P.V: Để có được ngày hôm nay anh đã trải qua rất nhiều thử thách cam go; anh có thể chia sẻ về những biến cố của cuộc đời mình?
Chu Vinh Đức: Từ 3 tuổi tôi là cậu bé bụ bẫm, khỏe mạnh, đến một ngày tôi bị một cơn sốt cao, tỉnh dậy thì đôi chân đã mềm oặt, teo nhỏ. Bố mẹ tôi kể lại rằng, gia đình đã đưa tôi đi ngay bệnh viện tuyến trên để mong cứu đôi chân vì biết đó là cơn sốt bại liệt. Thế nhưng không kịp, và tôi lớn lên với đôi chân không lành lặn, với những chặng hành trình từ Bắc chí Nam, khắp viện lớn viện nhỏ.
Tuổi thơ của tôi là những chặng hành trình kéo chân, tập vận động và tập đi. Tôi đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ với những đau đớn về thể xác và những cú quật ngã về tinh thần. Thế nhưng lạ thay tôi chưa bao giờ than thân trách phận, chưa bao giờ nản chí trong chặng hành trình “phải biết đi” của mình.
Tôi lớn lên trong vòng tay thương yêu của bố mẹ, gia đình và bạn bè chòm xóm. Có điều lạ là dù bệnh tật đau yếu là thế nhưng chưa bao giờ tôi thiếu tự tin trước đám đông. Trong xóm tôi chơi thân với lũ trẻ ngang hàng mình, chúng nó với tôi sòng phẳng trong mọi trò, và cả trong học tập. Tôi nể chúng nó và ngược lại chúng nó cũng rất nể tôi.
Đó là câu chuyện tôi không đi học mà tự mua sách vở về học ở nhà. Ban đầu bố mẹ và bạn bè chòm xóm dạy cho tôi kiến thức, nhưng sau này có những bài toán khó, tôi lại giải ra trước chúng nó, tôi lại dạy lại cho bạn mình cách giải.
P.V: Nói đến sự tự học của anh, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết dù không đi học theo trường lớp nào, không theo thầy cô giáo nào, mà anh vẫn học xong chương trình văn hóa lớp 12. Anh có thể kể thêm về chặng hành trình này?
Chu Vinh Đức: Tôi “đi học” như một cuộc dạo chơi, ấy là khi đến tuổi đi học nhìn chúng bạn tung tăng cặp sách, lại còn về đố tôi đọc đoạn văn này, giải bài toán kia, tôi tức lắm. Bố tôi thấy vậy nên mua cho tôi nguyên bộ sách của từng lớp học, cấp học để tôi tự mày mò. Ban đầu bố còn hướng dẫn, bày vẽ được nhưng sau này, khó hơn thì tôi phải nhờ bạn bè trong xóm. Tối nào tôi cũng ngồi học với chúng bạn, không khí học tập sôi nổi lắm, lúc thì tôi được bạn giảng cho kiến thức mới, nhưng cũng có lúc bạn hỏi tôi vì sao làm được bài này bài kia. Cứ như thế tôi học hết lớp 12, sau này nhiều đứa bạn còn biên chế cho tôi vào nhóm lớp này nhóm lớp kia, thậm chí tôi còn là thành viên của một lớp thuộc Trường THPT Hà Huy Tập.
Tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm, và cũng không thiếu niềm vui thơ trẻ, vì tôi luôn là người dẫn trò, dù mãi sau này trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ tôi mới có được những bước đi tập tễnh đầu tiên bằng đôi nạng gỗ.
P.V: Tôi thắc mắc rằng, tự học văn hóa đã khó, tự học tiếng Anh và vẽ truyền thần đối với nhiều người là điều không tưởng. Ấy vậy mà anh lại làm được tất thảy. Động lực nào cho anh sức mạnh đó?
Chu Vinh Đức: Động lực là tôi muốn đứng trên những thử thách mà cuộc đời bắt tôi phải trải qua. Và lạ là tôi chưa bao giờ than thân trách phận rằng tại sao tôi lại bị tật nguyền. Điều này khiến tôi luôn muốn cố gắng mình phải hơn người, phải có khả năng kiếm sống đàng hoàng.
