Ở tuổi ngoài 30, chị đang trải qua những ngày hạnh phúc bởi được sẻ chia và tin rằng, những cố gắng của mình đã đem đến niềm vui và sự tích cực cho mọi người. Nhân ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với nhân vật đặc biệt này!
P.V: Chào chị, 13 tuổi, chị đã phải trải qua một cú sốc rất lớn và dường như khiến cho cuộc đời chị phải rẽ sang một con đường hoàn toàn khác. Đã hơn 20 năm trôi qua, bây giờ nhắc lại điều ấy, hẳn chị vẫn chưa thể quên được?
Chị Trần Thúy Nga: Đó là năm 1998, khi đó tôi đang học lớp 7 ở trường làng. Trước đó, tôi có thể không phải là học sinh giỏi nhất lớp, nhưng là một học trò chăm chỉ. Hàng ngày đi học về là tôi ngồi vào bàn ngay, làm hết tất cả các bài tập vì sợ quên hết bài giảng của cô trên lớp. Thời gian còn lại tôi ra đồng và tôi rất nhớ những ngày ấy, chúng tôi chạy nhảy khắp cánh đồng, hết củi khô lại chặt củi tươi, mót khoai, mót lạc, hái rau cho lợn… Những buổi chiều đối với tôi như những bản nhạc hòa ca, vừa làm việc, vừa được vui chơi với bạn bè.
Nhưng rồi, căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp bất ngờ ập xuống đời tôi. Ngày mới biết bệnh, nhà khó khăn nhưng mẹ và anh tôi vẫn có gắng đưa tôi lên Nghĩa Đàn, rồi xuống TP. Vinh để điều trị. Thế nhưng, bệnh mãi vẫn không thuyên giảm, anh cả lại đưa tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi dài nhất kéo dài hơn nửa năm ở Sài Gòn. Khi mới vào, tôi vẫn còn lạc quan lắm. Hàng tuần vẫn viết thư cho các bạn ở quê, thầy, cô và bạn bè vẫn động viên tôi điều trị nhanh để trở lại trường. Nhưng rồi, bác sĩ bảo bệnh của tôi đã bị “lờn thuốc Tây”, không thể chữa trị dứt điểm mà phải sống chung với sự tàn phá khủng khiếp lên từng khớp xương khắp cơ thể.
Tôi gần như được bệnh viện trả về nhà, bởi tôi càng uống thuốc thì da càng căng ra và bị nứt rạn. Nhưng nếu giảm liều thì không thể đi được bởi tất cả các khớp đều đau, giữa bàn chân thì như hàng ngàn mũi kim đâm vào, không thể đứng được. Tôi đã phải nghỉ học khi tôi biết rằng, tôi không bao giờ tự bước đi được nữa dù trước đó tôi từng nghĩ rằng, tôi sẽ lùi lại 1 năm học.
Đó là sự thất vọng đầu tiên trong cuộc đời tôi. Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy hết sức đau đớn, bởi dường như nhận ra ông trời rất bất công với mình. Lớn lên tôi không biết cha mình là ai? Tôi tự hỏi tại sao tôi đang mạnh khỏe lại trở thành người tật nguyền. Những ngày bệnh mới diễn biến xấu, tôi vẫn cố bấu víu vào tường để đứng dậy. Nhưng trả lời cho tôi chỉ là những cơn đau dữ dội, khủng khiếp và mọi cố gắng của tôi đã trở nên bất lực…
P.V: Trong một bài viết về mình chị đã từng viết “Mắt tôi lúc nào cũng sưng húp vì khóc. Những giọt nước như ở sẵn ở mi mắt cứ tự rơi! Biết bao đêm tôi đau đớn không ngủ được. Tôi cứ muốn mình tan biến như chưa từng xuất hiện trên cõi đời này hoặc ngủ luôn mãi mãi…”. Trong những ngày tháng tăm tối và bất lực đó, điều gì đã làm thay đổi cuộc đời chị?
Chị Trần Thúy Nga: Đó là sách! Những ngày còn ở Sài Gòn vì sợ tôi buồn nên chị tôi và người em họ của tôi vẫn hay mua sách cho tôi đọc để tôi có thể quên đi nỗi đau của mình. Sau này tôi về nhà, chị tôi lại tiếp tục gửi sách cho tôi và tôi đọc nhiều lắm. Nhưng cuốn sách làm thay đổi tôi đầu tiên là bộ sách “Hạt giống tâm hồn”, với nhân vật ấn tượng đầu tiên là chị Bích Lan – tác giả của cuốn sách “Không gục ngã”. Đọc cuốn tự truyện của chị, dường như tôi nhận thấy một phần của cuộc đời mình trong đó, đồng cảm với những điều mà nhân vật đã trải qua. Chị đã bước qua hầm tối bằng con đường tự học và tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, đó chính là niềm vui và hạnh phúc khi chị được làm công việc yêu thích. Chị dịch sách, viết sách. Chị gieo những hạt mầm tích cực và động lực mạnh mẽ đến tôi và tất cả mọi người. Chị đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, tìm thấy sứ mệnh của mình.
