Hành trình xanh trên vùng biên cương Tổ quốc – Bài 2: Xung kích khơi dậy tiềm năng miền biên viễn

Đối với đồng bào người Mông trên vùng biên giới, việc thay đổi thói quen, tư duy sản xuất là rất khó khăn. Mặc dù tập quán du canh, du cư của đồng bào Mông đã cơ bản được xóa bỏ nhưng để thay đổi thói quen sản xuất, canh tác của họ vẫn là một thách thức lớn.

Tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, vợ chồng người Mông Vừ Bá Phia (SN 1990) và Xồng Y Ló (SN 1993) là điểm sáng về phát triển kinh tế khi đã tiên phong canh tác hơn 1,2 ha nghệ đỏ và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ các giống lúa năng suất cao. Từ một hộ nghèo của bản, quanh năm chỉ dựa vào diện tích lúa rẫy ít ỏi, gia đình anh chị đã được Tổng đội Thanh niên xung phong 9 đồng hành trong triển khai các mô hình kinh tế mới.

Vợ chồng người Mông Vừ Bá Phia (SN 1990) và Xồng Y Ló (SN 1993) tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp (Tương Dương) đang sơ chế gừng tại Tổng đội TNXP 9.

Cùng với anh Phia, tại 2 bản Huồi Sơn và Phà Lõm (xã Tam Hợp) đã có hơn 100 hộ dân canh tác nghệ đỏ với tổng diện tích gần 16,5 ha. Cây nghệ đỏ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cho năng suất cao. Năm 2022, Tổng đội đã thu mua 230 tấn nghệ đỏ cho dân, trị giá hơn 1,1 tỷ đồng. Niềm vui còn đến với nhiều bà con dân bản nơi đây khi năm 2023 vừa qua, bà con người Mông ở bản Huồi Sơn và Phà Lõm đã được trồng thử nghiệm giống lúa mới VT – NA2 trên diện tích gần 2 ha với năng suất vượt trội.

Đằng sau những vụ mùa bội thu, bà con nơi đây luôn dành tình cảm đặc biệt đối với 11 cán bộ, đội viên của Tổng đội TNXP 9. Bởi nhiều năm qua, họ đã đồng hành cùng bà con người Mông thử nghiệm nhiều cây trồng mới, từng bước khai phá đất hoang để triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả thoát nghèo bền vững. Vì vậy, giữa bao la núi rừng, Làng Thanh niên biên giới, thuộc Tổng đội thanh niên xung phong 9 tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương là địa chỉ tin cậy để bà con dân bản tìm đến mỗi khi cần được giúp đỡ. Ghi nhận những nỗ lực đó, Tổng đội TNXP 9 đã đón nhận rất nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, nổi bật có Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào dân vận khéo giai đoạn 2015 – 2020; Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng Làng Hữu nghị thanh niên biên giới Lào – Việt…

Đoàn công tác Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh  thăm, làm việc tại Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương.
Đoàn công tác Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thăm, làm việc tại Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương.

Rời mảnh đất rẻo cao Tương Dương về với địa bàn 2 xã Thanh Thủy và Thanh Hà (Thanh Chương) nơi có Tổng đội TNXP 5, không khí thi đua lao động, sản xuất cũng vô cùng sôi nổi, Tổng đội đã đồng hành cùng bà con vượt khó xây dựng thành công mô hình Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Rộ. Theo lời chia sẻ của Tổng đội trưởng Hoàng Văn Đông: Thời điểm cách đây 21 năm khi Tổng đội TNXP5 được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh, nơi này là vùng rừng núi hoang vu chưa có đường, chưa có điện, chưa có người dân sinh sống, chưa có cầu Rộ bắc qua sông Lam như bây giờ.

Đến năm 2001, được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An đã giao nhiệm vụ cho Tổng đội TNXP 5 thực hiện Dự án “Làng Thanh niên lập nghiệp Sông Rộ” – là 1 trong 4 làng thanh niên lập nghiệp thí điểm đầu tiên của Trung ương Đoàn. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Tổng đội đã đưa được 157 hộ đội viên lên lập thân, lập nghiệp, đồng thời, phát triển 230 ha chè công nghiệp, 50 ha cam, bưởi, 30 ha cây tre điền trúc lấy măng, 500 ha rừng nguyên liệu; tổng đàn trâu, bò hàng năm ổn định 500 con. Nhờ vậy, cuộc sống của các hộ dân ngày một khởi sắc, mảnh đất khó ngày nào đã hoàn toàn thay da đổi thịt.

