Gần 2 tháng nay, điểm trường chính của Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương) có thêm những thành viên mới, đó là những học sinh người Mông ở bản Phá Kháo xuống để học bán trú. Về với điểm trường này, các em có thêm ngôi nhà thứ 2 và những thầy giáo, cô giáo xem các em như những người thân trong gia đình.
Về với cô, thầy
Gọi là điểm trường chính nhưng nơi “đóng đô” của Trường Tiểu học Mai Sơn ở bản Huồi Tố cũng chỉ có 5 phòng học dành cho 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Nằm không xa dãy phòng học mới được đưa vào sử dụng là khu nhà công vụ của giáo viên được dựng khá thô sơ với 3 phòng ngủ và 1 khu nhà bếp đã xuống cấp. Từ khi trường đón thêm học trò từ điểm trường Phá Kháo xuống, phòng ngủ của thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thế Quảng trở thành phòng ký túc cho các em. Các thầy giáo, ngoài nhiệm vụ dạy chữ ở trường còn đảm nhận thêm công việc của người cha, người mẹ trong gia đình.
Phá Kháo là một trong những điểm trường khó khăn và xa xôi nhất của xã Mai Sơn. Cách đây 3 năm đúng vào dịp năm học mới, 2 trận mưa liên tiếp đã làm sụt lún và hư hỏng nhiều phòng của trường. Gần đây, điểm trường Phá Kháo mới tiến hành được khảo sát và cấp kinh phí để xây dựng 3 phòng học lắp ghép dành cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, toàn điểm trường Phà Kháo có hơn 20 em, nên dù đã học ghép thì cũng chỉ đủ cho 3 lớp ghép là lớp 1-2, lớp 3 và lớp 4. Riêng 7 em lớp 5 trường không có phòng học, cũng không thể ghép học chung với lớp 4 vì lo ngại sĩ số quá đông. Để đảm bảo việc học của các em, nhà trường vận động phụ huynh đưa học sinh lớp 5 về điểm trường chính là Trường Tiểu học Mai Sơn tại bản Huồi Tố.
Từ điểm trường Phá Kháo về điểm trường chính Tiểu học Mai Sơn có quãng đường dài hơn 15 km. Chặng đường đó, nếu tính theo đường chim bay thì chỉ mất vài chục phút đi xe máy. Nhưng từ Phá Kháo về Mai Sơn lại chủ yếu là đường rừng, dốc đá cheo leo nên để vận động phụ huynh cho con em xuống núi, đưa các em về điểm trường chính thật không đơn giản chút nào. Kể về quá trình vận động, thầy giáo Đào Xuân Hải – Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Bắt đầu từ cuối năm học trước, trường đã đặt vấn đề với người dân về việc sáp nhập học sinh lớp 5. Tuy nhiên, vì tuổi các em còn nhỏ nên bà con dân bản còn e ngại chưa đồng tình. Sau này, chúng tôi phải gặp trưởng bản, đến từng gia đình thuyết phục và cam kết với phụ huynh học sinh xuống núi sẽ tốt hơn nên bà con dân bản mới dần yên tâm…”.
Để thuyết phục bà con, thầy giáo Già Bá Già – giáo viên đang dạy ở điểm trường Phá Kháo đã tiên phong đưa con gái của mình là Già Kiều Trang mới học lớp 3 xuống học ở điểm trường chính. Tin theo thầy Già, các phụ huynh còn lại đã không còn ngần ngại đưa sách vở, áo quần và đem các con xuống điểm trường chính Tiểu học Mai Sơn học chữ. Vì chỉ mới lên 9, lên 10 nên những ngày mới xuống trường, dường như ngày nào cũng có một vài cô bé, cậu bé khóc vì nhớ nhà. Nhưng hiện tại sau hơn 1 tháng, tất cả đã làm quen với cuộc sống tập thể. Nhiều học sinh còn hồn nhiên bảo ở với thầy, cô sướng hơn ở nhà, được ăn uống đầy đủ hơn, được chăm sóc nhiều hơn. Thầy hiệu trưởng cũng nói thêm rằng: “Trong số 8 học trò về điểm trường chính thì hơn một nửa là bố mẹ đi làm ăn xa và các em chủ yếu chỉ ở với ông bà. Thế nên, xuống đây phụ huynh cũng yên tâm hơn vì được các thầy, cô chăm lo như người thân trong gia đình”.
