Đến với Trường Sa luôn là tâm niệm mong muốn của mọi người con đất Việt. Nơi ấy, giữa biển trời bao la, quân và dân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, đoàn công tác tỉnh Nghệ An đã có một hành trình giàu ý nghĩa với Trường Sa – nơi đầu sóng, mà khi nhắc đến, luôn ăm ắp niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Quân cảng Cam Ranh một chiều tháng 5 nắng chiếu vàng lấp lánh cả mặt vịnh. Đúng 17 giờ, sau mấy hồi còi, tàu kiểm ngư KN 491 rẽ sóng vươn khơi chở các thành viên đoàn công tác số 9 gần 200 đại biểu đến với các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đoàn công tác tỉnh Nghệ An gồm 21 thành viên do đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn. Các thành viên đoàn cơ bản đều chưa một lần đến với Trường Sa nên ai cũng mang theo tâm trạng háo hức, chờ đợi; và thật lạ, những lo âu trước chuyến đi dường như tan biến giữa muôn trùng sóng khơi.
Hải trình được thông báo sẽ đi qua 10 đảo: Đá Lớn B, Sinh Tồn Đông, Tốc Tan C, Phan Vinh B, Thuyền Chài B, An Bang, Đá Đông C, Trường Sa Đông, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1 (Phúc Tần). Điểm B thuộc đảo Đá Lớn, xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là điểm đầu tiên đón chúng tôi khi bình minh ló rạng ở đường chân trời.
Sau 1 ngày 2 đêm lênh đênh giữa biển cả bao la, vượt qua 286 hải lý, hầu hết mọi người không tránh khỏi cảm giác chống chếnh vì hầu hết đều lần đầu trải qua một hành trình dài trên biển. Vậy nhưng, khi vừa thấy những khối nhà bê tông của đảo Đá Lớn hiện lên sừng sững giữa biển xanh bao la và lá cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay giữa nắng gió, bất giác không ai bảo ai đều biểu lộ vỡ òa hạnh phúc vì lần đầu được đến, được thấy và được chạm vào “da thịt” Trường Sa, dù đã được đọc, được nghe, được xem nhiều về cuộc sống của những người lính đảo.
Hành trình 9 ngày đến với Trường Sa, đi qua 10 đảo, điểm đảo và nhà giàn DK1 (Phúc Tần) ở thềm lục địa phía Nam đã để lại trong chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nhân dân, điều kiện sinh hoạt, cuộc sống của người lính đảo và nhân dân ở Trường Sa được cải thiện nhiều, song vẫn còn đó bao khó khăn, gian lao, những hy sinh mà ở đất liền khó có thể hình dung đầy đủ.
Đặt chân lên đảo, hình ảnh đầu tiên mà bất kỳ ai cũng nhìn thấy, đó là cột mốc chủ quyền và người chiến sỹ hải quân rắn rỏi bồng súng đứng gác trang nghiêm. Xung quanh đảo là mênh mông biển nước. Doanh trại của các chiến sỹ chỉ là ngôi nhà được xây dựng trên nền đá san hô ngập nước, không sân, không vườn. Nhưng nhờ tình yêu và lòng quyết tâm của những người lính đảo, mà nơi đâu trên đảo cũng thấy rõ sự sống bất diệt. Trên đảo, các chiến sỹ vẫn tăng gia sản xuất, nuôi lợn gà. Rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá giữa muôn trùng sóng nước.
Tôi nhớ mãi hình ảnh khi đến thăm đảo An Bang, đảo có cấu trúc san hô dựng đứng nên việc ra vào hết sức khó khăn. Vào mùa sóng dữ, nhiều đoàn công tác ra thăm đảo đành phải gạt nước mắt luyến tiếc vì không thể cập ca nô vào thăm đảo. Đoàn công tác chúng tôi đã may mắn được 2 đồng chí trực tiếp lên thăm cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang.
Dù vậy, chiếc ca nô chở đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phải hết sức vất vả mới cập được vào đảo. Lúc trở ra, những chiếc ca nô cũng phải quần thảo với sóng dữ, thậm chí tàu mẹ phải thả tàu cứu hộ vào lai dắt mới có thể vượt sóng để trở ra. Vất vả, hiểm nguy nhưng mỗi thành viên đều rất bình tĩnh, sẵn sàng vượt khó để được đến thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Sau những xúc động ban đầu, đọng lại trong tâm thức là tình cảm, và thêm sẻ chia với những khó khăn, vất vả mà người lính đảo An Bang đang đối mặt hàng ngày.
Các thành viên đoàn công tác không thể quên được những lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được tổ chức trang trọng, thành kính. Từ trên boong tàu, các thành viên đoàn nghiêng mình, trân trọng thả những cánh hạc tự gấp và những bông cúc vàng xuống mặt biển xanh sâu thẳm, chuyển đi lời tri ân sâu sắc, lời nguyện cầu cho những người lính biển đã không tiếc thanh xuân, hy sinh anh dũng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Hãy yên nghỉ các anh nhé! Đất Mẹ Việt Nam luôn tự hào về những người con anh hùng. Nhân dân, đồng đội luôn khắc ghi chiến công và đang từng ngày viết tiếp những trang sử hào hùng của nước nhà, không phụ những hy sinh cao cả đó.
Chia tay những hòn đảo thân yêu, tàu KN 941 rẽ sóng hướng về thềm lục địa phía Nam thăm nhà giàn DK1 (Phúc Tần). Vì sóng to, gió lớn, ca nô không thể cập sát nhà giàn để đưa người lên thăm động viên cán bộ, chiến sĩ. Đoàn công tác đành phải gửi “lời chúc qua loa, tặng quà qua dây”. Qua hệ thống bộ đàm tại phòng điều khiển của tàu, các thành viên đoàn công tác, giọng Nam, giọng Bắc, giọng Trung đã hát tặng các anh mà không cầm được nước mắt xúc động. Còn phía đầu dây bên kia, trân quý tình cảm từ đất liền, các anh gửi lời cảm ơn, hứa tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với thanh âm cứng cỏi, bản lĩnh.
Để chào tạm biệt những người lính nhà giàn, tàu KN 941 chạy vòng quanh, gióng lên những hồi còi vang vọng, mọi người đều bước lên boong vẫy tay lưu luyến, xúc động đến trào nước mắt. Theo mỗi nhịp sóng, bóng nhà giàn nhỏ dần rồi mất hút giữa biển cả bao la, nhưng trong mỗi chúng tôi niềm tin cứ lớn dần lên vì ở nơi đó – giữa Trường Sa thân yêu, và cả vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc – luôn có các anh, những người lính đảo anh dũng, kiên cường, bất khuất.
Trường Sa thân yêu! mãi ghi dấu trong trái tim chúng tôi, sẽ không thể nào quên các anh, những người luôn làm việc không mệt mỏi, những gương mặt rắn rỏi, những nụ cười, làn da cháy nắng, những lời chào, lời hỏi thăm vội vã nhưng nồng ấm, thân thương. Tự trong thẳm sâu lòng mình, mỗi chúng tôi đều thấy trách nhiệm phải sống, làm việc tốt hơn nữa để xứng đáng với những hy sinh của các anh nơi đầu sóng, ngọn gió ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.