Tại thị xã Cửa Lò, đền Làng Hiếu ở phường Nghi Hải là một công trình tâm linh nổi tiếng của người dân vùng ven biển. Đền được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng thờ Bản cảnh Thành hoàng. Ngoài ra, đền còn là nơi dân cư miền biển Cửa Hội chọn để thờ các vị thần như: Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, cá Ông. Cho đến nay, đền vẫn còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong, nhiều đồ tế khí, tượng pháp xưa. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh, đền Làng Hiếu đã bị hủy hoại khá nhiều. Năm 2012, đền được chính quyền cùng người dân góp công, góp sức phục dựng, tôn tạo trên nền đất cũ gồm: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện và các công trình phụ trợ. Quá trình tu bổ, tôn tạo được thực hiện theo đúng quy trình và hướng dẫn của ngành Văn hóa, đảm bảo gìn giữ những giá trị lịch sử, truyền thống…
Năm 2015 đền Làng Hiếu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ đó đến nay, hằng năm, kinh phí cho các hoạt động bảo vệ, trông coi, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình phụ trợ trong khuôn viên đền và các khoản chi thường xuyên khác hầu hết đều được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Ông Hoàng Thanh Sơn – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Cửa Lò cho biết: Trên địa bàn thị xã Cửa Lò có 35 di tích lịch sử, văn hóa được phân cấp quản lý, trong đó có 3 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia gồm: Đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, Nhà thờ Họ Hoàng Văn và 8 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là: Chùa Lô Sơn, chùa Song Ngư, đền Diên Nhất, đền Yên Lương, đền Bàu Lối, đền Làng Hiếu, nhà thờ họ Hoàng Thế, nhà thờ Phùng Phúc Kiều. Trải qua bao biến cố của thời gian, nhiều di tích đã và đang xuống cấp. Trước thực trạng đó, những năm qua, TX. Cửa Lò luôn quan tâm đến công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn và bố trí ngân sách hàng năm cho công tác này. Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động tu bổ di tích còn nhiều khó khăn, thị xã luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân dân cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức, đồng thời công khai, minh bạch các khoản đóng góp, có sự giám sát của cộng đồng, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn thị xã những năm gần đây nhận được sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa là gần 10 tỉ đồng, đầu tư cho hoạt động tu bổ, tôn tạo 14 di tích trên địa bàn thị xã.
Nằm trên địa bàn xóm Trung Chính, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn), dưới chân núi Động Sơn, đền Giáp Bảo là một trong những công trình tâm linh quan trọng của cư dân làng Dương Liễu xưa. Đền thờ Nghĩa quận công Tống Tất Thắng và những vị thần có công với quê hương đất nước. Trong kháng chiến, đền Giáp Bảo từng là nơi trú nạn của người dân địa phương. Phía sau đền, trên đỉnh Động Sơn là trận địa phòng không đánh Mỹ quan trọng của dân quân du kích địa phương. Trải qua chiến tranh, ngôi đền chỉ còn lại nền móng và một số hạng mục nhỏ như tượng voi quỳ, lầu hóa vàng… Thực hiện tâm nguyện tu bổ, tôn tạo ngôi đền xứng tầm di tích lịch sử văn hóa để tri ân công đức các vị Thành hoàng làng có công với dân với nước, người dân xóm Trung Chính đã phát tâm đóng góp công của và tiến hành xây dựng, tôn tạo lại đền Giáp Bảo.
Cụ Nguyễn Văn Đàm (78 tuổi), người tham gia khôi phục lại đền cho biết: “Khi chúng tôi bắt tay xây dựng lại đền, người dân trong và ngoài xóm ủng hộ rất nhiệt tình. Lần khôi phục thứ nhất năm 1996, trên nền đất trống đã xây dựng được cả thượng điện lẫn hạ điện. Tuy công trình còn sơ lược, chưa được khang trang, nhưng bà con địa phương cũng cảm thấy phấn khởi vì ngôi đền cổ đã được hồi sinh. Lần khôi phục thứ 2 vào năm 2020, nhờ sự đồng tâm hợp lực của bà con ở quê và con em đi xa, ban vận động đã quyên góp được hơn 220 triệu đồng, tiến hành xây dựng lại cả thượng, hạ điện, sân đền… đồng thời mua sắm thêm nhiều đồ tế khí mới. Sau khi khôi phục được cơ sở thờ tự, các nghi thức cúng tế tại đền cũng được phục dựng. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Giêng và tháng 6, làng lại tổ chức lễ lớn”.
