P.V: Tại sao anh lại chọn Chuyên đề về Văn hóa đọc sách để chuyển tải tới các em nhỏ Nghệ An?
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Những năm gần đây, tôi quan tâm nhiều đến thúc đẩy giới trẻ đọc sách nhiều hơn vì nỗi lo của chính mình khi thấy giới trẻ chìm đắm với mạng xã hội, điện thoại, games. Cùng với sự sụp đổ, biến mất của rất nhiều những tờ báo dành cho tuổi mới lớn khiến giới trẻ thực sự quên dần văn hoá đọc, quen và dần lệ thuộc vào hình ảnh dẫn đến lười đọc.
Có nhiều cô bé cậu bé cấp 2, cuốn sách đọc duy nhất của chúng chỉ là sách giáo khoa và cũng chỉ đọc vì phải học, đọc phần phải học. Thậm chí các bài đọc thêm trong sách giáo khoa cũng bị bỏ qua, nếu thi không cần dùng đến. Việc văn hoá đọc ngày một giảm bớt đi dẫn tới những hệ luỵ vô cùng đáng lo: Giới trẻ không mở rộng được vốn từ tiếng Việt, mất đi trí tưởng tượng, ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn. Và nhiều hệ luỵ khác.
Thế nên khi nhận được lời mời từ Tỉnh Đoàn Nghệ An, tôi đã lên đường ngay với thiết tha truyền lửa cho các em nhỏ ở Nghệ An, giúp các em yêu thích lại những cuốn sách, thích đọc, thích viết hơn. Đặc biệt là Nghệ An đã từng là cái nôi của văn học tuổi mới lớn trong những thập niên 1990, 2000, nơi sản sinh ra rất nhiều cây bút trẻ đã từng thành danh trên trang báo Hoa Học Trò của tôi hay những tờ tạp chí, chuyên san dành cho tuổi mới lớn. Tôi vô cùng có thiện cảm với Nghệ An, mong đợi được thấy từ Nghệ An những người viết trẻ thế hệ 2022 này.
P.V: Các em nhỏ Nghệ An có điều gì riêng biệt và nét riêng biệt ấy có tác động tiêu cực/tích cực thế nào để xây dựng một văn hóa đọc lành mạnh?
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Trẻ em Nghệ An tôi gặp đều là những đứa trẻ thực sự nhiều khát vọng, nhiều ước mơ. Từ những cô bé, cậu bé 9 tuổi, tôi đã được nghe những lời tâm sự, chia sẻ của các em về tương lai muốn trở thành …nhà văn. Đọc những câu thơ các em viết dự thi một trò chơi nho nhỏ trong 30 phút làm thơ, tôi thấy ở đó là sự nỗ lực, năng động, dám thể hiện bản thân (dù không biết làm thơ). Các em là bột, các em đều có thể gột nên hồ nếu như các em được quan tâm, có môi trường, có các sân chơi cho các em.
Có một điều khá bất ngờ ở đây, trong hàng chục bài dự thi của các em, lỗi chính tả là gần như không có. Đó là điểm khác biệt so với những học sinh ở các tỉnh thành khác mà tôi từng đi qua. Học sinh Huế và học sinh Nghệ An đặc biệt nhất, rất ít khi sai lỗi chính tả. Nó cho thấy việc rèn giũa các em từ nhỏ ở 2 nơi này vô cùng tuyệt. Và nó cũng cho thấy việc các em vẫn còn chịu khó đọc, học. Tôi tin rằng với nền tảng đó, các em sẽ làm được nhiều hơn nữa nếu các em có cơ hội tốt.
Tuy nhiên, khi tôi hỏi các em có ai không thích đọc sách không? Thì vẫn rất nhiều cánh tay giơ lên. Tôi hỏi lý do thì các em đều không trả lời được. Tôi cho rằng đó cũng lại là tín hiệu tốt. Vì nếu các em biết lý do vì sao các em không thích đọc sách thì việc chúng ta thay đổi sẽ khó khăn hơn. Như lúc này, các em chỉ đơn giản là thích và không thích, thuần cảm xúc, sẽ dễ dàng biến chuyển từ không thích sang thích bằng những chương trình như thế này.
P.V: Theo anh, khi xã hội đã có nhiều thay đổi, thì văn hóa đọc có những gì đổi mới theo?
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Đương nhiên văn hoá đọc sẽ phải thay đổi. Đầu tiên đó là việc phá bỏ định kiến về văn hoá đọc chỉ là in ra thật nhiều sách, trường nào cũng ép học sinh phải mua sách giấy về đọc như cái cách mà Hà Nội, TP HCM hay nhiều tỉnh thành vẫn đang làm. Nhiều trường tổ chức Ngày Hội Đọc Sách, Nhật Ký Người Đọc, Danh mục sách phải mua để đọc. Định kiến đó giống như việc thúc đẩy ngành xuất bản chứ không phải thúc đẩy văn hoá đọc.
Cần phải gỡ bỏ định kiến này vì sách giấy giờ giá ngày càng đắt đỏ, trẻ em nghèo không thể chờ đợi những chương trình tài trợ hay các chương trình thúc đẩy văn hoá đọc kiểu mang sách về nông thôn được.
Tôi nghĩ thúc đẩy văn hoá đọc bắt đầu bằng thúc đẩy thói quen đọc, mở rộng phương tiện đọc, xây dựng và sản xuất ra nhiều sản phẩm phụ trợ thúc đẩy văn hoá đọc.
P.V: Việc đọc sách là phụ thuộc vào sở thích và bản năng, hay cần một chiến lược, một kế hoạch và xây dựng một hệ quy chuẩn nào riêng dành cho các em nhỏ?
