Đi theo tiếng gọi của tình yêu, về sống chung, có với nhau mấy mặt con, hình thành nên những mái nhà 2 quốc tịch, nhưng nhiều cặp vợ chồng Lào – Việt đang sinh sống tại các xã vùng biên huyện Kỳ Sơn vẫn chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Và đằng sau những mối tình “xuyên quốc gia” là vô vàn khó khăn khi chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Bởi vậy, việc được nhập quốc tịch, đăng ký kết hôn như một “giấc mơ có thật” mang lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho các cặp vợ chồng Lào – Việt…
Nghe tin đoàn công tác của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cùng với Sở Tư pháp Nghệ An, BĐBP Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An về tận xã Keng Đu (Kỳ Sơn) hướng dẫn làm các thủ tục nhập quốc tịch cho những người Lào kết hôn không giá thú, chị Lương Mẹ Khăm (SN 1978), người gốc bản Co Đù, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) hết sức vui mừng, phấn khởi. Từ sáng sớm, chị cùng với nhiều chị em khác đã có mặt tại trụ sở UBND xã để chờ đoàn về. Người phụ nữ gốc Lào có vẻ ngoài thật thà, chất phác chia sẻ về câu chuyện theo chồng về Việt Nam, làm dâu ở bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) đã gần 20 năm, sinh 6 người con (5 gái, 1 trai) nhưng chị vẫn chưa được nhập quốc tịch và hai vợ chồng cũng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Chồng chị, anh Lương Văn Thon đang đi làm ăn xa, một mình chị Khăm ở nhà vừa chăm sóc đàn con, vừa làm rẫy và làm thêm nghề dệt váy thổ cẩm để mưu sinh. “Mặc dù vẫn được chính quyền địa phương quan tâm (hỗ trợ gạo, tạo điều kiện cho con cái học hành) nhưng vì chưa nhập quốc tịch nên mình không được hưởng các chế độ, chính sách khác, cũng không có thẻ bảo hiểm để khám, chữa bệnh, lắm lúc thấy tủi thân, nhưng giờ sắp trở thành công dân Việt Nam rồi, mình vui lắm…”, chị Khăm chia sẻ.
Tương tự, chị Lương Thị Xôm (SN 1989), trú ở bản Kèo Cơn cũng có một đêm thao thức không ngủ, sáng sớm chị đã địu cô con gái út mới 1 tuổi rưỡi trên lưng, vượt qua một con dốc dài để đến địa điểm làm thủ tục nhập quốc tịch. Vốn là một cô gái Lào xinh đẹp, có nụ cười tươi như hoa chăm pa, năm 2008 theo tiếng gọi của trái tim, chị rời quê hương là bản Huồi Khoong, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) để theo chồng là anh Lương Văn San về làm dâu ở bản Kèo Cơn, xã Keng Đu, làm vợ rồi làm mẹ của 3 đứa con thơ. Không biết đọc, biết viết, cũng không biết nói tiếng địa phương, lại không phải người bản địa nên đôi khi chị cảm thấy lạc lõng, ngại giao tiếp, nay sắp được nhập quốc tịch, chị Xôm thấy phấn khởi, tự tin hẳn.
Không chỉ các cô dâu Lào hạnh phúc khi được nhập quốc tịch Việt Nam mà cả chồng, con họ cũng vui chung niềm vui ấy. Từ 6 giờ sáng em Xồng Bá Công (15 tuổi) trú ở bản Phà Noọi, xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) đã chở mẹ là chị Hờ Y Xừ, người dân tộc Mông sang xã Keng Đu để làm thủ tục nhập quốc tịch vì bố đi vắng. Vừa kiên nhẫn ngồi đợi mẹ, Bá Công vừa vui vẻ kể: “Mẹ em là người bản Huồi Khạng, xã Noọng Hét (Lào) theo bố em về bản Phà Nọi từ năm 1995, sinh 5 người con. Mẹ bảo Việt Nam chính là quê hương thứ hai của mẹ nên khi nghe tin có tên trong danh sách được nhập quốc tịch, sắp trở thành công dân Việt, mẹ vui lắm, cả gia đình và bà con thôn bản ai cũng mừng cho mẹ”.
Trên thực tế nhiều địa bàn thuộc huyện vùng cao Kỳ Sơn như Đoọc Mạy, Mỹ Lý, Huồi Tụ, Mường Lống, Tà Cạ, Nậm Cắn, Bắc Lý, Keng Đu… hiện có nhiều phụ nữ Lào sống chung với người dân tộc thiểu số theo hình thức “về ở với nhau khi vừa con mắt, ưng cái bụng” mà chưa đăng ký kết hôn, không có giấy tờ tùy thân, và phần lớn đều gặp khó khăn do không có hộ khẩu, thiếu đất sản xuất… Vì vậy, việc được nhập quốc tịch Việt Nam để ổn định cuộc sống lâu dài như là “giấc mơ có thật” đối với những cô dâu Lào lấy chồng Việt.
