Mỏ đá Hoàng Mai những năm sau khi hòa bình lập lại vẫn vương vấn nỗi buồn hậu chiến. Lãnh đạo, cán bộ công nhân viên mỏ đá mang trong mình một “ẩn ức” là chưa trả lại đúng công trạng cho 33 đồng chí của mình – những TNXP đã hy sinh cho nền độc lập tự do của đất nước, một công trạng vinh quang song cũng đầy đau đớn mang tên là “Liệt sĩ”.
Không buồn làm sao được khi mà cứ ngày này tháng nọ cứ thấy gia đình của 33 đồng chí TNXP tìm về mỏ đá xin xác nhận của đơn vị để làm thủ tục công nhận là liệt sĩ. Đồng chí Hồ Sỹ Tùng – Trưởng Ban Kiểm tra Thị ủy Hoàng Mai, nguyên Bí thư Chi đoàn Xí nghiệp đá Hoàng Mai năm 1996 – 2005 nhớ lại: “Những năm 2000, thân nhân các thanh niên xung phong đã vào mỏ đá rất nhiều lần để xin xác nhận. Nhưng rồi họ không thể làm được bởi vì thiếu những giấy tờ như quyết định điều động thanh niên xung phong để chứng minh công trạng. Và thời gian ấy, dường như người ta chưa quan tâm nhiều đến việc chế độ chính sách cho các anh, chị…Bố mẹ của các anh chị lúc ấy đều đã rất già yếu, phần nhiều đã mất. Thân nhân của các TNXP là anh, chị, em ruột. Nước mắt họ đã rơi ướt đầm hang Hỏa Tiễn!”.
Theo các nhân chứng, có hai lý do chính khiến sự hy sinh của 33 TNXP bị “lãng quên”. Đó là: Trong một thời gian dài, điều kiện kinh tế đất nước nhiều khó khăn, dẫn đến công tác chế độ chính sách chưa được quan tâm một cách đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, những cán bộ của ngành Đường sắt nói chung và xí nghiệp mỏ đá Hoàng Mai nói riêng (trong thời bình) là lớp cán bộ trẻ, dẫu luôn nặng lòng tri ân các anh các chị song lại không được biết rõ, thiếu sự hướng dẫn cụ thể để tiến hành các thủ tục công nhận liệt sĩ…Và cứ thế, gần nửa thế kỷ đã đi qua, hang Hỏa Tiễn và phần mộ 33 TNXP vẫn còn đó nhưng có nguy cơ bị quên lãng, lùi sâu vào quá khứ. Nơi đây chỉ ấm lên trong các ngày rằm, lễ, tết bởi những nén tâm nhang day dứt của cán bộ ngành đường sắt và thân nhân.
Có những đêm chiến tranh mà ai đã từng trải qua cũng đều thấy nó thăm thẳm dài, thăm thẳm rộng. Có những nỗi day dứt đến khôn cùng của những người đi trên “đại lộ” mà chưa thể tri ân người đã lát nên con đường bằng máu xương…. “Cơ hội” đã đến với những người nặng nợ tri ân ở Xí nghiệp đá Hoàng Mai khi mà vào năm 2000, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An triển khai thực hiện Thông tư Liên tịch số 16 ngày 6/7/1999 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Trung ương Đoàn về “hướng dẫn thực hiện chính sách đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến”.
Đồng chí Võ Văn Dũng – Bí thư Thị ủy Hoàng Mai, nguyên Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu thời kỳ này cho biết: “Khi triển khai thực hiện Thông tư này, Huyện đoàn Quỳnh Lưu đã nhận được thông tin từ Chi đoàn Xí nghiệp Đá Hoàng Mai về 33 TNXP đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa nhận được chế độ chính sách gì. Sau khi phát hiện và tìm lại hồ sơ, chúng tôi nhận thấy đây là một việc làm rất có ý nghĩa trong việc thực hiện chế độ chính sách và quyết tâm phối hợp cùng Xí nghiệp Đá Hoàng Mai hoàn thành bằng được các thủ tục để công nhận”.
Huyện đoàn Quỳnh Lưu và Xí nghiệp Đá Hoàng Mai nhìn nhận rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục công nhận để rồi quyết tâm thực hiện một cách bài bản, công phu. Đồng chí Hồ Sỹ Tùng cho hay: “Xí nghiệp đá xác định rõ các đồng chí TNXP cũng là người mình và đây chính là trách nhiệm của Xí nghiệp. Xí nghiệp báo cáo ra lãnh đạo Tổng Cục Đường sắt Việt Nam và được toàn ngành ủng hộ toàn diện về mọi mặt từ chủ trương, đường lối, kinh phí …”.
Để làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho 33 TNXP, Xí nghiệp Đá Hoàng Mai đã phối hợp cùng huyện Quỳnh Lưu thực hiện nhiều bước, công đoạn khác nhau trong 3 năm liền từ năm 2000 – 2003: Bước thứ nhất là tập hợp các gia đình, thân nhân liệt sĩ để thống nhất đơn từ, hồ sơ. Bước thứ hai là tổ chức hội thảo khoa học “Hoàng Mai một thời để nhớ” với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử. Bước thứ ba là đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bước thứ tư là đầu tư xây dựng cụm công trình Hang Hỏa Tiễn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường sắt và Nhà bia tưởng niệm.