Ông Nguyễn Văn Đường – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nam Đàn cho biết: Trên địa bàn huyện Nam Đàn có 173 di tích, trong đó có 42 di tích đã được xếp hạng (3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh). Từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã có hàng chục di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn ngân sách do tỉnh, huyện làm chủ đầu tư còn có nguồn vốn xã hội hóa do xã làm chủ đầu tư để tu bổ các di tích như đền Giáp Bảo (xã Trung Phúc Cường), Chùa Lò (xã Nam Kim), đền Nậm Sơn (xã Vân Diên), đền Trung Chính (xã Nam Lĩnh), nhà thờ Nguyễn Khắc Văn (xã Hồng Long)…
Những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, phần còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa và sự đóng góp công đức của nhân dân. Với niềm tự hào, tôn trọng di sản văn hóa của ông cha, cộng đồng dân cư các địa phương trong tỉnh ngày càng quan tâm, tham gia đóng góp, ủng hộ kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, từ năm 2015 đến năm 2021, tổng vốn đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích là 98,9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hoá 67,25 tỷ đồng (chiếm 75%). Nguồn này được sử dụng có hiệu quả cho việc phục hồi, tôn tạo di tích. Nhiều di tích được phục hồi từ 100% nguồn vốn xã hội hóa, đóng góp công đức của con cháu, các cá nhân, tập thể hảo tâm như: Chùa Cửa Lũy (Anh Sơn), đền Yên Lương, đền Mai Bảng, đền Diên Nhất (thị xã Cửa Lò), đền Vua Mai (huyện Nam Đàn); nhà thờ họ Tạ (Diễn Châu); đền Quy Lĩnh, đền thờ Hồ Phi Tích, đền Vua Hồ, đền Thượng (Quỳnh Lưu); đền Quả Sơn (Đô Lương), đền – Chùa Bình An (thị xã Hoàng Mai)…
Có thể thấy việc xã hội hóa tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử được xem là giải pháp then chốt trong huy động nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích. Tuy nhiên, xung quanh hoạt động này vẫn còn những khó khăn, bất cập. “Việc xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích hiện nay chủ yếu đối với những di tích có yếu tố văn hóa tâm linh như đền, chùa. Bởi các di tích này hàng năm có rất đông du khách thập phương đến tham quan nên nguồn công đức ủng hộ lớn; nhiều di tích dòng họ, con cháu đỗ đạt, thành danh nên ủng hộ xây dựng nhiều. Trong khi đó, các di tích ít có yếu tố tâm linh hay di tích cách mạng thì việc xã hội hóa sẽ khó khăn hơn. Và thực tế ở các di tích này, việc phát huy giá trị di tích và huy động xã hội hóa trong bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích chưa đạt nhiều kết quả”, bà Phan Thị Anh – Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao) chia sẻ.
Ngày 9/12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có nội dung hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích đã được xếp hạng. Theo đó, các di tích xếp hạng cấp Quốc gia; di tích lịch sử cách mạng; di tích lưu niệm danh nhân; di tích là đình, đền; di tích khảo cổ xếp hạng cấp tỉnh được hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/di tích. Các di tích xếp hạng cấp tỉnh thuộc quyền sở hữu cộng đồng được hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/di tích. Các di tích thuộc quyền sở hữu tài sản của cá nhân, gia đình, dòng tộc (từ đường, nhà thờ họ) được hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/di tích.
Theo ông Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, nghị quyết này đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, so với số lượng và thực trạng di tích trên địa bàn tỉnh, rất cần sự chung sức của cả cộng đồng trong việc đóng góp vật chất, trí tuệ để các di sản xuống cấp được tu bổ tôn tạo vừa kịp thời, đồng bộ, bởi di tích không chỉ là tài sản của cộng đồng dân cư, của Quốc gia mà trước hết là tài sản văn hóa tinh thần của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Khi nào và ở đâu mà cả chính quyền và người dân cùng tham gia quản lý, bảo tồn di tích, cùng biết cách khai thác đúng cách, đúng mục đích thì khi đó di tích sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng và khuyến khích nhân dân tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa./.