Tỉnh Nghệ An có đường biên giới dài 468,281 km, tiếp giáp 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay (Lào) chiếm gần 1/4 tổng chiều dài biên giới Việt Nam – Lào. Chỉ cách nhau bởi 1 đường phân chia địa giới hành chính quốc gia, lại có sự tương đồng, gần gũi về phong tục, tập quán, nhiều chàng trai, cô gái các bản làng giáp biên giới Việt Nam – Lào đã nên duyên vợ chồng nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề chính sách, quản lý hộ tịch, hộ khẩu, khai sinh… Bởi thế, nghe tin các đoàn công tác của các ngành chức năng trực tiếp vào tận các cụm xã hướng dẫn làm thủ tục nhập quốc tịch, đăng ký kết hôn, nhiều cặp vợ chồng Lào – Việt đang cư trú tại 10 xã, thị thuộc huyện Kỳ Sơn vui như nhà có Tết, hồ hởi dắt tay nhau đi làm thủ tục.
Anh Xeo Văn Xuân và vợ là chị Xeo Mẹ Dung (SN 1986) trú ở bản Huồi Lê, xã Keng Đu là một trong những trường hợp đến sớm nhất. Nói về mối lương duyên vượt biên giới của mình, người đàn ông gốc Khơ mú hào hứng kể: Năm 2004, trong một lần vượt rừng sang Lào chơi, anh đã gặp và cảm mến cô gái Lào Xeo Mẹ Dung ở bản Cò Sạn (xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng). Anh có ý, chị có tình, cả hai bén duyên và chị theo chồng về Việt Nam làm dâu, có với nhau 5 đứa con nhưng mới chỉ có 2 đứa có giấy khai sinh. Anh Xuân hóm hỉnh chia sẻ: “Trước đây yêu nhau, hai bên gia đình cho làm lễ cưới rồi thành vợ chồng thôi chứ chưa đăng ký kết hôn, may mà chưa ai “bắt mất” vợ mình, giờ cả hai cùng điểm chỉ vào giấy đăng ký kết hôn rồi, là vợ chồng hợp pháp rồi, cùng lo làm ăn thôi…”.
Cũng vui vẻ đưa vợ là bà Lô Thị Chắn (SN 1963), người huyện Mường Quắn (Lào) đi làm thủ tục nhập quốc tịch và đăng ký kết hôn trong cái nắng gay gắt của ngày Hè tháng 6, ông Lô Văn Thọ, dân tộc Thái (SN 1955) trú ở xã Mỹ Lý phấn khởi cho biết, sau khi vợ cả mất, ông sang Lào làm ăn rồi quen bà Chắn và đưa về Việt Nam sống chung từ năm 2005, “đến nay tình cảm vẫn đượm nồng như bếp lửa giữa nhà sàn, không bao giờ tắt nhưng chưa đăng ký kết hôn, nay được công nhận vợ chồng hợp pháp, hạnh phúc của chúng tôi sẽ càng thêm trọn vẹn hơn…”, ông Thọ nói.
Không chỉ có trai Việt vượt sông, vượt núi sang “bắt” vợ Lào mà trai, gái Lào cũng theo con trăng sang các bản biên giới của Nghệ An tìm vợ, tìm chồng. Như trường hợp anh Lô May Khăm (SN 1987) quê huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn) có bố là người Lào, mẹ là người Việt, một lần về quê ngoại chơi đã bén duyên cùng chị Lô Thị Đích (SN 1988) trú tại bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý và ở lại làm rể xứ Nghệ từ năm 2008. Rồi em gái của anh Khăm là chị Lô Thị Ly sang thăm anh trai cũng đã gặp gỡ và nên duyên chồng vợ với anh Kha Văn U, cùng trú bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý… Cả hai đều chân thành bày tỏ rằng: Việc được Chính phủ Việt Nam và các cấp, ngành tạo điều kiện làm thủ tục đăng ký kết hôn như một sự hợp thức hóa đã mang lại niềm hạnh phúc trọn vẹn và giúp các cặp vợ chồng Lào – Việt ổn định cuộc sống.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, có 202 người Lào kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Nghệ An giáp với các tỉnh (Hủa Phăn, Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng) của Lào được phép ở lại nơi cư trú. Riêng huyện Kỳ Sơn có 107 trường hợp, trong đó có 83 trường hợp thuộc diện được đơn giản hóa thủ tục nhập quốc tịch theo thỏa thuận của Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới.
