năm. Bởi vậy, địa phương huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp huyện đến tận thôn, bản.
Anh Vi Thái Thuận – Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong triển khai đề án là việc vận chuyển xi măng, cát, sỏi, vật liệu xây dựng lên vùng rẻo cao, biên giới để triển khai các công trình. Trước tình hình đó, Đoàn Thanh niên Công an huyện Kỳ Sơn cùng đoàn thanh niên cơ sở tại địa bàn các xã đã cùng nhau gùi từng bao xi măng, cát, xách từng can nước, vượt qua từng vách núi, đèo.
Như tại bản Chà Lạt (xã Mường Típ) nằm cách trung tâm xã 5 km, dân cư sinh sống rải rác trên các sườn núi. 7 hộ dân được hỗ trợ làm nhà thì có tới 3 hộ nằm chênh vênh trên sườn dốc. Hay tại bản Lưu Tiến (xã Chiêu Lưu) việc vận chuyển nguyên, vật liệu làm nhà cũng hết sức gian nan. Vậy nhưng, hàng nghìn đoàn viên từ 21 cơ sở Đoàn của địa phương đã phối hợp tốt với Đoàn Thanh niên Công an huyện đã khắc phục khó khăn để bà con sớm có nhà ở. Nhờ vậy, chỉ chưa đầy 2 tháng kể từ khi triển khai, huyện Kỳ Sơn đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ của mình.
Thấu hiểu những thiếu thốn, vất vả tại nơi mình sinh sống, tuổi trẻ huyện Kỳ Sơn còn đóng góp nhân lực, vật lực tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Những công trình như: đường vào trụ sở Công an xã Nậm Càn; đường vào bản Cha Ca, xã Bảo Thắng; đường liên bản xã Na Loi, xã Huồi Tụ… đều có dấu ấn quan trọng của áo màu xanh tình nguyện.
Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, tuổi trẻ huyện Kỳ Sơn đã tham gia tu sửa 50 km đường giao thông nông thôn, đường bê tông, kênh mương nội đồng và phối hợp với Điện lực huyện hàng năm tổ chức các đợt phát quang hành lang lưới điện với tổng chiều dài trên 100 km. Huyện đoàn Kỳ Sơn đã kêu gọi, vận động hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ các em nhỏ trên địa bàn huyện. Mô hình “Em nuôi của Đoàn” tiếp tục được triển khai, hiện nay, toàn huyện đang nhận giúp đỡ, hỗ trợ hơn 70 em thiếu nhi, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của địa phương.
Còn đối với tuổi trẻ huyện Thanh Chương, nhiều năm qua, tổ chức Đoàn đã chủ động, linh hoạt trong việc tạo cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa. Từ đó, lên phương án tổ chức các hoạt động phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương. Đặc biệt, tại các xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn – nơi có các bản, làng tái định cư của bà con dân tộc thiểu số, việc chăm lo, đồng hành cùng người dân lại càng được quan tâm, chú trọng.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, tuổi trẻ huyện Thanh Chương đã hỗ trợ xây dựng 4 ngôi nhà nhân ái, thực hiện công trình thắp sáng đường quê với chiều dài 3,5 km, với tổng kinh phí 180 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 7 sân bóng chuyền cho thanh thiếu nhi, với tổng giá trị gần 1,5 tỷ đồng; trao tặng hơn 2.265 suất quà, với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng đến những đối tượng khó khăn; tổ chức 12 đợt khám, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho gần 1.800 đối tượng hộ nghèo và gia đình chính sách. Những nỗ lực này đã tạo dựng niềm tin, sự đồng lòng ủng hộ của các đơn vị tài trợ. Đồng thời, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, xã hội.
Gần 2 năm qua, 193 em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các thầy, cô giáo nơi điểm trường Mường Piệt – Trường Tiểu học Thông Thụ 1 (Quế Phong) đã tạm biệt những phòng học lợp tranh dột nát, thay vào đó là những phòng học mới khang trang, vững chãi. Đây là một trong những điểm trường mà tuổi trẻ Nghệ An đã kêu gọi và đồng hành cùng Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam để thực hiện chuỗi công trình “Trường đẹp cho em” tại 3 địa bàn khó khăn của tỉnh.
Ngoài huyện Quế Phong, còn có 2 điểm trường mầm non Pà Ca thuộc Trường Mầm non Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn); điểm trường bản Tổng Khư, Trường Tiểu học Na Ngoi 1 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn).
Bên cạnh 3 ngôi trường khang trang được cất nóc trên những mảnh đất miền núi khó nhọc, nhiệm kỳ qua, Tỉnh đoàn Nghệ An cùng với các đơn vị đồng hành đã kêu gọi các nguồn lực để khởi công xây dựng 4 công trình cầu dân sinh tại các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Quế Phong và thị xã Hoàng Mai. Đây thực sự là những công trình thanh niên mang đậm dấu ấn của tuổi trẻ nhằm mang đến những công trình thiết thực cho bà con vùng khó.
Phong trào thanh niên tình nguyện với trọng tâm đưa nhân lực và huy động vật lực về hỗ trợ các thôn, xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa luôn là mục tiêu then chốt của tuổi trẻ Nghệ An. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh tổ chức được 7 công trình thanh niên cấp tỉnh, 204 công trình thanh niên cấp huyện, 3.227 công trình, phần việc thanh niên cơ sở, với tổng giá trị làm lợi hơn 40 tỷ đồng. Đặc biệt, tại các địa phương đang hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì việc triển khai các công trình thanh niên càng thêm sôi nổi, hiệu quả.
Các cơ sở Đoàn đã tích cực tìm kiếm các nguồn lực để quan tâm, hỗ trợ 405.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, với tổng giá trị nguồn lực hơn 16 tỷ đồng. Đồng thời, trao học bổng với tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng cho 6.035 học sinh, sinh viên cần giúp đỡ.
Nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay gắn với chuyển đổi số đã được các đoàn viên, thanh niên phát hiện, áp dụng hiệu quả vào phong trào tình nguyện, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội. Các sáng kiến không chỉ giúp tăng hiệu quả công việc, mà còn giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Có thể thấy những dấu ấn rõ nét của tuổi trẻ Nghệ An qua việc ứng dụng các công nghệ số trong giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử, văn hóa, giới thiệu sản phẩm do thanh niên sản xuất… Đặc biệt, Đoàn Thanh niên các cấp đã thể hiện vai trò nòng cốt trong các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc triển khai hiệu quả các hoạt động tình nguyện hướng về địa bàn khó khăn của tỉnh cũng như thích ứng nhanh chóng trong việc tổ chức tình nguyện gắn với công cuộc chuyển đổi số, tuổi trẻ Nghệ An đã trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu của khu vực Bắc Trung Bộ được Trung ương Đoàn tuyên dương hằng năm và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng Cờ thi đua xuất sắc. Nhiều cá nhân được vinh danh là “Thanh niên sống đẹp” và “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng”.
Đây là những minh chứng cho vai trò của tuổi trẻ Nghệ An trong công cuộc vượt khó, góp sức xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực đời sống. Sự phát triển của tỉnh nhà chính là động lực để tuổi trẻ Nghệ An không ngừng phấn đấu, như niềm tin mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XII (nhiệm kỳ 2022 – 2027) rằng: “Thanh niên đã và đang có mặt, phát huy sức trẻ, tinh thần xung kích, tình nguyện của mình ở những nơi khó khăn, gian khổ, những việc mới, việc khó, góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…” trong suốt chiều dài lịch sử và trong giai đoạn hiện nay.