Đến thời điểm hiện tại, huyện Con Cuông đã có 7 sản phẩm dược liệu đạt chuẩn OCOP 4 sao. Và người dân ở khá nhiều thôn bản vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát đã coi trọng cây dược liệu, xác định là loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế...
Chúng tôi đến thôn 2-9, xã Châu Khê, huyện Con Cuông dịp đầu tháng 12/2021. Tiếng là thôn của xã biên giới, nhưng như Trưởng thôn, anh Phan Đình Thuận cho biết, phần lớn người dân nơi đây đều từ huyện Nam Đàn lên lập nghiệp. “Như tôi nguyên quán xã Nam Cường, vùng lụt của huyện Nam Đàn…”, anh nói. Cùng anh Thuận thăm thú ruộng đồng, dịp này phần lớn trống trải bởi các loại cây trồng đều đã thu hoạch, chỉ những vùng trồng cây dược liệu thì hẵng đang xanh tốt bời bời. “Thôn 2-9 hiện đang có 3 ha đất trồng cây dược liệu cà gai leo…”, anh Thuận giới thiệu.
Người dân thôn 2-9 biết đến Công ty CP Dược liệu Pù Mát và trồng cây dược liệu từ cuối năm 2019. Ngày ấy, trên những diện tích hiện trồng cà gai leo, người dân đang trồng mía, với thu nhập khoảng 65 triệu đồng/ha/năm. Dù thu nhập từ cây mía không cao, nhưng ổn định từ nhiều năm. Thế nên, khi xã định hướng, chuyển đổi sang trồng cà gai leo thì hầu như ai cũng ngần ngại. Cái loại cây thân gai, gầy guộc có những bông hoa tím nhỏ này thì có ích lợi gì? Có khó trồng, khó chăm sóc và có hiệu quả kinh tế hay không? Những câu hỏi này được Công ty CP Dược liệu Pù Mát giải đáp đầy đủ. Sau đó, người dân được tập huấn, được cam kết hỗ trợ cây giống, phân bón và có cán bộ xuống tận ruộng để hướng dẫn từ cách làm đất, cách trồng, chăm sóc… Kết lại, có 24 hộ đăng ký tham gia với diện tích 1ha.
Cây cà gai leo khá dễ tính. Sau khi cây giống bén rễ thì chỉ việc nhặt cỏ, chỉ bận bịu chút kiểu “nuôi con mọn”. Đến kỳ thu hoạch, Công ty CP Dược liệu Pù Mát tổ chức thu mua toàn bộ, giá trị thu về cao hơn nhiều so với trồng mía, thế nên ai cũng phấn khởi. Từ 1 ha ban đầu, đến năm 2021, diện tích được mở rộng nâng lên 3 ha với 30 hộ tham gia. Hỏi anh Phan Đình Thuận: “Thu nhập của người dân từ trồng cây cà gai leo chính xác là bao nhiêu?” thì được trả lời: “Cây cà gai leo cho thu nhập khoảng 220 triệu đồng/ha/năm. Gấp gần 4 lần so với trồng mía…”. Rồi anh nói ra tâm nguyện của người dân trong thôn: “Qua năm thứ hai gắn bó với Công ty CP Dược liệu Pù Mát để trồng cây dược liệu, người dân thôn 2-9 mong Công ty sẽ tiếp tục phát triển để mở rộng vùng nguyên liệu. Như vậy, số hộ dân của thôn được tham gia trồng dược liệu sẽ nhiều hơn…”.
Trên địa bàn huyện Con Cuông, ngoài thôn 2-9 xã Châu Khê, đã có thêm khá nhiều hộ dân của các xã Chi Khê, Lạng Khê, Cam Lâm, Thạch Ngàn, Lục Dạ tham gia trồng cây dược liệu với Công ty CP Dược liệu Pù Mát, với tổng diện tích hơn 20ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lương Đình Việt vắn tắt rằng, khởi thủy việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn bắt nguồn từ chủ trương của tỉnh, quyết tâm tạo dựng 100 sản phẩm đặc sản của các địa phương. Khi đó, huyện Con Cuông với mong muốn có được những sản phẩm đặc hữu có chất lượng và giá trị kinh tế cao gắn với vùng sinh quyển Pù Mát, nên hướng tới sản phẩm dược liệu. Quá trình phôi thai dự án, huyện nhận thấy việc xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu gắn với chế biến để tạo dựng sản phẩm có rất nhiều khó khăn. Nếu là người dân thì khó lòng thực hiện nổi.
