P.V: Thưa ông, được biết hai năm gần đây số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ rất phức tạp. Vậy chúng ta đã có những thống kê đánh giá thực trạng và tìm ra nguyên nhân chưa? Ông có thể nêu những nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này?
Ông Đoàn Hồng Vũ: Trên thực tế 2 năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng tỷ lệ giảm không nhiều. Từ năm 2019 đến ngày 30/4/2021, toàn tỉnh có 81 vụ/93 bị can/85 trẻ bị hại. Năm 2019 giảm 4,4% so với năm 2018, năm 2020 giảm 18% so với năm 2019, 4 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra 6 vụ/6 bị can/6 trẻ bị xâm hại.
Điều đáng nói các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm, có trường hợp trẻ em bị xâm hại tuổi còn quá nhỏ. Phần lớn các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ em bị xâm hại, như: bố, mẹ, bạn bè, hàng xóm, giáo viên, người có trách nhiệm chăm sóc, người quen.
Phương thức, thủ đoạn xâm hại rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ em hoặc người thân của trẻ em để tìm cách tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ em, nhất là các vụ xâm hại tình dục và mua bán trẻ em. Đối tượng phạm tội với trẻ em bị xuống cấp về đạo đức; hoạt động ngày càng tinh vi, có nhiều thủ đoạn xảo quyệt gây khó khăn trong quá trình điều tra, tổ chức bắt và xử lý.
Hơn nữa, nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, mua bán trẻ em, bạo lực học đường nói riêng của người dân, học sinh chưa đầy đủ, sâu sắc. Công tác truyền thông vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, về giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi trẻ em có nơi còn hạn chế. Một số gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, hiểu biết về luật pháp, về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, chính quyền cơ sở trong quản lý, giám sát, chăm sóc trẻ em ở một số nơi chưa chặt chẽ, có lúc chưa hiệu quả.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở một số nơi chưa thường xuyên, chưa phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến trẻ bị xâm hại để phòng ngừa, can thiệp, xử lý kịp thời.
P.V: Chúng ta đã có nhiều giải pháp hòng ngăn chặn giảm thiểu tình trạng này. Và ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của những giải pháp đó?
Ông Đoàn Hồng Vũ: Thời gian qua các cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trọng tâm là Luật Trẻ em năm 2016, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các cấp chính quyền cũng đã áp dụng các quy trình, quy định xử lý các vấn đề; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Chúng ta cũng đã và đang triển khai các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình và mỗi người dân; trang bị kiến thức, kỹ năng cho các bậc cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Các tổ chức chính trị xã hội cũng tích cực tuyên truyền về nguy cơ cách phòng tránh xâm hại và tăng cường khả năng tự bảo vệ mình của trẻ em.
Vì thế, công tác chăm sóc trẻ em đã có được những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, điều chúng ta cần chính là việc giảm thiểu đến mức triệt để những vụ việc xâm hại trẻ em, hay những vụ bạo hành bạo lực trẻ em vẫn chưa thực hiện được. Và, nó đòi hỏi chúng ta phải thực hiện quyết liệt hơn nữa những giải pháp đã đề ra.
P.V: Vậy theo ông, cần những giải pháp cụ thể, căn cơ nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Ông Đoàn Hồng Vũ: Trong công tác tuyên truyền phải làm sao tất cả mỗi người dân đều ý thức và coi trọng việc phòng tránh. Đơn cử như các vụ việc xâm hại trẻ em, người giám hộ trẻ cần có kỹ năng phòng tránh, hạn chế nguy cơ cho trẻ. Người lớn cần dạy trẻ cách phòng từ xa các nguy cơ đến từ những người thân, hàng xóm, để trẻ biết cách bảo vệ mình, và tố cáo khi cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ một cách triệt để nhất.
Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn, Đội, các trường học cần tổ chức các hoạt động tuyên tuyền, hướng dẫn cho chính bản thân trẻ em các kiến thức, kỹ năng, biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ em; phát hiện, cảnh báo các nguy cơ về tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; thông báo, cung cấp thông tin, tố giác cho các tổ chức cá nhân có trách nhiệm để kịp thời can thiệp, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.
Các tổ chức chính trị xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo trong ngành, tổ chức tham gia thực hiện tốt các hoạt động của kế hoạch; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”; tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát, phản biện việc thực hiện phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là trong dịp hè và bối cảnh phòng, chống dịch covid -19. Đặc biệt, Tỉnh đoàn cần chỉ đạo các cấp bộ đoàn xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động hè cho thanh thiếu niên, học sinh thiết thực, bổ ích, phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid – 19; thực hiện tốt nhiệm vụ là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, tâm tư, nguyện vọng trẻ em; thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ để kiến nghị giải quyết kịp thời, hiệu quả.
P.V: Một vấn đề nhức nhối vào mỗi dịp hè, đó là tình trạng đuối nước. Mới từ đầu hè đến nay mà đã có hàng chục ca đuối nước ở trẻ. Dù nhiều giải pháp đã được thực hiện nhưng xem ra cứ đến hè là lại lo đuối nước?
Ông Đoàn Hồng Vũ: Thời gian qua để thực hiện phối hợp đồng bộ các giải pháp về phòng, chống đuối nước ở trẻ, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản thực hiện và tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống tai nạn thương tích đuối nước ở trẻ em; tổ chức họp Ban điều hành công tác trẻ em tỉnh; xây dựng kế hoạch liên ngành về phòng chống tai nạn thương tích đuối nước trẻ em; tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề phòng chống đuối nước toàn tỉnh đến cơ sở; tăng cường tuyên truyền trên các báo, đài tỉnh và địa phương, qua các mạng xã hội như: Zalo, Facebook về phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh; xây dựng điểm mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em”.
Chúng ta đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và tỷ lệ trẻ đuối nước có giảm, các địa phương đã tăng cường các giải pháp cảnh báo, tuyên truyền và ngăn chặn. Nhưng, các vụ việc đau lòng về đuối nước ở trẻ vẫn xảy ra nhiều. Nguyên nhân quan trọng nhất là do sự quản lý, giám sát con trẻ của các bậc phụ huynh, người trực tiếp chăm sóc trẻ còn lơ là, buông lỏng, nhất là ở các vùng quê. Bên cạnh đó, các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, được học bơi, biết cách cứu đuối… Mặt khác, nhiều nơi dù đã có các biển cấm, cảnh báo nhưng chưa có người giám sát, như các điểm hồ, kênh mương thủy lợi, các công trình xây dựng, sông suối và cả ao hồ ngay trong khu dân cư, hộ gia đình. Ngoài ra, hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em ở các cấp, các ngành còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ.
P.V: Vậy theo ông, giải pháp cần nhất hiện nay để giảm tối đa tai nạn đuối nước ở trẻ em là gì?
Ông Đoàn Hồng Vũ: Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, mỗi tổ chức, cộng đồng, gia đình và cả bản thân trẻ em; phải có các giải pháp đồng bộ chặt chẽ trong công tác phòng ngừa tai nạn thương tích đuối nước ở trẻ em. Trong đó, tập trung tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá các nguyên nhân cụ thể và đưa ra các giải pháp sát thực; đưa môn bơi vào dạy và học trong nhà trường; phối hợp xã hội hóa xây dựng, vận hành các bể bơi; hướng dẫn, thực hiện tốt công tác sơ cấp cứu cho nạn nhân đuối nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức của gia đình, người thân, người trực tiếp chăm sóc trẻ trong việc quản lý con em trong dịp hè, luôn coi trọng công tác phòng ngừa các nguy cơ về đuối nước ở trẻ em.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!