Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Vinh, ông Phan Đức Đồng xác nhận vấn đề quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường ở một số hồ, kênh là một trong hai nội dung Thường trực HĐND thành phố đã lựa chọn, tổ chức chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, ngày 15/12/2022. Ông Phan Đức Đồng nói: “Cử tri đặc biệt quan tâm tới vấn đề ô nhiễm môi trường hồ, kênh, mong muốn thành phố làm rõ nguyên nhân và có giải pháp xử lý triệt để. Vì vậy, Thường trực HĐND thành phố Vinh đã cân nhắc, lựa chọn nội dung này đưa ra chất vấn. Phiên chất vấn diễn ra khá sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm; UBND thành phố cũng đã giải trình làm rõ các vấn đề liên quan. Sau kỳ họp, Thường trực HĐND đã có kết luận phiên chất vấn…”.
Tại Văn phòng HĐND thành phố Vinh có lưu trữ đủ tài liệu cho thấy phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7 có không ít câu hỏi “xoáy” về tình trạng ô nhiễm môi trường các hồ, kênh. Cụ thể như chất vấn của đại biểu Hoàng Ngọc Cừ – Bí thư Đảng ủy phường Hồng Sơn: “Cùng với 13 hồ, kênh được quản lý, địa bàn thành phố còn có nhiều ao, hồ lớn nhỏ. Hầu hết các ao, hồ đều bị ô nhiễm môi trường do nước thải hàng ngày của người dân chảy vào; việc thu gom, xử lý rác thải, xử lý môi trường, nạo vét lòng hồ, kênh, mương không được thực hiện thường xuyên. Những ao, hồ lớn nhỏ nằm xen kẽ trong khu dân cư thì UBND Thành phố có giao cho một tổ chức, cá nhân nào quản lý hay không? Hình thức giao như thế nào, có văn bản và hướng dẫn cách thức quản lý không? Công tác thanh tra, kiểm tra có thường xuyên không và được thực hiện như thế nào? Nếu như có sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra trên những ao, hồ này thì ai là người chịu trách nhiệm? Việc khắc phục sự cố, chế tài xử lý như thế nào?”.
Hay như đại biểu Nguyễn Thanh Mai – Bí thư Đảng ủy phường Trung Đô đã hỏi: “Việc xây dựng hào Thành Cổ, Kênh Bắc nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân, đã tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị, tiêu thoát nước cho thành phố… Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, trên những kênh này bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ứ đọng bùn thải, nước đen, bốc mùi hôi thối. Xin hỏi, cùng với nguyên nhân do ý thức người dân còn có nguyên nhân của cơ quan nhà nước không? Nếu có thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng ô nhiễm cũng như các bất cập là gì?”…
Là một trong những đại biểu chất vấn nội dung ô nhiễm môi trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Vinh, ông Nguyễn Xuân Giáp xác nhận các ý kiến chất vấn đều được đại diện lãnh đạo UBND thành phố giải trình rõ ràng, từ thực trạng ô nhiễm, các nguyên nhân, giải pháp và kế hoạch xử lý. Bằng góc nhìn của mình, theo ông Nguyễn Xuân Giáp, nguyên nhân căn bản là bởi tốc độ đô thị hóa của thành phố kéo theo mật độ dân số tăng nhanh, lượng nước thải ra ngày một lớn trong khi cơ sở hạ tầng thoát nước thải còn yếu, không đồng bộ; bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn chưa tốt.
Ông Giáp nói: “Vấn đề ô nhiễm môi trường tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân, không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. Với trách nhiệm của một đại biểu HĐND được cử tri tin tưởng, hơn nữa, tổ chức cựu chiến binh là lực lượng bảo vệ Đảng và bảo vệ chế độ, vì vậy chúng tôi sẽ bám sát những lời hứa của chính quyền, giám sát các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, có những phản ánh kịp thời đến cấp ủy, chính quyền để môi trường sống của người dân ngày một tốt hơn. Thành phố Vinh là đô thị loại I đã 15 năm, không thể để cử tri cứ phải lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường…”.
Làm việc với các phòng chức năng của thành phố, được cung cấp báo cáo giải trình về thực trạng công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường hồ, kênh trên địa bàn. Theo thông tin tại đây, thành phố Vinh có 13 hồ, kênh với tổng diện tích mặt nước 83,3 ha. Tại các hồ, kênh, có xây dựng hệ thống cống bao, giếng tách xung quanh nhằm thu gom nước thải, dẫn về Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại xã Hưng Hoà để xử lý (Kênh Bắc, hào Thành cổ, hồ Đông Bắc, hồ Công viên trung tâm, hồ Vinh Tân, hồ chứa nước trạm bơm Đông Nam…).
