Những hằng số phẩm chất của người Nghệ thường được điểm danh là: Trung dũng; quyết liệt; cần kiệm; khảng khái; hiếu học; giàu chí tiến thủ; chân thành, thẳng thắn… Tuy nhiên, hầu như đó cũng là phẩm chất, là cái nết của người Việt nói chung. Nếu hiểu một cách đơn giản nhất: Tính cách là “cách” thể hiện cái “tính” (hoặc cái nết) của mỗi người, hoặc của một nhóm người, thì vấn đề đặt ra ở đây chính là cái cách mà người Nghệ đã thể hiện những phẩm chất đó như thế nào, có gì khác biệt với các vùng miền khác. Điều đáng nói là hầu như các phẩm chất đó, với người Nghệ đều có xu hướng đẩy lên cao hơn, so với các cộng đồng khác. Ví dụ: Yêu nước là phẩm chất chung của người Việt, nhưng với người Nghệ yêu nước có thể được đẩy cao lên mức dám xả thân; hiếu học là phẩm chất mà người ở nhiều vùng miền có, nhưng với người Nghệ hiếu học được đẩy cao lên thành “đạo học”.
Thực tế đã chứng minh rằng những phẩm chất, dù tốt đẹp, nhưng khi bị đẩy lên cực đỉnh có khi lại thành ra là điểm yếu. Quyết liệt quá thì thành ra cực đoan; Thẳng thắn quá thì là thô ráp, cứng nhắc; Cần kiệm quá trở nên ki bo, kẹt xỉn; Khảng khái quá thì dễ là gàn; Kiên định quá thì có khi trở thành bảo thủ; Cố kết cộng đồng quá thì dễ cục bộ, địa phương, kết bè kéo cánh… Thậm chí yêu thương quá cũng có thể thành ra o bế, can thiệp, làm phiền. Cho nên, rất nhiều người đã cho rằng tính cách Nghệ nổi trội nhất chính là sự “quá”, thậm chí là “thái quá”, hoặc “cực đoan”, thậm chí là “gàn”.
Bên cạnh đó, một điểm trừ khác của tính cách Nghệ cũng bộc lộ rất rõ qua giao tiếp ứng xử. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh dùng từ “cứng cỏi” để nói về điều này. Theo ông, trong mỗi con người Nghệ đều có bốn đặc điểm: Có lý tưởng trong tâm hồn; Sự trung kiên trong bản chất; Sự khắc khổ trong sinh hoạt; Sự cứng cỏi trong giao lưu.
Tương tự, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đưa ra so sánh tính cách người ba miền: Miền Nam: Thật; Miền Trung: Thẳng; Miền Bắc: Khéo. Một nhà nghiên cứu khác (TS. Hà Nguyên Đối) cho rằng: Nếu người đồng bằng Bắc Bộ có sự ứng xử mềm mỏng, khéo léo, được mô hình hóa bằng hình tròn, thì mô hình ứng xử của người Nghệ được vẽ bằng hình vuông. Hình vuông thật dễ hiểu, thật bộc trực, thật kiên định, thật chắc chắn, nhưng rõ ràng là khó chuyển động hơn, khó thích nghi, khó hài hòa và dễ gây tổn thương cho người khác hơn so với hình tròn. Trong một xã hội duy tình, ưa chuộng sự hài hòa, thì rõ ràng mô hình giao tiếp ứng xử theo kiểu hình vuông của người Nghệ không phải lúc nào cũng được chấp nhận một cách dễ dàng.