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Cụ thể là nhiều thư viện hơn, mỗi trường phải có không chỉ thư viện trường mà còn cần cả tủ sách lớp. Vận động phụ huynh tham gia cùng bằng việc công đoàn có những tủ sách riêng dành cho cán bộ công nhân viên đọc giải lao giữa giờ. Khi phụ huynh thích đọc, con cái của họ cũng thích đọc theo. Chưa kể, mạng lưới công đoàn tỉnh có thể phát triển chương trình Tủ Sách Cho Con ngay tại chính mỗi công sở nhà nước, các cha mẹ mượn sách từ Tủ Sách Cho Con đó về cho con mình đọc và góp sách con đã đọc cho Tủ Sách của công đoàn.
Điều đó sẽ gia tăng gắn kết cán bộ công nhân viên của cơ quan với nơi mình đang làm việc. Biến cơ quan thành gia đình, để gia đình và cơ quan chạm được vào nhau. Gia đình cán bộ CNV trong cơ quan hạnh phúc thì năng suất làm việc sẽ tăng theo. Bên cạnh đó, tạo ra các CLB đọc sách nhiều hơn trong giới trẻ, bởi tụi trẻ có đặc tính dễ bị lôi kéo. Hãy lôi kéo trẻ vào các CLB này.
Nếu trẻ đi trên đường, vào trong trường, về đến nhà… đâu đâu cũng thấy sách, trẻ sẽ coi đọc sách giống như ăn cơm hàng ngày vậy. Nếu ai ít đọc sách sẽ tự thấy mình tụt hậu so với bạn bè cùng trang lứa.
Một điều quan trọng nữa, văn hoá đọc có thể đến từ nhiều phương tiện khác nhau không chỉ từ sách giấy. Có thể là những ứng dụng đọc sách trên điện thoại, những trang web đọc sách, các kênh Youtube, Facebook về sách… Ở đâu có người trẻ, ở đó có sách. Nghệ An là cái nôi của rất nhiều danh nhân, chính khách nổi tiếng trong việc đọc sách, hãy giúp giới trẻ nhớ ra họ, bằng lòng tự hào tỉnh nhà, mỗi đứa trẻ sẽ khát vọng nhiều hơn.
Như tôi đã chia sẻ ở trên, ngoài việc cần mọi người chung tay, cả tỉnh cùng hướng tới mục tiêu, chúng ta còn cần thay đổi nhận thức của chính các phụ huynh. Giúp các phụ huynh nhận ra sách sẽ giúp con em họ đổi đời chứ không chỉ là điểm số trên trường.
P.V: Đứng trên góc độ là một phụ huynh, anh có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh để khuyến khích và cải thiện văn hóa đọc cho các em thanh thiếu nhi?
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Với các em, cha mẹ luôn là những thần tượng đầu đời. Thế nên các thần tượng hãy khiến fan hâm mộ của mình học theo bằng việc chính mình chịu đọc nhiều hơn.
P.V: Trong những năm gần đây, sự phát triển và phổ biến của các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, Internet… đã ảnh hưởng khá lớn tới nhu cầu và thị hiếu đọc sách của lớp trẻ, đặc biệt là các em lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Nhiều người đã cảnh báo về một sự thay thế của “văn hóa nghe – nhìn” cho “văn hóa đọc” trong tương lai. Anh có suy nghĩ gì về nhận định này?
Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi đã từng không tin báo mạng sẽ thay thế báo giấy, tôi đã từng tin báo giấy không bao giờ chết. Nhưng rồi những gì đang diễn ra khiến tôi nhận ra mình ngây thơ quá. Công nghệ thông tin, Internet đã thay đổi cuộc sống này theo một cách những người làm báo giấy, đặc biệt là báo giấy cho trẻ em như tôi đã phải kết thúc sự nghiệp của mình. Nhiều toà soạn đã đóng cửa hoặc biến thành cổ lỗ.
Thế nên nhận định văn hoá nghe nhìn sẽ thay thế cho văn hoá đọc trong tương lai là rất dễ xảy ra nếu như hôm nay chúng ta không giữ được những thành trì cuối cùng, sự nỗ lực cuối cùng.
Có một tin tốt đó là thị trường xuất bản của thế giới vẫn tăng liên tục 30% mỗi năm trong những năm qua. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của ngành xuất bản trên thế giới. Việt Nam cũng vậy, xuất bản sách vẫn tăng đều hàng năm. Văn hoá đọc vì thế tôi tin rằng chúng sẽ không dễ bị thay thế khi chúng ta không bỏ cuộc. Nhất là nó lại là một văn hoá độc lập và cần thiết.
A.I không thể thay thế việc đọc dù hiện giờ hầu hết các báo lớn đều gắn thêm phần “Nghe bài báo” bên bài báo viết nhưng nó sẽ không triệt tiêu việc đọc của độc giả. Chỉ là chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta không thể chờ một giải pháp từ tỉnh bạn để áp dụng cho tỉnh mình, giải pháp của báo bạn áp dụng cho báo mình mà chính chúng ta phải là những người đưa ra giải pháp.
Thay vì chờ mệnh lệnh cấp trên, hãy bắt đầu bằng mệnh lệnh từ trái tim. Như người xứ Nghệ giúp người trẻ Nghệ, cha mẹ Nghệ An dạy con Nghệ An. Bắt đầu từ chúng ta trước nhất. Từ mỗi ngôi nhà, mỗi ngôi trường, mỗi công sở. Tất nhiên, nếu chúng ta đủ tha thiết với con em chúng ta, với tỉnh nhà, với nơi chôn nhau cắt rốn này của chúng ta vậy.
P.V: Xin cảm ơn anh!