Hành trình xanh trên vùng biên cương Tổ quốc – Bài 1: Tuổi trẻ với khát vọng xây dựng quê hương

Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, diện tích lớn nhất cả nước, với gần 16.500 km2, trong đó, hơn 83% diện tích miền núi (11/21 huyện, thành, thị). Nghệ An cũng là địa phương có đường biên giới trên bộ giáp Lào dài hơn 468 km. Khu vực này là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, với gần 1,2 triệu người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh. Dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3,4 – 4,9%/năm. Góp phần vào thành quả đó có sự đóng quan trọng của lực lượng đoàn viên, thanh niên. Những tấm gương lập thân, lập nghiệp thành công ngày càng được nhân rộng trên địa bàn, đặc biệt tại 27 xã biên giới.

Một bản đồng bào Thái của xã biên giới Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Tư liệu
Một bản đồng bào Thái của xã biên giới Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh: Tư liệu

Tại xã biên giới Phúc Sơn Anh Sơn), hơn 20 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên địa phương đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Nguyễn Thị Hương Liên – Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn dẫn chúng tôi tới trang trại rộng hơn 16 ha trải dài qua 2 quả đồi lớn trên địa bàn thôn Bãi Lim của anh Nguyễn Đình Hạnh (SN 1988). Anh Hạnh được xem là một người trẻ “đầu tàu” hiếm có của xã Phúc Sơn khi đã thâm niên 14 năm là Bí thư Chi đoàn, 4 năm là Bí thư Chi bộ thôn Bãi Lim và từ năm 2021 đến nay, anh Hạnh là Trưởng ban Công tác Mặt trận của thôn, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên huyện Anh Sơn.

Mô hình trồng giống chuối Nam Mỹ tại xã biên giới Phúc Sơn, huyện Anh Sơn của anh Nguyễn Đình Hạnh (SN 1988).
Mô hình trồng giống chuối Nam Mỹ tại xã biên giới Phúc Sơn, huyện Anh Sơn của anh Nguyễn Đình Hạnh (SN 1988).

Hành trình lập nghiệp của Nguyễn Đình Hạnh bắt đầu từ năm 2015 khi anh bắt tay vào cải tạo hơn 2,5 ha vườn đồi hoang hóa của gia đình để phát triển diện tích trồng chè và giống cam đặc sản của địa phương. Sau hơn 2 tháng ròng rã đào đất, làm cỏ thì khu đất đồi đã thành hình, thành lối. Lúc này, anh nhận giống về thuê thêm người trồng và dẫn nguồn nước tưới từ khe Dầu cho cây bén rễ. Bà con trong bản đều cảm phục sự chăm chỉ của đôi vợ chồng trẻ. Họ thường xuyên nhìn thấy hai vợ chồng lên đồi từ tờ mờ sáng, trở về lúc đêm xuống để chăm sóc từng khóm chè, gốc cam. Song song với cây chè, cây cam, gia đình anh Hạnh còn canh tác 8 ha keo và nuôi hơn 20 con dê. Năm 2023, anh Hạnh là thanh niên đầu tiên của huyện Anh Sơn mạnh dạn trồng giống chuối Nam Mỹ. Bởi giống chuối mới mang nhiều ưu điểm vượt trội, lại chống chịu tốt với sâu bệnh nên những vụ thu hoạch đầu tiên đã mang về thu nhập hơn 100 triệu đồng, nâng tổng thu nhập của trang trại lên tới hơn 400 triệu đồng mỗi năm.

Tổng diện tích trang trại của anh Nguyễn Đình Hạnh (SN 1988) là 16ha  trải dài qua 2 quả đồi lớn của thôn Bãi Lim.
Tổng diện tích trang trại của anh Nguyễn Đình Hạnh (SN 1988) là 16ha trải dài qua 2 quả đồi lớn của thôn Bãi Lim.

Từ thành công của mình, anh Hạnh đứng ra thành lập “Câu lạc bộ phát triển nguồn nhân lực” của thôn gồm 12 thành viên. Dưới sự hướng dẫn, đồng hành của anh Hạnh, các thành viên đã phát triển được gần 60 ha chè và hàng chục ha keo, góp phần quan trọng trong xây dựng hướng làm giàu bền vững cho địa phương.

Rời xã biên giới Phúc Sơn, chúng tôi tiếp tục ngược núi lên với huyện miền núi Quế Phong – một trong 64 huyện nghèo nhất của cả nước. Thời gian qua, địa phương đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng các mô hình kinh tế, đặc biệt là mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Nổi bật có mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na (bản Tục Pang, xã Đồng Văn) với phương thức nuôi cá hàng hóa trên các dòng suối và lòng hồ thủy điện Hủa Na. Đây là hồ thủy điện lớn thứ hai ở Nghệ An.