Đồng chí Hồ Sỹ Tùng kể: Quan trọng nhất là ngành Đường sắt đã nhờ được bác Nguyễn Văn Tư, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương (từ tháng 4/1965 là đội trưởng tuyến đường sắt phía Nam) tham gia quá trình “đấu tranh” để công nhận liệt sĩ cho 33 TNXP. Theo bác Tư thuật lại thì bác đã lên tận phòng của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tranh luận về 2 câu hỏi mà những người ở các cơ quan chức năng đưa ra là: “Tại sao không có giấy điều động tham gia lực lượng TNXP?”, “Tại sao không hy sinh ở công trường mà lại hy sinh trong hang?” – Bác Tư đã trả lời “Chiến tranh đã lùi xa, thời gian cũng đã quá lâu, quyết định điều động không còn thì trách nhiệm thuộc về Nhà nước, chứ không phải của thân nhân TNXP. Và trong điều kiện bom đạn thì các TNXP phải vào hang tránh trú chứ không lẽ phơi lưng cho máy bay Mỹ đánh”.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đầy trách nhiệm của ngành Đường sắt, Xí nghiệp Đá Hoàng Mai và các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan, năm 2003, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có quyết định công nhận 33 TNXP tổ 4, Đơn vị C271, đội 27 là liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công, ghi nhận công lao của các anh chị trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc… Các anh chị TNXP được công nhận liệt sĩ dẫu là muộn, nhưng đã phần nào nguôi ngoai đi nỗi buồn, hờn tủi của những người đang sống.
Riêng với Xí nghiệp Đá Hoàng Mai, sau khi thực hiện việc làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho 33 TNXP, đơn vị đã tích cực đầu tư xây dựng cụm di tích ngày một khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy vậy, bản thân đơn vị này vẫn chưa cảm thấy “yên lòng”. Bởi một nhẽ, hang Hỏa Tiễn chưa có một hành lang pháp lý bảo vệ, đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đá Hoàng Mai cho biết: Trước thời điểm các TNXP được công nhận là liệt sĩ, khu vực núi đá xung quanh Hang Hỏa Tiễn đã từng “bị” cấp cho các doanh nghiệp khai thác đá tư nhân. May mà thời điểm đó, Xí nghiệp Đá phản đối mạnh mẽ nên việc khai thác đá xung quanh mới được dừng lại…
Để bảo vệ cụm di tích Hang Hỏa Tiễn một cách bền vững, năm 2010, Xí nghiệp Đá đã phối hợp với thị trấn Hoàng Mai, UBND huyện Quỳnh Lưu, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Sở VH,TT và DL Nghệ An lập hồ sơ đề nghị công nhận cụm di tích Hang Hỏa Tiễn là Di tích lịch sử quốc gia.
Ngày 31/3/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 1583 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao& Du lịch, Cục Di sản văn hóa đề nghị công nhận Cụm di tích Hang Hỏa Tiễn là di tích lịch sử quốc gia với nội dung: “Để nghị nhận công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của các liệt sĩ TNXP ngành GTVT và nhằm bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, UBND tỉnh Nghệ An kính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa và các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định công nhận cụm Di tích lịch sử hang Hỏa Tiễn là di tích lịch sử quốc gia”.
Ông Hồ Mạnh Hà, Phó phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An (người tham gia lập hồ sơ đề nghị công nhận Hang Hỏa Tiễn là di tích lịch sử quốc gia vào năm 2011) cho biết: Các cá nhân, cơ quan chức năng liên quan đã phải mất hơn 1 năm ròng rã để thiết lập nên bộ hồ sơ trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc thiết lập hồ sơ gặp nhiều khó khăn do thời điểm mà 33 liệt sĩ TNXP hy sinh là thời điểm mở đầu cho những chiến công anh dũng của lực lượng này. Thứ đến, địa bàn hoạt động của đội 27 rất rộng, hoạt động phân tán. Do vậy, các văn bản giấy tờ và cứ liệu lịch sử về hang Hỏa Tiễn hay đội 27 là rất ít. Bên cạnh đó, việc tìm về gia đình liệt sĩ và nhân chứng lịch sử rất vất vả khi hầu hết họ ở ngoại tỉnh (Hà Nam, Nam Định, Thừa Thiên Huế) và nhiều người đã không còn…
Ông Hà chia sẻ: Hồ sơ thiết lập rất công phu với nhiều cuộc họp bàn của hội đồng khoa học, của Xí nghiệp Đá Hoàng Mai và chính quyền địa phương. Vậy nên khi đưa ra đề nghị thì chưa đầy 1 tháng, ngày 27/4/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1410 về việc xếp hạng Di tích quốc gia cho Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường Sắt…
Điều đáng buồn là từ đó đến nay, Di tích lịch sử quốc gia hang Hỏa Tiễn vẫn chưa được đầu tư xứng tầm, cũng như phát huy hiệu quả.
( còn nữa)