“Cách đây ít hôm, ngồi ở đây cũng có mùi…” – tại phòng làm việc, Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn, anh Lê Văn Thanh bắt đầu câu chuyện về tình trạng ô nhiễm mùi từ trang trại chăn nuôi của Công ty MNS như vậy. Theo anh Thanh, mùi hôi từ trang trại chăn nuôi Công ty MNS loang ra, đến mức không thể nào chịu nổi.
Mùi hôi từ trang trại chăn nuôi bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2018. Ở thời điểm đó, mùi hôi còn thưa, tần suất khoảng một tuần hoặc dăm ngày mới có vào ban đêm. Từ tháng 6/2018 đến cuối năm thì mùi hôi xuất hiện với tần suất dày hơn. Đầu năm 2019 đến nay thì có mùi hôi liên tục, rất ít ngày không có mùi. Những ngày động trời, ngày có mưa, mùi hôi nồng nặc. Ban đầu toàn xã Hạ Sơn chỉ có 4 xóm Cồn Sơn, Cồn Tô, Xiểm, Xuân Sơn vì gần sát với trang trại nên bị mùi; sau mùi lan ra toàn xã; rồi lan sang các xã Văn Lợi, Nghĩa Xuân và cả các xã Nghĩa Đức (huyện Nghĩa Đàn), xã Tân Xuân (huyện Tân Kỳ).
Bởi tình trạng ô nhiễm mùi, hai năm qua xã Hạ Sơn luôn phải “bận rộn” vì công tác tiếp dân. Năm 2018, trước kiến nghị của dân, xã đã lập đoàn kiểm tra. Đoàn công tác của Hạ Sơn vào hẳn trong trang trại để kiểm tra; được nghe cán bộ quản lý trại hứa sẽ khắc phục… Nghĩ rằng cấp xã sẽ không giải quyết được, xã có văn bản báo cáo UBND huyện. Đầu năm 2019, huyện thành lập đoàn vào kiểm tra, lập biên bản yêu cầu phải khắc phục. Người của công ty cũng tiếp tục hứa… Chỉ thời gian qua, sau khi có đoàn của tỉnh, của huyện về làm việc cùng lãnh đạo của công ty, của tập đoàn thì thấy mùi không còn nữa…
Cùng anh Lê Văn Thanh và Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp, anh Lê Sỹ Hào xuống xóm Cồn Sơn, nơi đây, người dân đang khẩn trương thu hoạch mía để giao cho nhà máy. Dừng tay bó mía, chị Trương Thị Thư cho hay: “Trước đây mùi hôi từ trang trại thường có về đêm. Hôm nay thì đỡ rồi”.
Những người dân Cồn Sơn khi được hỏi cũng nói tương tự về tình trạng ô nhiễm mùi như chị Thư. Ở Cồn Sơn, có Xóm trưởng Hoàng Văn Thương là cộng tác viên của Công ty MNS FARM Nghệ An. Dù vậy, cũng như người dân Cồn Sơn, anh Thương xác nhận “có nhiều hôm gia đình phải đóng cửa để chống mùi”. Anh Thương cũng bày tỏ mong mỏi: “Trong diện tích đất nhà nước giao cho công ty xây dựng trang trại có khoảng 130 ha là đất của người dân Cồn Sơn. Người dân nơi đây giao đất cho công ty rất thuận lợi, vì hy vọng phát triển của công ty sẽ tạo ra công ăn việc làm cho con em. Vậy nhưng có tình trạng này. Tôi mong công ty sẽ xử lý triệt để ô nhiễm mùi để cuộc sống người dân được ổn định…”.
Nhờ các cán bộ UBND xã Hạ Sơn và UBND huyện Quỳ Hợp, tôi tiếp cận được tất cả những tài liệu liên quan (có cả các văn bản của hai huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ). Những tài liệu này đủ để khẳng định vấn đề ô nhiễm mùi từ trang trại chăn nuôi của Công ty MNS FARM Nghệ An.
Thể hiện vào ngày 28/11/2019, huyện Quỳ Hợp có cuộc kiểm tra trang trại, sau đó tổ chức buổi làm việc phân tích đánh giá thực trạng. Trong biên bản cuộc họp, lãnh đạo của 4 xã trên địa bàn Quỳ Hợp bị ảnh hưởng gồm Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Văn Lợi và Hạ Sơn đều có ý kiến, tỏ rõ sự băn khoăn vì tình trạng ô nhiễm; mong muốn phía công ty khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng này. Cũng tại đây, ghi lại cụ thể ý kiến của Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Đình Tùng: “Khi thực hiện dự án, huyện đặt rất nhiều kỳ vọng; tuy nhiên, đến nay thì thất vọng vì vấn đề ô nhiễm, và cả về các vấn đề an sinh xã hội liên quan. Đã vậy, khi có tình trạng ô nhiễm thì rất khó liên lạc để có sự phối hợp. Vì vậy, phía công ty cần phải báo cáo trung thực về tình trạng ô nhiễm để có giải pháp xử lý triệt để; có văn phòng để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến đời sống dân sinh…”. Về phía Công ty MNS FARM Nghệ An, tại biên bản thể hiện là ghi nhận toàn bộ ý kiến của các xã, và huyện Quỳ Hợp. Đồng thời cam kết: “Sẽ báo cáo đầy đủ tình hình đến với HĐQT”; “mong được chính quyền hai cấp của huyện Quỳ Hợp tạo điều kiện để tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm”.
