Từ thị trấn Mường Xén, trầy trật mãi trên hơn ba chục cây số đường khúc khuỷu, gồ ghề, lầy lội dưới cơn mưa rừng xối xả, chúng tôi cũng tới được đồn Biên phòng Mường Ải (Kỳ Sơn). Chưa kịp cởi áo mưa, đã thấy hai cậu bé chừng 8 đến 12 tuổi nhanh nhẹn chạy ra chào. Thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, thiếu tá Trần Văn Thế – Chính trị viên phó cười giải thích “đây là hai bộ đội nhí, con nuôi chung của cán bộ, chiến sỹ của đồn…”.
Trong câu chuyện ngay sau đó, chúng tôi được biết hai “bộ đội nhí” là Cụt Văn Nam, SN 2010, dân tộc Khơ Mú, ở bản Xốp Lau và Xồng Bá Cha, SN 2008, dân tộc Mông ở bản Ải Khe. Cả hai đều là học sinh Trường Tiểu học Mường Ải, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Đồn Biên phòng Mường Ải nhận đỡ đầu và đưa về nuôi từ đầu năm 2019.
Gây ấn tượng nhất là cậu bé Xồng Bá Cha, học sinh lớp 5 nhưng vóc dáng nhỏ gầy như mới học lớp 3. Bố Cha mất khi em mới được vài tháng tuổi, mẹ em sau đó tái hôn với một người ở tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và từ năm 2013 đến nay chưa một lần về thăm con. Bá Cha sống trong sự cưu mang của ông bà nội ở cụm bản Ải Khe nhưng ông bà cũng đã ngoài 70 tuổi, hầu như không còn khả năng lao động, nhưng hàng ngày vẫn phải lên rẫy để kiếm lương thực nuôi Xồng Bá Cha và 4 đứa cháu nữa. Thế nên, bữa ăn của ông bà và các cháu có khi chỉ có cháo loãng. “Hoàn cảnh gia đình khiến Cha gầy đen, nhỏ thó và sống thu mình, mặc cảm, tự ti, có những lúc em đến trường nhưng suốt buổi không nói năng gì. Cán bộ, chiến sỹ của đồn đã đón cháu về chăm sóc, nuôi dưỡng” – Trung úy Moong Văn Thái, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Mường Ải cho hay.
Cũng được BĐBP nhận nuôi dưỡng nhưng cậu bé Cụt Văn Nam may mắn hơn là vẫn còn mẹ và anh trai. Bố Nam đã mất, 3 mẹ con em nương tựa vào nhau nhưng đợt bão số 4, ngôi nhà – tài sản duy nhất của 3 mẹ con bị lũ cuốn trôi, hiện tại mẹ và anh trai Nam đang phải ở nhờ nhà người thân còn Nam được cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Mường Ải đem về nuôi dưỡng, chăm sóc.
Khi mới về đồn, các em như cánh chim non co mình lại giữa giông bão cuộc đời, ngại giao tiếp, học lực yếu, chưa biết vệ sinh cá nhân và chưa thuộc cả bảng cửu chương. Sống thiếu vắng tình yêu của cha mẹ, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, đôi mắt thơ ngây của các em lúc nào cũng phảng phất nét buồn…
Thiếu tá Vừ Bá Rê – Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Ải cho biết: thời gian đầu mới đưa các cháu về đồn, anh em phải thay nhau trò chuyện, tâm sự, chia sẻ để các cháu dần mở lòng với mọi người. Cha và Nam được bố trí ở cùng phòng và do Trung úy Moong Văn Thái – Đội trưởng Đội vận động quần chúng trực tiếp chăm sóc, kèm cặp. Anh Thái là người Khơ Mú, biết cả tiếng Mông nên thuận tiện hơn trong việc giao tiếp với hai cậu bé. Quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các chú bộ đội, được chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ đến đầu tóc, quần áo, hai cậu bé đã có sự “lột xác” bất ngờ, biết vệ sinh cá nhân, tự giặt quần áo và có thể gấp chăn màn gọn gàng, vuông bánh chưng kiểu bộ đội.