Chăn nuôi và trồng trọt ở Tổng đội TNXP 5 Thanh Chương.
Chăn nuôi và trồng trọt ở Tổng đội TNXP 5 Thanh Chương.

Còn tại bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn – nơi có độ cao gần 1.600m so với mực nước biển, năm 2012, khi Tổng đội TNXP 10 được thành lập với hơn 30 hội viên là bà con dân tộc Mông tại địa phương, cuộc sống sản xuất nơi đây đã có nhiều thay đổi. Bà con được hướng dẫn canh tác nhiều giống cây trồng mới và dần bỏ đi thói quen đốt rừng làm rẫy mà tập trung vào khai hoang để canh tác.

Tính đến thời điểm hiện tại, từ số lượng 30 hộ đồng bào Mông là hội viên của Tổng đội từ ngày đầu thành lập, đến nay, đã tăng trên 300 hộ. Số diện tích đất đồi được bà con khai hoang để xây dựng mô hình trồng rau hàng hóa đã lên tới trên 10 ha. Đặc biệt, diện tích trồng chè Shan tuyết liên kết với Tổng đội đã lên tới hơn 250 ha. Ngoài ra, bà con còn mạnh dạn liên kết với Tổng đội để triển khai các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như giống tỏi trắng Nhật Bản, đẳng sâm, Yacon (khoai sâm). Nhờ đầu ra được Tổng đội liên kết tiêu thụ ổn định nên bà con yên tâm sản xuất, đời sống ngày càng tốt hơn.

Ươm giống chè Shan tuyết tại Tổng đội TNXP 10.
Ươm giống chè Shan tuyết tại Tổng đội TNXP 10.

Chia sẻ về vai trò của lực lượng thanh niên trên địa bàn tỉnh nhà, anh Nguyễn Đình Thắng – Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An khẳng định, tiếp bước truyền thống của các thế hệ TNXP đi trước, lực lượng TNXP – xây dựng kinh tế của tỉnh đã và đang trở thành những mô hình kinh tế – xã hội tại các vùng xung yếu miền Tây Nghệ An.

Tính đến tháng 4 năm 2024, lực lượng TNXP đã thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tổng diện tích rừng do các tổng đội TNXP Nghệ An quản lý bảo vệ và sản xuất là trên 22.638 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đồng thời, từ những vùng đất hoang vu, lực lượng này đã tiên phong khai hoang xây dựng thành các vùng cây công nghiệp tập trung như: chè 1.438 ha, mía đường 480 ha, dứa 123 ha; tham gia tốt chương trình phát triển rừng, bảo vệ và trồng rừng đạt 40.939 ha.

Trước năm 2014, lực lượng TNXP Nghệ An có 12 đơn vị. Tuy nhiên, thời gian qua lực lượng này đã thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An về sáp nhập, giải thể một số tổng đội TNXP đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An giảm xuống còn 5 đơn vị TNXP. Cùng với đó, việc thực hiện đồng bộ Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh niên xung phong – xây dựng kinh tế tỉnh Nghệ An” (gọi tắt là Đề án 3051) trong giai đoạn 2015 – 2021 đã góp phần khắc phục những tồn tại thực tiễn trong tổ chức, hoạt động của mô hình Tổng đội TNXP – Xây dựng kinh tế. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý và dồn lực để tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng TNXP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bí thư Trung ương Đoàn thăm các khu chăn nuôi, trồng trọt của Tổng đội TNXP 9 và các mô hình sản xuất của các đội viên.
Bí thư Trung ương Đoàn thăm các khu chăn nuôi, trồng trọt của Tổng đội TNXP 9 và các mô hình sản xuất của các đội viên.