Thời gian qua, thành phố đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm như chỉ đạo UBND các phường, xã liên quan, Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, động viên người dân tổng dọn vệ sinh môi trường, thu gom, vớt rác thải gắn với thực hiện Ngày Chủ nhật xanh; thu gom, xử lý khi xảy ra tình trạng cá chết; chỉ đạo thực hiện việc nạo vét, khơi thông các tuyến mương, trồng thí điểm cây thuỷ sinh (ở hào Thành cổ) để cải tạo chất lượng nước, xử lý ô nhiễm môi trường; xây dựng đề án thoát nước, quy trình vận hành hệ thống thoát nước (hào Thành cổ, kênh Bắc); cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hồ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận hành xử lý nước thải…
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nước thải chảy vào các hồ, kênh gây ra tình trạng ô nhiễm, nhất là trong mùa nắng nóng. Qua kiểm tra, ở các hồ Tây Sâm, hồ Goong, hồ cá Cửa Nam, hồ TECCO, hồ điều hoà Hưng Lộc – Hưng Hoà có mức ô nhiễm nhẹ; các hồ Công viên trung tâm, hồ Vinh Tân, hồ Tây Bắc, hồ Đông Bắc, hào Thành cổ, Kênh Bắc, hồ chứa trạm bơm Đông Nam, hồ chứa trạm bơm Tây Nam có mức độ ô nhiễm trung bình. Một số tồn tại được chỉ ra, đó là ở các hồ, kênh do đơn vị nhà nước quản lý, các công tác đầu tư, cải tạo nâng cấp hạ tầng xuống cấp, thu gom, xử lý rác thải, xử lý môi trường, nạo vét định kỳ, chăm sóc cây xanh… vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Với 3 hồ đã giao cho doanh nghiệp (hồ Vinh Tân, hồ Công viên trung tâm và hồ TECCO), chưa được quan tâm nạo vét bùn thải và xử lý môi trường; chưa có quy chế phối hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị vận hành hệ thống thoát nước, nên có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Trong khi đó, nguồn kinh phí cho công tác quản lý môi trường còn hạn chế nên đa số các hồ kênh từ khi hoạt động đến nay chưa được nạo vét, xử lý.
Nguyên nhân được chỉ ra là hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải bị quá tải, xuống cấp, không đồng bộ, vì vậy nước thải chưa được thu gom triệt để, có thời điểm chảy vào hồ, kênh; có hồ, kênh còn có nước thải trực tiếp chảy vào mà không qua giếng tách. Mặt khác, bùn từ hệ thống kênh, mương bị mưa đẩy vào hồ gây bồi lắng nhưng công tác nạo vét chưa thực hiện thường xuyên, có hồ từ khi hoạt động đến nay chưa được nạo vét. Công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước còn chưa đảm bảo; Nhà máy xử lý nước thải tại xã Hưng Hoà, Trạm bơm số 1 (trạm bơm chính) quá tải dẫn đến các trạm bơm cấp 2, cấp 3 không thể bơm nước liên tục. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân chưa cao, còn vứt rác thải xuống kênh mương, ao hồ; việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng còn hạn chế…
Nêu rõ thực trạng, chỉ ra tồn tại, nguyên nhân, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường. Cụ thể như mời đơn vị tư vấn độc lập đánh giá các nguyên nhân về hạ tầng kỹ thuật, công tác vận hành, đề xuất các giải pháp xử lý; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, khắc phục dứt điểm tình trạng nước thải chảy vào hồ, kênh; bố trí kinh phí tổ chức nạo vét bùn bồi lắng; nghiên cứu trồng cây thuỷ sinh phù hợp có kiểm soát để xử lý nước trong hồ; có kế hoạch đầu tư, nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung, Trạm bơm chính; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vứt rác thải gây ô nhiễm môi trường…
Sáng 7/2, mặt nước ở các hồ, kênh Công viên trung tâm, hồ Vinh Tân, hào Thành cổ, Kênh Bắc, hồ chứa trạm bơm Đông Nam, hồ chứa trạm bơm Tây Nam, hồ điều hòa Hưng Lộc – Hưng Hòa… vẫn sậm đen. Trong đó, tình trạng ô nhiễm mùi ở hồ chứa trạm bơm Đông Nam, hào Thành cổ là hết sức nặng nề. Tại hồ chứa trạm bơm Đông Nam, nước thải vẫn tiếp tục tràn vào như chúng tôi đã phản ánh tại bài viết “Tiếng kêu bên hồ sinh thái Vinh Tân”. Thậm chí, do có một khối lượng lớn nước thải tràn vào nên bề mặt nước hồ đã dâng vượt vách ngăn khoảng 20cm.
Chuyển hình ảnh, clip nước thải tràn vào hồ chứa trạm bơm Đông Nam đến đơn vị quản lý, vận hành là Công ty CP Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị. Phó Giám đốc Võ Tuấn Anh cho biết, những ngày qua Nhà máy xử lý nước thải tập trung liên tục quá tải. Riêng ngày 6/2, lượng nước thải quá lớn, nhà máy đã xử lý vượt công suất, lên đến hơn 29 nghìn m3 mà vẫn không hết nên buộc phải cho tràn vào hồ chứa trạm bơm Đông Nam. “Liên tục chịu tình trạng quá tải, mấy ngày trước, đường ống dẫn nước thải qua vùng đồng xóm Khánh Hợp, xã Hưng Hòa vì chịu áp lực lớn nên xảy ra sự cố nứt vỡ phải xử lý. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung xử lý ô nhiễm ở hồ Công viên Trung tâm và hồ Vinh Tân, sau đó sẽ cân đối để đổi nguồn…” – ông Võ Tuấn Anh nói.