Nhắc đến Yên Thành, điều đầu tiên nghĩ đến là một huyện nông nghiệp, với mục tiêu “tam nông”: nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được đặt lên hàng đầu; trong đó nông thôn mới là mục tiêu cụ thể cần đạt được. Là mục tiêu đặt ra vậy, song với xuất phát điểm của một huyện đồng bằng bán sơn địa lại có đến 38 xã, khó khăn đặt ra trước mắt không phải là ít. Đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ và nhân dân huyện lúa có thời điểm đứng trước nhiều lo âu khi tiêu chí để hoàn thành huyện nông thôn mới thay đổi theo hướng cao hơn. Theo đó, 100% số xã phải về đích, tăng vượt bậc so với tiêu chí cũ trong thời gian xây dựng chỉ tiêu của nhiệm kỳ này là chỉ cần 75% số xã. Thời điểm bấy giờ, tính đến tháng 7/2015 trở về trước mới có 7 xã đạt chuẩn, như vậy, còn đến hơn 30 xã cần về đích trong thời gian 5 năm.
Áp lực không nhỏ, song với khát khao thay đổi bộ mặt quê hương, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, Đảng bộ, đặc biệt là cấp uỷ huyện vẫn quyết tâm một lòng, bằng nhiều giải pháp sáng tạo để về đích nông thôn mới, mà phải về đích thực chất, vì nếu hình thức sẽ không bền vững. Quá trình bứt tốc 5 năm qua, huyện may mắn có được nền tảng vững chắc từ định hướng, cách làm hết sức bài bản đã tạo dựng từ thời gian trước đó. Đó là song song thực hiện 19 tiêu chí thì huyện đã tập trung chọn thực hiện những mũi đột phá, căn bản để làm đà cho cả chặng đường tiến lên nông thôn mới.
Từ năm 2011, Yên Thành tập trung xây dựng quy hoạch; năm 2012 chỉ đạo toàn diện về chuyển đổi ruộng đất thành các ô thửa lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cải thiện hệ thống tưới, tiêu trên các cánh đồng; đồng thời tạo điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất xấu và để có quỹ đất công ích nhất định xây dựng các công trình phúc lợi.
Không thể không kể đến năm 2013, huyện tổng chỉ đạo, phát động phong trào mở rộng đường giao thông nông thôn đến tận từng ngõ xóm với khẩu hiệu: “Mở rộng đường hôm nay là món quà cho tương lai”. Chính tầm nhìn xa đã tạo tiền đề hết sức thuận lợi cho huyện thực hiện nội dung này. Đồng chí Phan Văn Tuyên – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ năm 2006, huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển giao thông đến từng ngõ xóm, duyệt cho từng xã. Đến năm 2010 cơ bản đã hoàn thành cắm mốc lộ theo quy hoạch trên.
Quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Thành cũng đồng thời chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, chỉ đạo các đoàn thể vào cuộc như Hội Liên hiệp phụ nữ với vấn đề đảm bảo môi trường… Tích đủ chất, Yên Thành quyết tâm tạo nên bước nhảy về lượng. Một kinh nghiệm chỉ ra là huyện luôn coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất và yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách thực chất.
Cứ mỗi xã, Thường trực Huyện uỷ đều tổ chức về làm việc chuyên đề xây dựng nông thôn mới ít nhất 3 lần, chưa kể những xã khó khăn hơn thì số lần về làm việc còn nhiều hơn. Tại mỗi cuộc làm việc như vậy, những khó khăn, vướng mắc đều được đặt lên bàn thảo luận một cách thực chất, thẳng thắn để tháo gỡ; từ đó định hình cho xã và tạo sự đồng thuận cho cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc.
Tính ra, trong 4 năm (2016 – 2019), có đến hơn 100 cuộc làm việc của Thường trực Huyện ủy với các xã. Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu các ngành của huyện phải bám sát các tiêu chí của ngành mình để cùng các xã thực hiện. Hàng tháng, tại các phiên họp UBND thường kỳ đều có nội dung nghe báo cáo về nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới không được để nợ đọng, không làm cho nhân dân nghèo đi vì phải đóng góp quá sức – đó là tâm niệm trong mỗi bước đi của huyện Yên Thành. Song, trong điều kiện một huyện thuần nông, làm thế nào để vừa có thể huy động nguồn lực một cách hiệu quả, vừa thực hiện được phương châm trên? Câu hỏi đó luôn canh cánh trong lòng những cán bộ có trách nhiệm chèo lái con thuyền nông thôn mới “huyện lúa”; và họ đã giải đáp bằng những chuyển biến cả trong tư duy và nhận thức, nghĩ khác, làm khác, không đi theo lối mòn. Trước hết, huyện tranh thủ huy động và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, không chỉ bằng ngân sách mà còn bằng cả chính sách để thực hiện các công trình trọng điểm, có nguồn đầu tư lớn.
Đối với ngân sách huyện, Yên Thành cũng có cách quản lý, sử dụng hợp lý. Đồng chí Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện nhiều lần nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại với chúng tôi rằng, về mặt chủ trương, ngân sách huyện chủ yếu dồn toàn lực cho nông thôn mới, còn không sử dụng xây dựng cơ bản khác. Đặc biệt, trong cung cách quản lý đầu tư, điểm được đánh giá sáng tạo của huyện Yên Thành là cho xã làm chủ đầu tư, như vậy, cấp xã sẽ lựa chọn được các công trình phù hợp và có khả năng cân đối các nguồn vốn khác đối ứng để làm.
