Giáo viên chủ nhiệm là một công việc đặc thù, ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn là cầu nối giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh. Đây cũng là công việc đòi hỏi sự tâm huyết, trách nhiệm. Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Thái Thị Vũ Anh - giáo viên Vật lý (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng), người vừa đạt danh hiệu Thủ khoa tại Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh dành cho giáo viên bậc THPT.
Giáo viên chủ nhiệm phải biết lắng nghe, chia sẻ
P.V: Đã hơn 10 năm rồi, Nghệ An mới tổ chức lại Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi. Chị có áp lực không khi được chọn đại diện cho Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tham dự và có những kỷ niệm đẹp nào trong lần đầu tiên dự thi.
Cô giáo Thái Thị Vũ Anh: So với nhiều giáo viên khác ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, tôi ít tuổi hơn và kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm chưa nhiều. Vì thế, khi được nhà trường chọn đi thi, ban đầu tôi cũng khá lo lắng nhưng cùng với đó là niềm vui. Bởi lẽ, tôi thực sự thích công tác chủ nhiệm – công việc được gắn bó bền chặt với học sinh, với rất nhiều kỷ niệm đẹp.
Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi là một ý tưởng rất hay. Để qua đó mỗi giáo viên biết rằng, ngoài nhiệm vụ dạy chữ thì còn phải hoàn thiện nhân cách học sinh cả về đức, trí, thể, mỹ. Cá nhân tôi, việc được tham gia kỳ thi, được tiếp xúc với học trò cũng cho tôi nhiều kinh nghiệm quý giá. Tôi cũng rất yêu thích tiết dạy thực hành với chủ đề “thanh niên với tình bạn và tình yêu”. Đây là một chủ đề không mới nhưng cũng không dễ để triển khai, đặc biệt trong vai trò của một người định hướng. Qua bài giảng của mình tôi muốn xây đắp cho các em một tình bạn thật đẹp. Mối quan hệ bạn bè được xây dựng dựa trên sự thấu hiểu lẫn nhau. Biết quan tâm giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn. Biết bao dung, sẵn sàng tha thứ cho bạn khi bạn phạm lỗi lầm, và cuối cùng một tình bạn đẹp là một tình bạn không toan tính, không vụ lợi và giữ được sự cân bằng của nhau. Tôi cũng muốn nhắn nhủ với các em rằng khi đã có một tình bạn đẹp, các em sẽ thu được những trái ngọt đầu tiên đó chính là được hoàn thiện bản thân, có được cảm giác vui vẻ, hạnh phúc và có được một người bạn đồng hành với bản thân mình kể cả những lúc vui cũng như những lúc khó khăn trong cuộc sống.
45 phút tổ chức tiết dạy cũng có nhiều tình huống bất ngờ và sự hưởng ứng của học trò đã truyền cảm hứng cho tôi, khiến tôi rất hạnh phúc. Mặc dù vậy, khi biết tin đạt giải Nhất tôi vẫn rất bất ngờ bởi tôi biết có nhiều tiết dạy khác rất hay và thú vị. Giải thưởng này sẽ là động lực truyền cho tôi nhiều kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
P.V: Có rất nhiều tiêu chí để được tham dự Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi nhưng tiêu chí đầu tiên, đó là phải giỏi công tác chủ nhiệm. Vậy người giáo viên chủ nhiệm cần những tố chất gì thưa chị?
Cô giáo Thái Thị Vũ Anh: Ra trường 3 năm thì tôi được giao làm công tác chủ nhiệm và khi đó tôi còn rất trẻ, cả về tuổi đời, về kinh nghiệm đứng lớp, kinh nghiệm về các mối giao tiếp. Chính vì thế, những ngày đầu tiên cũng thực sự không dễ dàng.
