P.V: “Được học” là dự án dành cho sinh viên các dân tộc đang học tại các trường đại học và em là người quản lý dự án. Em hãy chia sẻ về dự án mà mình và các bạn đã thực hiện?
Lầu Nguyễn Hương Giang: Cho đến lúc này em vẫn rất bất ngờ vì chúng em là 1 trong 100 câu lạc bộ, đội, nhóm được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đạt thành tích trong công tác tình nguyện. Thời điểm nhận Bằng khen, dự án chúng em chỉ mới hoạt động được hơn 1 năm.
Dự án được thành lập từ tháng 10/2022 với sự sáng lập là một người anh có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tình nguyện. May mắn, khi dự án mới bắt đầu thực hiện, em đã biết đến và xung phong làm tình nguyện viên và chỉ 1 tháng sau em được tin tưởng giao làm nhiệm vụ quản lý. Ngay khi mới tham gia, em nghĩ rằng mình rất phù hợp với dự án này vì dự án dành 100% cho sinh viên là người dân tộc thiểu số, tập trung vào việc cải thiện điều kiện giáo dục. Đó là kêu gọi ủng hộ những chiếc máy tính cũ còn sử dụng tốt để tặng lại cho những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đang học tập tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt của chương trình, đó là những chiếc máy tính cũ trước khi đến với sinh viên sẽ được sửa chữa, thay linh kiện. Những sinh viên được nhận máy tính cũng sẽ được bảo hành đến khi học xong đại học. Nếu bị hư hỏng, có thể mang đến các trung tâm của dự án để được hỗ trợ sửa chữa miễn phí.
Một điểm sáng khác khiến em tự tin khi đến với dự án này, đó là tính minh bạch. Ở dự án này, người tặng máy tính, người “đỡ đầu” sửa chữa và người nhận đều biết thông tin của nhau, có cơ hội để liên lạc với nhau và có thể tương trợ, đồng hành với nhau trong suốt quá trình.
Hoạt động thứ hai của dự án, đó là chúng em còn kêu gọi các khóa học như: Khóa học tiếng Anh, khóa học kỹ năng, khóa học phát triển bản thân… Các khóa học online có thể tối giản chi phí, giúp học sinh được học miễn phí và để các bạn phát huy được những chiếc máy tính xách tay mà các bạn đã nhận được.
Hiện nay dự án ngoài 2 thành phố ban đầu, đã được mở rộng đến thành phố Thái Nguyên và thành phố Vinh. Sau hơn 1 năm triển khai, đến cuối năm 2023 chúng em đã trao tặng được 218 máy tính cho 218 sinh viên. Riêng tháng 1 đầu năm 2024 chúng em đã trao được thêm 32 chiếc.
P.V: Dự án được khởi động từ tháng 10/2022, khi đó em đang là một tân sinh viên. Khi tiếp nhận dự án này em có lường trước những khó khăn?
Lầu Nguyễn Hương Giang: Em nhận vai trò quản lý một cách rất tự nhiên. Từ khi bắt đầu khởi động cho đến hôm nay, khó khăn là điều không tránh khỏi. Nhưng chúng em không dành thời gian để nghĩ đến sự lo lắng, mà ngay khi bắt tay vào chỉ xác định là hành động và làm. Đến khi gặp vấn đề khó khăn thì sẽ tìm mọi cách để xử lý. Trong tình huống bất khả kháng, chúng em sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các anh, chị sáng lập. Trong đó, có anh Hoàng Hoa Trung – Nhóm trưởng, đã được giải thưởng tình nguyện quốc gia và anh sẵn sàng đồng hành với các bạn trẻ trong các dự án xã hội.
Quá trình thực hiện dự án, chúng em tập trung vào công tác truyền thông và từ đó đã kết nối với cộng đồng ở trong và ngoài nước để trao tặng máy tính cho sinh viên nghèo.
Trong hơn 300 chiếc máy tính được trao thì mỗi chiếc máy tính là một câu chuyện riêng. Em nhớ cả người tặng, người được nhận máy và cả người đỡ đầu chi phí. Một câu chuyện rất xúc động đó là một bạn nữ, người dân tộc Thái ở Sơn La. Bạn ấy hơn tuổi em và tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, bạn đạt được số điểm rất cao với 10 điểm Lịch sử và 9,75 điểm môn Địa lý. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, bạn đã không tiếp tục theo đuổi hành trình vào đại học và phải dừng 1 năm để đi làm công nhân. Trong quá trình đó, bạn ấy nhận ra, nếu đi làm công nhân sẽ không thể phát triển, sẽ không thể có tri thức. Trong lá thư gửi đến cho dự án, bạn ấy đã bày tỏ quyết tâm sẽ thi lại đại học và giờ thì bạn đã là sinh viên của Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.
P.V: Đồng hành với dự án, em đã nhận được điều gì sau mỗi lần trao tặng máy tính đến cho nhiều sinh viên khác?
Lầu Nguyễn Hương Giang: Thật ra thời gian làm việc của em chưa phải là dài nhưng 2 năm gắn bó với dự án, là người trực tiếp quản lý dự án em và đội nhóm với 100% thành viên là người dân tộc thiểu số đều thấy đây là những trải nghiệm đáng nhớ, những nỗ lực cố gắng đều được nhận lại xứng đáng. Rất nhiều tình nguyện viên hiện nay là những bạn đã từng nhận được máy tính và sau đó tiếp tục đồng hành với chúng em.