Qua báo chí, tôi cũng biết được tới rất nhiều những con người nghị lực. Đó là bạn Phương Thúy ở Phú Thọ, dù bạn bị bệnh viêm đa khớp như tôi nhưng bạn có thể viết thơ, làm văn; anh Công Hùng ở xã Nghi Diên, dù cơ thể nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn có thể trở thành “Hiệp sỹ công nghệ thông tin”… Có người, do phải đi xe lăn nên lại sáng chế xe lăn cho người tàn tật. Đọc họ, tôi rất khâm phục, bởi họ cũng bị bệnh rất nặng nhưng họ không cam lòng mà vẫn vươn lên. Và tôi cũng khát khao được như họ, tôi muốn mình dám sống một cuộc đời ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn vì gia đình và cộng đồng nữa.
P.V: Năm 2021, chị trở thành 1 trong 50 gương mặt xuất sắc nhất cả nước và là đại diện duy nhất của Nghệ An được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam trao giải thưởng “Tỏa sáng nghị lực Việt”. Giải thưởng này có phải cũng “kết duyên” từ sách?
Chị Trần Thúy Nga: Đúng rồi ạ! Trong những ngày khó khăn nhất, tình yêu thương của mẹ, của các anh, chị, của anh em, bạn bè, và cả những cuốn sách đã kéo tôi lên từ tận cùng của tuyệt vọng và đau khổ.
Sau này, đọc nhiều sách, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về tình yêu thương. Đối với tôi, mỗi người, mỗi cuốn sách đều là một người thầy dạy tôi rất nhiều bài học. Có thể, tôi không đi được, không làm được các việc tay, chân nhưng may mắn rằng tôi còn biết suy nghĩ. Cuộc đời tôi không làm ra nhiều tiền, nhưng tôi tin mình có thể tạo ra nhiều giá trị tích cực cho bản thân và lan tỏa đến nhiều người…
Cuộc sống của tôi cũng đã thay đổi từ sách. Những ngày đầu, khi thấy tôi mê đọc sách, chị gái tôi đã gửi cho tôi rất nhiều sách và khuyên tôi mở một cửa hàng cho thuê truyện. Tôi đã làm vậy trong những ngày đầu tiên, dù khi ấy giá thuê 1 quyển truyện chỉ 200 đồng. Dấn thân vào nghiệp sách, dần dần tôi tìm hiểu và mua được thêm nhiều sách hay, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là các sách nuôi dưỡng tâm hồn, sách văn học kinh điển, sách kỹ năng học tập, kỹ năng sống và phát triển bản thân, sức khỏe…
Để khuyến khích mọi người đọc những cuốn sách này, tôi thậm chí không cho thuê, mà còn thuyết phục mọi người nên mượn đọc miễn phí với điều kiện riêng. Ví dụ, tôi thường bảo các em đọc xong cuốn nào mà viết lại được ngắn gọn suy nghĩ, cảm xúc của mình, hoặc “em học được gì từ cuốn sách này?”. Các em cũng có thể ghi lại việc tử tế các em đã làm được mỗi ngày và tôi sẽ thưởng các em mượn đưa về nhà những cuốn sách giải trí tự chọn mà không phải thuê. Cách khuyến khích đọc này hiệu quả với những người thích đọc sách giải trí. Mọi người đọc được đa dạng các loại sách, vậy là tôi không thu tiền thuê sách nữa.
Tôi mở thư viện từ năm 2004. Dần dần những sự thay đổi tích cực của bạn đọc là động lực để tôi quyết định cho mọi người mượn tất cả sách đều miễn phí và gọi là Thư viện miễn phí Thúy Nga. Để có tiền phục vụ cho thư viện, tôi mở cửa hàng nhỏ tại nhà để bán các mặt hàng đặc sản của địa phương. Tôi cũng chuyển dần sang lối sống tối giản và dường như không có nhu cầu gì cho bản thân. Toàn bộ số tiền có được phần lớn tôi trích để mua sách phục vụ bạn đọc. Khi mạng xã hội phát triển, tôi thường xuyên viết bài đăng lên mạng các hoạt động ở Thư viện miễn phí Thúy Nga kèm hình ảnh các bạn đọc đến mượn sách. Các bài viết này giúp lan tỏa Thư viện rất tốt, kích thích nhiều người đọc sách và muốn làm Thư viện cộng đồng như tôi. Nhiều người ở xa, hầu như các xã trong huyện Tân Kỳ và vài huyện lân cận đã biết tìm đến Thư viện mượn sách.