Sự cực đoan, cộng với mô hình ứng xử theo kiểu hình vuông đã làm cho rất nhiều người Nghệ không đạt được hiệu quả sống, làm việc, học tập đúng với mức mà lẽ ra họ đã dễ dàng đạt được. Tâm lý học hiện đại đã chứng minh, bí quyết thành công của mỗi con người không chỉ phụ thuộc vào chỉ số thông minh, mà phụ thuộc vào nhiều chỉ số, trong đó có ba chỉ số cơ bản: Chỉ số thông minh (Intelligence Quotient IQ); chỉ số thông minh cảm xúc (Emotional Quotient EQ , cũng có thể gọi là chỉ số thân thiện) và chỉ số vượt khó (Adversity Quotient AQ, cũng có thể gọi là chỉ số chịu đựng). Người Nghệ vẫn thường được cho là hiếu học và học giỏi, đồng nghĩa với chỉ số thông minh (IQ) cao. Thế nhưng, có xu hướng là càng thông minh người ta càng tự tin và do đó không quan tâm, hoặc không cần quan tâm đến các chỉ số thân thiện (EQ), càng không cần đến chỉ số chịu đựng (AQ). Kết quả là trong lúc những người không thông minh lắm thì thành đạt, còn những người có chỉ số IQ cao ngất ngưởng rất dễ biến thành những “thiên tài đơn độc”, “sinh bất phùng thời”. Tình trạng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các điểm trừ trong tính cách Nghệ.
Con người là sản phẩm của lịch sử. Đối mặt với những hoàn cảnh sống, điều kiện sống mới, tính cách người Nghệ có dịp thử thách và tự biến đổi để thích nghi. Không khó để thấy rằng: Những người Nghệ có sự biến đổi tính cách mạnh nhất chính là những người Nghệ xa quê. Có thể ta vẫn thấy họ vẹn nguyên “lý tưởng trong tâm hồn; sự trung kiên trong bản chất”, như giáo sư Vũ Ngọc Khánh nói. Nhưng, hai yếu tố còn lại “sự khắc khổ trong sinh hoạt và sự cứng cỏi trong giao lưu”, thì xem ra đã thay đổi rất nhiều. Với người Nghệ ở quê hương, hầu như sự biến đổi về tính cách của mỗi giới, mỗi người tỷ lệ thuận với mức độ giao lưu với bên ngoài của họ. Chúng ta có thể cảm nhận thấy sự biến đổi của tính cách Nghệ, nhất là trong giao tiếp, ứng xử khá rõ nét qua cách sử dụng tiếng Nghệ hiện nay. Về từ vựng, dân Nghệ đã dùng tiếng phổ thông nhiều hơn, nhất là khi giao tiếp với người ngoại tỉnh. Về âm điệu, giọng nói của dân Nghệ cũng không thật nặng và khó nghe như trước. Về phong cách, những người giao tiếp nhiều với bên ngoài cũng đã tiết giảm được cả về âm lượng và tốc độ phát âm. Có thể nói đó là những chỉ dấu rất tích cực, cho thấy người Nghệ đang tự điều chỉnh mình, sao cho vừa giữ bản sắc, vừa thích nghi với điều kiện mới…
Tuy nhiên, quá trình biến đổi đó rất cần được nhận thức và định hướng một cách đúng đắn và chủ động. Như nội dung về người Nghệ và tính cách Nghệ cần được đưa vào chương trình giáo dục địa phương, để các cháu học sinh sớm biết nhận diện mình. Thông qua giáo dục nhà trường, đặc biệt là giáo dục gia đình cần dạy và rèn tập cho học sinh nhiều hơn về kỹ năng giao tiếp ứng xử, đặc biệt là các kĩ năng đắc nhân tâm. Cần lưu ý rằng trong lúc chỉ số thông minh (IQ) rất khó cải thiện, thì các chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) và chỉ số vượt khó (AQ) hoàn toàn có thể cải thiện, thậm chí thay đổi nhiều qua học tập, rèn tập về giao tiếp ứng xử, qua môi trường làm việc (nhất là làm việc nhóm), và qua trải nghiệm trong cuộc sống.
Nhưng, quan trọng nhất vẫn là phải tìm mọi cách mở rộng giao lưu, hội nhập, đưa cả nước, đưa cả thế giới đến với người Nghệ và đưa người Nghệ đến với cả nước và thế giới. Trong môi trường hội nhập sâu rộng đó, người Nghệ không chỉ thấy rõ mình hơn, mà đồng thời vừa biết tự vệ để mình vẫn là mình, vừa biết biến đổi để ít nhất là thích nghi, cao hơn là trở thành công dân toàn cầu…