Một chiến sĩ lái ca nô chở đoàn công tác vào đảo khi biết chúng tôi đến từ Nghệ An, đã hết sức vui mừng vì được gặp gỡ đồng hương. Anh lính trẻ chỉ kịp trao vội nhành hoa đá và nói “em ở Nghi Lộc các anh chị ạ” rồi quay ngay lại làm nhiệm vụ mà chưa kịp để chúng tôi hỏi tên. Giữa đại dương bao la, nhiều cuộc gặp chỉ vội vã trong thoáng chốc, nhưng sao nồng ấm, xúc cảm vô cùng…
Trong hải trình đến với Trường Sa, ấn tượng không thể quên là tình cảm giữa đất liền với đảo xa, và giữa đảo xa với đất liền. Điều hết sức hạnh phúc, tự hào với 21 thành viên đoàn Nghệ An là đi đến đâu cũng có dịp được gặp người Nghệ. Dù có thể chỉ là những cuộc gặp thoáng qua, chỉ kịp trao nhau lời thăm hỏi, hay vội vã siết tay nhau thật chặt trong nắng gió và sóng biển rì rào, rồi vẫy chào để kịp lên tàu cũng đủ làm ấm lòng đôi bên.
Tại 11 điểm đến thăm, ở mỗi điểm đoàn công tác trân trọng gửi tặng món quà của tỉnh là một chiếc tivi cho cán bộ, chiến sỹ. Ngoài ra, đoàn còn tặng đèn pin, thẻ điện thoại, pin dự phòng và những sản vật xứ Nghệ mang đậm tình cảm quê nhà… Đó, dù không lớn về vật chất nhưng đầy ắp tấm lòng của nhân dân Nghệ An với biển đảo quê hương, với những người lính đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Trên các đảo Đá Lớn B, Sinh Tồn Đông, Tốc Tan C, Phan Vinh B, Thuyền Chài B, An Bang, Đá Đông C, Trường Sa Đông, Đá Tây A, Trường Sa, đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đều thay mặt đoàn chia sẻ niềm vinh dự, tự hào khi được đến với quân và dân Trường Sa; đồng thời bày tỏ ghi nhận ý chí và quyết tâm của các cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió, đã kiên trì vượt mọi gian khổ để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
“Đây là cơ hội để chúng tôi được tận mắt chứng kiến, cũng như hiểu và chia sẻ hơn về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Chúng tôi xin hứa sẽ luôn luôn hướng về Trường Sa, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, cùng góp sức để đời sống của các chiến sỹ ngày một tốt hơn nữa” – đồng chí Lê Hồng Vinh nhấn mạnh.
Trưởng đoàn công tác Nghệ An cũng đồng thời bày tỏ tin tưởng và mong muốn cán bộ, chiến sỹ tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, anh hùng, đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, nâng cao tinh thần cảnh giác, vững tay súng, xây dựng quần đảo ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại đảo Trường Sa, nơi được xem là “thủ phủ” của quần đảo, ngay khi tàu cập cảng, đoàn công tác đã được cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân, đặc biệt là các cháu nhỏ hân hoan ra chào đón, cờ đỏ sao vàng phấp phới trong tay. Trường Sa cũng là điểm dừng chân lâu nhất của đoàn công tác, từ 13h30’ đến 21h, do đó cả đoàn có thêm thời gian gặp gỡ, nói chuyện với các hộ gia đình, thăm trường học, được hòa mình trong buổi tối giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân, đất liền và biển đảo…
Xúc động nhất là nghi lễ chào cờ với “10 lời thề” thể hiện ý chí quật cường, niềm kiêu hãnh của Trường Sa, tình yêu với Tổ quốc và tiếng hát Quốc ca hào hùng vang lên giữa đại dương bao la. Những nén nhang và những giọt nước mắt xúc động tại Đài liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ; hay viên gạch tại chùa Trường Sa mòn nhẵn không phải chỉ vì thời gian mà còn vì những cái cúi đầu thành kính, thấm đẫm tâm nguyện cho chủ quyền biển đảo và bình yên của Tổ quốc.
Trong các hộ dân đang sinh sống tại Trường Sa có 1 gia đình người Nghệ An. Trong căn nhà nhỏ giữa khu dân cư trên đảo, là không khí ấm áp tình đồng hương, những lời ca, tiếng hát về xứ Nghệ vang lên trong niềm tự hào, xúc động dâng trào. Cũng tại “thủ phủ” của Trường Sa, bên cạnh hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên chiến sỹ trên đảo, đoàn công tác tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi gặp mặt đồng hương những người con xứ Nghệ ở trên đảo. Rất nhiều chiến sỹ đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh như Đô Lương, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghi Lộc… khi biết tin đã tới tham dự.
Tại buổi gặp, thay mặt Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh: “Xưa nay chúng ta vẫn thường nói ở đâu gian khó, ở đó có dân Nghệ An. Chúng tôi thực sự rất tự hào khi trên đảo có nhiều chiến sỹ, là người xứ Nghệ đến vậy. Qua đây, tôi cũng đề nghị và mong các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, người con xứ Nghệ”. Đáp lại tình cảm, sự tin yêu từ quê nhà, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân người Nghệ An tại Trường Sa khẳng định sẽ luôn phát huy truyền thống quê hương, nỗ lực, cố gắng, vượt qua “bão táp, phong ba” hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Kết thúc cuộc gặp ngắn ngủi nhưng lắng đọng, ý nghĩa, những người Nghệ ở đất liền và nơi đảo xa có duyên trùng phùng ở quần đảo bão tố đã cùng nhau đến dâng hương tưởng niệm, chụp ảnh tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Công trình được xây dựng với sự đóng góp của Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Nghệ An nhiều năm nay, trở thành điểm đến tâm linh quen thuộc của quân và dân ở đảo Trường Sa.
Chia tay đảo Trường Sa, con tàu KN 491 không biết bao lần gióng lên tiếng còi xuất phát nhưng đành phải nén lại bởi lời thề của các chiến sỹ hải quân cứ văng vẳng bên tai: “Trường Sa vì Tổ quốc”. “Trường Sa vì Tổ quốc!” và những tiếng hô vang của các đại biểu trên tàu “Tất cả vì Trường sa thân yêu”… lưu luyến tâm trạng của người đi, người ở. Chuyến hải trình hơn 1.000 hải lý khép lại, nhưng đã thắp sáng niềm tự hào, tự tôn dân tộc, mở ra bao hoài bão cháy bỏng, thôi thúc mỗi người sống và làm việc có ý nghĩa hơn, vì Tổ quốc, cho Tổ quốc…