Nuôi khát vọng đến trường
Mai Sơn cho đến thời điểm này vẫn là điểm trường xa xôi nhất của huyện Tương Dương. Ngày trước, để đến được Mai Sơn, từ thị trấn Hòa Bình ngồi thuyền về đến trung tâm xã cũng ngót nghét mất 1 ngày trời. Từ ngày có Thủy điện Bản Vẽ, nước dâng ngập lòng hồ, ít ai còn đến Mai Sơn bằng đường thủy. Thế nhưng, để đi đường bộ cũng nhiều gian nan, bởi phải ngược lên huyện Kỳ Sơn qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mỹ Lý và qua nhiều đoạn đường núi khúc khuỷu mới vào được đến điểm trường chính… Hiện Trường Tiểu học Mai Sơn, ngoài điểm trường chính đóng ở Huồi Tố, trường còn các điểm trường lẻ đóng ở các bản Huồi Xá, Phá Kháo, Piêng Coọc và Cha Lo với 5 lớp ghép.
Chúng tôi đến điểm trường chính của Trường Tiểu học Mai Sơn vào một buổi tối muộn, trời mưa và se se lạnh. Nhưng rồi cái rét buốt đã được xua tan khi trong một đêm xa nhà ở vùng biên ải bỗng thấy ánh điện sáng, tiếng học bài ê a và những mái đầu chụm vào nhau trong lớp học. Đồng hành với các em trong những tiết phụ đạo buổi tối cũng chính là thầy, cô giáo đang ở nội trú tại trường. Gặp thầy giáo Lương Trung Kiên – chủ nhiệm lớp 5A, thầy cho biết: “Ban đầu mới xuống các em ở Phà Kháo còn khá bỡ ngỡ, ngại không tiếp xúc với các bạn. Để các em làm quen với môi trường mới, chúng tôi xếp các em ngồi xen kẽ với các bạn cùng lớp và tổ chức thêm nhiều trò chơi tập thể để các em nhanh chóng hòa nhập. Buổi tối, chúng tôi sẽ hỗ trợ các em làm bài tập, hướng dẫn lại những phần các em chưa hiểu… “Mưa dầm thấm lâu” nên xuống trường được hơn 1 tháng các em đã làm quen với môi trường mới, mạnh dạn, tự tin. Cuối tuần khi được gia đình đón về nhà, các em lại hẹn thầy, cô đầu tuần em sẽ lên sớm, sẽ không bỏ học…
Thầy Kiên cũng cho biết thêm, ngoài học chữ, các em cũng được kèm thêm môn tiếng Việt, bởi dù học đến lớp 5, nhưng do ở trong bản vùng sâu, vùng xa biệt lập, nên kỹ năng tiếng Việt của các em còn hạn chế. Ngoài ra, 8 em ở Phá Kháo là học sinh người Mông, khi xuống trường chính lại học cùng với các bạn người Thái nên các em được tăng cường dạy nói tiếng Việt và cách giao tiếp. Đáng mừng là chỉ sau 2 tuần, các em đã hòa nhập tốt với các bạn trong lớp, trong trường.
Ở lại với Mai Sơn trọn 1 ngày, mới thấy việc giữ chân học trò của các thầy, cô giáo vùng cao cũng thật lắm gian nan. Được biết, trước khi học trò xuống trường, các thầy, cô cũng phải nghĩ ra nhiều cách để khi về nơi ở mới học sinh không khóc, không đòi bố mẹ. Như hiện tại, toàn trường chỉ có duy nhất một chiếc ti vi 32 inches. Biết học sinh thích xem phim hoạt hình và các chương trình thiếu nhi, cứ đến cuối tuần các thầy, cô lại ngược ra thị trấn, copy những chương trình hay rồi về mở cho học sinh giải trí buổi tối, trước khi các cháu đi ngủ. Rồi việc các cháu ăn gì cũng phải suy nghĩ, bởi đặc thù học sinh người Mông khác nhiều với học sinh người Thái hay người Khơ mú. Từ khi có thêm học trò, bếp ăn của thầy, cô cũng là bếp ăn của trò.