Quá trình tiếp nhận và đón nhận những câu chuyện trực tiếp của các bạn, em cảm thấy hành trình của mình rất may mắn bởi nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Có thể, việc làm của chúng em giúp được các bạn dù là ít thôi nhưng đó là hành động nhỏ để giúp đỡ cộng đồng các bạn sinh viên là người dân tộc thiểu số, giúp các bạn có thêm công cụ để học tập, để phát triển bản thân, được thử thách, được trải nghiệm. Như ngày trước, em học ở trường dân tộc nội trú tỉnh, chúng em có nhiều cơ hội được tham gia các cuộc thi và điều đó đã khơi dậy cho chúng em những tiềm năng mà chính bản thân mình cũng chưa từng biết.
P.V: Trên trang cá nhân của em, em đã từng chia sẻ một câu chuyện về việc cần phải thoát ra khỏi vỏ ốc của chính mình. Dường như, đó cũng là hành trình mà Lầu Nguyễn Hương Giang đã trải qua đúng không?
Lầu Nguyễn Hương Giang: Em nghĩ rằng, hành trình để thoát ra khỏi vỏ ốc, ra khỏi giới hạn của mình cần phải hành động thực sự. Khi mình hành động một cách chăm chỉ và tỉnh táo trong quyết định của mình thì tự nhiên đến một thời điểm nào đó, mình sẽ nhận ra mình đã đi qua giới hạn của mình.
Có lẽ hiện nay, có nhiều bạn trẻ thường tập trung vào đọc quá nhiều, vào việc truyền cảm hứng quá nhiều mà lãng quên mất thời gian để hành động, để tạo ra một giá trị cụ thể. Hành động không có nghĩa là đâm đầu vào làm mà cần phải tiết kiệm thời gian, cần phải dành dụm thời gian để nhận thức vấn đề đúng hay sai. Hơn thế, phải luôn luôn suy nghĩ, sáng tạo phải đặt câu hỏi về sự tối ưu và mang đến giá trị.
Thực ra, trước đây khi đang học lớp 12, em là một học sinh khá bình thường và chưa nổi bật. Đến khi có kết quả ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT và được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, em từng nghĩ rằng, đó là thành tích tốt nhất của mình. Tuy nhiên, đi qua sự vui vẻ, sự thăng hoa về mặt cảm xúc, khi em đến Hà Nội học đại học, em thấy môi trường thực sự khác biệt. Ở đây có rất nhiều bạn giỏi và có sự cạnh tranh rất lớn và lúc này em đã nghĩ về bản thân rất nhiều. Có khi em hoang mang và không biết mình có đủ năng lực hay không, mình có làm được hay không? Trong quá trình so sánh mình và các bạn khác, nếu không tìm được đường ra có khi em sẽ rơi vào trầm cảm.
Sau này, em đã đọc được nhiều điều tích cực, biết đến các hoạt động công tác xã hội và biết đến dự án. Từ đó em nghĩ, mình có thể bắt đầu từ những điều nhỏ bé để tạo ra giá trị cho mình và sau này có thể hỗ trợ những bạn học khác.
Em rất trân trọng điều này và càng trải nghiệm, em càng thấy được giới hạn của mình. Như hiện tại, ngoài dự án “Được học” em còn quản lý dự án gây quỹ “Sách này là để xây trường”. Trong năm vừa qua, chúng em gây quỹ được 106 triệu đồng và số tiền này được các nhà hảo tâm chuyển thẳng đến Trung tâm Tình nguyện quốc gia.
Các giới hạn càng ngày càng khó khăn và càng phải tập trung thì mới có thể vượt qua được và đến nay em vẫn đang trên hành trình của mình.
P.V: Từ những ngày học THPT em đã đạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, là học sinh người dân tộc thiểu số đạt điểm cao được tuyên dương. Nhưng học sinh là người dân tộc thiểu số, nhất là học sinh người Mông lại không nhiều. Em có suy nghĩ về điều này và phải làm sao để có thể bứt phá?
Lầu Nguyễn Hương Giang: Em nghĩ để có thể vượt qua được những trở ngại thì điều đầu tiên cần phải có nội lực. Ngoài ra, cần các yếu tố khách quan khác như gia đình, thầy cô, mái trường. Sẽ không thể có tương lai, nếu không có khát vọng, khát khao muốn đi lên, muốn tiến bước, muốn được học tập.
Một yếu tố khác là phong tục tập quán. Thực tế hiện nay, ở những huyện miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, việc học chưa được đề cao. Nhiều gia đình vẫn còn quan tâm đến đồng tiền trước mắt, thay vì nghĩ đến việc đầu tư cho giáo dục.
Sự khác biệt là rõ ràng. Nhưng nói em vì vậy mà rụt rè, tự ti thì không. Bởi lẽ, sự tự hào về dân tộc của mình đã được em nhận thức từ rất nhỏ. Trong gia đình em cũng giáo dục rất rõ về điều này và em vẫn thường kể cho các bạn của em về phong tục tập quán, về quê hương mà mình sinh sống. Các bạn cũng rất hào hứng và em nghĩ rằng, mình đã mang một bản sắc rất riêng về với lớp của mình.
Đến nay, em đã có hành trình 9 năm học xa gia đình. Nhớ lại quãng đường đã qua, em nghĩ rằng, mình có một chút khoảng lặng vì không được sống với gia đình nhiều. Nhưng đổi lại, em được ra ngoài, được đọc nhiều hơn, được học nhiều hơn, được tiếp xúc với nhiều người và có cả những khó khăn, em nghĩ mình đã trưởng thành. Và đó cũng là điều mà bố mẹ và chính bản thân em mong muốn. Em vẫn nghĩ rằng, có lẽ nếu không đi thì làm sao biết ngoài kia một mai là sương hay tỏa nắng và em trân trọng điều đó.
P.V: Cảm ơn em đã tham gia trò chuyện!