Thời điểm này, Phan Xuân Diện – Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát, đang là Phó Trưởng phòng NN&PTNT. Nhận thấy Diện là người có chuyên môn, lại tâm huyết, nên huyện đã giao anh đảm nhận thực hiện dự án này. Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, Diện đã vay vốn để song song thực hiện hệ thống vườn ươm, vườn nguyên liệu và nhà máy chế biến. Sau 5 năm, Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã có bước phát triển tốt, sản xuất được một số sản phẩm mũi nhọn như trà túi lọc, cao, trà hòa tan Cà gai leo, Dây thìa canh… đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Riêng huyện Con Cuông, đến nay đánh giá cao những kết quả Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã gặt hái được. Điều mừng hơn, là Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã tạo dựng được mối quan hệ gắn kết với người dân ở nhiều thôn, bản vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát để mở rộng vùng nguyên liệu, đạt được mục tiêu mà huyện Con Cuông hướng đến khi xây dựng đề án phát triển cây dược liệu.
“Vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát có điều kiện lý tưởng về thổ nhưỡng, đất đai để trồng các loại cây dược liệu. Việc trồng và chăm sóc cây dược liệu khá đơn giản, phù hợp với khả năng của người dân trên địa bàn. Cây dược liệu cho thu nhập vượt trội so với một số cây trồng. Thế nên, căn cứ các chính sách của Nhà nước, huyện đang có những hỗ trợ Công ty CP Dược liệu Pù Mát mở rộng vùng nguyên liệu. Để qua đó, có thêm nhiều hộ dân được tham gia trồng cây dược liệu…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Đình Việt trao đổi.
Đến nay, Công ty CP Dược liệu Pù Mát của Phan Xuân Diện đã nghiên cứu, sản xuất 7 loại sản phẩm, gồm: trà túi lọc Cà gai leo, Dây thìa canh, Giảo cổ lam; cao Cà gai leo, Dây thìa canh; trà hòa tan Cà gai leo, Dây thìa canh. 7 sản phẩm này đều đạt chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh. Trong đó, hai sản phẩm trà hòa tan Cà gai leo, Dây thìa canh vừa mới ra mắt năm 2021 được Hội đồng OCOP cấp tỉnh định hướng phát triển để công nhận sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2022. Về thị trường, các sản phẩm của Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã vượt xa khỏi phạm vi địa bàn tỉnh, được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Ở những cuộc xúc tiến thương mại tầm cỡ quốc gia, trong số các sản phẩm của Nghệ An, luôn có sản phẩm của Công ty CP Dược liệu Pù Mát. Như tại Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội vừa mới diễn ra ngày 16/12/2021, trong 29 sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Nghệ An tham gia trưng bày, Công ty CP Dược liệu Pù Mát có đến 5 sản phẩm.
Có thể nói, kết quả đạt được của Công ty CP Dược liệu Pù Mát là điều không phải bàn cãi. Nhưng điều ít người biết, để có những kết quả đó, Giám đốc Phan Xuân Diện đã nếm trải không ít những cay cực, gian khó. Diện sinh năm 1977, quê xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội năm 2000, Diện tham gia đội tri thức trẻ ở Đắc Lắc một thời gian, đến 2004 mới nhận công tác tại Phòng NN&PTNT huyện Con Cuông. Sau 9 năm phấn đấu, năm 2013 Diện được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng, đảm trách Chánh văn phòng Nông thôn mới. Đầu năm 2016, từ ý chí, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, Diện đã chắp bút viết Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Con Cuông.
Bản thảo của dự án, bám sát chủ trương của tỉnh trong việc phát huy các thế mạnh, tiềm năng của miền Tây Nghệ An nói chung, vùng sinh quyển Pù Mát nói riêng để phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao, từ đó sản xuất các sản phẩm dược liệu. Với mục tiêu vừa chế biến dược liệu làm thuốc đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, đồng thời hình thành được các vùng nguyên liệu dược liệu, chuyển đổi được cơ cấu cây trồng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo… Chính vì vậy, dự án đã lần lượt được các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, hỗ trợ kinh phí thực hiện trong 2 năm, từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2018.