Ngoài hỗ trợ của tỉnh cho các xã xây dựng nông thôn mới, huyện cũng chi hỗ trợ theo tính chất tạo động lực như hỗ trợ tiền xi măng cho xã miền núi là 3 km, xã đồng bằng 2 km; hỗ trợ lò đốt rác ở những nơi cần… Bình quân, ngân sách huyện hỗ trợ mỗi xã lên đến khoảng 3 tỷ đồng. Các chương trình nông thôn mới được đầu tư về cũng không thực hiện dàn trải mà lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm.
Bài bản vậy nên không quá bất ngờ khi đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của huyện Yên Thành được xây dựng, nâng cấp khá hoàn thiện từ giao thông, thuỷ lợi, điện lưới quốc gia đến hệ thống thiết chế về giáo dục, văn hoá, công sở…
Những ngày gần đến Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành khoá XXVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, chúng tôi có dịp đến với những miền quê “huyện lúa”, ngỡ ngàng trước những đổi thay của một vùng văn hiến xứ Nghệ. Men theo những cánh đồng lúa đang trĩu vàng như rót mật, chúng tôi đến thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Thành ở xóm 13, xã Tân Thành. Hiện nay, gia đình đang nuôi gần 1.900 lợn nái và có 10 hộ nuôi vệ tinh với quy mô khoảng 20.000 lợn thịt. Vừa qua, ông Nguyễn Văn Thành vinh dự được đón Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về thăm, lắng nghe ý kiến trong trong chiến lược tái đàn sau dịch để sớm bình ổn giá thịt lợn.
Hay ở miền quê chiêm trũng xã Long Thành, ông Nguyễn Văn Sơn – một giáo dân thuộc giáo họ Vạn Ngói, xứ Rú Đất, có hơn 20 năm làm xóm trưởng xóm Phan Thanh, giọng hồ hởi khi được hỏi về quá trình xây dựng nông thôn mới. Ông nói đầy tự hào: “Dân Long Thành có nhiều đổi thay hơn trước lắm!”. Cứ nhìn như xóm Phan Thanh được xem là “lá cờ đầu làm kinh tế” của xã, vì ngoài làm nông, đây được xem là “thủ phủ” chế biến lươn của Nghệ An với 24 cơ sở, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Qua bàn tay người dân, sản phẩm lươn được xuất đi khắp cả nước, thậm chí “đi máy bay” vào tận TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng cho những quán cháo lươn xứ Nghệ. Vì vậy, cả xóm có 205 hộ với khoảng 600 nhân khẩu nhưng chỉ còn 2 hộ nghèo.
Nếu nói Yên Thành đã vượt khó để về đích nông thôn mới, thì Long Thành là một điển hình vượt khó của cả huyện. Từ một miền quê chiêm trũng, xã đã về đích nông thôn mới trong tốp đầu của huyện vào năm 2015. Cả nhiệm kỳ 2015 – 2020, cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương lại chung tay hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí. Đường sá được đầu tư bài bản, trường học khang trang hơn. Xã còn liên kết với Tập đoàn TH để sản xuất lúa chất lượng cao. “Đến nay, thu nhập bình quân của nhân dân là 48 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,19%” – Chủ tịch xã Long Thành Nguyễn Văn Đề nói.
Câu chuyện thành công ở Long Thành, hay toàn huyện Yên Thành có thể khái quát trong quan điểm “lấy người dân làm chủ thể”. Và đặt trong tầm nhìn vẫn là một huyện nông nghiệp vẫn là hướng đi chủ đạo nên những năm qua, Yên Thành đã xây dựng quy hoạch vùng nông nghiệp và quy hoạch vùng huyện được tỉnh phê duyệt. Đây là căn cứ vô cùng quan trọng để huyện tập trung đổi mới toàn diện là sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất; bên cạnh đó, kết hợp với công tác xuất khẩu lao động, phát triển du lịch… nhằm nâng cao đời sống nhân dân.
Không thể không nhắc đến hiệu quả từ công tác tuyên truyền đã giúp nhân dân nhận thức đúng rằng xây dựng nông thôn mới là để phục vụ lợi ích của chính họ, nên thời gian qua, làng trên, xóm dưới nô nức chung tay, góp sức kiến thiết lại quê hương khi mà cuộc sống đã đủ đầy hơn; chưa kể những người con xa quê cũng đóng góp tích cực vào sự nghiệp này. Lúc trao đổi với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Thành luôn nhắc đi nhắc lại rằng, thành quả hôm nay có được đến từ sự ủng hộ rất lớn của nhân dân cả về nhân lực, vật lực. Con số gần 1.730 tỷ đồng từ “túi dân” chung sức để xây dựng nông thôn mới đã nói lên tất cả.
Nhìn lại chặng đường gần 10 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Thành có quyền tự hào về thành quả đạt được. Diện mạo, cuộc sống của “quê lúa” đã thực sự “vượt đất” đi lên. Đó cũng là nền tảng vững chắc để bước vào một chặng đường, như đồng chí Phan Văn Tuyên – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết là “xây dựng nông thôn mới nâng cao”. Giai đoạn này, bên cạnh làm vững chắc thêm các tiêu chí hạ tầng, tiếp tục phát triển kinh tế thì nội dung cốt lõi là hình thành lối sống, ý thức công dân của huyện nông thôn mới, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên trong mỗi người dân, mỗi làng xã; gìn giữ, phát huy bản sắc, giá trị cốt lõi, văn hoá vật thể, phi vật thể của Yên Thành lên tầm cao mới.