Sự vận động, chuyển đổi mô hình hoạt động của mô hình tổng đội TNXP đã tạo thêm động lực để thi đua lao động, sản xuất, mạnh dạn tiên phong áp dụng cái mới, mang lại nhiều kết quả. Việc dồn lực đầu tư cho các tổng đội thanh niên xung phong của cấp ủy, chính quyền cùng các ngành liên quan đã tạo nên một “cú hích” giúp cho các tổng đội nâng cao chất lượng hoạt động. Đơn cử như tại Tổng đội Thanh niên xung phong 9, năm 2023 đã được Nhà nước đầu tư hệ thống máy sấy tinh bột nghệ bằng nhiệt lạnh trị giá gần 1 tỷ đồng, nhằm đảm bảo chất lượng tinh bột nghệ ở mức cao nhất. Việc sản xuất tinh nghệ triển khai theo một dây chuyền hiện đại từ sơ chế, xay, sấy, tạo viên… đã tiết kiệm thời gian, công sức của đội viên. Đồng thời, nâng chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với thị trường.

Tổng đội TNXP 9 tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ hết sản phẩm củ nghệ tươi cho người dân.
Tổng đội TNXP 9 tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ hết sản phẩm củ nghệ tươi cho người dân.

Còn tại Tổng đội Thanh niên xung phong 5, phong trào đổi mới, thi đua lao động, sản xuất cũng vô cùng sôi nổi. Những năm qua, Tổng đội đã mạnh dạn thu hút đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè với công suất 15 tấn/ngày, mỗi năm thu mua, chế biến được 1.000 tấn chè búp tươi, tạo việc làm thường xuyên ổn định cho 15 lao động, thu nhập đạt từ 8-9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn xây dựng một xưởng chế biến gỗ bóc công suất 60 tấn gỗ/ngày, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, cho thu nhập 9 – 10 triệu đồng/người/tháng. Tổng đội còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 lao động tại các vườn hộ và hàng trăm lao động thời vụ cho bà con nhân dân trong vùng. Từ đây, cuộc sống của người dân ngày một khởi sắc, mảnh đất khó ngày nào đã hoàn toàn thay da đổi thịt.

Trên những miền đất khó của tỉnh, các tổng đội vẫn luôn nỗ lực khai hoang, mở đất, lập nghiệp hình thành và phát triển các vùng cây nguyên liệu tập trung như chè, dứa, mía phục vụ công nghiệp chế biến của tỉnh. Ước tính, diện tích cây nguyên liệu chủ lực của lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An hiện chiếm 15 – 20% tổng diện tích cây nguyên liệu toàn tỉnh, tạo nên nguồn thu bền vững.

Dưới sự vận động của cấp ủy, chính quyền cùng Tổng đội TNXP 9, bà con Phá Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) đã tiếp cận với nhiều mô hình kinh tế mới, nổi bật có mô hình trồng nghệ đỏ. Ảnh: Thanh Quỳnh
Dưới sự vận động của cấp ủy, chính quyền cùng Tổng đội TNXP 9, bà con Phá Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) đã tiếp cận với nhiều mô hình kinh tế mới, nổi bật có mô hình trồng nghệ đỏ. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tại Hội nghị giao ban các đơn vị thanh niên xung phong toàn quốc năm 2023 do Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức, đồng chí Ngô Văn Cương – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn đã dành nhiều ghi nhận, đánh giá riêng đối với lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An. Có thể nói, qua chuyến thăm, làm việc tại các tổng đội trong thời gian qua, đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn khẳng định, Nghệ An có quyền tự hào về một lực lượng thanh niên xung phong đầy nhiệt huyết, bản lĩnh trong việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà trong thời gian qua.

Trong xu thế phát triển chung của lực lượng thanh niên trên toàn quốc, cần thực hiện tốt nhiều mục tiêu dài hạn. Nổi bật trong đó, đồng chí nêu rõ, cần bám sát các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như: OCOP, VietGAP, GlobalGAP… trong việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất tại các đơn vị tổng đội. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm dưới nhiều hình thức để mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh nhiệm vụ phát triển sản xuất, các tổng đội cần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thực hiện tốt việc nắm bắt địa bàn, vận động nhân dân, quan tâm hỗ trợ chính quyền và nhân dân địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ biên giới quốc gia trên bộ và trên biển, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật.

Đối với một số dự án Làng Thanh niên lập nghiệp còn khó khăn về đất đai, quy hoạch, tiếp nhận, bố trí thanh niên lập nghiệp, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước… đề nghị các Tỉnh đoàn liên quan chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND các tỉnh quan tâm phối hợp chỉ đạo tháo gỡ. Đây là những tiền đề quan trọng để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng thanh niên xung phong trong thời đại mới.