P.V: Chị đã làm thư viện sách miễn phí từ rất lâu và hoạt động hiệu quả. Nhưng vì sao, phải sau Giải thưởng “Tỏa sáng nghị lực Việt” mọi người mới biết đến chị nhiều hơn?
Chị Trần Thúy Nga: Tôi bắt đầu sử dụng facebook từ năm 2011, nhưng nhiều năm qua chủ yếu âm thầm phục vụ bạn đọc của thư viện. Một thời gian dài tôi rất ngại nói về mình. Nếu chỉ nhìn qua facebook, mọi người chỉ thấy gương mặt của tôi, thấy một con người rất tích cực. Không ai biết tôi phải sử dụng xe lăn, không ai biết tôi bị đau. Tôi sợ ánh mắt thương hại của mọi người và tôi muốn được nhìn nhận như một người bình thường.
Bước ngoặt đầu tiên có lẽ từ năm 2019, khi tôi quyết định chia sẻ câu chuyện của mình tại một cuộc thi viết về “Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời tôi”. Đó là lúc tôi dám nói sự thật về cuộc đời mình và mọi người biết đến tôi nhiều hơn, thậm chí tôi được lên báo và truyền hình. Nhưng vui hơn cả là tôi có thêm nhiều bạn đọc sách ở khắp mọi miền Tổ quốc. Sự lan tỏa của truyền thông đã tiếp cho tôi niềm tin vào con đường mình chọn.
P.V: Chị đã từng chia sẻ sứ mệnh của mình đó là “Gieo duyên đọc sách – lan tỏa yêu thương” và đó cũng là mục đích của Thư viện miễn phí Thúy Nga. Sự sẻ chia cũng giúp chị tìm thấy hạnh phúc đúng không? Chị quan niệm hạnh phúc là thế nào?
Chị Trần Thúy Nga: Thư viện đầu tiên ra đời chỉ là một phương tiện giúp tôi vơi đi nỗi đau và khỏa lấp thời gian của mình. Nhưng rồi, càng gắn bó với thư viện, đọc nhiều sách thì tôi lại có thêm nhiều tri thức, trí tuệ rộng mở, sống tích cực hơn và tôi cũng nhận ra được giá trị của bản thân mình.
Vì vậy, thông qua những cuốn sách từ thư viện của mình tôi cũng muốn mọi người sẽ chắt lọc được những điều như tôi đã từng học hỏi được từ sách và sống tốt hơn. Đó là cách tôi có thể chủ động dành tặng mọi người và lan tỏa được tri thức mà mình đã nhận.
Chị hỏi về hạnh phúc? Trước đây khi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng hạnh phúc là làm cho mẹ mình, anh chị mình tự hào về mình. Hạnh phúc là tôi có thể làm mẹ mình vui, người khác vui.
Nhưng khi tôi đã trải qua nhiều cú sốc về bệnh tật và tổn thương tâm hồn tôi lại nghĩ rằng, hạnh phúc là không phải nghĩ cho người khác mà trước tiên là vì chính mình. Mình thanh thản, hạnh phúc với những gì mình làm, mình phải toát lên được giá trị của bản thân mình thì sẽ lan tỏa được đến người xung quanh.
Khi bản thân tôi thuyết phục được người khác đọc một cuốn sách, và họ nhận ra giá trị của tri thức, nhân văn, tôi thấy vui, thấy hạnh phúc. Khi tôi làm những việc nhỏ bé nhưng lại được xã hội ghi nhận, đó chính là những cái ôm ấm áp tiếp sức cho tôi trên hành trình thực hiện sứ mệnh này.
Tôi cũng biết, sẽ có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh của tôi như trước đây. Tôi chỉ muốn nói với họ rằng, rồi ai cũng sẽ nhận ra, tùy từng thời điểm, tất cả chúng ta đều có khó khăn, đau khổ và kể cả tuyệt vọng… Người ta thường bảo “chỉ khi đau khổ ta mới học được bài học cần học”. Khi ta nhận ra đó là những thử thách cần có trong đời, để trui rèn ta thêm mạnh mẽ, để dạy ta những bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn… giúp ta quay vào bên trong, tự hỏi bản thân mình nhiều hơn, mình là ai, mình cần làm gì để lý do mình sống là ý nghĩa và đáng sống nhất. Mỗi chúng ta là viên đá thô, chính ta là người quyết định để viên đá ấy bám rong rêu hay trở thành viên ngọc quý. Như bản thân tôi, tôi có thể bị bệnh tật, tôi không còn được đến trường nhưng trong thời điểm đó tôi lại nhận ra nhiều giá trị và biết trân quý những điều nhỏ bé, để từ những gì còn lại, tôi biết tự học để vươn lên sống có ích.
P.V: Cảm ơn chị với cuộc trò chuyện này!