Từ nhỏ tôi đã thích vẽ, vẽ đối với tôi như nguồn năng lượng tích cực trong cuộc sống, nó khiến tôi được bay bổng, được mơ mộng và được là chính mình. Lúc nhỏ tôi được học ở Nhà văn hóa Việt Đức trong thời gian không đi chữa bệnh, và được rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Thầy giáo nói tôi có năng khiếu đặc biệt về vẽ, hãy trau dồi và theo đuổi. Từ đó tôi muốn mình lập nghiệp bằng nghề này.
Tôi có một đức tính khá kỳ, nói được là phải làm bằng được. Từ chỗ hai chân teo nhỏ bác sĩ tiên lượng khả năng đứng và bước đi rất thấp, nhưng tôi quyết tâm đi được bằng mọi giá, và tôi đã thành công. Khi tôi muốn mình lập nghiệp bằng nghề vẽ, tôi cũng nung nấu ý định học hành mảng miếng tử tế để có thể hành nghề, vậy là tôi xin bố mẹ vào TP. Hồ Chí Minh tìm thầy học vẽ và tôi đã sống được bằng nghề.
Thầy mà tôi gặp được giỏi lắm, và có phương pháp rất hay, nhưng ban đầu ông không nhận học trò, tính ông khá dị, chỉ vẽ và vẽ chứ quyết không truyền nghề. Nhưng bằng sự kiên trì, hết ngày này qua ngày khác, cứ đứng ở cửa nhìn ông vẽ, tôi đã nhận được cái gật đầu đồng ý của ông. Và chặng hành trình học vẽ, nâng cấp cây cọ của mình cũng bắt đầu từ đó. Tôi hiểu thế nào là mảng miếng, là những kỹ thuật khó trong hội họa, nhất là với kỹ thuật trong truyền thần.
Trong quá trình học vẽ tôi thấy xưởng vẽ của thầy rất nhiều khách Tây đến xem và mua tranh, tranh bán cho Tây giá cao gấp mấy lần vì đa số họ trả theo cảm nhận nghệ thuật của họ. Đã có ý định học ngoại ngữ từ lâu, thấy được cơ hội nghề nghiệp của mình nếu có kiến thức ngoại ngữ, tôi lại càng muốn biến ước mơ thành hiện thực. Vậy là liền một lúc, sáng đi phục hồi chức năng chân, chiều đi học vẽ, tối đi học Tiếng Anh.
Mọi người hỏi, học Tiếng Anh với một người chưa từng qua trường phổ thông như tôi có khó không. Tôi thấy rất bình thường. Tôi nắm kiến thức nhanh và đam mê với thứ ngôn ngữ này, nó mở ra cho tôi cả một chân trời văn hóa tri thức mới. Vậy là cứ học, học, học mãi, khi về quê tôi còn đi học nâng cao ở một số trung tâm và dạy học cho các bạn nhỏ trong xóm mình, trong đó còn có cả lớp luyện thi vào đại học.
Tôi mở lớp dạy ngoại ngữ và dạy truyền thần tới hơn 10 năm, sau này vì bận công việc của Hội Người khuyết tật, rồi lấy vợ bận nhiều việc nữa nên tôi nghỉ dạy. Nhưng nghĩ đến thời gian đó tôi thấy biết ơn vô cùng những điều mình đã trải qua, kể cả những khó khăn thử thách.
P.V: Lại nói đến những khó khăn thử thách, cho đến khi trưởng thành, với anh thử thách nào là đáng kể nhất, có phải việc gặp vợ ngỏ lời yêu và kết hôn được với cô ấy?
Chu Vinh Đức: À với tôi đó không phải là thử thách đáng kể mà là dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời. Như tôi đã nói, tôi là người không tự ti, là người giao du rộng, bạn tôi là những người cùng sở thích và cùng chí hướng. Thế nên trong số những người bạn, người anh tôi thường chơi thì có người có cô em gái là vợ tôi. Vợ tôi ngày đó nhu mì, hiền lành và rất xinh đẹp. Cô ấy cũng xem tôi như là anh trai mình vậy. Ban đầu tôi cũng chỉ để ý vì cô ấy xinh, nhưng càng chơi gần gũi càng cảm mến vì tính cách của cô ấy. Và tôi không ngần ngại thể hiện tình cảm của mình. Ngày tôi tán tỉnh nàng là ngày nàng có hàng tá đàn ông vây quanh, nhưng tôi mặc kệ, không quan tâm, chỉ tập trung vào em. Không ngờ vợ tôi cũng yêu tôi từ lúc nào và vào một ngày nàng đồng ý làm vợ tôi.