Ngày 2/12/2019, Sở TN&MT cũng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở trang trại chăn nuôi và làm việc với Công ty MNS FARM Nghệ An. Ngày 6/12/2019, sở có Văn bản số 6987/STNMT-BVMT báo cáo kết quả kiểm tra lên UBND tỉnh, kết luận: “Qua ghi nhận thực tế tại khu vực xung quanh trang trại, ý kiến của các thành viên trong cuộc họp và chính quyền địa phương cho thấy phản ánh của người dân và chính quyền về mùi hôi của trại là có cơ sở. Mỗi ngày phát sinh mùi hôi khoảng 3 lần, mỗi lần từ 1 đến 3 tiếng”. Đồng thời kiến nghị: “Công ty MNS FARM Nghệ An cần tập trung bổ sung các giải pháp (vệ sinh chuồng trại thường; bổ sung, tăng liều lượng, nồng độ EM; lập giàn mưa sau các quạt hút; đẩy nhanh việc xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường giai đoạn vận hành của dự án…) để giảm thiểu mùi hiệu quả, thời gian hoàn thành ngày 30/1/2020. Đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp, UBND xã Hạ Sơn kiểm tra, giám sát hoạt động của trang trại, xử lý các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và báo cáo các cơ quan chức năng theo quy định…”.
Ở Hạ Sơn, dù không thể liên hệ vào được trang trại do quy định nghiêm ngặt trong chăn nuôi công nghiệp, nhưng chúng tôi cũng được cán bộ xã cho tiếp cận báo cáo mới nhất của Công ty MNS FARM Nghệ An (theo yêu cầu của chính quyền). Theo đó, đến thời điểm hiện tại, trang trại S2 của Công ty MNS FARM Nghệ An có tổng số 314 lao động (trong đó có 118 lao động là người địa phương Quỳ Hợp); tổng đàn lợn là trên 61 nghìn con. Về mùi hôi, phía công ty xác định là từ chiều tối đến rạng sáng ngày hôm sau. Nguyên nhân do khoảng thời gian này chuồng trại không được vệ sinh thường xuyên, và do hệ thống vệ sinh đang trong quá trình vận hành ban đầu chưa được ổn định…
Cũng tại báo cáo, công ty thông tin trang trại đã có công trình bảo vệ môi trường như: hồ sinh học, các khu chứa chất thải rắn, chất thải nguy hại; lò đốt xác lợn và hệ thống xử lý khí thải; bùn thải tại hệ thống xử lý nước thải đã được kiểm nghiệm xác định là chất thải không gây nguy hại, và công ty đã hợp đồng với một doanh nghiệp để thu gom và xử lý làm phân bón vi sinh… Đồng thời, đã nêu ra các biện pháp cụ thể để khống chế ô nhiễm môi trường với cam kết sẽ “thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý mùi hôi và các vấn đề liên quan đến môi trường”.
Trước khi lên Hạ Sơn, tôi có liên lạc với Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp, anh Hồ Lê Ngọc để hỏi thăm tình hình. Không giấu vấn đề ô nhiễm, Bí thư Hồ Lê Ngọc cho biết cách đây ít hôm, lãnh đạo doanh nghiệp có đến Huyện ủy. Tại buổi làm việc, anh có điểm nhanh với họ về một số sự cố môi trường trong chăn nuôi đã xảy ra trên địa bàn tỉnh và khẳng định huyện Quỳ Hợp dù ủng hộ doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng phải trên nền tảng đảm bảo về môi trường, an sinh xã hội và an ninh trật tự.
Anh Ngọc nói: “Tôi trao đổi với các vị ấy, tỉnh Nghệ An mong muốn có được các nhà đầu tư, doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn tỉnh. Quỳ Hợp cũng vậy, nên sẵn sàng ủng hộ doanh nghiệp. Nhưng khi hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhân dân Hạ Sơn tin huyện, đang nghe huyện. Vì vậy, doanh nghiệp phải có giải pháp nhanh, bền vững để xử lý vấn đề môi trường…”.
Một ngày của chúng tôi ở Hạ Sơn là thực sự ngắn, chưa thể sâu sát, cảm nhận đủ đầy những gì người dân nơi đây nếm trải. Nhưng qua từng câu chuyện mà người dân, cán bộ nơi đây nói ra về tình trạng ô nhiễm môi trường của khoảng hơn một tuần trước đây để so sánh với thời điểm hiện tại, thấy rằng tình hình đang từng bước được cải thiện. Công ty MNS FARM Nghệ An đã có nhiều động thái tích cực bắt tay vào triển khai các biện pháp khắc phục, để cải thiện tình trạng ô nhiễm mùi. Và tin điều tích cực bền vững sẽ đến với Hạ Sơn. Bởi có nơi nào doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường lại có thể an nhiên hoạt động được. Bởi khi người dân và chính quyền địa phương lên tiếng, cấp huyện, cấp tỉnh đã khẩn trương vào cuộc kiểm tra chỉ rõ nguyên nhân, thì Công ty MNS FARM Nghệ An cũng đã có động thái khắc phục có lộ trình cam kết. Hơn nữa, với những gì đã đầu tư tại Hạ Sơn, đủ thể hiện Công ty MNS FARM Nghệ An nghiêm túc trong đầu tư, mong muốn được đứng chân nơi đây lâu dài để sản xuất kinh doanh lâu dài, lý gì họ lại để người dân gặp phiền toái?
Chúng tôi qua lại Hạ Sơn không ít lần, nhưng lần này, xuôi theo Quốc lộ 48D đã được trải thảm nhựa, Hạ Sơn với những khoảng đồi thoải xanh mía, cam, ổi, keo…, đan xen là các cụm dân cư cùng chuỗi trang trại chăn nuôi quy mô lớn của Công ty MSN, thấy vùng đất của đông đảo đồng bào dân tộc Thổ huyện Quỳ Hợp thực sự đã có bước chuyển mình. Nghĩ rằng, Hạ Sơn với sự đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ không thể là điểm nóng môi trường!