Trung úy Moong Văn Thái cho hay, thời gian sống với các cháu chưa dài, nhưng bản thân anh và đồng đội thực sự coi hai đứa trẻ như con. “Chúng tôi cố gắng hướng dẫn các cháu ý thức tự lập, tự giác trong sinh hoạt và học tập, giờ các cháu đã mạnh dạn, tự tin hơn không còn mặc cảm, thu mình như trước…”, Trung úy Thái chia sẻ.
Và có lẽ đúng như ai đó đã nói “chỉ có tình yêu thương mới đem được ánh sáng đến những nơi nhiều bóng tối nhất”, giờ đây đối với Cha và Nam, Đồn biên phòng Mường Ải chính là nhà và các chú bộ đội biên phòng là người thân. Các cháu còn gọi những người trực tiếp chăm sóc mình như Trung úy Thái là “Bố Thái” một cách tự nhiên.
Thỉnh thoảng, khi nhớ người thân, hai cậu bé lại được các chú biên phòng chở về thăm bản một vài hôm, có khi các chú chưa kịp đón thì đã tự đi bộ trở về đồn như câu chuyện của Xồng Bá Cha. Từ bản Ải Khe của Cha đến đồn Mường Ải là một hành trình dài đối với một cậu bé mới học lớp 5, chưa kể phải đi qua cung đường tuần tra biên giới nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ rất nguy hiểm. Khi được hỏi sao cháu không đợi các chú lên đón hoặc nhờ trưởng bản gọi cho các chú? Cha gãi đầu bẽn lẽn “Tại cháu nhớ bố Thái, em Nam và các chú trong đồn quá, nghe các chú phân tích, cháu biết lỗi rồi”!
Giờ đây Cha và Nam dường như đã quen với nếp sinh hoạt của bộ đội. 5 giờ sáng khi sương mù còn bảng lảng trên những ngọn núi, những hồi kẻng vang lên, ngó ra sân, chúng tôi đã thấy hai “bộ đội nhí” lũn chũn đứng trong hàng ngũ tập thể dục với các chú bộ đội. Ngoài giờ lên lớp và ôn bài, hai cậu nhóc lại theo các chú ra vườn tăng gia sản xuất; tranh nhau tưới cây, nhổ cỏ, chăm sóc những luống rau xanh tốt, nghịch ngợm trêu đùa với những tiếng cười giòn tan, trong veo. Có lúc, hai bộ đội nhí còn tình nguyện làm trọng tài cho những trận đấu bóng chuyền vui vẻ của các chú biên phòng vào mỗi buổi chiều muộn. Tuy Cha là người Mông, Nam là người Khơ Mú nhưng cả hai đã coi nhau như anh em ruột thịt, gọi “anh”, xưng “em” một cách thân thiết.
Có lẽ đối với những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt như Xồng Bá Cha và Cụt Văn Nam, có một nơi trú ngụ ấm áp, an toàn, được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, được tiếp tục cắp sách tới trường là một giấc mơ xa vời đã trở thành hiện thực. Theo lời thầy cô ở Trường Tiểu học Mường Ải thì từ khi được Đồn Biên phòng Mường Ải đón về chăm sóc, bên cạnh sự ổn định về sức khỏe, học lực, ý thức kỷ luật của các em cũng tiến bộ thấy rõ, cả hai đều ngoan ngoãn, lễ phép.
“Ngoài việc lo “trọn gói” từ việc ăn uống đến quần áo, giày dép, sách vở, đồ dùng thì đồn còn phân công các chiến sĩ trẻ có trình độ, chịu trách nhiệm kèm cặp việc học tập cho các cháu, thường xuyên trao đổi với các thầy cô giáo để theo dõi tình hình của các cháu ở trường. Khi Cha và Nam bước vào kỳ nghỉ hè, các chiến sỹ trẻ trong đồn vẫn sắp xếp thời gian ôn bài cùng các cháu để tránh bị hổng kiến thức. Từ chỗ chưa thạo làm tính, thậm chí còn chưa đọc thuộc bảng cửu chương nay hai cháu đã có thể làm toán thành thạo, bảng cửu chương đọc vanh vách…”, Thiếu tá Trần Văn Thế – Chính trị viên phó đồn Mường Ải cho hay.