Hệ thống lồng cá của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na (bản Tục Pang, xã Đồng Văn) trên lòng hồ thủy điện Hủa Na.
Hệ thống lồng cá của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na (bản Tục Pang, xã Đồng Văn) trên lòng hồ thủy điện Hủa Na.

Hợp tác xã do anh Lang Văn Mão (SN 1987) – người dân tộc Thái làm Giám đốc. Anh Lang Văn Mão là một trong những cá nhân tiêu biểu của địa phương trong việc xây dựng mô hình nuôi cá lòng hồ với nhiều giống cá bản địa có giá trị cao. Nhìn thấy nhiều bà con chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thủy điện mà thiếu đi phương thức nuôi trồng khoa học, anh đã đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ bản thân đứng ra thành lập hợp tác xã vào năm 2019. Bà con đăng ký làm thành viên của hợp tác xã sẽ được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách từ Nhà nước, đặc biệt là tìm đầu ra cho con cá.

Cá của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na đã được đưa vào nhiều siêu thị, nhà hàng lớn trên địa bàn tỉnh.
Cá của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na đã được đưa vào nhiều siêu thị, nhà hàng lớn trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy, từ 20 thành viên ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã phát triển lên 32 thành viên, với tổng số hơn 450 lồng cá. Trong đó, nhiều thành viên hợp tác xã có hơn 30 lồng cá, họ đều là những thanh niên trẻ tuổi đời từ 25 – 35 tuổi. Vui hơn, khi vào năm 2021, các sản phẩm cá leo, cá trắm, cá lăng, cá bọp, cá rô phi, cá chạch, cá chình của hợp tác xã đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào cuối năm 2023 có 832 hợp tác xã. Chiếm một phần quan trọng trong số này có các hợp tác xã do lực lượng đoàn viên, thanh niên làm chủ và hoạt động hiệu quả. Mang lại đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Phong trào đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong đội ngũ thanh niên lâu nay thường được nhìn nhận ở khu vực đô thị, đồng bằng. Tuy vậy, ở Nghệ An, tại những địa bàn miền núi với xuất phát điểm khó khăn, lực lượng thanh niên đã xây dựng thành công nhiều mô hình khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Lực lượng thanh niên đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật với máy móc hiện đại để tạo nên những sản phẩm mới, lan tỏa mạnh trên thị trường.

Tại huyện miền núi Nghĩa Đàn, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dược liệu của người thanh niên Ngô Quang Cảnh (SN 1988), xã Nghĩa Hội đã được cấp ủy, chính quyền và người dân đánh giá cao. Anh Cảnh đã tận dụng lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để triển khai tập hợp các hộ có quỹ đất với mong muốn trồng cây dược liệu thành một tổ chức kinh tế tập thể để cùng hỗ trợ nhau trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ dược liệu.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dược liệu của anh Ngô Quang Cảnh (SN 1988), xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dược liệu của anh Ngô Quang Cảnh (SN 1988), xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn.

Tháng 3/2023, anh đầu tư xây dựng trụ sở, nhà xưởng gắn với dây chuyền chiết xuất, cô đặc dược liệu hiện đại với kinh phí đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn HACCP. Đến nay, mô hình đã phát triển được 20 ha cây dược liệu và sản xuất hơn 30 sản phẩm. Những sản phẩm này đã tham gia chuỗi tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch lớn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, 2 sản phẩm cao An Xoa, cao Xạ Đen đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2023.

Bước sang năm 2024, mô hình đang nỗ lực xây dựng 2 sản phẩm này lên 4 sao và thêm 8 sản phẩm khác đạt chứng nhận 3 sao. Thành quả đó giúp cho 102 đoàn viên, thanh niên và người dân liên kết với mô hình sản xuất ngày càng có thêm nguồn thu nhập ổn định, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Để tạo tính bền vững cho kinh doanh, mô hình đã xây dựng vườn ươm các giống cây dược liệu để phục vụ nguyên liệu cho quá trình sản xuất.
Để tạo tính bền vững cho kinh doanh, mô hình đã xây dựng vườn ươm các giống cây dược liệu để phục vụ nguyên liệu cho quá trình sản xuất.

Tại địa bàn các huyện miền núi của tỉnh, nhiều mô hình khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo liên quan đến sản xuất dược liệu; phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa, bản sắc các đồng bào dân tộc; sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo… đang được nhiều người trẻ tiên phong thực hiện thành công.