Thầy giáo Kha Văn Đại là người bản địa nên được nhà trường tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Nói về những “đứa con” của mình, thầy Đại cho biết: “Các em học sinh ở Mai Sơn được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, mỗi tháng có 15 kg gạo và trợ cấp gần 600.000 đồng. Thầy, cô trồng thêm rau, chăn nuôi… phụ vào nấu cơm cho các em”. Xuống đây, chúng tôi phải hướng dẫn các cháu làm vệ sinh buổi sáng, tập thể dục và còn nhắc nhở các cháu làm quen với sinh hoạt tập thể…
Gieo chữ trên vùng khó
Chủ trương đưa học sinh người Mông ở bản Phá Kháo xuống với điểm trường chính không chỉ giải quyết bài toán trước mắt là thiếu phòng học mà còn nhằm giúp học sinh của trường được học và thụ hưởng đầy đủ các môn học theo như chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thầy Đào Xuân Hải – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn chia sẻ: “Khi học ở điểm trường lẻ trong một lớp học ghép thì rõ ràng việc tổ chức dạy và học sẽ không thuận lợi, chất lượng cũng không đảm bảo. Bản thân các em cũng sẽ thiệt thòi vì sẽ không được tham gia các hoạt động tập thể, không được học các môn năng khiếu, không có nhiều những tiết học kỹ năng… Sự thiếu hụt này sẽ là một khoảng trống rất lớn khi các em lên THCS”.
8 học sinh Phá Kháo cũng chỉ là những bước khởi đầu. Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Mai Sơn đang ấp ủ kế hoạch sáp nhập thêm nhiều điểm trường khác dành cho các khối 3, 4, 5 để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình phổ thông tổng thể mới… Chặng đường sẽ còn những khó khăn và phía trước vẫn còn những thách thức nhưng trong giai đoạn “giao thoa” này, dường như đã có những hy vọng, bởi ngoài sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh, học sinh thì cũng đã có những giáo viên trẻ, có năng lực, tình nguyện ở lại với các em. Cô giáo Ngân Thị Thanh Nhàn là một trong ít sinh viên vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm Tiểu học – Trường Đại học Vinh là người như thế. Sau khi tốt nghiệp, bỏ lại sau lưng những cơ hội được làm việc ở một số trường tiểu học ở thành phố và rất nhiều cơ hội ở những vùng thuận lợi hơn, Nhàn đã chọn Mai Sơn làm nơi dừng chân của mình. Lý giải về sự lựa chọn này, Nhàn nói rằng “em muốn về cống hiến cho quê hương bởi Tương Dương chính là nhà của em, bố mẹ em cũng là những người làm trong ngành Giáo dục”. Lý do chính là vậy, nhưng trong sâu thẳm của một người giáo viên trẻ, Nhàn muốn từ nơi khó khăn này những điều em mới được học, được tiếp cận sẽ có cơ hội được phát huy và từng bước làm thay đổi nhận thức và sự học cho con trẻ… Trong những tháng đầu tiên mới đứng lớp, Nhàn đã tự tin hơn bởi một số bài học kỹ năng để học sinh mạnh dạn, tự tin được em áp dụng và học trò rất thích: “Ban đầu học sinh có sự bỡ ngỡ nhưng chỉ một thời gian ngắn các em các tiếp cận bài học rất nhanh – đó là thành công đầu tiên của em rồi!”. Nhàn phấn khởi cho biết.
Ngoài những giáo viên trẻ thì ở Mai Sơn có rất nhiều giáo viên đã đứng tuổi, gần về hưu nhưng vẫn tình nguyện ở lại với học trò. Ở khu nhà “nội trú” này, dù mới chuyển đến nhưng học sinh xem cô giáo Trần Thị Hồng như “mẹ”, bởi chị là người lớn tuổi nhất và cũng là người theo sát việc ăn, việc ngủ của học sinh. Người giáo viên chỉ khoảng 1 năm nữa là về hưu tâm sự: “Ở nhà tôi đã có cháu ngoại, cháu nội nên xem học trò như cháu, con của mình. Thương nhất là những em bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có ông bà. Lần nào về nhà, có thêm bánh kẹo, tờ báo hay quyển truyện tôi lại đem vào để động viên các em”. Sự tận tình, hy sinh của những giáo viên đầu thượng nguồn Nậm Nơn cũng đã tiếp thêm niềm tin về sự nghiệp giáo dục ở một trong những ngôi trường khó khăn nhất của tỉnh nhà.
Chia tay thầy, cô ở Mai Sơn, chúng tôi cũng đã nghĩ nhiều về một ngôi trường bán trú dành cho học sinh vùng cao… Và sự nghiệp trồng người, nếu chỉ có sự tâm huyết, nếu chỉ có tấm lòng…, e rằng vẫn còn lắm chênh vênh!