Nguồn kinh phí để chăm lo cho các cháu, được Đồn biên phòng Mường Ải huy động từ sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, chiến sỹ, theo đó cán bộ ủng hộ mức 30 nghìn đồng/tháng, chiến sỹ ủng hộ 10 nghìn đồng/tháng. Ngoài 2 cháu Nam và Cha được nuôi dưỡng trực tiếp tại đơn vị, thực hiện chương trình “nâng bước đến trường” đồn biên phòng Mường Ải còn nhận hỗ trợ 2 em học sinh tại địa bàn quản lý và một em học sinh người Lào với mức 500 nghìn đồng/em/tháng.
Ông Lữ Quang Hưng – Chủ tịch UBND xã Mường Ải cho biết: Việc đồn biên phòng nhận các cháu hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Xồng Bá Cha và Cụt Văn Nam về chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị là một nghĩa cử cao đẹp, được người dân ghi nhận, trân quý. ”Từ những cậu bé rụt rè, yếu ớt về thể lực, khi được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với BĐBP, các em đã trở nên tự tin, mạnh dạn hòa nhập với mọi người xung quanh, chính quyền địa phương, thầy cô giáo và gia đình các em thực sự rất vui mừng và biết ơn BĐBP”, ông Hưng chia sẻ.
Ngồi cạnh chúng tôi trong buổi chiều muộn trước khu thể thao trong khuôn viên đồn, khi được hỏi ở chung với các chú bộ đội các cháu có thích không? Cậu bé Cụt Văn Nam cười tít mắt : “Cháu thích lắm, sáng được ăn no, tối được uống sữa và được các chú hướng dẫn học bài nữa”. Còn Xồng Bá Cha thì khẽ đáp “Cháu rất vui nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ ông bà? Mai các chú đưa cháu và các cô về thăm ông bà nhé”, nghe Thiếu tá Trần Văn Thế quay sang hỏi, ánh mắt Xồng Bá Cha lấp lánh niềm vui, cậu bé khẽ gật đầu, cười vui vẻ.
Sáng hôm sau, chúng tôi đã có một chuyến hành trình lên cụm bản Ải Khe để thăm ông Xồng Bá Pó và bà Lỳ Y Pay, ông bà nội của Xồng Bá Cha. Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Chi bộ bản Ải Khe Xồng Bá Sênh cho biết, lần nào bộ đội biên phòng đưa Xồng Bá Cha về thăm nhà, ông Xồng Bá Pó cũng xúc động tỏ lòng biết ơn các anh bộ đội biên phòng đồn Mường Ải đã chăm sóc, cưu mang đứa cháu côi cút tội nghiệp của mình. Hai ông bà không biết chữ cũng không nói được tiếng Kinh nên phải nhờ Bí thư Xồng Bá Sênh phiên dịch. Trong những giây phút gặp gỡ xúc động trong gian bếp nhỏ mang đậm nét truyền thống của người Mông, Xồng Bá Cha ngồi cạnh ông bà nội, những giọt nước mắt mừng tủi không ngừng rơi trên khuôn mặt non nớt, còn ông Xồng Bá Pó vừa ôm cháu vừa xúc động giãi bày “ông bà như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào, chỉ thương cháu mồ côi, nay cháu được ở cùng với các anh bộ đội biên phòng, ông bà yên tâm lắm”, “Nhờ các chú dạy bảo cháu nên người, có tương lai tốt đẹp hơn”, ông Pó vừa nói vừa nắm lấy tay các chiến sỹ biên phòng mãi không buông…
Rời bản Ải Khe, chia tay cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Ải, tạm biệt dải đất biên cương còn khó khăn, nhọc nhằn mà ấm áp ân tình, suốt dọc đường đi, đọng lại trong chúng tôi là hình ảnh ngọn đèn trong căn phòng nhỏ cuối dãy nhà 2 tầng- nơi mỗi tối vẫn vang lên tiếng đọc bài ê a của hai mái đầu nhỏ, nơi in dấu sự tận tụy, ấm áp của những người luôn coi “ đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Từ ánh sáng của những ngọn đèn thắp lửa ước mơ, cùng với tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc của người lính biên phòng, những cánh chim nhỏ như Cha và Nam sẽ dần cứng cáp, tiếp nối ước mơ trở thành người lính quân hàm xanh, góp sức xây dựng bản làng giàu mạnh, no ấm và bình yên.