Phan Xuân Diện được giao làm Chủ nhiệm dự án, đơn vị chủ trì thực hiện là Công ty CP Dịch vụ KH-CN Thành An. Quá trình xây dựng vườn ươm giống, vùng nguyên liệu, thực hiện quy trình chế biến đều có những cái khó; nhưng khó nhất là công đoạn tiêu thụ sản phẩm. Những sản phẩm 3 loại trà túi lọc cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam đều được công nhận về chất lượng ngay từ khi ra đời, thế nhưng việc tiêu thụ hết sức ảm đạm. Diện cùng các công sự đã tổn hao nhiều trí lực nhưng kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc, chi trả nhân công lao động…, đến hết năm 2016, bản thân Diện đã phải vay mượn với số tiền hàng tỷ đồng. Thế nên đầu năm 2017, Diện nghĩ đến việc rời cơ quan nhà nước để toàn tâm toàn ý thực hiện dự án. Khi nói ra suy nghĩ này, người thân, bè bạn, đồng nghiệp đều cho đây là suy nghĩ tiêu cực, khuyên Diện suy nghĩ lại. Sau nhiều đêm trằn trọc, Diện nhìn nhận đã ở thế “cưỡi lưng hổ”, nếu vẫn “chân trong, chân ngoài” thì không việc nào có kết quả tốt. Vì vậy đến giữa năm 2017, đã nộp đơn xin thôi việc. Hiểu nỗi khổ tâm của Diện, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã để anh chàng Phó phòng có thêm thời gian suy nghĩ. Đến đầu năm 2018, thì mới chấp thuận để Diện nghỉ việc. Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã ra đời ở thời điểm này.
Phan Xuân Diện kể, Công ty CP Dược liệu Pù Mát thực sự có những thay đổi từ tham gia chương trình OCOP. Đó là năm 2019, khi 3 sản phẩm trà túi lọc cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam được huyện chọn tham gia thi và được công nhận đạt chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh. Từ đây, sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Đồng thời, Công ty được hưởng chính sách từ chương trình OCOP (Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh quy định về một số chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh); được thực hiện Dự án liên kết trồng cây dược liệu do Chi cục Phát triển nông thôn quản lý.
Trong những cán bộ thường dõi theo, động viên Phan Xuân Diện có Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành. Trong một lần trao đổi, tôi đã hỏi ông: Từ khá lâu rồi, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp lớn quan tâm đến cây dược liệu, nhưng sao họ chưa có kết quả gì cụ thể như đơn vị của Diện? Theo ông Trần Quốc Thành, lý do vì doanh nghiệp khởi nghiệp như đơn vị của Diện, bắt nguồn từ sự đam mê. Rồi ông nói: “Trong một khu rừng, không chỉ có đại bàng mà có cả chim sẻ. Để phát triển ngành dược liệu, không chỉ cần đại bàng, mà rất cần chim sẻ. Loại hình doanh nghiệp bản địa như Công ty CP Dược liệu Pù Mát như những chú chim sẻ, rất đáng quý. Vì chỉ có doanh nghiệp bản địa thì mới dễ dàng gắn kết được với dân để tạo dựng được vùng nguyên liệu mà Nhà nước không phải thực hiện thu hồi đất…”. Giám đốc Sở KH&CN cũng cho hay, Công ty CP Dược liệu Pù Mát đang tham gia mô hình doanh nghiệp trong Hợp tác xã. Ở đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, có trách nhiệm cung ứng giống, nguyên liệu phân bón, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên là hộ gia đình có quỹ đất, có nhân lực lao động. “Công ty CP Dược liệu Pù Mát vẫn chưa qua giai đoạn khởi nghiệp, còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Nhưng tôi tin Diện sẽ thành công…”, ông Trần Quốc Thành trao đổi.
Theo Phan Xuân Diện, những đánh giá của Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành rất sát với tình hình của Công ty CP Dược liệu Pù Mát. Bản thân Diện, cũng xác định sẽ còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Anh nói về ý định trong tương lai: “Em xác định sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng đạt chuẩn GMP. Sản phẩm của nhà máy vẫn bám sát tính đặc thù của địa phương để tạo được sự khác biệt. Vì vậy, sẽ hướng đến mở rộng vùng nguyên liệu không chỉ ở Con Cuông mà cả những khu vực vùng cao có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự khu sinh quyển Pù Mát. Thông qua đó, vừa phát triển công ty thì hoàn thành nhiệm vụ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thêm thu nhập cho nhân dân như mục tiêu của dự án năm 2016…”.
Tôi biết Phan Xuân Diện từ khá lâu, năm 2013, khi anh là Chánh văn phòng Nông thôn mới huyện Con Cuông, thường dẫn dắt các tri thức trẻ 30 về các xã thực hiện mô hình kinh tế. Cũng được Diện tâm tư trước khi anh đưa ra quyết định rời cơ quan nhà nước để toàn tâm toàn ý thực hiện dự án trồng dược liệu. Biết về những ngày anh là Giám đốc kiêm nhân viên maketting đi gõ cửa từng quầy hàng dược để giới thiệu sản phẩm… Và đã vui mỗi khi nghe Công ty CP Dược liệu Pù Mát được xướng tên trong các cuộc thi, mỗi lần thấy Phan Xuân Diện đứng trên bục danh dự. Mừng với những gì Phan Xuân Diện đã làm được…!