Để có kết quả này là một hành trình gian nan “đi từng bản, gõ từng nhà” của ngành chức năng (chủ lực là BĐBP, ngành Công an, chính quyền các cấp) trong công tác điều tra, phân loại, rà soát danh sách người kết hôn không giá thú ở các địa bàn giáp biên. Bởi mới đầu, nhiều người chưa hiểu được ý nghĩa của thỏa thuận, sợ bị đẩy đuổi về nước nên khi tổ chuyên viên liên hợp đến thường trốn tránh không gặp, cố tình đi rẫy không ở nhà hoặc khai báo thông tin không chính xác. “Các thành viên trong tổ phải kiên trì phối hợp với đội ngũ già làng, người có uy tín tuyên truyền, vận động giải thích để người dân nắm bắt chủ trương và tự giác hợp tác, khai báo các thông tin phục vụ công tác rà soát”- Thiếu tá Trần Quốc Chung- Ban đối ngoại (BĐBP tỉnh) cho hay.
Nhờ công tác tuyên truyền đi trước một bước và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, trong 2 ngày đoàn công tác của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp Nghệ An lên làm việc, phần lớn người Lào kết hôn không giá thú (chủ yếu là phụ nữ) đang sinh sống ở các xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã nắm bắt được chủ trương, tập trung đông đủ tại các địa điểm đã được thông báo để làm các thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam. Các thủ tục diễn ra đơn giản, nhanh gọn, người dân chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu, khai thông tin cá nhân để cán bộ tư pháp ghi theo mẫu và chụp ảnh để hoàn thiện hồ sơ. Mọi khó khăn, vướng mắc được các đoàn công tác giải thích, chỉ đạo tháo gỡ.
Như trường hợp của anh Già Bá Dềnh, SN 1992 ở bản Nhọt Lợt (Mỹ Lý) có vợ là chị Thò Y No, cùng tuổi, người huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Do chị Y No đang mang bầu chuẩn bị sinh mà đường từ bản vùng biên Nhọt Lợt đến trụ sở UBND xã Mỹ Lý khá xa, đi lại khó khăn nên chị không thể đến làm thủ tục nhập quốc tịch. Sợ vợ thiệt thòi về quyền lợi công dân, anh Già Bá Dềnh đã dậy từ 5h sáng đi bộ vượt rừng đến để làm thủ tục cho vợ. Khi được cán bộ tư pháp tỉnh giải thích “không thể làm hộ” và hứa “sẽ để lại mẫu tờ khai để cán bộ tư pháp xã làm thủ tục nhập quốc tịch cho chị Y No”, anh Dềnh yên tâm, phấn khởi ra về và vẫn không quên dặn với theo “cán bộ nhớ làm thủ tục cho vợ ta nhé”.
Việc những chàng rể, cô dâu Lào được trở thành công dân Việt không chỉ làm đầy thêm hạnh phúc của những mái nhà 2 quốc tịch, mà còn là sợi dây thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó lâu đời của 2 nước, 2 dân tộc. Theo ông Nguyễn Công Hoan – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An thì sau khi hoàn tất thủ tục nhập quốc tịch cho người Lào được phép ở lại cư trú trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, đoàn công tác lưu động của Sở Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện cho các đối tượng còn lại trong danh sách được phê duyệt tại các huyện Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2019. Sau đó Sở Tư pháp sẽ hoàn tất hồ sơ gửi ra Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét ký quyết định nhập quốc tịch cho công dân…
Theo chân đoàn công tác lên các xã biên giới để hỗ trợ người dân làm thủ tục nhập quốc tịch, đăng ký kết hôn, nhìn những khuôn mặt rạng ngời, lấp lánh niềm vui của các cặp vợ chồng Lào – Việt dẫu cuộc sống còn khó khăn, vất vả trăm bề, chúng tôi chợt hiểu, với họ, tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước dường như đã hòa làm một. Minh chứng là nụ cười rạng rỡ, ngập tràn hạnh phúc của ông Học Phò Tho (gần 60 tuổi) ở bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu khi âu yếm dắt tay người vợ Lào đã sinh cho mình 5 người con ra về, vừa đi vừa hát vui vẻ: “Em ở bên Tây, anh ở bên Đông/ Hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng/ Đất nước Chăm Pa/ đất nước Tiên Rồng/ Chung bước đi lên xây đắp mối tình… Tình Việt – Lào anh em, mãi mãi bền lâu…”.