Nỗ lực đó góp phần đưa Nghệ An trở thành 1 trong 3 tỉnh trong cả nước được VCCI, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo bình chọn là “Địa phương có hệ sinh thái khởi nghiệp tiêu biểu năm 2022”. Năm 2023, Nghệ An được xếp trong tốp 5 địa phương có phong trào khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tốt nhất cả nước.

Hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dược liệu của Ngô Quang Cảnh đã có hơn 30 sản phẩm với nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP.
Hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dược liệu của Ngô Quang Cảnh đã có hơn 30 sản phẩm với nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP.

Để tạo điểm tựa vững vàng cho đoàn viên, thanh niên trong quá trình khởi nghiệp. Các cấp bộ Đoàn – Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh đưa nội dung định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ, tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp vào kế hoạch, chương trình công tác hàng năm.

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò quan trọng đồng hành cùng thanh niên trong học tập, khởi nghiệp, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Nghệ An rà soát, lựa chọn các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu có nhu cầu vay vốn của đoàn viên, thanh niên. Thông qua đó, đã khảo sát lựa chọn 65 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu tại các huyện, thành, thị để làm thủ tục giải ngân từ nguồn vốn giải quyết việc làm, với tổng số tiền 7,31 tỷ đồng.

Sau nhiều nỗ lực, tuổi trẻ Nghệ An đã được ghi nhận và đạt được nhiều giải thưởng cao về khởi nghiệp các cấp.
Sau nhiều nỗ lực, tuổi trẻ Nghệ An đã được ghi nhận và đạt được nhiều giải thưởng cao về khởi nghiệp các cấp.

Cuối năm 2023, toàn tỉnh có 21 tổ chức Đoàn cấp huyện, 387 tổ chức Đoàn cấp xã nhận vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ đây, thành lập 1.103 Tổ tiết kiệm – vay vốn, quản lý 42.860 thành viên còn dư nợ 2.125 tỷ đồng.

Thích ứng với điều kiện thực tiễn, các cấp bộ Đoàn đã tham mưu, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để thành lập mới các Tổ tiết kiệm – vay vốn tại các xã chưa có để Đoàn Thanh niên trực tiếp quản lý và giúp các hộ thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh nhất. Qua đó, tạo cho thanh niên có được nguồn lực để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững với nhiều ngành nghề đa dạng đã được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.

Tổ chức Đoàn đã có những hỗ trợ vững vàng về nguồn vốn, về chuyển giao khoa học kỹ thuật và quảng bá sản phẩm cho thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.
Tổ chức Đoàn đã có những hỗ trợ vững vàng về nguồn vốn, về chuyển giao khoa học kỹ thuật và quảng bá sản phẩm cho thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Đối với các nguồn vốn từ tổ chức Đoàn, hiện nguồn vốn vay giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn đã giải ngân với tổng số vốn 3,86 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp tỉnh Nghệ An với số vốn 1,8 tỷ đồng. Trong năm 2023, từ các nguồn vốn này đã giải ngân cho 18 mô hình thanh niên phát triển kinh tế với số tiền 1,35 tỷ đồng. Những sự hỗ trợ ý nghĩa đó là chìa khóa giúp nhiều thanh niên Nghệ An có điều kiện để tháo gỡ áp lực tài chính trong khoảng thời gian đầu lập thân, lập nghiệp đầy khó khăn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nghệ An Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết, tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 20 CLB Thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, 176 CLB, 17 mô hình HTX thanh niên, với 57 tổ hợp tác và gần 1.800 mô hình thanh niên phát triển kinh tế.

Hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của thanh niên là lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp, tổ chức Đoàn xác định việc đồng hành với thanh niên trong tìm kiếm việc làm, lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp sẽ luôn là sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt. Đối với thanh niên, khởi nghiệp không chỉ tạo được công việc cho bản thân mình, mà còn góp phần tạo nhiều việc làm cho xã hội, tham gia phát triển kinh tế đất nước nói chung, Nghệ An nói riêng. Mỗi thanh niên có việc làm, mỗi lao động trẻ có chuyên môn sâu, mỗi doanh nhân trẻ thành đạt cũng chính là đang tham gia bảo vệ đất nước một cách tốt nhất thông qua phát triển kinh tế đất nước, nâng cao sức mạnh, vị thế của quốc gia, dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Tỉnh đoàn, Đoàn Khối Các Cơ quan tỉnh hỗ trợ vườn ươm gần 10 nghìn cây giống cho thanh niên vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số huyện Con Cuông để xây dựng mô hình kinh tế thoát nghèo.
Tỉnh đoàn, Đoàn Khối Các Cơ quan tỉnh hỗ trợ vườn ươm gần 10 nghìn cây giống cho thanh niên vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số huyện Con Cuông để xây dựng mô hình kinh tế thoát nghèo.