Bây giờ nghĩ lại, tôi biết ngày ấy mình hơi áp đặt với học sinh. Chẳng hạn, về việc thực hiện nội quy trường lớp. Đáng lẽ là giáo viên, mình phải hiểu các bạn lớp 10, các bạn rất còn trẻ, ít tuổi và việc các em phạm lỗi lầm là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, năm đầu tiên làm giáo viên chủ nhiệm tôi rất nguyên tắc, chỉ biết “cấm” học sinh. Nghĩa là nội quy như thế nào thì học sinh phải bắt buộc thực hiện, một cách khá máy móc. Với cách quản lý này, học sinh có thể làm theo cô giáo chủ nhiệm nhưng các em lại âm thầm tỏ thái độ đối kháng và có thể xảy ra mâu thuẫn, vùng vằng. Sau này, tôi cũng nhận ra cái sai của mình và tôi đã bắt đầu điều chỉnh. Tôi ứng xử với các em không phải với tâm thế của “cô và trò” mà là “bạn với bạn”. Ví như nếu học sinh có lỗi, tôi sẽ hạn chế nhắc nhở giữa lớp và nếu có nhắc thì tôi cũng chỉ nói chung. Thay vào đó, tôi sẽ gặp riêng các em để tìm hiểu lý do và cùng với các em tìm giải pháp.
Giáo viên chủ nhiệm với tôi không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà là người để gắn kết. Giáo viên chủ nhiệm cũng là người biết lắng nghe, để giải đáp thắc mắc của học sinh về tình bạn, tình yêu, từ đó mới tạo ra được mối quan hệ mật thiết giữa thầy cô và học trò. Giáo viên chủ nhiệm cũng phải làm tốt mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm có khi còn đóng vai trò của một người mẹ bởi có khi thời gian các em ở trường, tiếp xúc với thầy cô còn nhiều hơn trong gia đình và các em tâm sự với thầy cô nhiều hơn với những người thân khác.
P.V: Chị đang làm giáo viên chủ nhiệm ở một ngôi trường THPT thuộc hàng tốp đầu của tỉnh. Vậy nhưng, công việc này có phải khi nào cũng thuận lợi và nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh?
Cô giáo Thái Thị Vũ Anh: So với nhiều trường học khác, đầu vào của học sinh chúng tôi khá tốt. Nhưng không vì thế mà công việc giáo viên chủ nhiệm lại dễ dàng, thuận lợi hơn so với những ngôi trường khác. Bởi lẽ, đã là tập thể thì khi nào cũng phức tạp và vì thế, dù chỉ là một lớp học thì đã có rất nhiều vấn đề có thể nảy sinh. Đôi khi chỉ vì một xích mích rất bé, một câu nói cũng có thể xảy ra mâu thuẫn. Ngay như với môi trường học cũng tác động đến các em, học sinh ở các trường thành phố tính cách rất đa dạng, muôn hình, muôn vẻ và mỗi em là một cá tính riêng…
Những vấn đề diễn ra hàng ngày đối với giáo viên chủ nhiệm chưa từng có trong sách vở. Thậm chí ngày còn học ở trường sư phạm, chúng tôi cũng chỉ giao tiếp với học trò rất ít và khi ấy tính chất cũng khác. Thế nên, khi bắt đầu tiếp nhận một khóa học sinh mới, tôi phải tìm hiểu kỹ hoàn cảnh từng học sinh. Tiếp đó, tôi phải tìm hiểu sở thích, năng khiếu và nguyện vọng riêng của các em, đọc kỹ từng em để hiểu được tính cách từng em. Trong quá trình làm chủ nhiệm lớp, giáo viên chủ nhiệm phải hòa đồng, cùng tham gia với các em ở các hoạt động. Tôi rất hạnh phúc bởi biết có rất nhiều câu chuyện các em không thể chia sẻ với bố mẹ, với bạn bè nhưng lại chia sẻ riêng với giáo viên chủ nhiệm và bản thân cũng luôn cố gắng để cho các em những lời khuyên bổ ích nhất.
Tôn trọng cá tính của từng học sinh
P.V: Vậy chị có sợ học sinh cá biệt không. Nếu có chị phải ứng xử như thế nào?