Việc bước qua cửa ải để đón được nàng về dinh cũng không hề đơn giản, dĩ nhiên rồi, gia đình nàng không đồng ý. Họ cho rằng nếu lấy tôi nàng sẽ khổ, sẽ không có một bờ vai vững chắc để dựa dẫm, không có người đàn ông trụ cột kinh tế. Nhưng nàng phớt lờ điều đó, và ý chí sắt đá của tôi và vợ đã chứng minh cho gia đình hai bên thấy được tình yêu luôn là điểm tựa vững chắc, và chúng tôi sẽ làm được điều đó.
P.V: Vậy khi làm vợ anh rồi, chị đã gặp những khó khăn gì? Tình yêu sau hôn nhân liệu có viên mãn như trong tưởng tượng và suy nghĩ của anh?
Chu Vinh Đức: Hầu như chả khó khăn gì (cười)!!!. Vợ tôi bận bịu suốt ngày với nghề may, sau là nghề dịch vụ thực phẩm, việc nhà tôi làm hết. Khi vợ về nhà thì cơm nước, nhà cửa đã tươm tất. Nói thật là vợ tôi rất nhàn công việc nhà, cô ấy thậm chí việc gì cũng phải gọi tôi. Thế nên chúng tôi hầu như không có khúc mắc lớn trong cuộc sống. Lúc chưa có con nhỏ, chúng tôi tập trung cho việc này và chung sức đồng lòng, cùng nhau thụ hưởng tình yêu, nên thời gian chờ đợi tuy có lâu hơn các cặp vợ chồng khác nhưng cũng không khiến chúng tôi buồn lòng, ngược lại chúng tôi luôn nói vui là được hưởng tuần trăng mật dài kỳ. Sau này có con nhỏ, tôi là người luôn đỡ đần, lo toan nên vợ cũng đỡ vất vả.
Tôi có được niềm hạnh phúc lớn là vợ mình luôn tự hào về chồng. Nếu những người vợ có chồng là người khuyết tật khác thường rất ít khi xuất hiện, sánh vai cùng chồng, nhưng vợ tôi thì khác, cô ấy luôn muốn tôi cùng đi trong các cuộc vui, trong các đội nhóm. Vợ tôi là người không thấy tôi khiếm khuyết, ngược lại cô ấy luôn cảm thấy may mắn vì có tôi trong cuộc đời. Đó là hạnh phúc không dễ gì có được của một người đàn ông.
Lấy nhau năm 2010 nay tôi đã có con gái lớn vào lớp 1, vợ chồng luôn đồng lòng, đồng hành cùng nhau trong mọi vất vả của cuộc sống. Tôi cũng đã nỗ lực và cô ấy cũng thế.
P.V: Anh quan niệm như thế nào là hạnh phúc?
Chu Vinh Đức: Với tôi hạnh phúc đơn giản lắm, đó là được nhìn thấy người thân mỗi ngày, được sống với đam mê và được chinh phục bản thân. Tự tôi luôn thấy mình may mắn vì cuộc đời cho tôi nhiều thứ, đó là sự tự tin, là khả năng vượt qua thử thách, là ý chí để thực hiện ước mơ. Bấy nhiêu thôi làm tôi thấy mình là người vô cùng được ưu ái rồi.
Bây giờ giữ cương vị là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh và Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Vinh, tôi luôn tâm niệm rằng mình phải thật mạnh mẽ, thật nhiều năng lượng để lan tỏa niềm vui sống cho các bạn hội viên. Hội viên nhiều người còn khó khăn, còn nhiều nỗi lo toan vất vả nhưng nhìn chung anh em luôn đoàn kết một lòng, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và mỉm cười trước những thử thách. Chúng tôi luôn nói với nhau rằng, miễn còn sức là còn vui, là còn được thấy hạnh phúc mỗi ngày.
P.V: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!