Trước thiên tai bão lũ liên tục gieo rắc thảm họa cho miền Trung, với những trải nghiệm có được từ nghề báo, tôi có viết trên facebook cá nhân một vài dòng liên quan đến việc một dự án thủy điện ở Tương Dương xả lũ về đêm. Có một vài bạn đã cho rằng, như thế là chưa công bằng, là mang tâm lý ghét thủy điện, và khẳng định thủy điện không có lỗi trước lũ lụt.
Đọc những ý kiến ấy, tự hỏi mình có ghét thủy điện không nhỉ?
Câu trả lời là không. Hoàn toàn không! Nghề báo, với những công cụ để hành nghề, như chiếc máy tính hiệu Vaio cổ lỗ, cứ phải lôi những lằng nhằng dây rợ cắm trực tiếp vào ổ điện thì mới khởi động được. Nó chứng tỏ là tôi rất cần điện. Mà để có điện, thì đương nhiên cần đến các công trình thủy điện. Vì cho đến thời điểm hiện tại, thủy điện vẫn đang là lực lượng chủ lực sản xuất năng lượng phục vụ người dân cả quốc gia hình chữ S.
Nhưng về quy trình vận hành xả lũ của các ông chủ nhà máy thủy điện; và về công tác khảo sát, thẩm định, quy hoạch xây dựng mạng lưới dự án thủy điện, thẳng thắn rằng có không ít điều đáng để băn khoăn.
Xin nhắc lại việc nhà máy thủy điện nọ xả lũ cuối tháng 10 vừa qua. Vào lúc 19h ngày 29/10/2020, nhà máy này phát hành thông báo điều tiết nước, hay gọi nôm na là xả lũ (Thông báo số 250/TB-KHPP), thời gian dự kiến là 4h ngày 30/10/2020. Do lưu lượng nước về hồ lớn, nhà máy có thông báo mới điều chỉnh giờ xả lũ lúc 0h30 ngày 30/10/2020 (Thông báo số 251/TB-KHPP). Tức là, sẽ xả lũ sớm hơn 3 tiếng đồng hồ.
Tại thông báo số 251, những người vận hành nhà máy thủy điện ấy nêu mục tiêu rất rõ là để các đơn vị liên quan biết, triển khai các biện pháp ứng phó đảm bảo cho người và tài sản. Nhưng thử phân tích, từ 19h (tức là 7 giờ tối) thì ra Thông báo 250; để đến khi nhận biết lưu lượng nước về hồ lớn, ra được Thông báo số 251, chắc chắn sẽ phải thêm một khoảng thời gian nữa. Như vậy là từ khi có Thông báo 251 đến thời điểm xả lũ 0h30, thời gian bị rút xuống chỉ còn khoảng 3 – 4 tiếng đồng hồ. Cần nhớ đây là thời gian về đêm, là đêm khuya; thông tin lại chuyển qua nhiều cấp mới triển khai xuống đến các vùng dân cư ven sông có nguy cơ chịu lũ. Như vậy, rõ ràng là hết sức bất lợi, rất khó để cán bộ cơ sở và người dân kịp thời ứng phó để “đảm bảo cho người và tài sản”.
Nguyên tắc lòng hồ chứa thủy điện là luôn phải dự phòng một dung tích đủ để đón nhận nước lũ về hồ. Để khi cần thiết xả lũ thì có đủ thời gian thông báo đến các cơ quan chức năng, người dân vùng hạ du…; để lưu lượng xả thấp hoặc cùng lắm là ngang bằng nước về hồ, tránh gây lũ nhân tạo lớn hơn lũ tự nhiên. Nhưng với việc nhà máy thủy điện nọ ra thông báo cấp tập, trong đêm khuya như thế, là bất hợp lý, cần phải đặt câu hỏi về quy trình xả lũ của thủy điện này!.
Còn về công tác khảo sát, thẩm định, quy hoạch, xây dựng mạng lưới dự án thủy điện, mới đây, một nhà khoa học của tỉnh thông tin, Liên hiệp các Hội Khoa học – kỹ thuật Nghệ An đang nghiên cứu thực hiện đề án: “Điều tra, đánh giá những tác động tiêu cực của hệ thống các công trình thủy điện ở Nghệ An đến môi trường và đề xuất giải pháp giảm thiểu các tác động”.
Sở dĩ thực hiện đề án này là vì Liên hiệp các Hội Khoa học – kỹ thuật Nghệ An đánh giá với số lượng nhà máy thủy điện được bố trí xây dựng dày đặc trên các hệ thống sông, nhiều dòng sông ở Nghệ An đang bị “băm nát”, vì vậy, đã và đang gây nên những hệ lụy trầm trọng.
Đó là tác động trực tiếp và gây nên khá nhiều bức xúc trong nhân dân bị ảnh hưởng là công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư; là tiêu cực về môi trường nặng nề và lâu dài, vì đã nhấn chìm rừng đầu nguồn; thay đổi dòng chảy; ngăn dòng trầm tích; dòng chảy cạn kiệt; hạn chế cấp nước cho các mục tiêu khác; thay đổi theo hướng xấu đi của chất lượng nước; góp phần gây nên hiện tượng xâm nhập mặn tại vùng hạ lưu các dòng sông; là một trong những nguyên nhân gây lũ lụt nghiêm trọng, đặc biệt trong các tình huống cực đoan khi nước biển dâng, trời xả mưa, thủy điện xả lũ…
Tôi tìm hiểu được biết, toàn tỉnh Nghệ An có 32 dự án thủy điện thuộc quy hoạch được phê duyệt. Trong số đó, có 13 dự án đã vận hành; 2 dự án đang chạy thử; 9 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai.
Bởi vậy, đã hỏi các nhà quản lý lâm nghiệp, rằng với sự hiện diện của 24 thủy điện (đã vận hành, đang chạy thử, và đang triển khai), tỉnh Nghệ An mất bao nhiêu ha rừng tự nhiên? Câu trả lời nhận được là mất hơn 2.100 ha rừng các loại; các nhà máy thủy điện đã nộp kinh phí để trồng bù rừng với số tiền hơn 31 tỷ đồng; và việc trồng bù rừng là hơn 2.200 ha. Nhưng họ cũng thẳng thắn thừa nhận rằng chất lượng rừng trồng không sánh được với rừng tự nhiên, kể cả là rừng tự nhiên hạng nghèo kiệt, nhất là về yếu tố giữ nước, chống sạt lở đất!.
Đấy. Chuyện về thủy điện và các vấn đề xung quanh nó là vậy đấy. Dẫn ra ít dòng như thế để thấy, nói về thủy điện, không vì sự yêu, ghét. Mà là muốn gửi tới các nhà quản lý, các ông chủ nhà máy thủy điện, rằng có những bất hợp lý đang tồn tại gây nên nhiều hệ lụy. Cần khắc chế, loại trừ!