Cô giáo Thái Thị Vũ Anh: Tôi không sợ học sinh cá biệt, bởi tôi cũng đã từng có những học sinh như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có thể các em “cá biệt” nhưng không có học sinh hư. Chỉ có điều chúng ta đã hiểu học sinh ấy hay chưa. Có thể, có trường hợp chúng ta thấy học sinh của mình nhuộm tóc dù trường cấm. Trong trường hợp này, nếu giáo viên phản ứng thái quá thì có thể sẽ bị phản ứng ngược trở lại. Nhưng, nếu chúng ta nhắc nhở các em nhẹ nhàng, để em ấy hiểu được đây là nội quy… để các em tự nhận ra, tự thay đổi thì sẽ tốt hơn.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, học sinh cá biệt cũng cần phải được tôn trọng theo kiểu của học sinh cá biệt. Bản thân giáo viên chủ nhiệm thay vì ác cảm thì phải tâm sự nhiều hơn, khích lệ nhiều hơn, xây dựng mối quan hệ giữa thầy cô và học trò.
Với học sinh THPT, lứa tuổi lớp 9 lên lớp 10 cá tính của các em cũng đã bắt đầu được bộc lộ và tâm lý không ổn định. Tuổi các em muốn được thể hiện mình, muốn được khẳng định mình, Vì thế, nếu cùng một lỗi nhưng tất cả người trong gia đình cũng trách móc thì các em sẽ sinh ra tâm lý phản kháng và nếu kéo dài sẽ dẫn đến tiêu cực. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn luôn tôn trọng học trò. Nếu các em cư xử không đúng, tôi vẫn thường nói: “Cô tôn trọng các em và mong các em cũng tôn trọng cô”.
P.V: Như chị đã nói, để giáo dục một học sinh không dễ. Tuy nhiên, nhìn lại tôi cũng thấy rằng, học sinh ngày nay dường như chịu quá nhiều áp lực. Vậy phải làm sao để xây dựng được một môi trường học đường thân thiện?
Cô giáo Thái Thị Vũ Anh: Môi trường học đường hiện nay khá phức tạp và trong những năm qua dư luận và báo chí cũng nói đến rất nhiều. Tình trạng bạo lực học đường cũng diễn ra ngày một nhiều hơn ở nhiều hình thái khác nhau. Và không phải ai cũng nhìn thấy được hết sự phức tạp đó. Học sinh cũng đang phải chịu nhiều áp lực, trong đó một phần là từ kỳ vọng của gia đình, nhà trường.
Để xây dựng được môi trường học được lành mạnh thì chúng ta phải định hướng cho học sinh. Trước tiên, để các em biết được thế nào là một tình bạn đẹp, một tập thể lớp vững mạnh đoàn kết. Với phụ huynh, chúng ta không nên áp đặt cho các em, bởi có thể các em học không giỏi các môn Toán, Lý, Hóa nhưng các em lại có năng khiếu cho các môn khoa học xã hội…
P.V: “Đổi mới giáo dục” là một cụm từ được nói đến nhiều trong những năm vừa qua. Vậy, để không còn áp lực cho học trò, chị mong muốn chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có những thay đổi nào?
Cô giáo Thái Thị Vũ Anh: Chương trình cũ trong những năm qua đang đặt nặng về kiến thức, về thi cử và thiếu những hoạt động trải nghiệm bên ngoài. Tuy nhiên, nền tảng của khoa học kỹ thuật vẫn rất cần những kiến thức căn bản đó. Vì vậy, tôi mong chương trình mới, vẫn giữ được những kiến thức cơ bản để học sinh có thể phát huy được những điểm mạnh của mình và để các em chọn lựa được những ngành nghề như mong muốn. Bên cạnh đó, chương trình cũng cần phải được xây dựng theo hướng nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp học sinh phát triển được kỹ năng của từng môn học, kỹ năng trong cuộc sống. Điều đó giúp học sinh phát triển hài hòa không chỉ về kiến thức mà cả về đức, trí, thể, mỹ.
Với giáo viên trẻ, việc thay đổi này cũng đã tác động nhiều đến suy nghĩ và tâm lý của giáo viên. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng, thay đổi để thích ứng với chương trình mới và đào tạo được các thế hệ học sinh phát triển một cách toàn diện hơn.
P.V: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!